Mục Lục
Bên cạnh chùa Hòa An, còn có một am lá, vách gỗ tre xây dựng rất công phu đẹp mắt, ra dáng vẽ am thiền thật mộc mạc của vùng sông nước miền Tây nam Việt Nam, đậm nét cổ kính hướng về Tổ đức vãng bối, có Cô Sáu là bậc cao niên đáng kính, mặc áo nâu sòng màu bạc trắng quê mùa. Tuy nhiên, gia đình Cô rất giàu có và chúng tôi gọi Cô là "Cô Sáu bờ hàn".
Gọi "bờ hàn" là vì Am của Cô ở gần con rạch chảy ngang qua làn ranh giữa ấp Mỹ Thạnh và Hòa An, hai bên có trồng dừa ngay hàng thẳng lối khép tán xanh mát. Để đi qua "con rạch", cũng là con đường "xuyên ấp" từ Mỹ Thạnh đi Hòa An, dân làng không bắt cầu, cũng không đặt ống cống, đổ đất đá đắp đường nối đôi bờ, vì người dân sợ Tây ruồng ấp Hòa An, ruồng ấp Mỹ Thạnh. Chẳng những trên bờ mà dưới nước cũng thế, họ sợ "tàu mũi bằng" của Tây đi "bố ráp" theo dòng rạch...nên dùng thân cây dừa, cây mù-u, sữa, cau, cây tạp của nhà vườn bỏ lắp đầy khúc rạch để nối đôi bờ thành lối đi "tạm" gọi là "bờ hàn".
Sau ngày đình chiến 20/7/1954 dân làng dùng đến đá đúc sạn vuông lớn liệng xuống rạch gia cố cho "bờ hàn". Đây còn là cách mở đường tắt đi đến Chợ Gạo, thay vì mỗi khi đi Chợ phải đi đường vòng ba cây số, đằng nầy đường "bờ hàn" chỉ có hai cây số. Lúc nước lớn chảy ngang qua đá "bờ hàn" nghe "ào ào" như tiếng suối chảy chốn "rừng già hoang sơ".
Ý nghĩa của "bờ hàn" là con đường tạm đi băng ngang qua rạch được ngăn bằng cây đá, mà nước của con rạch vẫn tuôn chảy đều qua "bờ hàn".
Cô Sáu phát tâm tu niệm Phật Tịnh độ từ 30 năm qua , Cô có gia đình, có con cháu nhưng các vị đã thành danh, các con xây dựng cho Cô một một am lá, vách tre cao ráo rất xứng đáng với sự báo ân báo hiếu của con cái dành cho Cô và tôn kính sự tu hành của Cô Sáu. Được biết Cô ngày đêm tụng niệm tứ thời, ngoài ra lúc nào đôi tay Cô cũng lần tràng niệm Phật, đi, đứng, nằm, ngồi đều lần tràng niệm Phật trong chốn tịch dương cô liêu tĩnh lặng. Cô nói năng hòa nhã khoan thay, chào hỏi người đến thăm bằng những câu niệm Phật A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, vừa xá người đối diện, thật là điềm đạm, thu hút làm sao đấy. Đức Phật tuy ở tận Ấn Độ, Cô Sáu dù ở xa Ngài, cách xa hằng vạn dặm đường chim bay, và khoảng cách thời gian trên hai ngàn năm rồi nhưng hình ảnh chân dung của Đức Phật và tâm niệm Cô Sáu vẫn không khác mấy, làm cho tôi có sự liên tưởng đây là bậc đã đắc đạo hay sao?
Cho đến hôm nay tôi mới nghĩ lại ở vào thời thơ ấu ấy. Tôi tự hỏi chẳng lẽ Cô Sáu là người của quá khứ theo Phật tu hành đắc đạo, nay tái sanh ở đất Việt, đi theo hạnh nguyện ngàn đời trở lại cõi ta bà để cứu độ muôn loài. Chân dung Đức Phật bỗng chốc ảnh hiện trong tôi, thì ra tôi cũng đang lần tràng niệm Phật, quán tưởng hình ảnh Đức Phật, đang ngồi trên đài sen trong sự tĩnh lặng của mình.
Với hình ảnh nầy tôi nhớ lại, khi còn học ở Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đảo, khóa giáo lý Tịnh độ cơ bản tại Quan Âm Tu Viện năm 1969, được đọc quyển sách Phật Học tinh hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nhà xuất bản Khai Trí ấn hành:"...một ngày nọ Đức Phật đi trì bình khất thực, hành trình đến nơi còn xa quá, nhưng trời đã xế chiều, Ngài ghé một lò gạch có đông người làm công để xin tá túc tạm nghỉ trong đêm. Tại nơi nầy trước đó cũng có một vị Sư trẻ tuổi cũng xin tá túc qua đêm. Tình cờ gặp Đức Phật hỏi, nầy Sa môn trẻ tuổi kia, anh tu hồi nào, ở đâu và Thầy của anh là ai? – Sa môn trẻ tuổi trả lời: Bạch ngài con mới tu, quê quán ở vùng đông bắc Ấn, Thầy của con là Thích Ca Mâu Ni Phật, ông ấy là Thầy của con, vì con tuy ở xa nhưng nghe danh và hạnh lành của Ngài mà phát nguyện tu theo, chứ con chưa gặp được Ngài lần nào! Đức Phật Thích Ca nghe rồi, ngài rất hoan hỷ, một người ở cách xa ta như Sa môn trẻ tuổi nầy chỉ nghe hiệu ta mà vẫn tu được và có tâm chí cao thượng, thật quý báu vô cùng, Đạo của Ta là thế đấy. Ngài hỏi tiếp: nếu anh gặp được Thầy của anh, anh có đảnh lễ không? – Sa môn trẻ tuổi: nếu gặp được tôn sư chắc chắc con sẽ đảnh lễ và xin đi theo hầu hạ ngài. Đức Phật cho biết chính ta là Thích Ca Mâu Ni, Thầy của anh đây.Anh đang mặc áo và tu theo giáo pháp của ta chỉ dạy – Sa môn trẻ tuổi chăm chú nhìn hình ảnh chân dung Đức Phật sao mà nghiêm trang quá, ảnh hiện đức độ từ bi chan chứa lòng khoan dung và từ ái, thể hiện những nét hạnh lành, oai nghi dung mạo đoan trang giản dị, nhưng triêu dương và sống động như thế giới ngàn hoa tươi đẹp. Sa môn trẻ tuổi như hình ảnh rùa một mắt ở giữa biển khơi gặp bộng cây nổi bám víu vào thân cây để sống, Sa môn quỳ sụp lạy Đức Phật và xin nhận Đức Phật là Thầy Bổn sư.
Sa môn trẻ tuổi chính là Asita theo Phật tu hành, ngày đêm tinh tấn đắc quả A La Hán tại tiền, thật cảm động biết bao!
Bạn là hoa, sen hiện hóa thân
Bạn là hương, hương thơm ngọt ngào
Bạn là trăng, sáng trời đêm tối
Là chân dung sắc sắc không không
Bạn là mây, mây màu thiên thanh đó
Bạn là nước, nước biếc của trùng dương
Là gió cuốn đi theo pháp giới bao la
Là chân dung, xanh màu tươi mới
Là hóa thân, tịnh cảnh ngát hương hoa.
Nam mô A Di Đà Phật
HT Thích Giác Quang