Tôi đến Quan Âm Tu Viện vào một ngày giữa tháng ba khi tiết trời mùa xuân đang dần dần trôi xa nhường chỗ cho những ánh nắng vàng khô của những ngày hè oi nồng đang từ từ đến gần. Lần đầu tiên về lại Việt Nam sau hơn sáu năm trời xa quê, bao niềm nhớ nhung, da diết, bồi hồi, xúc động cứ như chợt vỡ òa thổn thức nghẹn ngào trong trái tim mình. Từ một nơi giá lạnh hanh khô của phương trời châu Mỹ, tôi trở về quê nhà tắm mình trong cái nắng gay gắt của quê hương nhưng ấm áp tình người.
Lần đầu tiên về Việt Nam, tôi có cơ hội tìm về với ngôi nhà của chánh pháp, được thầy tổ quy y ban cho pháp danh để chính thức thành đệ tử Phật và để có cơ hội chiêm bái, tận hưởng những phút giây yên bình bên những ngôi chùa của quê hương mà khi xưa còn ở Việt Nam tôi không đủ duyên trân quý, tìm hiểu, thưởng ngoạn .
Theo sự hướng dẫn của một người bạn đạo, tôi được vào Quan Âm Tu Viện, nơi sẽ là mái nhà tâm linh và tôi chính thức được diện kiến thầy tổ của mình. Trên đường về tu viện, đường phố rất đông đúc, ồn ào, tấp nập, người người hối hả chen nhau với bao công việc của một thành phố trẻ trung, năng động, phát triễn khá nhanh của Việt Nam là Biên Hòa, Đồng Nai. Tuy nhiên, vừa bước vào cổng tu viện, tôi khá ngạc nhiên và bất ngờ với những gì bên trong. Quan Âm Tu Viện đơn sơ, mộc mạc, bình yên, thanh tịnh cứ như là không bị tan nhiễm hay bị tác động bởi những gì xô bồ xung quanh mình. Nhìn hình ảnh đó, tôi cứ ngỡ Quan Âm Tu Viện như một ốc đảo tĩnh tu đã được chư Phật, chư Bồ Tát vẽ vòng bao phủ gia trì nên những ồn ào, nhiễm ô bên ngoài không thể tác động vào bên trong tu viện được. Tự nhiên, tôi cảm thấy khoan khoái, thích thú đến lạ.
Theo con đường đất đỏ của xứ sở miền Đông Nam Bộ, tôi lần bước vào tu viện. Bên trái là dãy nhà chư tăng và phòng tiếp khách, phòng làm việc của các bậc tôn sư. Bên phải là hàng cây đung đưa dẫn vào nhà khách chư tăng. Từ đây có thể nhìn tổng thể bao quát xung quanh tu viện. Khắp tu viện, đâu đâu cũng thấy những hàng cây đong đưa che phủ những mái nhà lam đơn sơ, mộc mạc. Thật sự trong tâm trí mình, tôi chưa bao giờ nghĩ Quan Âm Tu Viện lại bình dị đến vậy vì đây là trung tâm, là chùa của thầy tổ, của các bậc trưởng thượng lãnh đạo Liên Tông Non Bồng với trên 140 chùa chiền cũng như các tự viện trên khắp cả nước . Thế mà ở đây mọi thứ quá đơn sơ, bình dị, bình dị từ những hàng cây, những con đường đất, những mái nhà thanh bần như những ngôi chùa bình lặng ở miền quê. Ở đây, chùa không có tháp cao, không có chánh điện, không có chuông lầu, không cao to kỳ vĩ như những ngôi chùa tôi viếng thăm nhưng bên trong lại ẩn chứa, khai sinh ra biết bao con người vĩ đại của đạo pháp, của dân tộc.
Phía trước nhà khách tăng chúng là tháp Di Đà với tượng Đức Phật Di Đà cao lớn. Nhìn ngắm và quỳ lạy dưới chân Ngài tôi nhớ đến 48 lời đại nguyện cùa Ngài , của một bậc chánh đẳng chánh giác :”Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sanh chí tâm tín ngưỡng, muốn sanh về cõi nước tôi, cho đến trong 10 niệm (lúc lâm chung), nếu chẳng được sanh về (trừ khi họ phạm tội ngũ nghịch, hủy báng Chánh pháp), tôi thề không chứng quả Chánh Giác.” Từ ngày biết tu tập Phật pháp, ngày nào con cũng trì danh hiệu Ngài và đời đời phát nguyện khi mãn báo thân này được Ngài phóng linh quang tiếp dẫn về Tây Phương nước Ngài. Thông qua các bài giảng của quý thầy, con được biết cứ mỗi một câu niệm Phật là một hoa sen nơi cõi tịnh độ sẽ từ từ mọc lên chờ đợi hành giả về lạc quốc. Vì vậy, ngày nào con cũng cố gắng trì danh niệm Phật, cố gắng tinh tấn tu hành để nuôi dưỡng hoa sen của mình được vươn cao, nở đẹp mong đến ngày mình cũng được như bao hành giả khác sẽ cùng hội về mái nhà thật sự nơi Tây Phương Tịnh Độ. Cầu mong Ngài cùng chư Phật mười phương từ bi gia hộ, độ trì cho con được tu hành tinh tấn, Ngài nhé.
Kế bên tháp Di Đà là tháp Địa Tạng, vị Bồ Tát với hạnh nguyện đại từ đại bi phát đại nguyện vào địa ngục cứu những chúng sinh đang bị hành hình trong lò lửa của quả nghiệp của tham sân si và tội ác ngập trời. Mắt người uy nghiêm nhưng sâu lắng với chiếc áo cà sa đỏ rực như hy sinh thân mình xin chịu thay đau thương cho chúng sinh và hóa thân thị hiện cứu bao chúng sinh đang bị hành hình nơi âm ty ngục thất. Lửa địa ngục quá đớn đau nhưng bể khổ của trần gian cùng biết bao hỏa lực của tham, sân, si đang nung đốt bao nhiêu con người nhưng biết bao giờ họ mới cảnh tỉnh để quay đầu về bến làm lại cuộc đời hay mãi trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi của nạn kiếp chờ đến hội Long Hoa Đức Bồ Tát Di Lặc hạ sanh cứu giúp.
Phía sau tháp Di Đà là tháp Thiên Thủ Thiên Nhãn với tượng Phật Bồ Tát Quán Thế Âm màu trắng. Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát của lòng từ bi cùng hạnh nguyện cúu vớt chúng sanh muôn nơi muôn nẻo. Ở đâu có chúng sanh bị khổ đau, chỉ cần niệm danh hiệu Ngài là Ngài tức thị hóa thân cứu giúp chúng sinh thoát khỏi nạn tai.
“Trang nghiêm thanh tịnh biết bao đời
Mầu nhiệm Quán Âm quả tuyệt vời
Bể khổ thuyền từ luôn cứu độ
Chí thành cầu nguyện ứng theo lời.”
Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam và Trung Hoa, Ngài thường được mang hình tướng là nữ, được ví như mẹ hiền hóa độ cứu đàn con của mình. Chúng sanh vô biên vô tận, tai ách nạn kiếp không biết bao mà lường vậy mà Ngài ứng hiện muôn nơi ngàn tay ngàn mắt vượt ra cả không gian và thời gian cứu vớt không ngừng nghĩ. Nhìn Ngài, con vô cùng cảm động vì biết rằng con cũng đang được Ngài che chở, giúp đỡ, cứu thoát bao lần. Mẹ ơi, thế gian bao nhiêu là chiến tranh triền miên đau đớn, bão giông mây nước ngập trời, con kính xin mẹ hãy thương xót chúng con mà cứu nguy cho thế giới, cho chúng sinh được thanh bình, êm ấm.
Trước tháp Thiên Thủ là chánh điện tăng. Bước vào chánh điện, một không khí lung linh huyền ảo phản phất trong khói hương trầm mặc tỏa rạng khắp cả phòng. Tiếng niệm Phật, tụng kinh cùng tiếng mõ chuông trống vang lên từng hồi như đưa hành giả về thế giới trang nghiêm, thanh tịnh của chư Phật. Bất giác, tôi bỗng nhớ mấy câu thơ:
“Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở muôn nơi”
Thế là tôi dừng lại lắng nghe từng hồi chuông thanh thót trong tiếng gõ mõ tụng kinh và hòa âm niệm Phật theo tiếng mõ. Nhớ ngày xưa khi còn ở Việt Nam, cũng những tiếng chuông trống này tôi đều được nghe hằng ngày nhưng tôi chẳng có một cảm giác gì cả. Hình ảnh chuông mõ ngày đó thường gắn liền với tang lễ, đám ma nên trong tôi đạo Phật vô cùng yếm thế, bi quan. Tự nhiên, tôi cười cho chính bản thân mình, cười cho một thời quá vô minh, u trược của mình. Ngày xưa, vì mình quá vô minh, vì không duyên nên dù có ngọc trong tay mình cũng chẳng hề biết quý, để khi xa thật rồi mới bắt đầu biết nâng niu, trân trọng. Đúng là khi tâm mình muốn nghe, tâm mình thật sự đến chùa, nghe tiếng chuông ngân hòa trong tiếng niệm Phật tụng kinh làm tôi cảm động muốn rơi lệ. Xung quanh tôi, không phải chỉ có tôi về đây tu tập mà biết bao chúng sinh vô hình khác cũng đang về đây, ở đây hằng ngày nghe kinh tu tập giải thoát.
Trong niềm suy tư miên man, tôi bước ra khỏi chánh điện. Nhìn về bên phải, tôi thấy một ao sen với mô hình thu nhỏ chùa Một Cột . Học lịch sử tôi được biết vua Lý Thái Tông trong đêm đông tháng 10 nằm mộng thấy Phật Bà Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa. Vì vậy, theo lời khuyên của nhà sư Thiền Tuệ , vua cho xây dựng chùa Một Cột ứng như điềm mộng, một tòa sen, một ngôi chùa nổi trên mặt nước. Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng ôm trọn hồn thiêng sông núi của đạo pháp và dân tộc. Trải qua bao thăng trầm dâu bể với biết bao biến cố của lịch sử , chùa vẫn an nhiên tĩnh lặng soi gương vào bóng nước chao nghiêng nuôi lớn những hoa sen như tinh hoa của dân tộc đang vươn lên trong bùn lầy. Người ta vẫn thường ví người quân tử với hình tượng của bốn loài hoa là mai, lan, cúc, trúc tượng trưng cho bốn mùa nhưng với tôi, hoa sen hồng thanh nhẹ, mỏng manh bao quát tất cả mọi tính cách tốt đẹp nhất không chỉ riêng của người quân tử mà còn ẩn chứa bao nhân cách tốt đẹp, thanh quý của từ bi, trí tuệ, hiểu biết của hàng Bồ Tát. Vì thề, sen mọc ở đâu là ở đó Phật pháp được đơm hoa, trổ nụ.
Theo lối gần tháp Thiên Thủ, tôi rảo bước ra viếng tháp ông Cố, Hòa Thượng Thượng Thiện Hạ Phước, người khai sinh ra Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Đường ra tháp được bao phủ bởi những hàng cây xanh tươi cùng hoa thơm đang nở rộ xung quanh. Lẫn trong những tàn cây, những chùm hoa Sala màu đỏ cũng đang hé nhụy và một số rơi rụng trên đường. Nhặt hoa Sala cầm trong tay, tôi lại nhớ về câu chuyện hoàng hậu Ma Da trên đường về quê sinh Thái Tử Tất Đạt Đa, bà đã ghé vào vườn Lâm Tỳ Ni nghĩ chân. Trong lúc vô tình sờ tay vào cánh hoa ưu đàm, bà đã chuyển dạ sinh ra Đức Phật tại đây. Sala ơi, đây có phải là hoa ưu đàm ngày xưa hoàng hậu Ma Da sờ tay vào không. Nâng niu cánh hoa trong tay, tôi cảm thấy lòng vui sướng như cảm nhận được Đức Phật đang gần gũi đâu đây với mình.
Bước đến tháp Ông Cố, tôi lại cảm thấy xúc động bùi ngùi. Thông qua lịch sử về Ngài và về Liên Tông, tôi càng nghiêng mình bái phục Ngài vô cùng và cũng cảm thấy tự hào vì từ đây mình là con cháu của Ngài. Ngài đúng là Bồ Tát hóa hiện nên khắp cả một vùng Đông Nam Bộ đâu đâu cũng có dấu chân Ngài khai sơn đạo pháp. Ngày xưa, khi các vua quan nhà Nguyễn nam tiến từ đàng ngoài vào đàng trong khai sơn lập ấp mở mang bờ cõi, biết bao con người đã phải lìa thân dưới lằn tên mũi giáo để có được lãnh thổ đất nước như hôm nay:
“Từ thưở mang gươm đi mở đất
Mà lòng phơi phới dậy non sông”
Còn Ngài, Ngài mang đạo pháp đến cho quê hương, cho dân tộc, giúp người người có chốn nương thân tâm lình, nhà nhà an vui hạnh phúc trong tình yêu thương đoàn kết lẫn nhau chứ không hề có bạo động, vũ lực để đưa đạo pháp vào lòng người. Đi kinh hành xung quanh tháp của Ngài cũng như các tháp của các vị có công dựng xây Non Bồng được vững mạnh, con như được các Ngài truyền thêm ý chí và nghị lực để cố gắn tu hành, sống trọn vẹn một kiếp người để khi bỏ hết báo thân này cũng sẽ được các Ngài đưa tay nâng đỡ về nơi cõi Phật an vui.
Từ tháp Ông Cố quay trở về lối nhà khách tăng, tôi đi ngang qua vãng sanh đường nơi thờ tự rất nhiều huơng linh của thập phương bá tánh. Theo lối mòn dẫn xuống khu của chư Ni, tôi đi ngang qua những cây xoài đong đưa trĩu quả. Nhìn hình ảnh thân thương, bình dị ấy, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân:
“Xum xuê xoài biếc cam vàng
Dừa nghiêng cau thẳng hàng hàng nắng soi
Có nơi đâu đẹp tuyệt vời
Như sông như suối như người Việt Nam”
Từ lâu lắm rồi tôi mới được ngắm nhìn những hình ảnh thân thương đến vậy. Ngạc nhiên hơn nữa khi những cây xoài kia lại ngự trị nơi chốn thiền môn tĩnh lặng, điều tôi rất ít thấy ở những ngôi chùa mình đã viếng thăm.
Phía sau những cây xoài là nhà bếp Quan Âm Tu Viện. Nhìn các sư cô cùng Phật tử đang hối hả công quả lo cơm nước cho tu viện cùng khách thập phương mà tôi cảm phục vô cùng. Không biết làm cách nào các sư cô có thể lo cơm ăn với đầy đủ dinh dưỡng cho biết bao con người năm này tháng nọ mà không hề biết mệt mỏi. Trong thâm tâm tôi, các sư cô cũng chẳng khác nào những vị Bồ Tát hiện thân chăm sóc cho các chúng sinh chỉ hầu mong hành giả ăn bữa cơm tuy đơn sơ đạm bạc nhưng chan chứa biết bao tấm lòng cùng niềm tin yêu, cầu nguyện của mọi người mà gắn công tu tập hầu mong sớm được liễu sanh thoát tử.
Cũng như trên khu nhà tăng, khu ni chúng cũng bao gồm nhà ni thấp thoáng dưới những tán cây. Đặc biệt ở đây chính là điện thờ ông Cố phía trước chánh điện Ni. Từ ngoài nhìn vào, tượng Ông Cố cùng hình ảnh Ngài râu dài quắc thước đang chống gậy bước ra. Ngài trông như ông Bụt trong các câu chuyện cổ tích với chiếc áo nâu sòng giản dị cùng đôi mắt hiền từ đang dang rộng vòng tay cứu vớt những chúng sinh nhân từ, tốt bụng bị nạn tai.
Ngồi bên những hàng ghế đá dưới bóng mát cây bồ đề cao to che phủ cả điện thờ và một khoảng sân, tôi cảm thấy dễ chịu, thoải mái vô cùng. Bồ đề ơi, cây đã ở đây từ bao giờ mà cao to, tươi đẹp đến vậy. Bồ đề ôm ấp chở che cả hình hài, gấm vóc của một ngôi chùa và tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục với hạnh nguyện rộng lớn của người xuất gia. Nhớ ngày xưa Đức Phật thành đạo cũng dưới cội bồ đề. Giờ đây, cây bồ đề nâng đỡ, chở che biết bao nhiêu con người tu hành mong sớm thành đạo quả để quay lại cứu vớt những chúng sinh còn u mê, tăm tối.
Ngước nhìn lên phía trên cao, đằng sau cây bồ đề là tháp Đia Tạng Vương Bồ Tát. Phía sau tháp Đia Tạng có rất nhiều chim bồ câu đang nhỡn nhơ mổ thóc. Nhìn đàn bồ câu xòe rộng đôi cánh vươn cao giữa trời bao la làm tâm hồn tôi cũng bị đong đưa, trôi xa về nơi cuối chân trời. Hy vọng một ngày nào đó, mình cũng sẽ được chư Phật mười phương dang rộng vòng tay giúp tôi bay bề chốn quê nhà yên bình thật sự của mình bên trời Tây cõi Tịnh.
Từ tháp Di Đà, tôi ngắm nhìn bao quanh tu viện từ trên cao cho thật rõ, thật kỹ để thu vào tầm mắt mình thật sâu thật đậm từng hình ảnh thân thương bên ngôi chùa của thầy tổ trước khi quay gót trở về. Cúi đầu nhặt chiếc lá bồ đề cầm trong tay làm kỷ niệm rồi lần bước từng bước một rời xa tu viện, vui buồn trong tôi lẫn lộn. Vui vì mình cuối cùng cũng đã được đặt chân về đây, về quê hương, về bên ngôi chùa đơn sơ nhưng cổ kính để được xa chút phiền não của trần duyên mà khơi mở tâm trí bình yên của mình. Buồn vì:
“Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gửi nhớ nhung về.”
Vâng, biết đến bao giờ tôi lại được trở về quê hương, được tắm mình trong dòng suối thơm mát đầy tình yêu thương của từ bì và trí tuệ, được gặp lại bạn bè, thầy tổ cùng biết bao hình ảnh chan chứa nghĩa tình ngập trong tim mình.
Giờ một mình nơi quê xa giữa những ngày cuối xuân trong tiết trời vẫn còn se lạnh , lòng khắc khoải nhớ về kỷ niệm những ngày được rảo bước bên Quan Âm Tu Viện, bên những ngôi chùa của quê hương Việt Nam mà tôi cảm thấy ấm lòng. Đâu đây trong tâm tôi như đang nghe tiếng chuông ngân từng hồi vang vọng vào hư không tam giới càng làm tôi nhớ da diêt kỷ niệm hôm nào về chùa:
“Chuông vẵng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”
Xa quê hương, xa tất cả những gì yêu thương nhất làm sao tôi không khắc khoải, bồi hồi. Quan Âm Tu Viện ơi, hẹn người trong một ngày không xa khi tôi trở về thăm cố hương, Người nhé.
A Di Đà Phật !
Ngọc Hằng