Mỗi năm, vào ngày nầy tháng chín âm lịch (1952), Chị đan cho tôi chiếc áo lạnh dài tay mặc vào mùa đông cho ấm áp. Thật lòng tôi ấm áp vô cùng khi Mẹ tôi không còn trên thế gian vào những năm tôi chập chững học đến lớp Dự bị. Lớp Dự bị ngày nay là Lớp 2. Ba Mẹ tôi dắt tôi vào trường học, một ngôi trường lớn cấp quận, trường Tiểu học Chợ Gạo, một ngôi trường Tây có uy tín; thế nên vào Lớp Đồng Ấu (lớp 1) tôi cũng chỉ được học tiếng Tây.

Ngoài việc học ở trường, về nhà tôi được Ba dạy cho chữ Tây, xưa gọi tiếng Pháp, chữ “Pháp” được âm từ chữ tây “France”. Rồi đến Mẹ dạy tiếng Tây, chị Thanh Hà, chị Thanh Thủy, cũng dạy cho tôi chữ Tây, nên tôi hoàn toàn chỉ biết tiếng Tây nhiều hơn tiếng Việt. Sau nầy lớn lên tôi tự nghĩ, sao người Tây khôn ngoan mà họ cũng kỳ quặc, tại sao lại bắt người Việt, học chữ Tây? Phải chăng họ muốn thống trị người Việt, muốn chiếm đất Việt, muốn đánh mất công lao người Việt khai phá đất phương Nam.

Nếu thật lòng họ muốn cho người Việt văn minh, tiến hóa hơn lên, thì chỉ có giúp cho người Việt được biết chữ , ăn học cho đến nơi đến chốn, thành danh để cùng tiến bộ văn minh sánh cùng với các dân tộc trên thế giới, cống hiến lại cho nước non nhà, những gì mà họ có được. Tôi nghĩ ra thì sở dĩ có cuộc đấu tranh kháng chiến chống ngoại xâm, thực dân, căm thù chống Tây, là vì người Tây, họ không thật lòng giúp chúng ta tiến bộ. Họ chỉ truyền đạt một ít cho lấy có, giúp cho cầm chừng, chọn một ít người học giỏi để làm tay chân cho Tây, tiếp tay người Tây bốc lột dân An nam, còn lại đại bộ phận dân dốt nát, dân quê, dân đen làm cho họ ít học, học ít để dễ dàng thống trị, như họ đã làm với các quốc gia nghèo, yếu khác trên thế giới?

Nghĩ đến đây, tự nghĩ ra mình giàu tưởng tượng quá, bấy giờ tôi tự suy luận:” thôi thì đây là việc của người lớn, để Ba tôi, Chú tôi lo liệu, mình còn bé con lắm, chẳng làm gì được đâu”!

Thời thơ ấu:

Nếp sống thời thơ ấu được Má, Chị thương yêu như thế nầy là nhất rồi đấy các bạn ạ! Với chiếc áo lạnh thân thương, màu xanh dương mạnh mẽ, thơ ngây trầm tĩnh và thầm lặng mà chống lạnh có hiệu quả vô cùng, Nhất là các Chị, lúc nào cũng nghĩ đến những đứa em của mình mà chịu cực khổ ngồi đan suốt ngày đêm, chỉ trừ giờ làm việc, ăn ngủ của hai Chị. Rồi cứ mỗi năm như thế, Chị đan áo mới để thay đổi cho các em, vì mỗi năm các em mỗi lớn; tôi nhớ mãi những cử chỉ yêu dấu mà tôi có được từ những người chị thân thương của mình. Được sống an lành có nhiều kỷ niệm như vậy từ những năm 1952 đến mùa đông năm 1955.

Một câu chuyện giữa tôi và chị Thanh Hà thời thơ ấu mà tôi không bao giờ quên được:” 9 giờ, trống trường đổ ba tiếng cho học sinh ra chơi, chúng tôi học sinh lớp Sơ đẳng (Lớp 3) cũng ra chơi như mọi người, tôi cũng ra chơi, nhưng tôi lúc nào cũng trầm mặc hơn, đang đứng nhìn về xa xôi, bỗng dưng chị Thanh Hà đến nói:”chị mua cho em hai trái bắp, em ăn đi cho kịp vào lớp,” - tôi lột bắp cầm ăn mà lòng bỗng nhiên xúc động, mừng vui quá, miệng vừa ăn vừa khóc hu hu:”mình có người chị xứng đáng, biết thương em như thế…”. Ăn xong, chúng tôi chia tay, chị Thanh Hà đi về nhà cách đó chừng 200 mét đường bộ, tôi cùng chúng bạn vào lớp.

Tháng 2 năm 1953, chị Thanh Hà được Ba Má gã về với gia đình kiến họ Lê, Ba chồng của Chị là Cụ Ông Lê Văn Chánh nhà đạo đức, chồng là Lê Bửu Hảo ở xóm trong Trường học, cùng ấp Mỹ Thạnh.

Mỗi người có một quê hương
Chôn nhau cắt rún con đường xưa quen
Mẹ quê tựa cửa chong đèn
Trông con tấc dạ dưới rèm mưa đông
Quê tôi nước chảy xuôi dòng
Ruộng vườn bên cạnh Cửu Long sông dài
Con đường xưa nay vui thay
Thân bằng hội tụ sum vầy an cư
Mẹ quê như nước suối từ
Cho con một kỷ niệm như thuở nào
(Bà Mẹ Quê - Giác Quang thi tập 2)

Má qua đời:
Mùa đông tháng 9 năm 1953, Má tôi sanh đứa em thứ Chín (Đàm Thanh Oanh), chỉ một tháng sau Má qua đời, lúc tôi đang học ở lớp Dự Bị. Má tôi qua đời ngày 27 tháng 10 năm 1953, Má tuổi Thân, 37 tuổi. Hình ảnh bà Mẹ hiền thương thương, gò má tròn xoe như trăng rằm, một cô giáo Trường Tây, dạy tiếng Tây, thợ thêu, đan áo gối, rèm màn, khăn tay, làm gia chánh hôm nay không còn nữa trên thế gian. Quanh tôi ai cũng khóc, chị Thanh Hà, Thanh Thủy, em Bé Tám, em Bé Hai con dì Năm cũng khóc, nhất là Dì Năm, em của Má cũng khóc bu lu bù loa. Dì Hai thì bị “nhốt” trong nhà không cho gặp Má, vì sợ Dì Hai “ngất xỉu” tại chổ, xóm làng bà con bạn hàng của Ba cũng đến chia buồn khóc lóc tiếc thương “Chị Ba” ra đi quá trẻ tuổi.

Ba Tôi khóc vô cùng tận thành tiếng khóc của người thân duy nhất xưa nay rất hiếm. Khi làm đám tang, Ba cho người tạo nên cảnh trí nên thơ, dùng giấy màu, cắt thành cảnh đồng quê, vườn ruộng gần bàn thờ vong, tưởng nhớ Má. Ngày đưa tang, đem Má đi chôn cất, dọc đường mọi người đứng hai bên đường tiỄn đưa “Chị Ba” lần cuối. Thế mới biết Má tôi có duyên với mọi người, với làng xóm từ Chợ Gạo đến ấp Mỹ Thạnh đến Cầu Chùa, Trường Học, Xã Môn, Sông Cái, nhưng phận vợ hiền với Ba thì ngắn ngủi quá, làm mẹ của bốn đứa con, nhưng tuổi đời còn trẻ., Má ra đi về với Tổ Tiên Ông Bà quá sớm, giấc nam kha chưa tỉnh lại thì Má đã đi rồi. Cảnh vô thường hiện ra quá sớm với gia đình chúng tôi, sự chia ly không công bằng với hoàn cảnh chúng tôi, sự hòa hợp để chia ly như trò đời ảo mộng, như tuồng hát trên sân khấu làm cho chúng tôi vô cùng xúc động tiếc thương.

Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi…

Từ đây gia đình chúng tôi, Ba chúng tôi sống trong cảnh gà trống nuôi con. Ba đành phải mượn tiếng cười cõi tạm sống làm việc, làm Y tá kiêm buôn bán tạp hóa để nuôi con. Chị Tư thì đi may, phụ với Ba nuôi các em. Thời bấy giờ tiệm buôn chúng tôi lớn lắm, lớn nhất trong làng, tiệm bán sỉ và lẻ, tiệm buôn có bán sỉ thì gọi là tiệm lớn, bạn hàng tới lui tấp nập. Trong thời buổi chiến tranh Việt Pháp mà tiệm buôn, lại là một gian hàng lớn của Ba tôi mua bán hưng thịnh sung túc lắm.

Em Bé chín được gởi cho Cô Hai, là Chị của Ba, làm Mẹ nuôi em cho đến khôn lớn. Vì vậy mà sau nầy Em gọi Cô Hai là Má. Bà Nội thành Bà Ngoại và được hưởng của hồi môn của Cô Hai để lại, các Anh Chị con của Cô Hai cũng rất vui lòng chia sẻ với Em Bé Chín. Hiện nay Em đã là Bà Ngoại của các cháu rồi, giữ gìn gia sản phụng thờ kiến họ Đàm, họ Phạm…

Mọi việc xảy ra trong cuộc đời chúng tôi, tưởng chừng như chúng tôi vô phước. Nhưng không ngờ chúng tôi được những người thân ruột thịt, cùng huyết thống xung quanh che chở đỡ nâng nuôi nấng cho đến khi khôn lớn, giúp cho chúng tôi như có sự ấm áp giữa mùa đông giá lạnh, được mặc chiếc áo len màu xanh dương yêu dấu thuở ấu thơ.

Chiều hôm ấy sương pha đầy bên ngõ
Gió đông về lạnh buốt cả người tôi
Đứng khoanh tay nhìn lặng lẽ không thôi
Bỗng tiếng gọi làm cho tôi sực tỈnh.
Thì ra chị Thanh Thủy đã đứng bên
Tôi vui vẻ nhưng trong lòng chưa biết:
Có chuyện gì mà chị gọi em cưng
Tôi ngó lại với lời: em thưa chị
Chị có gì cần nói với em đây
Tôi mỉm cười trong vòng tay trìu mến,
Có việc nầy chị nói cho em nghe:
Chị tặng em một chiếc áo len này.
(Giác Quang thi tập 2- Chiếc áo mùa đông)

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Chiếc Áo Mùa Đông - Má Qua Đời”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com