Mùa đông năm 1959, ngày 18 tháng chạp cũng với chiếc áo “bình tô” mặc trong người, nhưng Ba tôi lại qua đời tại quê nhà. Buổi sáng hôm ấy Ba kêu mệt, ở nhà kêu xe chở Ba về quê Long Trung, Cai Lậy, nơi chôn nhau cắt rún của Ba. Khi đem Ba vào nhà mọi người đều phát tâm niệm Phật, Bà Nội niệm Phật, Cô Hai niệm Phật, Mợ niệm Phật, các Bác cháu của Bà Nội cũng đến niệm Phật đông lắm. Các Bác đều là tu-sĩ Phật, chúng tôi niệm Phật trợ duyên cho Ba cho đến 16 giờ Ba nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng về với Phật.

Ba qui tây, lễ tang xong tôi buồn lắm. Lúc bấy giờ tôi được làm con nuôi của Ông Hiệu Trưởng trường Trung Học Bán Công Chợ Gạo Trương Thành Cảnh, tôi đang học lớp đệ tứ. Thầy dạy phải cố gắng học hành cho đến nơi đến chốn, cháu Phước về nhà Thầy ở luôn đi. Tôi khoanh tay cảm ơn Thầy, nhưng không chịu, vì còn phải phụng thờ Ba vừa qua đời, đi học thì đi học, nhưng không ở nhà Thầy được, đơn chiếc quá, tiệm buôn vắng người làm công, vắng người đứng buôn bán.

Thầy Trương Thành Cảnh, Hiệu trưởng Ttrường Trung học Bán công Chợ Gạo vốn là cán bộ Việt Minh chống Tây, nằm vùng chờ lệnh khởi nghĩa. Năm 1966 Thầy Cảnh vào chiến khu, trực tiếp tham gia Cách mạng chống mỹ. Đến năm 1969 khi thành lập Chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, Thầy làm Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Chính phủ giải phóng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Ngày 30 tháng bảy năm Canh Tý (1960) 14 tuổi tôi quyết tâm xuất gia, vào khoảng 2 giờ sáng tôi trốn nhà, để lại sau lưng bao kỷ niệm vui buồn của tuổi thơ đi tìm Đạo, cầu xuất gia tu hành, giải thoát sanh tử luân hồi cho chính mình và chúng sanh chung. Tôi đi hướng về núi Bồng Lai, Bà Rịa theo Mẹ Trầu, Ông Sáu tu học, cầu tu pháp môn niệm Phật:

Cuộc đời hối hả
Trăm liệu lo toan
Đạo nghĩa vuông tròn
Trăm năm đền trả.
Đâu bằng xuất gia
Bỏ nhà theo Phật
Học đạo lý chơn
Ngàn năm đạo hiếu.
Phật Thích ca xưa
Vì khổ chúng sanh
Tìm ánh đạo vàng
Giúp người hết khổ.
Thông điệp ngày xưa
Lưu đến hôm nay
Giải thoát tam đồ
Cho chúng sanh chung.

Mợ (Kế mẫu):

Sau khi tôi xuất gia đầu Phật được 03 tháng, đang tinh tấn tu hành, tụng kinh niệm Phật, Bà Nội và thân quyến bảo Mợ phải lên núi rước tôi về. Bà Nội, Anh Chị Ba không cho xuất gia theo Phật, bảo phải ở ngoài đời lo liệu cho gia đình, nối dõi dòng tộc. Các Anh Chị nói cũng đúng, vì gia đình chỉ có tôi là trai, nếu tôi đi tu Phật thì xem như kiến họ Đàm không còn ở thế gian nữa.

Thật vậy khi tôi quyết tâm tu hành đến năm 1967, tất cả mọi người trong gia đình đều phát tâm tu theo, phát nguyện ăn chay trường, trong đó có Em Bé Tám (Đàm Thanh Yến), phát nguyện đi tu đến ngày nay là Ni sư Kim Sơn nên đạo nghiệp. Còn Mợ (kế mẫu) tôi cũng phát tâm tu hành trường chay niệm Phật, đến năm 1990 Bà làm Trưởng Gánh dẫn Đạo, nhưng tu theo Phật giáo Tứ ân tại chùa Long Huê, xã Thân Cửu Nghĩa, Bến Tranh. Mợ tu hành rất nghiêm túc cho đến khi quy tây ngày mùng 8 tháng giêng năm Quý Mùi (2003), chị Thanh Hà, Thanh Thủy cũng phát tâm ăn chay trường tu niệm Phật, hằng đêm cùng với bạn bè vào chùa gần nhà tụng kinh bái sám.

Hiện nay trong kiến họ gia phong thờ Mợ tại chùa Long Huê. Tôi tôn vinh Mợ trở thành Cụ Bà Tịnh Tâm Ưu Bà Di Diệu Tại,một tia sáng trong giới cư sĩ phụng sự Phật Pháp. Năm 2012 tôi có ý định thỉnh giác linh Mợ về phụng thờ tại Quan Âm tu viện cho xứng đáng với công đức tu hành của Mợ.

Tuy Mợ là kế mẫu, chuyện Mợ qua đời thân xác gởi ở đâu là việc không quan trọng. Việc hệ trọng là điều chúng tôi muốn nói thật nhiều về Mợ trong bài nầy là vì chúng tôi có nhiều ý tưởng tốt dành cho Mợ từ thuở ấu thơ đến trưởng thành, cho đến khi tôi làm Hòa thượng:

Thứ nhất là nhân duyên Phật pháp: Cụ bà Tịnh Tâm Ưu Bà Di Diệu Tại, thế danh: Nguyễn Thi Hồng Sở là một người nêu được tấm gương trong sáng soi chung cho các thế hệ kế thừa trong giới Ưu Bà Tắc – Ưu Bà Di cũng như các thế hệ kế thừa trong đạo Phật. Cụ bà có một cuộc sống giản dị trong đời tu hành, không xa hoa phung phí với vật chất tiền bạc, tu hành học đạo tinh tấn, không nhàm trễ, không thối chuyển.

Thứ hai là Phước đức: Trong một vài năm cuối cùng trước khi về với cõi Phật vô biên , những người bạn đạo, những người em đạo, những người con cháu thân thương của Bà cố, những Tăng ni đạo hạnh như Đại Đức Thích Thiện Huệ trụ trì chùa Long Huê, Sư cô Thích Nữ Minh Hạnh trụ trì tịnh thất Thắng Phước, những người Phật tử thuần lương cao khiết, có lòng từ tâm hiếu kính, quý trọng nghĩa nhân, thể hiện tinh thần vô ngã vị tha quên mình vì người. Đó là ba Mùi (anh ba Không Quân), Phật tử Lương Thị Nguyệt pháp danh Diệu Nguyệt, Phật tử Trần Văn Tôn pháp danh Thiện Đạo, Phật tử Nguyễn Thị Kim Loan pháp danh Chiếu Anh cũng như quý ông bà, cô bác, anh chị em họ hàng thân thích, thân bằng, quyến thuộc gần xa rất một lòng một mực giúp đỡ Cụ bà trong bối cảnh tu hành bệnh hoạn đau yếu. Cho đến khi thập phần viên mãn, một lòng thương quý Cụ bà như người Mẹ, người Chị, người Huynh trưởng như ngưởi thân ruột thịt. Xin ghi nhận vào sử sách Môn phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng bằng những nghĩa cử cao đẹp của quý vị Tăng ni Phật tử và quý vị thân bằng quyến thuộc, thôn lân đáng kính nêu trên, đã quyện thành một bài thuyết pháp không lời, xứng đáng để cho người đời và các thế hệ kế tiếp học hỏi soi chung.

Thật là một cảnh tao phùng thánh thiện mà tạo hóa đã sắp đặt, an bày cho con người trên đường đời, đường đạo trong họ hàng các kiến họ Đàm, họ Nguyễn, họ Trương, Họ Võ, họ Lê, Họ Trần……

Cao quý thay, hi hữu thay! đối với các huynh đệ, nam nữ Phật tử thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, các tỉnh miền Đông Nam phần, tỉnh Tiền Giang và các tỉnh miền Tây Nam phần Việt Nam.

Cao quý thay phụ nữ Việt Nam
Lành thay thục nữ có tâm lành
Cống hiến cuộc đời cho đạo lý
Thân bằng quý nễ nhớ giác linh
Ra đi trong chính niệm A di
Một sớm tinh sương sử còn ghi
Nêu gương trong sáng soi gương trí
Hạnh tỏa muôn phương chẳng sánh vì.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Chiếc Áo Mùa Đông - Ba Quy Tây - Mợ Kế Mẫu”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com