Mùa xuân, rằm tháng giêng, năm Kỷ Hợi (1959) Ba phát tâm đi núi cùng với cô Ba. Sáng sớm tinh sương đón xe Thiên Thành, chạy tuyến Gò công-Saigon rồi sang xe đi Bà Rịa, đến nơi đã 16 giờ. Tại chùa Tây Thiên tiền môn, Ba gặp ngay Mẹ Trầu, vị đạo sư thuyết giáo dạy chúng sanh tu hành pháp niệm Phật, Ba được nghe Mẹ Trầu thuyết giảng, dạy đến câu:

” Tu thì phải sống trong nghịch cảnh, Tu trong nghịch cảnh mới thành Phật…”

Ba nghe qua ưng ý liền quỳ lên gieo năm vóc sụp lạy Mẹ Trầu, được Mẹ Trầu xoa đầu chứng minh. Ba mừng bởi mình tâm đắc với lời dạy của Mẹ Trầu, đồng thời trong cuộc tu niệm của mình, Ba cũng chưa nghe Thầy nào giảng dạy như thế. Tôi chưa biết gì về pháp Phật cao siêu mấy, nhưng thấy Ba hoan hỷ nhẹ nhàng tâm thức, lòng dạ cũng vui theo.

17 giờ, Mẹ Trầu lên núi, Ba tôi cũng đi theo, nhưng đi bằng xe đạp cùng với mọi người. Tôi lủi thủi theo Ba, đẩy xe cho Ba nhẹ đạp, hộ Ba lên đến chân núi gởi xe và chúng tôi bắt đầu leo núi. Chúng tôi đi núi, leo núi sao mà khỏe quá, không mệt mỏi chút nào. Núi Bồng Lai thật là cảnh thần tiên hy hữu, tiếng ve kêu lảnh lót, tiếng vượn hú không ngừng dứt, tiếng suối Bồng Lai chảy buông xuôi về miền trần thế nghe ào ào. Thật là một điệp khúc núi rừng thanh lảnh, hùng vĩ nhưng không kêu sa, hồn thiêng sông núi hiện về. Sự oai linh mầu nhiệm hiện đến với tuổi thơ, thỉnh thoảng chúng tôi ngồi nghỉ, nghe tiếng chư Tăng ni tụng kinh trên chùa, tiếng Tăng ni niệm Phật vang cả núi rừng:”Nam… mô… A… Di… Đà… Phật…Phật….Phật…”.

Đêm ở núi:

Núi Bồng lai đây rồi, cổng chùa Linh Sơn hiện ra, chùa tuy lâu năm, mà cũng lớn lắm, nhưng khách thập phương thì cũng đông lắm, có đến 5, 7 ngàn người. Tất cả đổ dồn về suối Bồng Lai tắm rửa.

Mỗi người mỗi đoàn chịu trách nhiệm về đoàn tùy tùng của mình, sắp xếp chổ trú ngụ một đêm. Đêm đến, Ba và tôi nhập vào đoàn tụng kinh niệm Phật. Tôi biết tụng kinh, vì ở nhà đêm nào cũng tụng, tôi hòa mình theo tiếng kệ kinh của chư Tăng ni chùa Linh Sơn.

20 giờ tôi lắng nghe Sư cụ, vị Sư mà về sau tôi ở núi biết là Sư cụ Huệ Thông, người siêng năng lịch lãm, ăn nói uyên thuyên, đạo đức tĩnh từ, tiếng tăm thanh lãnh…Sư cụ được Mẹ Trầu chỉ định đọc sám giảng, tức là những bài kệ của Mẹ Trầu thuyết giảng dành cho tứ chúng đã nghe qua, hoặc do Mẹ Trầu sáng tác chủ yếu khai thị khuyến tu niệm Phật, dẫn đạo tứ chúng tu hành:


Tây phương Bồng Đảo chẳng đâu xa
Nhắn nhủ nhơn tâm giữ đạo nhà
Cảnh Phật non tiên đâu chẳng đẹp
Đạo từ bi đâu rộng hẹp làm gì
Khuyên ai trần thế gắng tu trì
Cả kêu Phật tử A Di niệm
Tìm kiến chi đâu ngọc chí mình
Nhứt tâm tưởng Phật oai linh vậy
Tây phương Bồng đão ấy là vui

Sau ngày tôi đi tu, bài kệ trên được đọc đi đọc lại nhiều lần. Bài kệ có 450 câu đọc khoảng bốn mươi lăm phút đồng hồ mới xong. Giá trị của bài nầy được truyền đi khắp nơi các chùa trong tông phong miền Nam, Trung nước Việt . Cho đến hôm nay khi thuyết giảng cho tứ chúng Non bồng, tôi thường lặp lại nhiều lần để khuyến giáo tu hành rất hữu hiệu. Sự cụ Huệ Thông cũng là người quản chúng Tăng tại Phật Học Đường Tây phương Bồng Đảo, quản lý Tăng sinh chúng tôi khi còn lưu trú tu học tại Tổ đình Linh Sơn, núi Dinh. Sư cụ đã viên tịch hồi năm 1995, hiện nay chúng tôi đang phụng thờ Sư cụ tại Tổ đường Quan Âm tu viện.

Khoảng 21 giờ, dưới ánh trăng ngàn núi non u tịch, cả rừng người ngồi nghe Mẹ Trầu thuyết giảng về pháp môn tu. Mẹ Trầu giảng gọn gàng lắm, lời chân thật, dễ nghe, mộc mạc mà thu hút được bao trái tim thổn thức về cuộc đời mình, lo tu niệm về với Phật đà. Lời giảng cũa Mẹ Trầu nghe thanh lãnh, giúp cho người có căn duyên, căn tiên cốt Phật thâm thấu cõi lòng giác ngộ lý chơn, mà niệm Phật trì trai, giới sát. Thật vậy người ngồi nghe có đủ trình độ cao thấp, giác ngộ lý mầu mau chậm, độn lợi tuỳ duyên. Bài giảng tuy mộc mạc đơn sơ, nhưng nghĩa lý thâm huyền cao siêu diệu vợi; người ngã mạn khó được nghe, người mê muội càng không thấu hiểu, người tự cao càng mê lầm tự mãn, người tín tâm thì vào cửa Phật, người giác ngộ thì đắc đạo chơn truyền.

Đêm ở núi, chúng tôi còn được nghe bài Khuyến giáo:

Ngàn năm một thuở gắng công tu
Chịu khó kiếp ni khỏi diêm phù
Công đức muôn ngàn vô lượng Phật
Trể chơn một thuở Phật làm ma
Biển khổ ta bà xa đạo đức
Thần tiên ôi thức tĩnh giấc nam kha

Đây là lần đầu tiên gia đình chúng tôi đi núi học đạo với Mẹ Trầu. Bài pháp của Mẹ Trầu nói ra, âm lượng điều hòa, chất thanh nhuần gội, làm cho tâm thức mọi người dễ xúc động cảm mến, nghe rồi ghi nhớ và trân trọng, rồi thực hành. Khi ngồi ở ghế nhà trường Phật học, tôi cảm nhận thêm còn phải tùy theo tâm thức giác ngộ, tuỳ theo trình độ tri thức, tuỳ theo sự tinh tấn hành trì mà hiểu rõ lý chơn của bài pháp, đây là thuộc diện tâm pháp, pháp lành xuất phát từ tâm.

6 giờ sáng, Ba tôi đi súc miệng, mặc vào chiếc áo chống lạnh màu đen nâu, gọi là áo “bình tô”, còn tôi mặc chiếc áo chống lạnh bằng len xanh dương của Chị Thanh Thủy đan cho. Nghe tiếng kiền chùy đổ sáu tiếng, mọi người đến nhà ăn của chùa dùng cháo, ăn với muối tiêu, nói là muối tiêu chứ thật ra, một keo muối rang xay nhuyễn chỉ chừng một nhúm tiêu là cùng và những thức ăn chay ở non núi thật đơn giản, măng kho với rau càn-cua. Ăn xong Ba và tôi đến đảnh lễ Mẹ Trầu xuống núi. Mẹ Trầu nắm hai bàn tay và xoa đầu tôi, dùng son thoa khắp cả mình tôi, thân tôi đỏ que. Tôi chưa biết gì về việc làm nầy, về sau mới biết là Mẹ ban ân huệ ấn khả chứng minh cho tôi để sau nầy tôi tu hành cùng với Mẹ. Mẹ nói với tôi:”chú có Ông Di Lặc độ, sau nầy ráng tu cho đắc quả thành công, giúp cho Đạo, lo cho Non Bồng” - Dạ!

Cô Ba Hòa cũng quỳ kế bên, Mẹ dạy Cô Ba:”cô hộ độ cho gia đình nầy tu hành, gia đình nầy có căn tiên cốt Phật, về sau lo cho Đạo nồng tỏ rạng…
Cô Ba Hòa:”Mô Phật”.

Núi non chúng tôi đến thăm và lễ Phật là vùng núi tôi từng mơ ước khi còn đi tắm biển Tân Thành.

Đêm ở núi làm cho tâm hồn tôi luôn miên man ghi đậm trong tâm thức, cho đến khi đi học ở Saigon, rồi về Quan Âm tu viện năm 1969 khi đọc sách Phật học tinh hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, tác giả Khuyết Danh có câu: ” …Bao nhiêu sông nước bao trăng hiện, Mấy dặm mây tan mấy dặm trời…”, khung trời của thế giới tôi mở rộng, sông nước tâm linh tôi giờ vô biên, tôi cảm thấy nhớ núi vô cùng. Bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ lúc mới gặp Mẹ Trầu, ký ức chú tiểu ở núi quây về, thầm tưởng nhớ bao nhiêu, thầm niệm Phật nhiều bấy nhiêu và không thối lui tâm bồ đề giữa chốn phù ta.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Chiếc Áo Mùa Đông - Đi Núi Nghe Pháp”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com