Mục Lục
Đức tôn sư khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, để hoằng hóa pháp niệm Phật cho đại chúng tinh chuyên trì niệm, dùng yếu chỉ Tịnh Độ làm tâm tông độ chúng, không lập phái để quản chúng, không dùng giáo quyền để hành đạo, lấy xương minh Tịnh Độ làm cương lĩnh, dùng tứ nhiếp pháp và 37 phẩm trợ đạo mà giáo chúng.
Nên trong quá trình khai đạo tại Non Bồng, Đức Tôn Sư thường xuyên truyền dạy pháp môn Lễ Phật, niệm Phật, Kinh Hành niệm Phật, sám hối ba tháng không nghỉ, trú dạ lục thời tụng kinh…
Kinh hành niệm Phật, Bá Nhựt Trì Danh theo kinh Bát Chu Tam Muội: "…mỗi bước chân trái niệm NAM… bước chân phải niệm MÔ… bước chân trái niệm A… bước chân phải niệm DI… bước chân trái niệm ĐÀ… bước chân phải niệm PHẬT… Cứ như thế mọi người chậm rãi hòa nhịp từng bước đi… Đến ba mươi phút kế tiếp các Liên hữu cùng đứng lại theo thứ lớp niệm Phật, những tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật" – rồi đến ba mươi phút kế tiếp lại quỳ niệm Phật (người lớn tuổi thì ngồi cũng không sao !) và 30 phút sau cùng, trong đó 15 phút tiếp tục ngồi niệm Phật, còn mười lăm phút cuối chuẩn bị thay đổi người niệm Phật trong hai giờ tới… Theo phép niệm Phật thì dù đi kinh hành hay đứng, quỳ, ngồi niệm Phật đều niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mọi người đồng niệm, âm thanh thật hòa điệu, phong cách thật uy nghiêm với những chiếc áo giải thoát, tạo nên dáng vẽ uy nghiêm như tượng vương cho mỗi người con Phật đang tham dự khóa tu.
Người dự niệm Phật bao giờ cũng phải chấp tay, gọi là hiệp chưởng, là phong cách chính của người Phật Tử, cũng là tính cách đặc biệt của người Phật giáo. Theo phong cách hiệp chưởng của Tịnh Độ Non Bồng thì “hai ngón tay cái xếp lên nhau” đấy là phong cách riêng của người Phật Tử Non Bồng biểu hiện: “một niềm tin vững vàng, không lùi bước”, trước những khó khăn gian khổ .
Suốt thời gian ba tháng mười ngày chư Tăng Ni, Phật tử tề tựu luân phiên niệm Phật ngày đêm “hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ”. Khóa tu “Bá nhựt trì danh hiệu Phật” của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thường thì được khai mạc vào lúc 21 giờ ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch hằng năm, đến ngày 17 tháng 11 âm lịch lễ vía Phật A Di Đà thì mãn khóa tu , tức là đúng 100 ngày, nên gọi “Bá nhựt Trì Danh niệm Phật”.
“Bá Nhựt Trì Danh niêm Phật” là phương pháp niệm thể theo lời Phật dạy cho Ngài Bồ Tát Hiền Hộ, trong Kinh Bát Chu Tam Muội.
Phật dạy như sau: “Nầy Hiền Hộ ! Có bốn pháp thành tựu niệm Phật Tam Muội Hiện Tiền : một là không có tư tưởng chúng sanh dù trong khoảnh khắc – hai là thức trọn ba tháng không ngủ, dù là tạm thời đôi chút – ba là kinh hành niệm Phật trọn ba tháng – bốn là trong lúc ăn, bố thí pháp không mong danh lợi, không mong đáp ơn…”. Bốn pháp nầy nếu người tu thành tựu, sẽ đắc Tam Muội Hiện Tiền (kinh Bát Chu Tam Muội, quyển 2, phẩm 3, Tam Muội Hành, trang 113, bản dịch Minh Lễ, phát hành năm 1968 - HT Giác Quang thuyết giảng tại Quan Am Tu Viện năm 2003).
Xuất phát từ lời Phật dạy trên, ngày xưa Ban Giám Đốc Phật Học Viện Lưỡng Xuyên, Trà Vinh - Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Viện Chủ Chùa Chánh Giác, Gia Định và một số Tự Viện có đại chúng tu học đông đã có tổ chức cho chư Tăng Ni, Phật Tử thực hành pháp “Kinh hành Niệm Phật Bát Chu hiện tiền”.
Đến năm 1957, sau khi khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, theo lời thỉnh cầu của Chư Tăng Ni trong tông phong, quý chư Tăng đệ tử của Đức Đại lão Hòa Thượng Pháp Chủ thượng Khánh hạ Anh, quý vị cựu Tăng sinh Phật Học Viện Lưỡng Xuyên, Hòa Thượng Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước lần đầu tiên tổ chức khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh hiệu Phật” tại Tổ Đình Linh Sơn, núi Bồng Lai (Non Bồng) theo cách thức “kinh hành niệm Phật”. Nhưng có chế tác đi, đứng, ngồi, quỳ…bố trí sắp xếp chư Tăng Ni, Phật Tử luân phiên niệm Phật suốt 14 tuần lễ và 48 tiếng đồng hồ, tức 100 ngày .
Phương pháp niệm danh hiệu Phật A Di Đà nầy có thể dẫn tâm hành giả đến “nhất tâm bất loạn”, người phước mỏng nghiệp dầy, chướng sâu tội nặng, nếu tinh chuyên thì cũng có thể chứng được, bất niệm tự niệm, vãng sanh Tây phương Cực lạc.
HT Thích Giác Quang