Em gởi thư sang bảo:”Chị ơi, sắp đến Phật Đản rồi đó, bên chị có hoạt động gì không, chị có đi chùa dự lễ hay được nghỉ không chị. Em bên này bận lắm vì ngoài thời gian đi làm thì em ở chùa làm phật sự cả ngày, giúp thầy em tổ chức khóa tu, trang trí tự viện và còn có cả xe hoa, đèn lồng nữa chị. Vui lắm chị ạ vì những ngày này rất đông vui tấp nập. Xung quanh chùa em, đường phố được trang hoàng nhiều đèn lồng và cờ ngũ sắc bay rợp trời. Buổi tối, khi thành phố lên đèn, từ trên tháp chuông nhìn xuống, cả sắc màu Phật giáo lung linh, huyền ảo đẹp lắm chị ơi. Chị cố gắng thu xếp năm sau về đây tham gia lễ Phật Đản với em nha. Em nhớ chị lắm.
Nghe em nói chị không biết nên vui hay nên buồn. Vui vì thấy em cuối cùng đã tìm được niềm vui bên Tam Bảo, vui vì ngày Phật thị hiện xuống trần đang lan tỏa khắp mọi ngã đường của đất nước, vui vì ngày Phật Đản sanh lại trở thành một ngày hội tôn giáo trọng đại giúp người người gắn kết bên nhau và vui vì nhờ đó chị cũng như được em truyền cho chút ít không khí trầm hùng, hạnh phúc, an lạc từ quê hương của mình.
Buồn vì không biết phải kể cho em như thế nào về ngày lễ Phật Đản nơi chị đang sống đây vì làm gì có mà kể hả em. Ở Mỹ này không có nhiều chùa lớn của người Việt đâu trừ khi ở những tiểu bang lớn có đông người Việt sinh sống như California hay Texas vì rất khó để đủ kinh phí xây chùa cũng như có nhiều Phật tử sinh hoạt. Còn lại thì đa phần những chùa Việt Nam ở đây đều là nhà biến thành chùa bằng cách mua trả góp một ngôi nhà đang sinh sống trong rất nhiều năm rồi mang tượng Phật vào an vị thế là thành chùa mà thôi. Ở tiểu bang của chị cũng có một số chùa dù không lớn lắm nhưng trang nghiêm, thanh tịnh. Tuy nhiên, những chùa này lại tọa lạc ở các thành phố rất xa nơi chị ở và tiểu bang Florida này diện tích còn lớn hơn cả đất nước Việt Nam của mình đó em. Thành phố chị đang sinh sống rất nhỏ, ít người Việt cũng như Á Châu và thành phố này chỉ dành cho học tập chứ không có hoạt động gì chính cả. Ở đây, mọi hoạt động đều bị chi phối bởi trường đại học mà chị đang học, trường đại học Florida, trường đại học lớn nhất của tiểu bang này. Biểu tượng của thành phố và của trường là con cá sấu nên ở đây được mệnh danh là Gator Nation. Thành phố này cũng không có chùa ngoài một đạo tràng do một Phật tử tín tâm mua trả góp từ một nhà thờ bị phá sản rồi chỉnh sửa một chút chuyển thành chùa được gần hai năm. Tuy nhiên, đạo tràng đến giờ vẫn chưa có thầy trụ trì nên thỉnh thoảng mới có tổ chức lễ mời một vài vị thầy từ phương xa tới chứng minh mà thôi.
Gia đình chị thường xuyên xuống đạo tràng ấy phụ giúp khi có phật sự cần thiết cũng như một vài buổi lễ quan trọng trong năm như lễ Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán thường tổ chức vào cuối tuần thì mới có Phật tử đến dự. Lễ nghi cũng phải ngắn gọn vì không ai có thời gian ở lại cả ngày và nếu quá rườm rà, dài dòng, đủ lễ nghĩa thì rất vắng người đến tham gia. Tuy nhiên, chị cũng hiếm khi đến chùa lắm, một năm chỉ một hai lần vì chị đi làm cuối tuần trong khi các lễ hay Phật sự lại tổ chức vào cuối tuần. Đạo tràng cũng rất ít Phật tử nhưng tết về lại giúp cho người Việt ở đây quây quần bên nhau ôn lại kỷ niệm xưa và cùng ăn với nhau bữa cơm đầu năm rồi trở về với cuộc sống thường nhật, hối hả của mình. Bên này là vậy đó em, lễ nghi gì cũng hiếm khi tổ chức đúng ngày mà thường tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật. Đôi khi, Lễ Phật Đản hay Vu Lan còn tổ chức sau đó cả tháng trời là điều bình thường. Việc tổ chức cũng không thể có đầy đủ lễ nghi hay trình tự như ở Việt Nam mà đa phần chỉ là cơ hội cho một ít Phật tử có tâm cùng đến với nhau khuyến hóa tu tập và gặp mặt nhau. Do đó, chị hầu như chẳng biết và hiếm có cơ hội được dự một buổi lễ Phật Giáo đúng nghĩa ở đây lắm. Vì vậy, chị toàn tự tu ở nhà, biến nhà mình, tâm mình thành chùa cho riêng mình luôn. Ngày ngày rãnh rỗi thì chị niệm Phật, đến rằm mùng một hay các ngày lễ lớn thì nấu cơm cúng Phật, tụng kinh, một mình một cõi như vậy thôi em. Nếu cần đọc tin tức, đọc kinh hay nghe bài giảng gì thì chị lên mạng và nếu có thắc mắc gì cần hỏi thì chị gọi điện hỏi bạn đạo hay thầy tổ của chị ở Việt Nam. Riết rồi chị cũng quen, lấy chính bản thân mình làm bạn với mình, “ta với ta” giữa thế giới này đó em.
Những ngày này, chị vẫn đang tận hưởng không khí Phật Đản từ khắp nơi trên thế giới thông qua màng hình internet. Mỗi quốc gia và dân tộc có một cách thể hiện mừng ngày Đức Phật Đản Sinh đầy màu sắc khác nhau nhưng mục đích chính vẫn là cùng nhắc nhau sống trong từ bi, trí tuệ, bình yên và hạnh phúc. Vậy giờ đây, chị sẽ dẫn em đi xem lễ Phật Đản khắp nơi trên thế giới nha.
Chúng ta cùng về với Nepal, nơi Đức Phật Đản Sinh. Ở Nepal, lễ Phật Đản diễn ra cả tháng Vesak đánh dấu sự kiện Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập niết bàn. Người Nepal thường mặc y phục màu trắng, đến chùa dâng cúng, cầu nguyện và thức ăn dâng cúng quan trọng chính là bát cháo sữa để nhớ đến nàng Sujata đã dâng bát sữa lên cho Đức Phật bên sông Ni Liên Thuyền ngày xưa trứoc khi Ngài nhập đinh dưới chân cội bồ đề thành Phật. Hiện nay, rất nhiều chùa của các nước cũng đang được xây dựng ở Nepal bao gồm cả chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu, người Việt Nam mình. Từ khi Liên Hiệp Quốc công nhận Lâm Tỳ Ni của Nepal, nơi Đức Phật giáng trần là di sản văn hóa thế giới, rất nhiều du khách đã đến đây cùng tham dự và cầu nguyện mừng ngày Đức Phật đản sinh.
Kế bên Nepal là Ấn Độ, nơi linh thiêng quy tụ tinh hoa và thần lực của Phật giáo chính là Bồ Đề Đạo Tràng. Cũng như Nepal, Bồ Đề Đạo Tràng đã trở thành một liên hiệp quốc Phật tự nên sắc màu Phật giáo của tất cả các nước đang được phô diễn nhân ngày Phật Đản. Ở đây cũng có chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu tọa lạc. Tháp đại giác và cây bồ đề vĩ đại là nơi Phật tử từ khắp nơi tụ hội về đây cầu nguyện suốt ngày đêm. Rất nhiều đoàn hành hương Phật tử cũng như tăng ni các chùa vân tập về đây cử hành khóa lễ cầu nguyện vì hòa bình thế giới trong ngày Phật Đản. Cả một vùng bao la rộng lớn của Bồ Đề Đạo Tràng rợp cờ Phật giáo của Tây Tạng. Hoa tươi, nhang, đèn, cơm chay dâng cúng ngày đêm không lúc nào ngơi nghĩ trong những ngày này. Xung quanh, mọi người đi kinh hành quanh tháp đại giác hay ngồi dưới cội bồ đề thiền định và nhất là nhặt được một chiếc lá bồ đề linh thiêng ở đây về làm kỷ niệm. Trong kinh Đức Phật dạy Phật tử nên một lần cố gắng hành hương về bốn nơi linh thiêng, là tứ động tâm của Phật giáo là Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật Giáng trần, Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật thành đạo, vườn Lộc Uyển nơi Đức Phật chuyển pháp luân và Câu Thi Na nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Vì thế, chị cũng cầu mong trong đời này mình đủ duyên lành hành hương về thăm các thánh tích ấy.
Sang Sri Lanka, đất nước vừa mới được hàn gắn, yên bình sau cuộc nội chiến đẫm máu do bọn khủng bố Mãnh Hổ Tamil gây nên làm cho bao nhiêu người dân vô tội bị sát hại. Chính Phật giáo và tinh hoa của đất nước đã giúp cho họ sống hòa bình trở lại. Những vị lãnh đạo và kể cả tổng thống của Sri Lanka hiện nay đều là những Phật tử thuần hành. Để mừng ngày Phật Đản Sanh, nhiều quan chức, bộ trưởng của Sri Lanka cùng cạo tóc tham dự các khóa tu nguyện cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc. Đặc biệt, Sri Lanka đang xây dựng một trung tâm lưu trữ kinh điển và sinh hoạt Phật Giáo lớn nhất thế giới. Hy vọng công trình sớm được hoàn thành để góp phần tô điểm và làm đẹp thêm vườn tâm và tuệ của đạo pháp.
Nhật Bản, xứ sở của mặt trời mọc và của hoa anh đào thường tổ chức lễ Phật Đản với nghi thức tắm Phật vào ngày mùng tám tháng tư hay tháng năm của dương lịch, khác với Việt Nam, Trung Hoa và Hàn Quốc theo âm lịch. Trong những ngày này, rất nhiều chùa đang tổ chức các nghi lễ cầu nguyện mừng Phật Đản và cho những nạn nhân bị thiệt hại trong vụ động đất và sóng thần xảy ra hôm tháng ba vừa qua. Lễ Phật Đản của Nhật Bản còn gọi là lễ Hanamatsuri, lễ hội Hoa vì để nhớ về truyền thuyết trời mưa hoa xuống mừng ngày Đức Phật Đản sanh.
Hồng Kông và Trung Hoa, trung tâm của Phật giáo Châu Á rất đông vui, nhộn nhịp trong ngày đại lễ. Nếu ở Ấn Độ và Nepal chúng ta có tứ động tâm thì ở Trung Hoa có tứ đại Phật Sơn nổi tiếng của các vị Bồ Tát. Đó chính là Phổ Đà Sơn của Quán Thế Âm Bồ Tát, Nga Mi Sơn của Phổ Hiền Bồ Tát, Ngũ Đài Sơn của Văn Thù Bồ Tát và Cữu Hoa Sơn của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Phật giáo Trung Hoa giống với Phật giáo Bắc truyền của Việt Nam mình cho nên những ngày này các nghi lễ tắm Phật, thả hoa đăng, cầu nguyện diễn ra ở khắp các chùa, không chỉ riêng ở Tứ Đại Phật Sơn. Xa xa về tỉnh Hà Nam có Thiếu Lâm Tự, quần thể tâm linh thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước. Do đó những ngày này, rất nhiều đoàn khách du lịch hành hương về đây chiêm bái và tổ chức tắm Phật, nguyện cầu quốc thái dân an.
Kế bên Trung Hoa là Đài Loan, một tiểu quốc rất kính tin tam bảo. Nói đến Đài Loan phải nói đến Phật Quang Sơn và nhất là Hội Từ Tế do sư cô Chứng Nghiêm sáng lập và lãnh đạo nổi tiếng khắp cả thế giới. Lễ hội Phật Đản do hội Từ Tế tổ chức thu hút hàng trăm ngàn người tham dự. Họ cùng nhau thắp nến nguyện cầu trước đài tưởng niệm trong không khí trầm mặc, hào hùng nhưng rất cảm động chỉ mong muốn thế giới sẽ được bình yên.
Hàn Quốc trong những ngày này rợp sắc màu đèn lồng. Lễ Phật Đản ở Hàn Quốc trở thành một lễ hội đèn lồng đa sắc lớn nhất trên toàn thế giới với hàng triệu chiếc đèn tỏa rạng khắp mọi ngã đường, từ đường quê cho đến những trung tâm thương mại bậc nhất. Ở các chùa, nghi thức tắm Phật và nhất là lễ tập sự xuất gia gieo duyên của các tiểu hòa thượng rất ngộ nghĩnh và dễ thương. Về đêm, khi lễ hội đèn lồng diễn ra hàng chục cây số, cả thủ đô Seoul được thắp sáng trong ánh đèn lung linh, huyền ảo của muôn sắc đèn lồng. Ngắm nhìn cả một trời ánh sáng lung linh của đèn lồng tỏa rạng ở Hàn Quốc, chị cứ tưởng như mình đang được lạc bước vào một chốn thần tiên diệu kỳ nào đó.
Một đất nước không thể nhắc đến trong hành trình tâm linh Phật Giáo vào ngày lễ Phật Đản chính là Thái Lan, nơi Phật giáo được xem là quốc giáo. Tuần trước, đã có hơn 12,600 nhà sư vân tập về khu trung tâm thương mại khất thực và cầu nguyện. Đặc biệt năm nay, Thái Lan tiếp tục tổ chức ngày Lễ Vesak đánh dấu sự kiện Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập niết bàn. Chắc em cũng còn nhớ ngày lễ Vesak là một ngày đại lễ được đại hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc công nhận vào năm 1999 và tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000 tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở New York. Từ đó đến nay, cứ đến ngày Phật Đản, cả thế giới lại cùng hứong nguyện tổ chức ngày lễ tam hợp để ôn lại những lời giảng của Ngài nhằm giải quyết những vấn đề cho cuộc sống của con người chúng ta trong hiện tại. Năm nay, lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ tám tổ chức ở Thái Lan với chủ đề: đạo đức của Phật giáo cho sự phát triển của kinh tế và xã hội cũng không ngoài mục đích trên.
Những quốc gia chị em mình vừa đi qua là những hạt ngọc tâm linh của Phật giáo trên trái đất này. Ngoài ra, rất nhiều nơi trên thế giới từ Châu Mỹ đến Châu Âu, Châu Úc, các đạo tràng và Phật tử đến hẹn lại lên cùng đồng thắp tâm hương quay về mừng ngày lễ của đấng từ phụ. Cảm động hơn khi một số quốc gia của Châu Phi cũng hiện hữu vài đạo tràng Phật giáo. Băngladesh, một quốc gia đang bị bọn khủng bố Hồi Giáo ở phương nam gây chiến tranh tôn giáo nhưng vẫn cố gắng tổ chức ngày lễ Phật trang nghiêm. Hay như quốc gia Hồi Giáo Afghanistan vẫn đang cố xây dựng một cộng đồng Phật tử, bảo vệ các thánh tích Phật Giáo hiện hữu cũng như gởi đoàn đại biểu đến tham dự lễ hội Vesak. Đất nước Bhutan, quốc gia có chỉ số xanh tươi và hạnh phúc cao nhất trên thế giới vì chú trọng đến chất lượng cuộc sống, hướng về hạnh phúc của tâm hơn các chỉ số phát triển kinh tế GDP mà các nước trên thế giới dang dùng. Quốc gia bé nhỏ nằm trên triền núi của dãy Hymalaya này là một quốc gia của Phật giáo nên ngày lễ Phật Đản cũng diễn ra hết sức trang nghiêm và huy hoàng. Đất nước Tây Tạng, nóc nhà của thế giới, dù bị Trung Hoa xâm chiếm nhưng tại thành phố Dharamsala ở Ấn Độ, nơi chính quyền lưu vong Tây Tạng đang ngự trị, ngày lễ Phật Đản Vesak nhiều sắc màu diễn ra tưng bừng. Phật tử khắp nơi mong mỏi về đây đãnh lễ Đức Dalai Latma, nhà lãnh đạo tâm linh Phật giáo của thế giới và cũng là ứng cử viên được nhận giải Nobel Hòa Bình vào năm 1989. Chị rất khâm phục và ngưỡng mộ người dân Tây Tạng và chị nghĩ rằng không có dân tộc nào trên thế giới này mộ đạo hơn người dân Tây Tạng cả.
Dạo này chị cũng thường xuyên theo dõi tin tức về Phật Đản trên các báo ở Việt Nam nên cũng được tận hưởng chút ít không khí Phật Đản lan tỏa từ quê mình càng làm chị nhớ thầy tổ, nhớ Việt Nam hơn. Ngày Phật Đản năm nay chắc chị cũng chỉ lo nấu vài món chay, dâng hương trà quả và tụng kinh cúng Phật thôi em à. Nhịp sống của ngày thường hối hả đuổi nhau nên chị cũng chỉ có thể tổ chức ngày lễ Phật giáo đơn giản như vậy thôi.Ước gì giờ này chị cũng được ở Việt Nam để chị em mình cùng đi treo cờ Phật Đản ở chùa và ở xung quanh nhà mình, được vào chùa làm lễ tắm Phật, tụng kinh, kết hoa dâng lên cúng dường mười phương chư Phật rồi cùng thả hoa đăng trong vườn chùa. Chỉ một ước mơ bình dị, đơn giản như vậy thôi mà với chị sao vô duyên đến tận bây giờ vẫn chưa được tận hưởng trọn vẹn một ngày lễ Phật Đản đầy ý nghĩa ở chùa.Thôi thì đành an ủi rằng Phật tại tâm nên nếu tâm mình hướng về Phật thì chư Phật mười phương vẫn hiện hữu xung quanh mình. Đôi khi, giữa dòng đời tấp nập lo kiếm tìm, chạy theo ông Phật bên ngoài mà quên cả Đức Phật trong tâm mình, trong chính con người của mình phải không em?
Hưong Phật Đản đang tràn về trên khắp các ngã đường của quê nhà. Nhân mùa Phật Đản 2555, dương lịch 2011, chị xin chúc em, gia đình em cùng toàn thể chư tôn thiền đức, quý tăng ni Phật tử trên toàn thế giới có một mùa Phật Đản đầy hòa bình, an lạc. Cầu mong sao cho thế giới sẽ không còn cảnh đao binh, nhà nhà đều an hưởng hạnh phúc, thái bình trong ánh hào quang của Đức Từ Phụ Thích Ca. Đêm rằm tháng tư, em nhớ vào chùa thắp dùm chị một nén nhang, kết dùm chị một chuỗi hoa hay dâng một vài hoa sen lên cúng Phật, thắp dùm chị một chiếc đèn lồng treo phía trước cây bồ đề và thả dùm chị một chiếc hoa đăng sau vườn chùa em nhé. Năm sau tốt nghiệp chị hy vọng sẽ được đủ duyên lành về Việt Nam tham dự lễ Phật Đản với em, em nhớ chờ chị nha em.
Một ngày mới đang lên nơi phương trời Tây của chị
Thương em.
Ngọc Hằng