Cá và rùa cùng sống trong một ao nhỏ. Một hôm rùa từ giã cá để lên đường phiêu lưu thám hiểm nơi khác. Sau ba tháng rùa trở về ao cũ. Gặp lại rùa, cá mừng rỡ hỏi: 


- Sau ba tháng anh đi những đâu kể cho tôi nghe với.

- Tôi đi du lịch trên mặt đất. Rùa đáp.

- Mặt đất là gì hả anh rùa?

- Mặt đất là nơi bằng phẳng và cứng chắc.

- Mặt đất có giống cái ao của mình không? Cá hỏi.

- Mặt đất không giống cái ao của mình chút nào.

- Thế trên mặt đất tôi có thể bơi lội được không?

- Anh không thể bơi lội trên mặt đất.

- Tôi có thể thở trên mặt đất được không?

- Anh không thể thở trên mặt đất.

- Mặt đất có trong như ao này không?

- Không trong như ao.

- Trên mặt đất có các loài thủy tộc khác như tôm, tép, cua, không?

- Không có các loài đó.

Tới đây cá vênh vang tự đắc nói:

- Nãy giờ tôi hỏi cái gì anh cũng nói là không hết, như vậy thì mặt đất của anh không có, chỉ là chuyện bịa.

- Nếu ngày nào có ai giỏi hơn tôi, làm cho anh hiểu được thế nào là mặt đất thì ngày đó anh sẽ nhận ra mình chỉ là con cá ngu, thiển cận và cố chấp.

Rùa sống ở dưới nước nhưng có chân và đi được trên mặt đất, còn cá chỉ sống ở dưới nước mà không thể sống trên đất. Khi nghe rùa nói về đất, cá không thể tưởng tượng ra nổi vì kiến thức của nó bị hạn chế trong thế giới ao hồ nhỏ bé. Tương tự như vậy, Phật Thích Ca xuất thân ở thế giới loài người nhưng biết và giới thiệu cho chúng ta cảnh giới Tịnh Độ của chư Phật, nếu ta dùng kiến thức của loài người để lý luận chối bỏ thế giới Tịnh Độ thì có khác nào con cá trên.

Cực Lạc là một thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà. Danh từ Cực Lạc (Sukhavati) nếu Phật Thích Ca không nói thì làm sao ta có thể biết được?

Trong không gian vũ trụ (univers) có hàng triệu ngân hà (galaxie), mỗi ngân hà là một nhóm gồm hàng triệu tỷ ngôi sao. Mỗi ngôi sao lại có những hành tinh nhỏ bay quanh tạo thành một Thái dương hệ. Trái đất mà chúng ta đang ở chỉ là một hành tinh rất nhỏ quay chung quanh một ngôi sao lớn là mặt trời. Gần trái đất có những hành tinh quen thuộc như Mars (Hỏa tinh), Vénus (Kim tinh), Jupiter (Mộc tinh), Mercure[41] (Thủy tinh), Saturne (Thổ tinh), Uranus (Thiên vương tinh), Pluton (Diêm vương tinh), Neptune (Hải vương tinh), và những chòm sao (constellation) lớn như Andromèdre (Tiên nữ), Orion (Thiên lang), Pégase (Phi mã), v.v... nếu không có kính viễn vọng, không được nghe các khoa học gia, thiên văn gia nói đến thì làm sao ta biết nổi. Ngay cả một thường dân ở Paris hoặc New York nhiều khi chưa bao giờ được nghe thấy tên những hành tinh này huống chi một dân quê sống ở Cà Mau hay miền thượng du bắc việt! Thử tưởng tượng bạn đến nói với họ là phi thuyền Hoa Kỳ đã bay tới mặt trăng, Hỏa tinh và Kim tinh thì họ sẽ nghĩ sao?

Tự lực, tha lực

Thiền chủ trương tự lực, còn Tịnh Độ chủ trương tha lực, nhưng xét cho kỹ thì không có cái nào hoàn toàn tự lực hay hoàn toàn tha lực hết. Trong tự có tha, trong tha có tự, chỉ có tự nhiều tha ít, hay tự ít tha nhiều. Tự lực là nương vào sức của mình, tha lực là nương vào sức của người khác hay bên ngoài. Khi tu thiền bạn có phải nương vào một Thiền sư không? Nếu có thì đó là tha lực rồi! Ngay cả chư tổ Thiền thuở xưa cũng phải đi hành cước tìm thầy khai ngộ chứ một mình ngồi thiền làm sao giác ngộ? Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên nếu không gặp Phật thì làm sao chứng quả A La Hán? Nếu nghĩ tự lực mà có thể giác ngộ thì đó là ảo tưởng, vì tự lực của mình phần nhiều là nghiệp lực, mà nghiệp lực thì dẫn đi luân hồi chứ làm sao giải thoát! Người tu Thiền vẫn cần nương vào thầy, bạn, kinh sách, Tam Bảo, đàn na tín thí, như vậy đâu phải hoàn toàn tự lực.

Người tu Tịnh Độ nương vào tha lực của Phật A Di Đà tiếp dẫn về Cực Lạc, nhưng nếu lúc sống không tu tập, không làm lành lánh dữ, không niệm Phật tụng kinh, lễ bái, sám hối, làm phước thì khi chết nghiệp dữ lôi kéo đâu còn biết Phật là ai thì làm sao Phật tiếp dẫn? Nếu ỷ nương vào tha lực mà không có một chút tự lực tu hành thì Phật làm sao cứu? Phật đưa tay cứu độ thì ta cũng phải biết vói tay nắm lấy thì Phật mới kéo ta lên được.

Người khôn biết kết hợp tự lực và tha lực thì việc tu hành chắc chắn, không nên quá khích tự lực hoặc ỷ lại tha lực.

Giữa nước Pháp và nước Anh là biển Manche, có một eo biển rất ngắn khoảng trên 30 cây số giữa tỉnh Calais (Pháp) và tỉnh Dover (Anh). Lâu lâu có những người mạo hiểm muốn thử sức mình, tự bơi qua biển, nhưng khi bơi họ cho một chiếc thuyền đi theo để lỡ khi họ đuối sức hoặc bị chuột rút thì người trên thuyền lập tức vớt họ lên. Phần đông đều bơi tới bờ bên kia vì họ đã tập dợt kỹ càng rồi. Đây là tự lực mà vẫn phòng hờ tha lực giúp đỡ. Khi biết có tha lực giúp đỡ thì tự lực sẽ tăng trưởng.

Tương tự như vậy, tu Thiền để vượt qua sông sinh tử, nếu tin vào sức mình thì bạn sẽ tự bơi hoặc tự chèo không cần ai giúp, nhưng gặp đường sức yếu thì bạn nên biết cầu cứu đến tha lực của chư Phật, Bồ Tát. Nhất là theo Đại Thừa, chúng ta biết chư Phật, Bồ Tát nhiều vô số, các ngài luôn luôn thị hiện cứu giúp chúng sinh dưới mọi phương tiện và hình thức. Nương tha lực cũng giống như thuyền buồm ra khơi nương theo gió mà đi.

Nếu tu Tịnh Độ mà cần qua sông chắc bạn sẽ nhảy ngay lên thuyền để khỏi mất công bơi lội cho mệt, nhưng bạn quên một điều là cái gì cũng có giá của nó. Muốn lên thuyền thì bạn phải có tiền mua vé tàu, hoặc là bà con với người chủ tàu. Muốn về Cực Lạc cũng phải hội đủ điều kiện tín, nguyện, hạnh, tu tâm sửa tánh, tích tụ phước huệ, xa lìa ái dục thế gian.

Một thuyền, hai thuyền


Có người nói: "Vừa tu Thiền vừa tu Tịnh có khác nào một người muốn qua sông mà mỗi chân đứng trên một chiếc ghe (thuyền) và cho hai ghe cùng chạy, đi như vậy rất nguy hiểm". Câu này mới nghe qua thật có lý, vì muốn qua sông mà đứng một chân thuyền này, một chân thuyền khác thế nào cũng té, tốt hơn là đứng trên một thuyền. Nhưng nếu thuyền mình đang đi nửa đường bị lủng đáy hoặc gẫy buồm gẫy lái thì sao?

Hàng năm ở Âu Châu có tổ chức những cuộc đua thuyền vòng quanh thế giới, trong số đó có những loại thuyền đôi (catamaran), một loại thuyền buồm được làm bằng hai chiếc thuyền nhỏ ghép lại, và thuyền ba thân (trimaran), được làm bằng ba chiếc thuyền nhỏ ghép lại. Phần lớn những thuyền loại này đều thắng giải vì nó chắc và đi nhanh hơn loại thuyền đơn (monocoque). Đi hai thuyền cùng một lúc không có chướng ngại gì nếu cả hai được kết hợp với nhau để cùng đi về một hướng.

Mùa đông ở Âu Mỹ người ta thường đi trượt tuyết (ski), ban đầu phải đi với hai cây ski, khi đi giỏi thì có thể chuyển sang đi một cây ski (monoski).

Nếu cần di chuyển trên xa lộ thì bạn sẽ lựa xe gắn máy hai bánh hay xe hơi bốn bánh?

Xe hai bánh dễ đi hơn xe một bánh, xe ba bánh vững hơn xe hai bánh và xe bốn bánh thì an toàn hơn xe ba bánh.

Nêu ra những thí dụ trên để thấy rằng vấn đề không phải ở chỗ một thuyền (ghe) hay hai thuyền, xe hai bánh hay bốn bánh. Vấn đề là ta có biết phối hợp một cách thông minh những phương tiện khác nhau để đạt mục đích hay không?

Giáo lý căn bản có nói đến 37 phẩm trợ đạo, tức là 37 phương pháp trợ giúp cho hành giả trên đường tu đạo, đó là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Chánh Đạo. Ta có thể tu theo một hay nhiều phẩm đều tốt vì cái nào cũng hỗ trợ cho nhau. Bồ tát đạo có lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Đâu thể nói nếu tu bố thí thì chỉ lo bố thí thôi, không nên tu trì giới hay thiền định. Bồ tát tu hành lục độ giống như đi một thuyền mà có sáu máy. Thay vì xem Thiền và Tịnh là hai thuyền (ghe) riêng biệt, sao ta không xem Thiền và Tịnh là hai máy của cùng một thuyền? Ở Việt Nam Hòa thượng Thanh Từ chủ trương "Thiền Giáo đồng hành" tức vừa dạy Thiền vừa dạy Kinh, như vậy "Thiền Tịnh đồng hành", hay "Thiền Tịnh Mật đồng hành" đâu có gì trở ngại.

Khi tu hai ba cái cùng lúc, ta có thể lựa một pháp môn chính (chánh tu), và lấy những cái kia làm phụ (trợ tu hay trợ đạo).

Thiền Tịnh

Nếu bạn đang tu Thiền mà muốn thêm Tịnh Độ thì cứ tiếp tục tu Thiền, chỉ cần khi xả thiền thì phát nguyện và hồi hướng cầu về Cực Lạc để được gần Phật nghe pháp. Chánh tu là Thiền, trợ tu là Tịnh Độ. Ở Ta Bà có Thầy nào hay Thiền Sư nào giỏi hơn Phật? Có thiền viện nào, tăng thân nào, y báo nào tốt hơn cảnh giới của Phật? Thiền mà thêm Tịnh chỉ có lời chứ không có lỗ, như Tổ Vĩnh Minh[42] đã nói: "Hữu Thiền hữu Tịnh Độ du như đới giác hổ", có Thiền có Tịnh Độ giống như cọp thêm sừng.

Tịnh Thiền

Nếu bạn đang tu Tịnh Độ cầu sanh về Cực Lạc, đây là một điều rất tốt nhưng nên nhớ hiện giờ bạn hãy còn ở Ta Bà, hàng ngày vẫn phải đối diện với phiền não khổ đau của cuộc đời. Bạn có biết cách nào đối phó với phiền não không hay chỉ niệm Phật A Di Đà là đủ? Phật Thích Ca tu hành ba A tăng kỳ kiếp, làm những hạnh khó làm như bố thí đầu, mắt, tay, chân, vợ con, v.v... chứng thành đạo quả để lại cho chúng ta bao nhiêu giáo lý mà ta lơ là không học, chỉ bằng lòng với câu niệm Phật, đó không phải cô phụ công ơn của Phật Thích Ca hay sao? Chưa kể niệm Phật mà không biết tu hành làm phước, xa lìa ái dục thì cũng khó về Cực Lạc, không phải Phật Di Đà không rước mà vì chính ta không chịu đi.

Sau đây là câu chuyện về Thangtong Gyelpo, một đạo sư Tây Tạng nổi tiếng về pháp môn Powa, tống thần thức của người hấp hối về thẳng cõi Cực Lạc (Déwatchen, tạng ngữ). Người nào vừa chết hoặc đang hấp hối mà thỉnh được ngài đến thì coi như chắc chắn vãng sinh. Hôm đó ngài đến một làng nọ triệu tập dân chúng lại và tuyên bố: Hôm nay là ngày lành tháng tốt, ai muốn về Cực Lạc ta sẽ giúp cho. Nói xong ngài nhìn khắp mọi người nhưng không thấy ai trả lời, trong khi đó ngày thường họ không ngần ngại băng rừng lội suối tìm ngài để cầu siêu cho thân nhân. Thấy lạ, ngài mới hỏi từng người. Chỉ vào một thanh niên trẻ, ngài hỏi: Chú không muốn về Cực Lạc à? Thanh niên trả lời: Thưa ngài con muốn lắm nhưng còn mẹ già nên không nỡ bỏ đi. Chỉ vào một đàn ông trung niên: Anh có muốn về Cực Lạc không? Anh này đáp: Con muốn về nhưng bây giờ còn vợ con nên chưa đi được. Cứ thế ngài hỏi hết mọi người đang có mặt ở đó, người nào cũng từ chối chưa muốn về Cực Lạc bây giờ vì đủ mọi lý do, nào là còn cha mẹ, còn vợ con, còn ruộng đất, còn thiếu nợ, còn tài sản, v.v... Cuối cùng chỉ có một đứa nhỏ 10 tuổi bằng lòng về Cực Lạc ngay hôm nay, hỏi ra thì nó mồ côi cha mẹ và không còn bà con họ hàng chi hết. Thangtong Gyelpo giữ lời, nói đứa bé ngồi xếp bằng rồi ngài dùng định lực tống thần thức của nó về thẳng Cực Lạc.

Câu chuyện này cho ta thấy gì? Ngày thường ai cũng nói tôi tin Phật A Di Đà và quyết tâm cầu về Cực Lạc, nhưng khi Phật đến rước thì không chịu đi. Vì sao vậy? Vì bị nghiệp ái trói buộc! Tu Tịnh Độ mà không xa lìa ham muốn, yêu ghét, luyến tiếc tài sản thì khi chết Phật Di Đà giữ lời đến rước nhưng ta không đi được vì nghiệp ái quá nặng.

Bởi thế người tu Tịnh Độ vẫn cần phải tu tập như bao nhiêu "Phật tử" khác, tức là làm lành lánh ác, trau dồi phước huệ, tu tập thiền quán làm chủ tâm ý, có định lực xa lìa ái dục, hiện tại được an lạc, nhờ vậy khi chết sẽ có một "cận tử nghiệp" tốt bảo đảm vãng sinh. Những người tu Tịnh Độ thời nay đâu phải là lần đầu tiên mới biết Tịnh Độ. Họ đã gieo duyên và biết Tịnh Độ từ nhiều đời trước nhưng ái nghiệp chưa xả nên kẹt lại Ta Bà. Vì thế chư tổ có câu: "Ái bất trọng bất sinh Ta Bà, niệm bất nhất bất sinh Tịnh Độ".

Tu Tịnh thêm Thiền cách nào? Chia thời khóa ngồi thiền niệm Phật, thân trụ thì tâm mới định, trong lúc ngồi niệm Phật nhiếp tâm chăm chú không để những ý tưởng khác xen vào. Trong ngày nên suy tư quán chiếu về vô thường, khổ, vô ngã để ly tham dục, quán chiếu từ, bi, hỷ, xả để chuyển hóa phiền não.

Nhiều người tu Tịnh Độ cho rằng chỉ cần niệm Phật là đủ, nhưng họ không rõ niệm Phật là gì. Niệm có nghĩa là nhớ nghĩ, niệm Phật là nhớ nghĩ đến Phật. Miệng niệm A Di Đà Phật mà tâm không nhớ nghĩ đến Phật thì đó chỉ là đọc danh hiệu Phật chứ chưa phải là niệm Phật. Miệng đọc tên Phật mà tâm vẫn nhớ nghĩ chuyện đời, vui buồn, ưa ghét, giận hờn, lo sợ làm sao tương ưng với Phật và cảnh giới của Phật? "Niệm bất nhất bất sinh Tịnh Độ", tức là sự nhớ nghĩ đến Phật không chuyên nhất thì không thể sinh Tịnh Độ. Tu Tịnh mà thêm Thiền thì tâm sẽ định, có định thì niệm (nhớ nghĩ) Phật sẽ chuyên nhất, không bị phiền não loạn tưởng, như vậy chắc chắn vãng sinh Cực Lạc. Chánh tu là niệm (nhớ) Phật, trợ tu là thiền (định).

Thiền Tịnh chưa đủ


Tu Thiền có giác ngộ mà chưa chứng ngộ thì chưa giải thoát sinh tử. Tu Tịnh Độ tuy chưa giác ngộ nhưng có thể giải thoát trong một đời nhờ tha lực của Phật A Di Đà. Trên lý thuyết là như vậy nhưng thực tế chưa đủ. Ta hãy nhớ lại châm ngôn tu hành ở trên: Không làm mọi điều ác, gắng làm các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch. Có thể ngay trong đời này ta không làm điều gì ác nhưng ai bảo đảm là ta chưa từng làm ác trong kiếp quá khứ? Ngộ Đạt quốc sư trong kinh Thủy Sám tu hành thanh tịnh 10 kiếp liên tiếp mà còn chưa giải thoát huống chi chúng ta là kẻ tu hành lơ mơ tài tử? Có thể trong lúc ngồi thiền, niệm Phật tâm ý ta được thanh tịnh chốc lát nhưng vì thiếu phước (không làm hạnh lành) ta sẽ gặp đủ chướng ngại như hôn trầm, tán loạn, đau ốm bệnh tật, thiếu ăn, thiếu ở, không ai cúng dường giúp đỡ, công phu bị gián đoạn. 

Nếu không biết lễ Phật, sám hối nghiệp ác quá khứ, không tạo thêm phước hiện tại thì nghiệp chướng (hoặc ma chướng) sẽ phá hoại đường tu, khi chết cận tử nghiệp xấu lấn át khó giải thoát. Do đó dù tu Thiền, tu Tịnh, hay Thiền Tịnh song tu, chúng ta vẫn cần phải thực hành thêm bao nhiêu công hạnh khác như sám hối, lễ Phật, bố thí, cúng dường, trì giới, từ bi hỷ xả, giúp đỡ kẻ khác, trau dồi phước huệ. Mục đích chính của sự tu hành là cầu giải thoát sinh tử, tu Thiền, tu Tịnh mà không xa lìa ái dục, tham đắm thế gian thì có khác nào muốn chèo thuyền qua sông mà dây neo còn buộc vào bờ.

HT Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “19. Tịnh Độ Có Chăng?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com