I . Thuở sinh tiền Đức Phật hành đạo giáo hóa con người, khi tiếp độ ai, Ngài xoa đầu thọ ký với người tại gia:” chúc cho họ được an lành, biết làm lành lánh dữ, gia đình sung túc, hưởng phước báo nhơn thiên” đấy là phúc duyên cho những người gặp Phật rồi trở về nhà thế tục tiếp tục sinh hoạt với cộng đồng xã hội.
Xem thêm:
Ước Mơ
Chùm Ảnh: Quan Âm Tu Viện Đồng Nai Với Đại Giới Đàn Minh Vật Nhất Tri
Riêng đối với chư Tăng già, những đệ tử thân tín, khi tiếp độ, Ngài cũng xoa đầu và nói câu: “thiện tai Tỳ kheo” hay “thiện lai Tỳ kheo”, tức là “lành thay Tỳ kheo”, mà không phải bước qua một quy trình tác pháp nào khác ngoài đạo lực của Phật truyền trao và chia sẽ sự khởi tâm thanh tịnh bước chân vào hàng xuất thế, hay bước chân vào thềm thang học đạo giải thoát, không trở lại thế gian, giải thoát sanh tử luân hồi.
Làm Tỳ kheo thời Đức Phật giáo hóa, phải chăng là dễ?
Xin thưa - không dễ đâu các bạn ạ! Chỉ có đưa tay xoa đầu mà thành Tỳ kheo là việc làm của thánh đạo rồi, chư Tăng già khi gặp Phật, khởi tâm thanh tịnh theo Phật học đạo giải thoát và giải thoát, giải thoát mọi ràng buộc của thế gian, gia đình, xã hội. Bước chân vào con đường giải thoát, chấm dứt tham sân si, hỷ nộ ái ố
Phước huệ trang nghiêm, thân tướng vượt khỏi tầm thường thế gian, tiền của, vật chất danh vọng, thậm chí đến cả tự ngã của chính mình không còn là mình nữa rồi!
Chư Tăng hiểu như vậy, thấy như vậy, hiểu biết như vậy, rồi chán ngán cảnh phồn hoa độ hội, những trụy lạc phong lưu, xả bỏ dục ái, ký gởi thân tâm cho Phật, khi bước chân vào tịnh xá Kỳ Viên, Trúc Lâm, hay Hoa Lâm thì tâm chư Tăng với Phật là “một”; chỉ có một con đường là: “không trở lại thế gian”, tự giác tự ngộ khép mình vào môi trường sống trong thế giới Đức Phật. Chính vì vậy mà chúng ta thấy dễ nhưng không dễ!
Chư Tăng thời Đức Phật, đối với chúng ta thì không gọi chư Tăng, mà gọi chư Tôn giả, đại đệ tử Đức Phật, chư thánh Tăng, những bậc đã đắc đạo, chứng sở quả Tu đà huờn, các vị nầy nếu tu không chứng đạo, thì khi tái sanh trở lại thế gian cũng vẫn bước vào tiếp tục đường tu, trở đi trở lại bảy lần như thế, mới chứng quả Tư đà hàm, A na hàm hay A la hán, nên gọi Tu đà huờn.
Chư Tôn giả sống trong thời kỳ Đức Phật luôn tu hành nghiêm túc, sống khổ hạnh, gọi là “đầu đà khổ hạnh”. Người sống trong Tăng đoàn “đầu đà khổ hạnh” thì chỉ lượm những vải bỏ ngoài nghĩa địa đem về may mặc mới đúng nghĩa đệ nhất “đầu đà khổ hạnh” (sách pháp tu đầu đà - Tỷ khưu Bửu Chơn biên dịch).
Đời sống chư Tôn giả thời Đức Phật thật khổ hạnh nghiêm túc.
II . Nói đến Giới, chúng ta cần thiết phải phân biệt ngay ra hai thành phần chính yếu của Giới, đó là Giới thể và Giới tướng. Khi nghe nói đến Giới, lập tức người ta nghĩ ngay là không được làm điều này, không được làm điều kia, nghĩ ngay đến các giới điều mà mình phải trì giữ. Các điều không được làm ấy, các Giới điều ấy, được gọi là Giới tướng. Chúng ta cho rằng thọ Giới có nghĩa là nhận lãnh các Giới tướng ấy mà trì giữ, và đó là toàn thể ý nghĩa của thọ Giới. Nghĩ như thế là một thiếu sót quá lớn và dễ đưa đến các nhận định sai lạc hoàn toàn về ý nghĩa chân chính của Giới. Trái lại và đúng ra, khi nói đến chữ Giới, tức nói đến Giới thể, khi nói đến thọ Giới, tức nói là thọ nhận Giới thể ; khi trong Luật nói một người đắc Giới, thì có nghĩa là người đó đắc giới thể chứ không phải là Giới tướng, tức các giới điều này nọ. Tất cả toàn bộ các nghi thức thọ Giới đều là các pháp thức truyền trao và thọ nhận Giới thể chứ không phải là truyền trao hay thọ nhận Giới tướng.
Vậy Giới thể là gì vậy ?
Đức Phật không bao giờ giết hại dù là đối với bất cứ chúng sinh loại nào. Loài người chúng ta, đa số chỉ không giết chính loài người, chứ còn các loài khác thì chúng ta vẫn giết hại như thường. Ngay cả đối với loài người, đôi khi chúng ta chỉ không giết người lành, chứ còn kẻ ác, kẻ thù thì vẫn coi là giết được. Vậy khi chúng ta không giết hại một người hiền, thì hành động không giết của chúng ta có khác gì vói hành động không giết của đức Phật hay không ? Trên mặt hiện tượng thì không khác nhau, song trong Luật cho là không hề giống nhau chút nào. Vì hành động không giết của chúng ta chỉ giới hạn nơi người hiền mà thôi, với kẻ ác và kẻ thù chúng ta có thể giết ; trong khi đức Phật hiền hay ác, thân thay thù, Ngài cũng không bao giờ giết.
Vậy nếu chúng tôi cũng không giết ai hết dù là kẻ ác hay người thù thì phải chăng hành động không giết của chúng tôi sẽ không khác gì với hành động không giết của đức Phật? Vẫn khác, vì hành động không giết của chúng tôi vẫn chỉ giới hạn nơi loài người mà thôi ; còn Phật không giết là đối với tất cả mọi loài hữu tình. Nếu chúng tôi cũng vậy, không giết bất cứ loài hữu tình nào hết, thì có khác gì với hành động không giết của đức Phật hay không? Vẫn khác, vì có thể gặp trường hợp chẳng đặng đừng chúng tôi vẫn phải ra tay giết như thường ; Phật không vậy, dù là bất cứ trường hợp nào, tế nhị ra sao đi nữa, Ngài cũng không giết.
Vậy nếu chúng tôi cũng thế, thà là mất mạng của chính mình chứ quyết không giết bất cứ loài nào trong bất cứ hoàn cảnh nào, như thế chúng tôi có có được hành động không giết của đức Phật rồi hay chưa ? Vẫn chưa, vì hành động dứt khoát không sát của chúng tôi vẫn chỉ giới hạn nơi hiện tại và trong một khoảng không gian hạn hẹp này thôi ; trong khi hành động không sát của đức Phật thể nhập khắp hết mười phương và ba thời vô cùng tận. Song nếu chúng tôi cũng thế, chúng tôi sẽ không sát khắp cùng hết mười phương và ba thời thì sao đây ? Không lẽ vẫn không phải là hành động không sát của đức Phật ? Vẫn hoàn toàn không phải ! Vì hành động không sát viên mãn đó của chúng tôi vẫn đưa đến luân hồi nên ô nhiễm và không giải thoát ; trong khi hành động không sát của đức Phật hoàn toàn chấm dứt luân hồi nên thanh tịnh và giải thoát.
III . Hiện nay trong giới thiền lâm, trong chư Tăng ni, Phật tử luôn lúc nào cũng nghĩ suy tâm niệm: “Đức Phật bao giờ cũng còn với thế gian”, qua một câu chuyện giữa Đức A Nan và Đức Phật.
Vào tuổi 80, Đức Phật sắp nhập Niết bàn, như mặt trời sắp lặn, như đêm tối không trăng, như mây mù cô đọng, sương mù phủ lối… Đức An Nan là một thị giả của Phật, rất khổ đau vật vã khoa lóc thở than: “Đức Phật nhập diệt từ nay chúng con không còn biết hỏi đạo với ai, học đạo với ai, chúng con không nơi nương tựa, Đức Phật mỉm cười, dạy: “Ta tịch rồi giới luật là Thầy, giới luật còn là Ta còn, giới luật mất là Ta mất hẳn trong thế gian - sau khi Ta tịch rồi, các ông hãy lấy giới luật làm Thầy dẫn đường…”
Kinh Di Giáo cũng ghi lại, Đức Phật có lời di chúc khẩn thiết sau đây trước khi Ngài nhập Niết Bàn: "Sau khi ta diệt độ, các người tu hành phải tôn kính giới luật làm Thầy; dầu cho ta còn tại thế để dạy dỗ các người mấy ngàn đời đi nữa, ta cũng không thêm điều nào ngoài giới luật".
Như vậy theo giáo lý Nam và Bắc tông đều đồng quan điểm: “đối với chư Tăng ni, Phật tử thì Đức Phật vẫn còn trong thế gian”.
Ở một quan điểm cao siêu sâu sắc hơn: “theo kinh Đại Bát Niết Bàn - phẩm Như Lai Thường Trụ, thì nói “Như Lai là thường trụ”, Như Lai không đến không lui, Như Lai không có sanh ra trong cung vua Tịnh Phạn, Như Lai cũng không có nhập niết bàn tại rừng ta la song thọ, Câu Thi Na, Như Lai là thường trụ”. Tức là Đức Phật bao giờ cũng ở với chúng ta, trong mỗi người chúng ta đều có Phật, không có sanh ra và không có chết đi. Đức Phật Thích Ca là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.
Chư Tăng ni, Phật tử khi thọ giới, đắc giới giữ giới luật tinh nghiêm thì giới luật tồn tại, giới luật tồn tại thì Đức Phật vẫn còn với chúng ta là hiển nhiên và cụ thể nhất, đúng theo lời huyền ký của Phật.
Không có giới luật Phật, hoặc giới luật Phật không tồn tại thì chúng ta không được làm Tỳ kheo, Sa di, Tỳ Kheo Ni, Thức xoa, Sa di ni, không được làm Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng, Ni trưởng, Ni sư, Sư cô không trở thành bật thiền gia chân chính, nhơn thiên cung kính.
IV . Vào khoảng năm 379, tại Trường An, với sự trợ giúp của Trúc Phật Niệm và Huệ Thường, sa môn Đàm Ma Trì, người xứ Tây Vực, đã phiên dịch giới bổn Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni của Thập tụng luật, gồm 3 quyển. Trong khoảng 20 năm đầu của thế kỷ thứ V, kể từ khi hai ngài Phất-nhã-đa-la và La Thập khởi dịch Thập tụng luật cho đến khi Phật-đà-thập, Trí Thắng, và Trúc Đạo Sinh hoàn tất việc phiên dịch Ngũ phần luật vào năm 424 thì Quảng luật của các phái Hữu Bộ, Pháp Mật Bộ (Đàm Vô Đức), Đại Chúng Bộ (Ma-ha-tăng-kỳ), và Hóa Địa Bộ (Di-sa-tắc) lần lượt được phiên dịch hoàn bị. Quá trình phiên dịch này diễn ra như sau:
1. Thập tụng luật của Nhất Thiết Hữu Bộ được ngài Phất-nhã-đa-la mang đến Trung Hoa vào khoảng năm 404. Vào ngày mồng ba tháng chạp năm ấy, tại Trường An, ngài Phất-nhã-đa-la cùng La Thập khởi sự dịch Quảng luật này. Nhưng vừa mới tụng được hơn hai phần Phạn bổn của Quảng luật này thì ngài Phất-nhã-đa-la viên tịch. Việc phiên dịch vì thế bị gián đoạn. Mùa Thu năm 405, khi hay tin Đàm-ma-lưu-chi vừa đến Trường An, Huệ Viễn bèn viết thư sai đệ tử mình là Đàm Ung mang đến cho Đàm-ma-lưu-chi và thỉnh cầu vị này trùng tuyên phần còn lại của Thập tụng luật. Nhờ sự thỉnh cầu này, Đàm-ma-lưu-chi và La Thập đã dịch xong Quảng luật này. Sau khi La Thập viên tịch vào năm 409, Tỳ-ma-la-xoa (Vô Cấu Nhãn) đã hiệu đính lại và thêm ba quyển mới vào bản dịch Quảng luật của La Thập (gồm 58 quyển) thành ra bộ Quảng luật Thập tụng hoàn chỉnh, gồm 61 quyển. Tỳ-ma-la-xoa sinh trưởng tại Kế Tân, là một bậc sa môn có phẩm hạnh và khí tiết cao cả.
Trong thời gian xiển dương luật học tại Qui Tư, học giả bốn phương, trong đó có La Thập, qui tụ tham học với ngài nhiều vô số. Năm Hoằng Thủy thứ tám (406) ngài đến Trường An, được La Thập tiếp đón và hầu hạ cung kính. Tuy gặp được La Thập vào năm 406, nhưng mãi đến ba năm sau, lúc La Thập đã viên tịch, ngài La-xoa mới hiệu đính lại bản dịch trên. Những phần thêm vào của ngài La-xoa có thể được căn cứ vào Phạn bản của Quảng luật này được lưu hành tại Trung Á vào thời ấy
2. Tứ phần luật của Đàm Vô Đức bộ (hay Pháp Mật Bộ) được Phật đà-da-xá, người tụng thuộc lòng Phạn bản của Quảng luật này, và Trúc Phật Niệm dịch tại Trường An từ năm 410 đến năm 413, gồm 44 quyển, về sau phân thành 60 quyển.
3. Ma-ha Tăng kỳ luật của Đại Chúng Bộ (hay Ma-ha-tăng-kỳ) được Phật-đà-bạt-đà và Pháp Hiển dịch tại Nam Kinh vào những năm 416 - 418, gồm 40 quyển. Phạn bản của Quảng luật này được Pháp Hiển tìm thấy tại Hoa Thị thành, nước Ma-kiệt-đà, Ấn Độ.
4. Ngũ phần luật của Hóa Địa Bộ (hay Di-sa-tắc) được Phật-đà-thập, Trí Thắng, và Trúc Đạo Sinh dịch hoàn thành vào những năm 423-424. Bản dịch này dựa trên Phạn bản được ngài Pháp Hiển mang về từ Tích Lan.
Trước ngài Đạo Tuyên luật sư, có rất nhiều vị luật sư chuyên dịch các bộ luật của Phật từ tiếng Tây Vức sanh tiếng Hán, như: Ngài Trúc Phật Niệm, huệ Thường, Đàm Ma Trì, ngài Huệ Quang, Đạo An, Huệ Viễn, Chi Đạo Lâm, Tăng Thạnh, Tăng Hiển, Trí Khải… Như vậy giới luật của Phật được tuyền vào xứ Trung Quốc vào năm Gia Bình (294-253) do Ngài Đàm kha ca la, và phép truyền giới thập nhân thọ (tam sư thất chứng) được truyền cho vị tu sĩ đầu tiên ở Trung Hoa là Chu Sĩ Hành (Phật tổ thống ký, T49n2035, tr. 332a.) - tác giả Đồng Thành.
V .
Phật giáo du nhập Việt Nam vào năm 193 tây lịch, những kinh điển đầu tiên được phiên dịch hay tuyển dịch tại Giao Chỉ như kinh Tứ Thập Nhị Chương đã nhắm tới đối tượng người xuất gia hơn là người tại gia. Chúng ta đã biết tăng đoàn Giao Chỉ và thời Mâu Tử đã có hơn 500 vị, trong khi ở Trung Quốc mãi đến thế kỷ thứ ba mới có tăng đoàn. Giáo lý truyền dịch trong kinh Tứ Thập Nhị Chương phần lớn là để dành cho giới tăng sĩ. Đoạn đầu kinh dịch nghĩa thế nào là Sa Môn:
“Từ bỏ người thân, đi xuất gia, biết được tâm mình, về được gốc mình gọi là sa môn. Người sa môn giữ giới luật thanh tịnh, thực hành bốn đạo hạnh chân chính thì đắc quả A La Hán…”
Đoạn kế tiếp:
“Người sa môn xuất gia với mục đích đoạn dục khử ái, tìm về nguồn gốc tự tâm, đạt chân lý sâu xa của Phật, giác ngộ được vô vi”...
Đoạn khác:
“Người sa môn cạo bỏ râu tóc nhận lấy đạo pháp thì phải từ bỏ tài sản trong đời, chỉ khất thực đủ sống, mỗi ngày một bữa ăn, ngũ mỗi đêm dưới một gốc cây...” Đều cho người ta là ngu si và tệ lậu, là ái dục...
Những đoạn kinh khác dặn dò cách thức tu tập, giữ tâm, trì giới, xa nữ sắc... đều nhắm tới người xuất gia. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, tóm lại, không phải đã được tuyển dịch để nhắm vào quần chúng Phật tử cư sĩ trong dân gian mà chính là nhắm tới hàng xuất gia, điều này thấy rõ khi ta xét đến nội dung của kinh. Để cho giới cư sĩ, những kinh Bản Sinh và Bản Sự nói về các đời trước của Phật hẳn là thích dụng hơn. Những kinh này nhấn mạnh về giáo lý nhân quả nghiệp báo. Sách Lý Hoặc Luận cho ta biết những chuyện tiền thân (như chuyện thái tử Tu Đại Noa bố thí cả vợ con) đã phổ thông trong dân gian hồi ấy, và cũng chứng tỏ rằng ít ra vào thời ấy kinh Vesantara-Jataka cũng đã được phiên dịch và lưu hành trong dân gian.
Sự hành đạo trong thế kỷ thứ hai cũng đã gặp những trở lực gây ra do những người bài báng đạo Phật, có lẽ là những người bênh vực văn hóa Khổng Lão. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói nhiều về thái độ cần có để đối xử với những bài báng và mạ lỵ kia:
“Người ác nghe ta hành thiện muốn tới nhiễu loạn ta: hãy giữ tâm bình thản không giận dữ trách móc...”
“Hành đạo cũng khó khăn như một người địch lại vạn người, phải kiên trì, vô úy...”
“Người ác hại người hiền cũng như ngửa mặt lên trời nhổ nước bọt; nước bọt không tới trời mà rơi xuống mặt mình...”
Những lời dạy trên mang sắc thái về giới luật có mặt trên đất nước Việt Nam, nhằm sách tấn người tu sĩ đương thời.
Vào đầu thế kỷ thứ ba, có nhà sư Khương Tăng Hội, người nước Khương Cư theo mẹ cha sang trung tâm Luy Lâu buôn bán, sau đó cha mẹ qua đời, ngài phát nguyện xuất gia làm Tăng sĩ; Ngài được thọ giới Tỳ khưu theo pháp “Thập nhân thọ” (tam sư thất chứng) cho thấy lúc bấy giờ tại nước ta đã có giới luật Đức Phật lưu hành, cụ thể như hành trạng ngài Khương Tăng Hội, theo sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, nói: “Ta cũng không biết thầy ông là ai, và trong số mười vị tăng sĩ truyền giới cho ông có vị nào là tăng sĩ ngoại quốc không…”
Trong Cao Tăng truyện, ngài An Thế Cao một học giả viết quyển cẩm nang, để lại lời tiên đoán như sau: “Tôn Ngộ đạo giả, cư sĩ Trần Tuệ; truyền thiền kinh giả, tỷ kheo Tăng Hội”. Nghĩa là cư sĩ Trần Tuệ là người làm tôn giá trị đạo học của chúng tôi, còn tỳ khưu Tăng Hội là người truyền dạy kinh thiền”. (Việt Nam Phật giáo sử luận - Nguyễn Lang)
Lời nói của Đàm Thiên: “Giáo Tông bắt đầu từ Mâu Tử và Khương Tăng Hội” đã không đúng. Cả hai người Mâu Tử và Khương Tăng Hội, đều không phải là người nước ngoài tới truyền đạo, trái lại cả hai người đều bắt đầu học Phật tại Giao Chỉ. Như thế, họ không phải là những người mà tên tuổi còn thấy rõ ràng trong sử sách thôi. Khương Tăng Hội xuất gia tại Giao Chỉ, có tam sư và thất chứng. Mâu Tử cũng đã xuất gia (Việt Nam Phật giáo sử luận - Nguyễn Lang)
Viết bài tựa cho sách An Ban Thủ Ý, Khương Tăng Hội hoài vọng: “Tăng Hội tôi, sinh ra mới tới tuổi vác nổi bó củi thì cha mẹ đã qua đời. Bậc tam sư cũng theo nhau khuất núi. Mỗi khi ngước nhìn mây trời thường không khỏi cảm thấy xúc động, buồn thương rơi lệ. May thay, nhờ phước duyên kiếp xưa chưa hết nên đã may mắn gặp được ba vị hiền giả là Hàn Lâm người Nam Dương, Bì Nghiệp người Dĩnh Xuyên và Trần Tuệ người Hội Khế. Cả ba đều có niềm tin vững chãi, chí đức cao siêu, cả ba đều tinh cần đi tới trên con đường phục vụ đạo pháp, không biết mệt mỏi là gì”
Qua các lời nói trên, chúng ta thấy giới luật Đức Phật cũng đã hiện diện trên đất nước Việt Nam vào những năm đầu du nhập, đã có đàn giới truyền theo phép thập nhân thọ (tam sư thất chứng) cách đây trên 20 thế kỷ. Thật vậy, người con Phật mà không có giới pháp, không phát tâm thọ giới để tu hành, như người đi trong đêm tối không đuốc, không trăng, đã tối lại càng đi vào ngõ tối.
Đại luật nói:
“Giới luật là thuyền bè để vượt qua biển khổ…” Một vị thiền sư tu chứng đạo như Khương Tăng Hội mà còn thiết tha với giới luật, thọ trì giới luật huống chi phàm phu ngu muội xem thường giới luật hay sao?
HT Thích Giác Quang