Con đường chuyển hóa

Tu hành có nhiều hình thức và trình độ, tựu chung người ta thường phân chia ra hai loại: tu phước và tu huệ. Tu phước là làm phước, bố thí cúng chùa, công quả, giúp đỡ tha nhân. Tu huệ là nghiên cứu kinh điển, học hỏi giáo lý, thiền định và quán chiếu. Phước và huệ đều cần thiết cho người tu nhưng chúng ta nên nhớ Đạo Phật là đạo cứu khổ, đức Phật chỉ dạy về khổ và con đường diệt khổ. Do đó nếu tu đúng theo đạo Phật thì phải hưởng được ít nhiều hương vị giải thoát, bớt khổ và hạnh phúc hơn.

Muốn hết khổ chúng ta cần phải nhận diện và hiểu rõ tiến trình của phiền não, của Ý, Tình, Thân hay của vọng tưởng, vọng tình, vọng nghiệp, và tìm cách chuyển hóa chúng.

Trong kinh Lăng Nghiêm có kể chuyện anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa, một hôm soi gương thấy mặt mình hiện trong gương, rồi bỗng suy nghĩ cho là mình mất đầu (vọng tưởng), đâm ra hốt hoảng (vọng tình), chạy khắp nơi đi tìm cái đầu (vọng nghiệp).

Anh Ba là người bạn thân của tôi hồi còn ở Trung Học. Sau khi lập gia đình, chúng tôi ít có dịp gặp lại nhau. Một hôm rảnh rang không đi làm, ngồi nhà suy nghĩ vẩn vơ, tôi chợt nhớ đến anh Ba (tưởng), rồi tự nhiên bao nhiêu kỷ niệm vui buồn xa xưa trào lên (tình), và tôi cảm thấy thèm gặp lại người bạn cũ hết sức, thế là tôi đứng dậy cầm điện thoại gọi anh Ba tới chơi (nghiệp).

Tiến trình chuyển hóa

Trong quá trình hành đạo, tôi thấy nhiều phật tử đến chùa kể lể nỗi khổ của mình và mong được thầy hay cô chỉ dạy cách tu. Nhưng phần đông những câu trả lời đều tương tựa như sau :

- ráng về tụng kinh, niệm phật nhiều sẽ hết khổ.

- chịu khó nhẫn nhục chịu đựng để trả nghiệp.

- tập ngồi thiền hoặc trì chú thì sẽ bớt khổ.

- nên đi chùa công quả làm phước thì nghiệp mau hết.

- v.v...

Và ít có ai để ý tới nguyên nhân của khổ, ai cũng đầy thiện chí đưa ra một viên thuốc trị bá bệnh. Người phật tử nghe lời làm theo nhưng không thấy thuyên giảm:

- con niệm Phật nhiều nhưng còn buồn giận hoài.

- con siêng năng tụng kinh nhưng sao cứ nhớ tới người chồng phụ bạc.

- con ngồi thiền đều đặn nhưng trong tâm vẫn nơm nớp lo sợ đủ thứ chuyện.

- v.v...

Người tu pháp môn Niệm Phật là để cầu về Cực Lạc chứ đâu nhằm mục đích chuyển hóa buồn giận. Đức Phật A Di Đà đâu có nói niệm danh hiệu của ta thì sẽ hết giận hết buồn mà ngài nói người nào chăm niệm danh hiệu của ngài thì lâm chung ngài sẽ đến tiếp độ về Cực Lạc. Tụng kinh nhiều mà còn sân hận là vì người này chỉ lo tu tụng chứ đâu có tu sửa, kinh Phật là để học để hiểu rồi áp dụng tu tâm sửa tánh, thoát ly chấp trước sân hận. Ngồi thiền là trở về tiếp xúc với thân tâm mình, thấy được niềm đau nỗi khổ để chuyển hóa chứ không phải chạy trốn vào một cảnh giới khác.

Trong bài sám Tịnh Độ của Nghi Thức Tụng Niệm có câu: "chúng con khổ, nguyền xin cứu khổ, chúng con khổ, nguyền xin tự độ". Theo Tứ Diệu Đế thì ta phải biết rõ về Khổ, rồi tìm nguyên nhân của Khổ, sau đó mới nói đến chuyện cứu khổ hay diệt khổ.

Sau đây là sáu giai đoạn chuyển hóa phiền não :

1) Nhận diện và ghi ra những tánh (xấu) thường gây cho mình khổ đau.

2) Lựa ra tánh (xấu) hay làm phiền mình nhất và quyết tâm sửa tánh (xấu) này trước.

3) Truy tìm vọng tưởng (ý nghĩ) nào đã đưa đến tánh xấu đó.

4) Chuyển Ý: thay thế tư tưởng sai lầm cũ (vọng tưởng), bằng tư tưởng mới.

5) Chuyển Tình: tập phát triển tình cảm, đức tính mới, ngược lại với tánh xấu cũ.

6) Chuyển Thân: thực hiện những lời nói, cử chỉ, hành động tương ưng với Ý tưởng mới.

1) Nhận diện và ghi ra những tánh xấu

Tánh xấu ở đây có nghĩa là những tư tưởng, vọng tình, tập khí làm cho ta phiền não đau khổ. Muốn nhận diện được chúng thì cần phải có chánh niệm. Chánh niệm là tỉnh giác ghi nhận những gì đang xảy ra trong hiện tại, ngay nơi thân tâm mình, bây giờ và ở đây. Chánh niệm (samma-sati) tương đương với Như thật kiến (yathabhutadassana) tức sự vật như thế nào thì thấy đúng như thế nấy, không phê phán hay thêm bớt, cách nói hiện đại theo Tây Phương là "thấy sự vật như chúng là" (see things as they are, voir les choses comme elles sont).

Thí dụ khi thấy trời mưa thì ta nói trời mưa, đó là chánh niệm. Còn thấy trời mưa mà nói là trời xấu thì không phải chánh niệm, vì có sự phân biệt tốt xấu xen vào nên không còn là ghi nhận đúng như thật nữa.

Thí dụ khác: vào chùa tôi thấy anh Tư đang nói chuyện lớn tiếng với bà con cô bác. Nếu ghi nhận anh Tư đang nói lớn tiếng, đó là chánh niệm. Còn nếu ghi nhận anh Tư là người thô lỗ thì đó là phê phán, không phải chánh niệm.

Có thấy rõ và ghi nhận những gì đang xảy ra nơi thân tâm mình thì mới tu sửa được. Nói tu mà khi sân không biết mình sân, buồn không biết mình buồn, kiêu mạn không biết mình kiêu mạn, v.v... thì làm sao tu sửa được?

Nếu không có thời giờ tu tập thiền quán mỗi ngày, ta có thể ghi ra giấy hoặc ghi vào một cuốn sổ tay, ghi như vậy để thấy rõ hơn. Chúng ta lo ghi chép sổ sách tiền bạc, công việc làm ăn buôn bán, v.v... nhưng việc trọng đại hạnh phúc của đời mình thì lại bỏ quên.

Trong ngày có rất nhiều tâm tưởng, tánh tình, tập khí khởi lên không ngừng, cái này chưa đi thì cái kia đã tới. Vừa vui được hai phút thì sau đó lại giận, hết giận đến buồn, hết buồn thì lo, hết lo đến sợ, v.v... Mỗi khi có tâm trạng buồn phiền, khó chịu, ta phải tập nhận diện ngay.

Ta không thể ghi chép hết những vọng tưởng và vọng tình khởi lên trong ngày, nhưng có thể ghi lại những tư tưởng hay vọng tình nào thường khởi lên và làm phiền ta nhiều nhất.

Thí dụ những tánh xấu sau đây thường khởi lên trong tôi:

Tham lam, giận hờn, ganh tị, kiêu căng, khinh người, thích chê bai kẻ khác, khoe khoang, ích kỷ, cố chấp, lười biếng, độc tài, nói nhiều, nhút nhát, cứng đầu, hay lo, nóng nảy, hay khóc, tủi thân, đa nghi, mặc cảm, v.v...

Bài tập :

- Tìm và ghi ra 5 tánh xấu nơi mình. Nếu tìm không ra thì có thể nhờ người quen (như anh em, bạn bè) chỉ giúp.

- Tìm và ghi ra 5 tánh tốt nơi mình. Cái này tập cho ta tìm lại chủng tử tốt sẵn có của mình để phát triển sau này.

- Ghi ra 5 tánh xấu mà mình ghét nhất nơi kẻ khác. Ghi ra như vậy để tránh đừng phạm vào những lỗi đó chứ không phải để chỉ trích hoặc tăng lòng thù ghét.

- Ghi ra 5 tánh tốt mà mình thích nhất nơi kẻ khác. Cái này tập cho ta nhìn thấy điều tốt nơi kẻ khác. Và nếu những tánh tốt này mình chưa có thì tập phát triển chúng.

2) Lựa ra một tánh xấu để sửa

Trong những tánh xấu nêu ở trên, thí dụ cái tánh hay nóng giận làm tôi khó chịu, khổ sở nhất nên tôi muốn sửa nó trước. Vì nó mà tôi ăn không ngon, ngủ không yên, trong lòng bức rức, không thích giao thiệp với ai, vì hễ ai mà nói trái ý là tôi nổi giận liền. Thấy mặt ai cũng khó ưa và nghi ngờ người ta nói xấu tôi, lường gạt tôi, hãm hại tôi, v.v...

Thông thường chúng ta có nhiều tánh xấu, nhưng tất cả đều liên quan với nhau vì thế nếu sửa một tánh xấu (cầm đầu, mạnh nhất) thì những tánh xấu kia sẽ tự nhiên tiêu giảm. Sau khi biết cách chuyển hóa một tánh rồi thì sẽ dễ tu sửa những tánh khác.

Tu sửa không có nghĩa là đè nén (refouler, repress) như đa số thường làm một cách vô ý thức, họ cho rằng tu thì không được như thế này, không được như thế kia. Khi tôi nổi giận, bạn bảo tôi đừng giận nữa! Người tu không nên nổi giận. Nghe như thế tôi bèn nén giận, dằn xuống và nuốt vào bên trong. Mỗi khi nổi giận, tôi không cho cơn giận hiện ra mặt để bạn khỏi thấy, nhưng cái giận đó vẫn còn và nằm ngay nơi cổ họng làm tôi nghẹn ngào nói không ra lời, hoặc nằm trong lồng ngực làm tôi khó thở. Cứ thế mỗi lần nổi giận là tôi lại nuốt nó vào trong và bên ngoài thì giả bộ mỉm cười tỉnh bơ, lâu ngày cái giận đóng thành một cục bên trong gọi là nội kết. Người Pháp mỗi khi bực mình chuyện gì mà phải nén lại thì họ thường nói: tôi có những cục nghẹn (j'ai les boules). Nghe buồn cười nhưng rất chính xác!

Tu hành hay tu sửa không phải là đè nén, che đậy, nuốt vào những giận hờn, lo âu, buồn phiền, v.v... để nó đóng thành cục bên trong lâu ngày sinh bệnh, mà là làm sao cho cái giận đó tan biến đi và trong tương lai không còn nổi giận nữa hoặc nếu có thì giận vừa khởi liền tan biến tức khắc.

Trong tất cả phiền não, nóng giận (sân) là tánh xấu nguy hại nhất, nó thiêu đốt thân tâm và thiêu đốt luôn bao nhiêu công đức. Vì không tự chủ và điều khiển được nóng giận mà người ta chửi mắng nhau, thù ghét nhau rồi chém giết nhau. Bao nhiêu đau khổ chiến tranh trên đời này đều bắt nguồn từ cái giận. Vì thế người tu phải cố gắng sửa và chuyển hóa cái giận.

HT Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “11. Con Đường Chuyển Hóa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com