Tôi được biết gia đình Thanh An là Phật Tử truyền thống kính tin Tam Bảo, gia đình bạn có hai cháu : cháu trai là Minh, cháu gái là Tuệ rất ngoan, biết vâng lời Bố Mẹ, học giỏi, siêng năng. Cháu Minh học lớp Ba, cháu Tuệ học lớp Một. Nhà tôi ở gần nhà Thanh An; được biết Thanh An làm việc tại Phòng Văn Hóa của một Thị trấn quê nhà, vợ Thanh An làm Hiệu Trưởng kiêm luôn Giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Hướng Dương. Đồng lương hằng tháng vợ chồng thu hoạch ở mức độ trung bình - Đối với một gia đình hạng sang thì không đủ chi dụng, nhưng với gia đình trung lưu như Thanh An thì đủ ăn và dưỡng nuôi hai cháu đi học trong thời gian các cháu còn học ở cấp một, hai, hoặc ba. Song nếu tính đến tương lai, khi lên Đại học, thì gia đình Thanh An chỉ tạm đủ để bảo đãm cho các cháu trở thành sinh viên.

Nói gì thì nói, hiện tại tôi biết gia đình bên đó sung túc, các cháu rất yên tâm đi học và vui sống hạnh phúc trong tầm tay Bố Mẹ đỡ nâng .

Chiều nay Thứ Bảy, nhằm vào mùa Trung thu, cũng là mùa có khai mở khóa niệm Phật ở Nhứt Nguyên Bửu Tự (nghe nói chư Tăng Ni, Phật Tử đã quen gọi thời gian nầy là : “mùa niệm Phật”). Tôi có dịp đi cùng bạn và gia đình đến Chùa đăng ký dự vào đoàn niệm Phật. Tôi và Thanh An được bố trí kinh hành niệm Phật từ 18 giờ đến 20 giờ, tôi thích lắm !

Đúng giờ, tôi và vợ chồng Thanh An xin phép quý Sư vào Chính điện lễ Phật, dự vào hàng đại chúng niệm Phật. Đại chúng gồm một đoàn người khoãng 90 vị nam nữ Phật Tử (xếp thành hai vòng tròn, đi kinh hành niệm Phật), thêm vợ chồng Thanh An và tôi nữa là 93 vị, được bốn vị Sư hướng dẫn kinh hành niệm Phật, cộng là 97 vị. Còn cháu Minh và Tuệ được Bố Mẹ sắp xếp ngồi cạnh Đại hồng chung, gần chị Phật Tử đang vừa niệm Phật, vừa đóng Đại hồng chung. Với những âm thanh nhặt khoan của Đại hồng chung ngân vang nghe lạ tai, gây chú ý cho Minh-Tuệ thật thú vị vô cùng. Minh-Tuệ cũng rất dạn dĩ, hoan hỷ khi nhìn Bố Mẹ hòa nhịp vào dòng người “vừa đi vừa chấp tay niệm Phật”, cảm tình với Chị Tâm, một Phật Tử trẻ trung đang ngồi đóng Đại hồng chung; các cháu rất ưng dạ vui lòng, cảm thấy gần gủi và chấp nhận được .

Sau ba mươi phút đầu kinh hành niệm Phật: chúng tôi thực hành đúng theo lời chỉ dạy của đoàn người tu trước: …mỗi bước chân trái niệm NAM… bước chân phải niệm MÔ… bước chân trái niệm A… bước chân phải niệm DI… bước chân trái niệm ĐÀ… bước chân phải niệm PHẬT… Cứ như thế và với dáng vẻ đoan trang, nghiêm nghị, mọi người chậm rãi hòa nhịp từng bước đi…Đến ba mươi phút kế tiếp các Liên hữu cùng đứng lại theo thứ lớp niệm Phật, những tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thật trong trẻo, thanh thoát vô cùng – rồi đến ba mươi phút kế tiếp lại quỳ niệm Phật (người lớn tuổi thì ngồi cũng không sao !) và 30 phút sau cùng, trong đó 15 phút tiếp tục ngồi niệm Phật, còn mười lăm phút cuối chuẩn bị thay đổi đoàn người niệm Phật trong hai giờ tới….Phép niệm Phật ở đây dù đi kinh hành, đứng, quỳ, ngồi niệm Phật đều niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mọi người đồng niệm, âm thanh thật hòa điệu, phong cách thật uy nghiêm với những chiếc áo tràng lam, nâu, chiếc áo giải thoát, tạo nên dáng vẽ uy nghiêm như tượng vương cho mỗi người con Phật đang tham dự khóa tu.

Người dự niệm Phật bao giờ cũng phải chấp tay, gọi là hiệp chưởng, là phong cách chính của người Phật Tử, cũng là tính cách đặc biệt của người Phật giáo. Theo phong cách hiệp chưởng của Tịnh Độ Non Bồng thì “hai ngón tay cái xếp lên nhau” đấy là phong cách riêng của người Phật Tử Non Bồng biểu hiện :”một niềm tin vững vàng, không lùi bước”, trước những khó khăn gian khổ .

Theo lời của quý Sư trong Ban tổ chức, chúng tôi được biết : suốt một tuần lễ từ thứ hai đến thứ sáu thì chỉ có chư Tăng Ni, chư vị nam nữ Phật Tử lớn tuổi, những bậc cha mẹ rảnh rang việc nhà, nên đăng ký ở lại Chùa suốt thời gian ba tháng mười ngày (tức100 ngày) cùng nhau luân phiên niệm Phật ngày đêm “hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ”. Riêng ngày thứ Bảy, Chủ Nhật thì số người niệm Phật đông dầy, nhất là ngày và đêm Chủ Nhật có khi lên đến hằng năm, sáu trăm vị. Về việc ăn uống hằng ngày, có các Đạo tràng Phật Tử của các Tự Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất trong tông phong Non Bồng, cũng như các Nhà hảo tâm, Nhà mạnh thường quân thường xuyên ủng hộ cúng dường, nên phần lương thực, thực phẩm không bao giờ thiếu.

Vợ chồng Thanh An, sau khi mãn thời niệm Phật đến hướng dẫn hai con vào trước Tam Bảo đảnh lễ Phật, sau đó được mời về phòng khách giải lao. Cháu Minh-Tuệ được quý Sư Cô thương mến, nhận được nhiều tiếng khen và được thưởng hai phần bánh trung thu vừa ý; còn Bố Mẹ thì hầu chuyện vui vẻ với quý Sư …Vợ chồng Thanh An và các cháu Minh-Tuệ ra về vào lúc 21 giờ 40.

Tôi là một công nhân viên của Trung Tâm Tin Học, cũng là Phật Tử mới quy y còn chập chững lắm, “lính mới” mà, không thuần thục bằng gia đình Thanh An đâu ! Quy y hôm ngày Rằm tháng Giêng với Thầy là Ni Trưởng thượng Huệ hạ Giác, do Hòa Thượng Thích Giác Quang truyền giới tại Chính điện Quan Âm Tu Viện. Nếp sống của tôi thì độc thân, rảnh rang hơn, nhưng việc học Phật tu hành thì cũng như gia đình Thanh An thôi ! Cũng phải học từng bước từng bước, cũng như phải học đi kinh hành từng bước theo dòng người niệm Phật cho đến khi hết giờ. Bước kinh hành của vợ chồng Thanh An thì vững vàng lắm, còn bước kinh hành của tôi còn lạng-quạng, có lúc muốn té qua té lại, nghĩ lại cũng hơi ngại quá và “tức cười” cho mình.

Đêm nay ở lại nghỉ ngơi với quý Sư, Thầy, nhất là Thầy Thiện Hỷ, Trụ Trì chăm lo cho đại chúng thật chu đáo, tôi rất thích Thầy vì Thầy có khả năng tạo nên một sự chiêu cảm, làm cho tôi cảm thấy ấm áp đạo vị vô cùng !

Đâu đây, ngoài hiên những chiếc lá vàng rơi dưới ánh đèn sáng choang trong đêm mưa thu…

Đêm nay, tôi lại muốn biết thêm thật thông suốt về ý nghĩa của khóa tu niệm Phật, nên hỏi thăm quý Thầy…được quý Thầy hướng dẫn phải đến gặp Hòa Thượng Thích Giác Quang (thường gọi là Sư Quang) để được dẫn giải tận tường.

Ngày hôm sau thứ Hai đến Quan Âm Tu Viện-Biên Hòa, nơi tôi quy y, cũng là nơi hổ trợ cho khóa Niệm Phật tại Nhứt Nguyên Bửu Tự. Được duyên lành gặp lại Hòa Thượng Giác Quang, một vị Hòa Thượng thật trẻ trung có một không hai trong đời, lúc nào cũng vui vẻ hoạt bác lắm. Được biết, Hòa Thượng là một trong những vị lãnh đạo Phật Giáo Tỉnh Đồng Nai; đối với tông phong Tịnh Độ Non Bồng, Hòa Thượng là người thay mặt Thầy Ni Trưởng thượng Huệ hạ Giác để giúp đỡ cho Phật Tử tham vấn cầu học Phật Pháp, tìm hiểu về giáo lý Phật đà, về phương pháp tu niệm Phật của viềng mối Tông phong, cũng như giải quyết mọi vấn đề Phật sự trong Tông phong, mỗi khi có việc cần thiết; thay Thầy Ni Trưởng khi vắng mặt…

Vào lúc 11 giờ, Hòa Thượng cho phép được tiếp kiến tại thư phòng, để xin Ngài dẫn giải về khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh hiệu Phật”, Hòa Thượng nhận lời !... và Ngài mời tôi cùng uống trà.

Uống hết một tách nước trà nóng, Hòa Thượng liền dẫn giải: …Khóa tu “Bá nhựt trì danh hiệu Phật” tại Nhứt Nguyên Bửu Tự được tổ chức với thời gian ba tháng mười ngày, và theo truyền thống thì khóa tu được khai mạc vào lúc 21 giờ ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch hằng năm, do Ni Trưởng thượng Huệ hạ Giác làm Trưởng Ban Tổ Chức, và cung thỉnh Hòa Thượng Thích Minh Thiện, Ủy viên Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Bình Dương chứng minh. Các Liên hữu Tăng Ni, Phật Tử đến tham dự vào hàng “thánh chúng tinh chuyên niệm Phật” đến ngày 17 tháng 11 âm lịch lễ vía Phật A Di Đà thì bế mạc mãn khóa, tức là đúng 100 ngày, nên gọi “Bá nhựt Trì Danh hiệu Phật”.

“Bá Nhựt Trì Danh hiệu Phật” là phương pháp niệm Phật thể theo lời Phật dạy cho Ngài Bồ Tát Hiền Hộ, trong Kinh Bát Chu Tam Muội.

Phật dạy như sau: “Nầy Hiền Hộ ! Có bốn pháp thành tựu niệm Phật Tam Muội Hiện Tiền : một là không có tư tưởng chúng sanh dù trong khoảnh khắc – hai là thức trọn ba tháng không ngủ, dù là tạm thời đôi chút – ba là kinh hành niệm Phật trọn ba tháng – bốn là trong lúc ăn, bố thí pháp không mong danh lợi, không mong đáp ơn…”. Bốn pháp nầy nếu người tu thành tựu, sẽ đắc Tam Muội Hiện Tiền (kinh Bát Chu Tam Muội, quyển 2, phẩm 3, Tam Muội Hành, trang 113, bản dịch Minh Lễ, phát hành năm 1968 - HT Giác Quang thuyết giảng tại Quan Âm Tu Viện năm 2003).

Năm 1964, do chiến tranh Việt Mỹ xảy ra, sau trận mưa bom càn quét của pháp đài bay F5, toàn bộ cơ sở Tổ Đình Linh Sơn, Cô Nhi Viện, Phật Học Viện, Trường Trung Tiểu Học của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng phải di tản về Quan Am Tu Viện, Chùa Phổ Hiền, Tịnh xá Thắng Liên Hoa, Chùa Phước Thiện An và sau đó về tại Nhứt Nguyên Bửu Tự, Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Dương.

Ngày mùng 08 tháng 08 âm lịch năm Ất Tỵ (1965), Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước tiếp tục tổ chức khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh hiệu Phật” cho chư Tăng Ni, Phật Tử tu học .

Khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh hiệu Phật” tại Nhứt Nguyên Bửu Tự, Ap Trung, Xã Vĩnh Phú, Huyện Thuận An, Tỉnh Bình Dương có từ đây và sinh hoạt tu hành cho đến nay là 43 khóa. Trong suốt thời khóa tu, thu hút hằng trăm ngàn lượt Tăng Ni, Phật Tử đến tham dự niệm Phật…

Con được hiểu biết thêm về sinh hoạt tu hành của nguồn gốc Tông phong. Xin thành kính niệm ân Hòa Thượng, hân hạnh được làm đệ tử của Ni Trưởng, được làm Phật Tử Quan Am Tu Viện và được dự khóa tu niệm Phật tại Nhứt Nguyên Bửu Tự. Thật vinh dự, phước đức thay !!!

Cư sĩ Thiên Lạc, ngày 17/9/2008




Có phản hồi đến “Câu Chuyện Niệm Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com