I. Tôi xuất gia ngày 30 tháng 7 năm Canh Tý, 1960, đến ngày 19 tháng giêng năm Nhâm Dần, năm ấy tôi 17 tuổi cùng với các bạn đi thọ giới Sa di tại Trường Sanh Phật Tự - thị xã Mỷ Tho, các bạn tôi có cả thảy 125 vị Sư trở thành một đoàn du tăng số lượng đông thời bấy giờ, thống lãnh Tăng đoàn là Đức Tôn sư thượng Thiện hạ Phước, huý Nhựt Ý. Chúng tôi được đưa vào Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo, một ngôi trường thân thương có tầm vóc, nằm cạnh dòng suối, về hướng đông nam của Tổ đình Linh Sơn. Từ trường Phật học muốn về Chính điện Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão phải đi một vòng thật xa khoảng 500 mét, băng qua dòng suối mới đến được nơi tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật.
Xem thêm:
Câu Chuyện Phật Giáo Số 8: Nói Lời Ác Phải Chịu Quả Báo
Chúng tôi là Tăng sinh tham dự học tại Phật học đường tròn 03 năm đến khi thi tốt nghiệp, tôi và bạn Cam Lồ Thủy đổ đồng hạng Nhất, cũng là năm chúng tôi chịu nhiều khổ đau nhất cuộc đời: bom đạn chiến tranh dội xuống ngôi Tổ đình, Tăng ni chúng tôi người bị thương, cả 10 người chết, người khóc lóc, la thảm thiết. Và cũng năm ấy chúng tôi đồng tản cư xuống núi, đi về nhiều nơi như chùa Phổ Hiền, tịnh xá Thắng Liên Hoa, Nhứt Nguyên Bửu Tự, Đạo tràng Huệ Trí, chùa Phước Thiện An .
Khi xuống núi, chúng tôi chia ra nhiều Đoàn để đi hóa duyên, như: đoàn của Sư Thích Thiện Chơn thì về tại ấp Hậu Lân, Bà Điểm, Hốc Môn, xây dựng ngôi tịnh xá Thiện Chơn; Đoàn của Sư Thích Từ Pháp (Cam Lồ Thủy) thì về tại chùa Kỳ Quang I, Phú Nhuận, vừa ở đó đi hóa duyên trì bình khất thực và học Phật học, tiếng Pali, Đoàn của Sư trưởng Thích Thiện Duyên thì về tịnh xá Phổ Đà, thị xã Sa Đéc và tịnh xá Khất Sĩ ở Long Thắng, Đoàn của Sư Đại Tâm thì về núi Phụng Hoàng Sơn, núi Đất, Nhà Bàng, núi Trà Sư. Số còn lại các cụ Trưỡng lão thì ở tại Tổ đình Linh Sơn và chư Ni.
Năm 1966, tôi cùng với chư Tăng, được Đức tôn sư cho phép thọ Tỳ kheo giới, chúng tôi đến với giới đàn Liên Tông Tự, Hội sở Trung ương Tịnh Độ tông Việt Nam, Quận Nhì, Saigon, phát tâm thọ giới Tỳ kheo, do Đại lão Hòa thượng đạo hiệu Thích Huệ Chiếu chứng truyền.
Lúc bấy giờ khi được truyền bốn đại giới, tiếp đến Hòa thượng giới sư còn giảng cho các giới tử , trong đó có chúng tôi nghe:
“Như Lai chí chơn đẳng chánh giác, vì các Tỳ kheo mà nói bốn pháp Sa môn cần nên làm. Bốn pháp là thế nào? - Một là bắt đầu từ ngày nay đến suốt đời nếu có người mắng, không nên mắng lại - Hai là bắt đầu từ ngày nay đến suốt đời, nếu có người giận, không nên giận lại - Ba là bắt đầu từ ngày nay đến suốt đời, nếu có người đùa giễu, không nên đùa giễu lại - Bốn là bắt đầu từ ngày nay đến suốt đời, nếu có người đánh, không nên đánh lại…”
Bốn lời Phật dạy trên, tôi học thuộc lòng và thực hành như các bạn cho đến hôm nay. Đến ngày 18/4/Quý Tỵ tôi làm phụ tá Hòa thượng Đàn đầu truyền giới Tỳ kheo tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, chính từ miệng tôi cũng đọc lại từ trong quyển Giới Đàn Tăng ở trang 105 cho các giới tử Tỳ kheo thọ học. Tôi cũng mong muốn các giới tử hậu học cũng phải làm theo như thế, để giảm bớt đi sự hung hăng nóng giận của con người.
Lời Đức Phật Câu Lưu Tôn Như Lai dạy:
Ví như ong lấy mật hoa
Không làm hư sắc và hương
Chỉ lấy vị nó mà đi
Tỳ kheo vào làng cũng thế
Đừng làm chống trái việc người
Không xem làm cùng chẳng làm
Chỉ xem việc làm của mình
Hoặc là đúng hoặc chẳng đúng………
(Tỳ kheo Giới kinh, trang 75)
Đối với người xuất gia dù là Sa di hay tịnh nhơn , Đức Phật dạy cũng rất kỷ. Trong Đại luật:"Phàm người xuất gia, chổ có nói năng đều phải nói lời có lợi ích, chẳng nên riêng giận và bàn luận việc người".
Luật nói:"bằng đến nhà thế gian, nói lỗi của Tỳ kheo (Sư Thầy) thời người thế gian kia, đối trong Phật pháp, đã không tâm tín kính lại còn gây tội ủy báng, thêm gốc khổ cho họ. Thà phá tháp, đốt tượng Phật, chớ không nên đến người thế gian nói lỗi của Thầy Tỳ kheo. Nếu ta nói lỗi té ra ta làm hư mất pháp thân (nhân cách) của ta vậy. Huống chi là vu khống, bịa đặt đủ điều để bêu xấu người xuất gia. Ôi người đời nay thật đáng tiếc ư! (Sa di Luật giải - Thiên oai nghi Tăng chú, trang 181)
Cuối năm 1966 lúc bấy giờ sau khi thọ giới Tỳ kheo, chúng tôi có đến đảnh lễ Pháp sư Thích Giác Nhiên tại tịnh xá Trung Tâm, đảnh lễ Đức Thầy Giác An, tịnh xá Ngọc Đức và dịp nầy tôi xin tách rời Tăng đoàn vào lưu trú tại Việt Nam Quốc Tự tu học. Hằng ngày phải đạp xe đi học ở Trường Hồng Lạc, rồi đến Phú Thọ Hòa II, nơi đó mở Phân khoa Đại học Vạn Hạnh, Trường Thanh niên Phụng sự xã hội; sau về học tại Trung tâm Thánh đường Cơ đốc Phục Lâm, ngã tư Phú Nhuận. Năm 1970 tham dự học khóa đào tạo Giảng viên Trụ trì tại khoá an cư do Ban Trụ trì Việt Nam Quốc Tự , đường Trần Quốc Toản (cũ) tổ chức.
Học là học, nhưng đi trì bình du tăng khất thực là sở nguyện của Tăng đoàn, chúng tôi thường xuyên đi du Tăng thuyết giảng nhiều nơi như ở Hốc Môn, Đà Lạt, Vĩnh Long, Mỷ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Cà Mau, Bình Định…Tuy nhiên lúc bấy giờ chúng tôi cũng rất hiếu học, ước mơ sau nầy thành tựu hạnh nguyện trở về phục vụ tông môn và giúp đỡ chư Tăng ni gần xa. Lời nguyện ấy trở thành hiện thực, bản thân tôi kể từ khi về tại Biên Hòa giúp đỡ cho chư Tăng ni tông môn từ năm 1968 đến năm 1981. Từ sau ngày hòa bình 30/4/1975, đến năm 1982, đến nay đã trên 30 năm rồi phục vụ cho chư Tăng ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
II . Tại Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai,từ năm 1992 trở về trước làm Nhân viên Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội, chuyên thống kê về tự viện, Tăng ni. Tôi phục vụ cho tổ chức Giáo hội thực thụ từ năm 1992, được Giáo hội tỉnh thỉnh giảng tại Trường hạ chùa Thanh Long, rồi đến Tổ đình Long Thiền và được Hòa thượng Phó Pháp Chủ GHPGVN thượng Huệ hạ Thành, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội viết thư mời đến làm việc tại Văn phòng Ban Trị sự, tham gia Ban Giám hiệu Trường Cơ bản Phật học, nay là Trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai, chức vụ Hiệu Phó kiêm Giám Luật. Từ năm 1997 công tác hành chánh trong Ban thường trực Giáo hội tỉnh. Năm 2009 làm Phó Chủ nhiệm Lớp Cao Đẳng Phật Học chuyên khoa tỉnh Đồng Nai.
Vì là ước mơ nên phát khởi hạnh nguyện, đồng thời cũng lúc nào cũng nhớ lời khuyến giáo của Đức tôn sư Hòa thượng thượng Thiện hạ Phước, ngài dạy:”khi con muốn giúp người phải giúp cho trọn nghĩa, trọn tình như ăn hết bát cơm, uống hết bát nước, nói cạn lời nói, khi con làm việc gì cho ai thì phải làm cho đến nơi đến chốn, cho có hiệu quả, nhưng có một điều là đừng mong người trả ơn, cũng không nhận bất cứ một hình thức thù lao (tiền bạc) nào của chư Tăng ni hay Phật tử. Vì nhận trả ơn, tức có trả oán, hai thế giới sanh diệt trả vay ơn oán luôn luôn có mặt trong cộng đồng chúng sanh và con người, chính vì vậy mà người xưa nói cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán là vậy đó con…”
Tôi vâng lời dạy của Đức tôn sư đến nay đã trên 30 năm rồi, khi làm việc trực diện với chư Tăng ni, hay chư Tăng ni đến tu viện đền ơn đáp nghĩa tôi vẫn tuyệt đối không nhận bất cứ thù lao (tiền bạc) nào của chư Tăng ni từ hàng giáo phẩm, Trụ trì đến Tăng ni thường, hay Phật tử.
Thật ra mà nói, người tu sĩ học đạo giải thoát, làm sao biết hành chánh pháp lý thế gian cho nhiều mà làm việc, tuy nhiên bản thân cũng được 03 lần thụ huấn bồi dưỡng hành chánh nghiệp vụ từ dạo đắc cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường Bửu Hòa năm 1988 làm việc 10 năm với Nhà nước, học Sư phạm hành chánh năm 2001 tại Văn phòng II Trung ương Giáo hội do Ban Trị sự Tỉnh hội cử đi học, bồi dưỡng hành chánh sự nghiệp tại Học viên hành chánh quốc gia năm 2003 do Ban Tôn giáo tỉnh cử đi học, nhờ đó mà tôi hiểu rành về hành chánh có cơ hội giúp đỡ cho chư Tăng ni.
Với lời dạy của Đức tôn sư giờ nầy trải qua quá trình tu hành 53 năm, 67 tuổi đời mà tôi vẫn còn phục vụ cho Giáo hội, làm việc duy trì và phát triển môn phong Liên tông Tịnh độ Non bồng, giữ gìn lời dạy của Tôn sư trong tim tỷ của mình để hộ thân, không bao giờ dám chác oán mua hờn với bất cứ ai dù trong Đạo hay ngoài Đời.
III . Ngày 20 tháng 7 năm Đinh Mùi, 1967 chư Tăng ni chúng tôi về tham dự đại hội thành lập Đoàn Du Tăng Khất sĩ Non Bồng, tiền thân Liên tông Tịnh độ Non bồng dưới sự chủ trì của Đức tôn sư thượng Thiện hạ Phước, ĐĐ Thích Thiện Giác xướng ngôn, ĐĐ Thích Giác Quang ghi biên bản, toàn thể hội nghị nhất trí thành lập Đoàn Du Tăng Khất sĩ Non Bồng, Đoàn du tăng trực thuộc Trung ương Hội Phật giáo Tịnh Độ tông Việt Nam, tổ chức có khắc dấu, có mộc nổi, có đạo kỳ, có nội quy và quy chế Tăng đoàn, cấp giấy hành đạo và giấy phát nguyện xuất gia cho chư Tăng ni
Ngày mùng 01 tháng giêng năm Mậu Thân, 1968 tất cả chúng tôi, người về núi tu hành, người nhập thất tu tịnh ở các nơi, người đi học Phật học ở Viện Cao Đẳng Huệ Nghiêm và Phân khoa đại học Vạn Hạnh, người nuôi cô nhi, người đi thuyết giảng trì bình khất thực…tất cả đều tập trung về tại Quan Âm tu viện.
Tôi ước mơ một ngày nào tu hành cho nên đạo nghiệp trở thành sơn tăng có đủ lực để cứu cửu huyền thất tổ của mình, ông bà cha mẹ quá thế nhiều đời được siêu sanh lạc quốc và người thân hiện tiền biết quy y Tam bảo, trường chay niệm Phật, tu hành bất thối chuyển, vượt khỏi những nghiệp chướng uế xu trong cõi ta bà, những sự khổ đau trong tăm tối, những dòng sanh tử trường lưu từ đời nầy sang đời khác. Nhất là hiện tại tự nghĩ:”với xác thân nầy chẳng là gì, mà ta phải bận lòng trau chuốt cho nặng nề thêm; rồi phải lê tấm thân suốt cả trăm năm thật nặng nề không bao giờ xả bỏ thoát ra được…” .
Rồi phải gánh gồng chịu đựng những danh dự, giá trị con người, giá trị cuộc sống, danh dự và xã hội…tất cả những thứ nầy cần được bảo vệ kỷ lưỡng. Tuy nhiên càng bảo vệ kỷ bao nhiêu càng bị những nghiệp chướng muôn đời kéo về làm cho mất hết ý nghĩa cuộc sống bấy nhiêu… muốn bảo vệ danh dự thì có người làm cho mình mất danh dự, muốn nâng cao giá trị của mình lên thì có người kéo lê cái giá của mình cho thấp xuống, muốn duy trì uy tín mình thì có người hạ thấp uy tín mình xuống tận đáy cuộc đời, muốn nâng niu tấm thân thì có người đè bẹp cho tấm thân mình tan nát cuộc đời thì người mới hả dạ, mình muốn giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của mình bao nhiêu thì cũng có người rình rập lôi kéo, bôi lọ, bịa đặt đủ điều làm cho mình phải lấm lem cả danh dự mà mình đã giữ suốt gần suốt cả đời…thậm chí với khí tiết tu hành tự nguyện làm tu sĩ trọn đời giữ gìn cho thanh bạch, sạch trong đã được 53 năm rồi mà vẫn còn có những nghiệp chướng bịa đặt đủ điều lôi kéo mình vào lối hiểm tối tăm… rốt rồi những ước mơ của cuộc đời tuy có nhưng cũng không thành hiện thực là bao, đấy là những cái khổ nhất trong kiếp luân hồi tử sanh mà Đức Phật đã dày công nghĩ suy nghiên cứu suốt 49 ngày đêm và cuối cùng Ngài đã thành tựu và thoát ra khỏi vòng cương tỏa của mọi cuộc diện ấy. Tôi là người học Phật cũng quyết tâm vượt khó, vượt suối băng ngàn qua truôn hiểm, và dũng mãnh phục vụ cho Đạo pháp, chứ không chùn bước vì chướng duyên nầy hay chướng duyên khác.
IV.
Nhiều người nghĩ rằng tôi quyết tâm phục vụ Giáo hội là vì lợi lạc, lợi lộc riêng tư, nhưng họ đã lầm. Với tư cách một Hòa thượng, thường là người ta tìm một lối sống riêng cho chính mình, trưởng dưỡng đạo tâm trang nghiêm Giáo hội cho chính mình mà chưa có thời gian rỗi rãnh. Hiện nay nếu có nhiều Hòa thượng tâm niệm như thế Giáo hội sẽ trang nghiêm, chứ nếu không thì sẽ lạc vào hình thức chiếc áo tu hành, chứ không còn có sự tu hành chân tu thật đức hay thiền gia chân chánh như xưa nữa rồi.
Đức Phật là vị hoàng thái tử, có đầy đủ sự nghiệp đế vương, nhưng Ngài xả bỏ áo mão cân đai, quyền lực thế gian, như Phật hoàng Trần Nhân Tông vượt thời gian và không gian để tìm đường giải thoát sanh tử luân hồi, vượt khỏi những tốt xấu phải quấy; chúng ta là đệ tử của các Ngài, trước khi cũng tìm đường giải thoát, nhưng giữa chừng từ thế giới giải thoát đi tìm lạc vào thế giới quyền lực để tính toán hơn thua, phải quấy đủ điều thế gian, đúng là sự thăng trầm ngọt bùi chua cay của thế sự.
Nhớ lại thời niên thiếu khi còn ở ghế nhà trường Phật học đường Tây phương Bồng Đảo năm 1962, quý Thầy Giáo thọ, đệ tử của Đức Pháp chủ Khánh Anh, có trích bài học từ trong Pháp Bửu Đàn Kinh, bài tụng “Vô Tướng”, xin được ghi lại lời dạy của Giáo thọ Thích Như Lý, như sau:
…
- Lao đao trọn một đời
Rốt cũng vẫn phiền não
Muốn thấy Đạo chân chánh
Làm việc đúng là Đạo.
- Tự mình không tâm Đạo
Ám muội sao thấy Đạo
Nếu người thật tu hành
Chẳng nói lỗi thế gian.
- Nếu bàn lỗi người khác
Người quấy, ta không quấy
Ta quấy lỗi tại ta.
- Chỉ tự trừ tâm quấy
Trừ sạch hết phiền não
Ghét, yêu chẳng bận lòng
Duỗi chân dài thanh thản.
…
Tôi vốn xuất gia từ thuở ấu niên, không có người hộ trì tinh thần lẫn thể chất, không một ai đỡ nâng trong thời thơ ấu, mẹ cha mất sớm, ân sư cũng không còn, nhưng với sự cố gắng tu học Phật pháp, tu hành theo hạnh khất sĩ, không cất chứa tài sản riêng, không tiền bạc, chỉ mong lập công bồi đức với Đức Phật, bản nguyện ước mơ lúc nào cũng muốn gieo nhân lành đến với mọi người.
Tuy nhiên nếu có những chướng duyên làm mất uy tín, làm xấu thanh danh của phẩm hạnh Hòa thượng, với tư cách hành giả tu Tịnh độ, thì nay chỉ xin sám hối:” từ trong vô lượng kiếp nếu có sai lầm xúc phạm đến bất cứ một chúng sanh nào, hoặc vô tình hay cố ý làm cho mọi người khổ đau, làm cho người không vừa lòng, nếu có xúc phạm đến nhân phẩm của bất cứ ai cũng đều xin sám hối…” cho lòng thanh thản nhẹ gót thang mây.
Khắp nguyện pháp giới chúng sanh đồng sanh Tây phương Cực lạc thế giới, đồng thành Phật đạo, không còn có những pháp giới sân si nóng giận, làm tổn hại Phật đạo, xây dựng một thế giới đại đồng hoàn toàn hoan hỷ, một tình thương sưởi ấm khắp thế nhân.
Ngày 5/6/2013
HT Thích Giác Quang