Năm 1960, sau khi rời khỏi Ngọa Long Sơn, Ba Chúc Đức Sư Ông và Đức Cô Diệu Nguyệt, chư huynh đệ về hành đạo tại núi Trà Sư, gần điện Sân Tiên, huyện Nhà Bàng. Nơi đây cũng được chư huynh đệ xa gần phát tâm dựng lên một tịnh thất cúng dường Đức Sư Ông, hiệu là Đại Quang Minh.

Trong những năm 1961,1962 vâng lệnh Đức Tôn sư, Ni trưởng Huệ Giác (Ông Sáu Lục) thường xuyên hướng dẫn chư huynh đệ ở miền Đông và Saigon đến thăm viếng Đức Sư Ông cầu học đạo, trong đó có nhiều nhà học giả trí thức, như Ông Huỳnh Hoài Lạc, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Chuông Mai, anh em ký giả, các vị tuổi trẻ đầu xanh đến học Phật pháp.

Nơi đây còn có Sư Thiện Huỳnh (cháu của Đức Huỳnh Giáo chủ), Sư Thiện Hương làm thị giả hầu cận Đức Sư Ông. Soạn giả và chư Tăng Ni thuộc Tăng đoàn Du Tăng Khất sĩ Non bồng được sự chỉ giáo của Đức tôn sư, mỗi năm vào khoảng trung tuần tháng giêng âm lịch cũng thường tổ chức thành đoàn về tại tịnh thất Đại Quang Minh kính lễ Đức Sư Ông và thọ học pháp môn tu niệm Phật.

Tu Vũ Tự

Theo lời của cư sĩ Thiện Phước kể lại: có một ngôi chùa Bồng Lai nơi có thờ “ông thẻ” của Đức Bổn sư núi Tượng thiết lập để trấn giữ (không phải Bồng Lai cổ tự). Về sau chùa bị chiến tranh đốt cháy, đến năm 1964 Đức Sư Ông chủ trương muốn lập lại ngôi chùa xưa, nên cử Ông Út Hớn chịu trách nhiệm trùng tu lại ngôi chùa Bồng Lai, núi Tượng, nhưng đổi danh hiệu chùa Bồng Lai thành Tu Vũ Tự. Trong quá trình xây dựng có nhiều tình tiết mà Ông Út Hớn và chư huynh đệ không giải quyết được, như việc:

”…tại nền chùa cũ có thờ một “ông thẻ” của Đức Bổn sư núi Tượng thờ phượng trấn giữ” cắm sâu trong lòng đất từ xưa; lại nằm trong nền chùa đến nay thì nhổ không lên, Ông Út Hớn và chư huynh đệ về Trà Sư cầu Đức Sư Ông gia hộ, Sư Ông cử Sư Thiện Huỳnh, là cháu của Đức Thầy Huỳnh Giáo chủ đến tụng kinh cầu nguyện; sau đó Sư Thiện Huỳnh tự tay nhổ “ông thẻ” lên một cách dễ dàng, để phụng thờ tại Tu Vũ Tự…”. Quá trình trùng tu xây dựng ngôi Tu Vũ Tự, Đức Tôn sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước có cử Ông Tám chợ Đào, các huynh đệ của Tịnh Độ Non Bồng từ Tổ Đình Linh Sơn miền Đông đến làm công quả trực tiếp chịu trách nhiệm trùng tu công trình cho đến khi viên mãn. Hiện nay thì Ông Út Hớn đã quy tây, ngôi chùa được con trai của Ông sửa sang lại thật khang trang và làm Trưởng Gánh của Phật Giáo Tứ Ân vùng Ba Chúc.

Theo dấu chân Đức Sư Ông:

Thành An Tự

Năm 1969, Đức Sư Ông chỉ giáo Sư Thiện Thới và các môn đệ tập trung về Núi Sập xây dựng ngôi Phật pháp Thành An Tự trên đỉnh núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Sau đó Đức Sư Ông được các môn đệ bái thỉnh về đây an cư hóa đạo cho đến ngày viên tịch.

Sư Thiện Thới hoàn tục, Phật sự chùa Thành An được giao lại cho quý thầy Thiện Tâm, Thiện Tánh, Thiện Chí, Ông Ba Bồ Đề... Năm 1976 sau khi Đức Sư Ông viên tịch, Đức Tôn sư cử tu sĩ Thích Thiện Tâm làm Trụ trì. Năm 2007, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác, Trưởng tông phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đứng ra trùng tu trở thành ngôi đại già lam quy mô khang trang để báo ân báo hiếu Phụ mẫu Tổ sư. Năm 2008, Ni trưởng cử Thầy Thích Huệ Thống thuộc con cháu trong tông phong làm Trụ trì.

Sở dĩ chúng ta kính thờ hai ngôi chùa Bửu Quang và chùa Thành An vị thứ là Tổ Đình vì hai ngôi chùa nầy là nơi xuất thân của Đức tôn sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước người sáng lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, một môn phái có nhiều người dự tu Tịnh Độ ở miền Đông Nam phần Việt Nam.

Hộ trì chánh pháp:

Năm 1942, Đức Sư Ông du hóa hành đạo về cầu số 1, Thị xã Rạch Giá, có môn đệ cũng được mời về đây tiếp tục làm việc từ thiện bốc thuốc Nam, cứu bệnh hướng dẫn người tu hành tế tăng độ chúng.

Có một Đạo nhân tướng hảo quang minh, diện mạo phi thường minh triết vị thanh niên có trên 20 tuổi, mặc y phục cổ truyền (bộ đồ bà ba trắng) đến vấn an hỏi đạo cầu Sư Ông an tâm :

- Đạo nhân nói : “ Thê tử đã qua đời, con quá khổ tâm, Ông Ba có cách nào giải khổ…?

- Sư Ông đáp : “ Ông là người có sứ mạng cao cả với Phật pháp, không việc gì phải bận tâm phiền trược, khổ đau việc thê tử. Ông nên xuất thân tu hành hoá đạo, chúng sanh đang chờ, tôi hứa sẽ là người đầu tiên ủng hộ cho Ông…”

Vị Đạo nhân liền xá chào từ giả Sư Ông ra đi và làm theo lời sách tấn của Sư Ông. Đến năm 1943, vị Đạo Nhân đó trở lại thăm Sư Ông, lúc bấy giờ trên mình mang pháp phục đại y. Sư Ông liền bảo: “Từ đây đạo lành của ông rất tỏ rạng, nhưng trên đường hành đạo, Ông đừng bao giờ nhắc đến danh tánh của tôi, tôi và các môn đệ của tôi trong tương lai sẽ là người ẩn mình hỗ trợ cho Ông hành đạo, tình nghĩa Thầy trò chỉ gặp nhau bằng đạo Tâm mà thôi…” (nguyên văn của Đức Sư Ông thuật lại hồi năm 1962 khi Đoàn Du Tăng chúng tôi đến thăm Ngài tại Sân Tiên, núi Trà Sư, Tịnh Biên ).

Thì ra ai mà biết được vị Đạo nhân tướng hảo quang minh đó sau nầy là Tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam !

Hộ trì tôn giáo dân tộc:

Phật giáo Hòa Hảo thuộc Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, là một viềng mối Đạo Phật xuất hiện tại Việt Nam, hoàn toàn của dân tộc Việt Nam, phù hợp với vị trí, địa lý, phong thổ, tập quán của người dân đồng bằng nam bộ, vị giáo chủ khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, quanh năm gắn bó với ruộng vườn, yếu nước yêu quê hương, giữ gìn thắt chặt những cơ đồ mà mình đ tạo ra.

Vị đạo nhân sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo là người có truyền thống đạo đức, trí tuệ tuyệt vời, bản thân có “ơn trên trước” gia hộ điển lành, xuất khẩu thành thơ, khuyến thiện, khuyên dân lành tu niệm, cứu dân độ thế, chủ trương vừa tu hành vừa hành pháp tứ ân hiếu nghĩa, trọn đạo bốn ân, chống ách thống trị của ngoại xâm.

Theo lời của Sư Thiện Trí năm 1970, kể: “Có lần khi đang hành đạo tại chùa Bửu Quang, vị đạo nhân ghé thăm Đức Sư Ông, hai bên trao đổi đàm đạo, một bên thì già, một bên thì trẻ, Đức Sư Ông có nói: “người Tây đang theo dõi, chống phá nhân dân và Đạo giáo Việt Nam, nhất là ở miền Tây những nơi có Đạo giáo Việt Nam chống Tây xuất hiện, đạo Tứ Ân, đạo của Ngài cũng rất tỏa sáng, tuy nhiên đừng để lộ những lời sấm ký nhiều…tổn hại cho bản thân”, vị đạo nhân vui vẻ nhận lời.

Vị đó chính là Đức Thầy Huỳnh giáo chủ, người sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939 (18 tháng 5 năm Kỷ mão).

Phật giáo Hòa Hảo là một đạo minh triết, tiếp nhận giáo lý Phật-đà triết lý thành thi văn để giáo hóa đồ chúng; thật phù hợp với nhơn luân đời sống đồng bào miền Tây nam phần Việt Nam. Chủ trương tu cư gia, học Phật tu nhơn, tu đầu tóc không cần phải cạo, miễn cho rồi cái đạo làm người. Tổ chức hành chánh thật nghiêm trong khâu quản lý tín đồ, Hội quán thờ tấm “Vải Nâu” và “Di ảnh Đức Huỳnh” trang nghiêm, phổ biến giáo lý bằng kinh sám, lời chỉ dạy của đức Huỳnh giáo chủ, mà người tín đồ miền Tây lục tỉnh tín ngưỡng, mối đạo của Ngài là hậu thân của Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Trong môn phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, có những người cháu và tín đồ của Đức Thầy Huỳnh phát tâm xuất gia đầu Phật, như: Đại Đức Thiện Huỳnh (cháu của Đức Huỳnh), Hòa thượng Thiện Hương (tín đồ của PGHH, phát tâm tu Tịnh Độ làm thị giả Đức Sư Ông tại tịnh thất Đại Quang Minh).

Năm 1990 tại Quan Âm Tu Viện có Ông Minh Thế (Lê Văn Nuôi) hướng dẫn gia đình là Ngọc Lệ và con cháu quy y Tam bảo. Ông thường xuyên tham dự thọ Bát Quan trai giới từ năm 1992 đến năm 1997. Năm 1998 Ông đã xuất gia và thọ Tỳ kheo, nương Hòa thượng Thích Giác Quang làm Y chỉ sư. Bà Ngọc Lệ là cháu của Đức Thầy Huỳnh Giáo chủ (Bà Lệ là con gái của Cụ Bà Huỳnh Thị Sớm).

Truyền đăng tục diệm pháp môn niệm Phật, Tịnh Độ tông

Vào cuối năm 1954 Đức Sư Ông có tiếp nhận thêm một người đệ tử, mà người này có tâm tính khác thường hơn các đệ tử lớn của Ngài. Suốt thời gian học đạo 8 tháng chưa bao giờ người được phép gặp Sư Ông để được dạy bảo học giáo lý gì cả, mà chỉ được các vị đệ tử lớn truyền đạt lại dạy niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà : “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”, mặc dù người văn hay chữ giỏi, thông thuộc nho học, kinh pháp làu thông, nhưng ngược lại người chỉ được các Sư huynh cho phép “Làm công quả, lao tác xung quanh các việc trong nhà trù cũng như ở ngoài rừng…” nhưng vị Đạo nhân đó lúc nào cũng vui vẻ, sẵn sàng chấp nhận.

Một ngày nọ, vị Đạo nhân đó lén vào liêu phạng của Sư Ông để tham vấn học đạo. Khi gặp Sư Ông, mừng quá vị Đạo nhân nói: “ Bạch Ơng Ba, con muốn giống Ơng Ba, mà phải tu thế nào cho giống?...”

Đức Sư Ông vui cười và bảo : - “ Muốn Thì Được” ! Nói rồi Đức Ông liền ban cho vị Đạo nhân đó một bát cơm của Sư Ông đang ăn…nhận lấy phần quà vinh dự đó, vị Đạo nhân xem như là thượng phẩm, làsứ mệnh thiêng liêng cao quý của Sư Ông. Thế rồi chỉ có bấy nhiêu thôi, từ đó tình thân mật giữa thầy trò chỉ nhìn nhận nhau bằng tâm niệm. Huyền sử mầu nhiệm về tình nghĩa Thầy trò suốt thời gian học đạo, Đạo nhân được Đức Sư Ông dạy đạo lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng để rồi phải xa nhau. Sư Ông dạy Đạo nhân đó phải đi về Miền Đông hành đạo thì được việc…

Năm 1956, vị Đạo nhân đi về miền Đông, kinh qua nhiều gian truân thử thách, qua nhiều trú xứ, đến cầu pháp với Đại lào Hòa Thượng Hồng Ân-Trí Châu, được truyền pháp "thiền tịnh song tu" pháp phái Tổ Đình Quốc Ân Kim Cang, của Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch tại Long Sơn cổ tự, xã Tân Ba, Quận Tân Uyên, lúc bấy giờ Đạo nhân được ban đạo hiệu là Nhựt Ý-Thiện Phước và cuối cùng đăng sơn núi Dinh, Bà Rịa được Yết Ma Sen giao phó Tổ Đình Linh Sơn cho Đạo nhân làm Trụ trì. Vị đạo nhân đó tức là Đức tôn sư Hoà Thượng thượng THIỆN hạ PHƯỚC, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai người sáng lập môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, Chứng Minh Đạo Sư Quan Âm Tu Viện, lnh đạo 150 ngôi Tự , Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Đạo tràng thuộc môn phái trên cả nước, giáo hoá hàng ngàn Tăng Ni, hàng chục vạn tín đồ Phật tử quy y tu theo pháp môn.

Liên quan đến Tổ Đình Quốc Ân Kim Cang, Long Sơn cổ tự còn có các Tổ Đình Long Thiền, Hưng Long cổ tự, Bửu Phong cổ tự, Đại giác cổ tự...một số chùa cổ nằm cạnh bờ sông Đồng Nai.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Hành Hương Về Nguồn Lần Thứ Nhất: Tịnh Thất Đại Quang Minh”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com