Em nhắn tin rồi gọi điện nói cho tôi biết em muốn thử nghề môi giới bất động sản vì thấy đất ở Phú Quốc đang rất nóng sốt, mọi người tranh nhau mua sang tay rất dễ dàng. Em và các bạn thường ra đó thấy họ làm ăn buôn bán rất nhộn nhịp, cũng muốn thử làm ăn chỉ là nhỏ lẻ thôi vì đa phần người ta môi giới bán lại cho các công ty, doanh nghiệp khi nơi ấy trở thành đặc khu kinh tế. Em muốn quảng cáo để gọi là mở rộng mối liên hệ làm ăn và cũng là thăm dò ý kiến của tôi.

Tôi khuyên em không nên tham dự. Em bảo thấy người ta buôn bán dễ dàng lắm, sang tay qua lại tiền tỷ như chơi nhanh chóng, chỉ là môi giới thôi. Tôi cười nói cho em biết chuyện người khác làm rất dễ dàng nhưng đến tay em không có gì dễ dàng cả. Người ta buôn bán đã thông, lanh lẹ, họ làm ăn theo tập đoàn, ra thương trường chứ em thật thà không có những tiêu chí đó. Vả lại, em quên rằng trong nhà Phật của mình đã dạy, giàu sang hay không là do phước. Nếu người có phước thì ngồi không tiền cũng tới. Ngược lại, nếu phước quá mỏng, nghiệp quá dày, làm gì cũng mang nợ vào thân thôi.

Tôi bảo em tốt nhất là an phận thủ thường, làm việc ngày ngày kiếm đủ cơm thế là được rồi, đừng mơ mộng, đừng khởi lòng tham dù tức thời gì cả. Cái gì cũng có cái giá của nó, có khi đó là đại họa chứ không phải phước báu như em tưởng. Em hãy nhìn lại những việc em làm và nghiệp duyên của mình xem tôi nói có đúng không. Em không phải là người chen chân trong những phi vụ làm ăn buôn bán đâu, mà tôi nói đùa, phước kém lắm, em làm gì cũng không xong.

Có lẽ em chỉ là vui thử ý nhưng nghe tôi nói vậy đâm ra cười tôi đã tiêu diệt giấc mộng làm doanh nhân môi giới bất động sản. Cứ nghe em nói đòi kinh doanh làm gì tôi là người cản đầu tiên. Em thuộc về tánh thiện để tu, không thể bị phủ bụi trần, hễ lao vào vật chất thì thân tâm bại hoại, lo bình yên tu hành đó chính là làm giàu cho ngàn kiếp về sau có lợi lạc hơn. Nhân đây tôi cũng xin gởi đến em và mọi người câu chuyện “Nghiệp Nhân Của Giàu Và Nghèo” do HT Thích Quảng Tánh trích trong “Lời Phật dạy trong kinh tạng Nikaya”

“Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại tinh xá ông Anàthapindika. Có thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến đỉnh lễ, bạch Thế Tôn:

Thưa Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì giữa loài người với nhau, chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn?

Này Thanh niên, hãy nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói:

Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàng ông không bố thí, cúng dường cho Sa môn hay Bà la môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, ngọa cụ, y dược, đèn đuốc, nhà cửa….Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú và đọa xứ. Nếu được sinh vào loài người, người ấy phải chịu nghèo hèn, có tài sản nhỏ.

Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông có bố thí và cúng dường cho Sa môn hay Bà la môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, ngọa cụ, y dược, đèn đuốc, nhà cửa….Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sinh vào thiện thú, thiên giới. Nếu sinh vào loài người, người ấy được giàu sang, có tài sản lớn”.

(ĐTKVN, Trung Bộ III, kinh Tiểu nghiệp phân biệt [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.478)

Lời bàn:

Bố thí và cúng dường là những nhân lành để tạo hoa trái phúc báo giàu sang cho đời này và những đời sau. Do vậy, những người khá giả, có tài sản lớn trong hiện đời là biểu hiện cụ thể, rõ rệt nhất của phúc báo bố thí và cúng dường. Ngược lại, những người không tu tập hạnh bố thí và cúng dường thì không có phúc báo nên hiện tại rất nghèo hèn, có tài sản ít ỏi dù quanh năm lam lũ, lao nhọ.

Trong các đối tượng thọ nhận bố thí và cúng dường thì các bậc Sa môn, những người tu hành là xứng đáng nhất. Bởi lẽ, nhân cách của họ đã đạt sự toàn thiện, đầy đủ đức hạnh phúc báo trang nghiêm. Các ngài là ruộng phúc điền tối thượng để chúng sinh gieo trồng phúc đức. Cố nhiên, không vì thế mà người bố thí và cúng dường chỉ hướng đến những vị đạo cao đức trọng mà bỏ quên những kẻ nghèo hèn. Chính sự phát tâm bố thí rộng rãi, không phân biệt, không chấp thủ mới là đỉnh cao của bố thí và tạo ra phước báo vô lượng.

Nghèo khó là do không biết gieo nhân thiện lành

Không ít người vẫn thắc mắc về những hiện thực có tính chất phi nhân quả như những kẻ bất nhân, làm ăn phi pháp, tạo nghiệp bất thiện nhưng vẫn sống giàu sang, có nhiều thế lực và tài sản lớn. Chúng ta nên nhớ rằng trong quy luật nhân quả, thì sự giàu sang ấy là dư báo những việc làm tốt của họ trong nhiều kiếp về trước, chứ không phải do làm ăn bất chính trong đời này mà có được. Đồng thời những người hiền lành, làm ăn lương thiện mà vẫn chịu sự bất hạnh hoặc nghèo đói, thiếu thốn khó khăn là do họ không biết bố thí và cúng dường chứ không phải vì họ sống lương thiện mà bị thua thiệt, đói nghèo.”

Trong quy luật nhân quả GIÀU VÀ NGHÈO: Nghèo khó là do không biết gieo nhân thiện lành để giúp người, cứu vật khi cần thiết, lại còn ăn chơi phóng túng sa đọa, không tin sâu nhân quả, nên thường xuyên làm các việc xấu ác là nguyên nhân dẫn đến phá sản. Dân gian nói “Bần cùng sinh đạo tặc” là câu tục ngữ luôn răn nhắc chúng ta phải cố gắng gieo trồng phúc đức bằng cách làm lành tránh dữ, tích công bồi đức, nhờ vậy mà không bị rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, nghèo khó.

Nhưng trong nghiệp báo không chỉ có những điều riêng mỗi người gánh chịu hay còn gọi là biệt nghiệp, mà còn có cả một cộng đồng xã hội, hay một gia đình phải cùng nhau gánh chịu hậu quả tốt hay xấu gọi là cộng nghiệp. Thêm nữa, nghèo và giàu cũng đều có những nỗi khổ riêng, chẳng ai có thể bình yên, hạnh phúc giữa cuộc đời này. Nếu như người giàu có, biết sống tốt và tin sâu nhân quả, thì họ sẽ không tự mãn mà còn tìm cách san sẻ, giúp đỡ người khác khi có nhân duyên.

Siêng năng học hỏi, lao động, làm việc thiện sẽ dẫn đến kết quả giàu có

Có nhiều người nghèo ít có điều kiện học hành, thiếu hiểu biết nên dễ dàng làm những điều xằng bậy. Họ cũng không tin nhân quả nên không hiểu tại sao người khác giàu còn mình lại nghèo. Nghèo là do không biết bố thí cúng dường, hiếu dưỡng với cha mẹ hoặc giúp đỡ, chia sẻ khi gặp người bất hạnh, khó khăn nên đã nghèo lại càng nghèo. Quy luật về nhân quả giàu và nghèo đều có nguyên nhân sâu xa của nó, không có gì bỗng dưng khi không, chúng ta lại nghèo.

Có những người giàu sang, phú quý nhưng rất khôn ngoan, sáng suốt. Khi chưa thành tài họ luôn cố gắng vừa học vừa làm, chịu khó siêng năng, cần mẫn. Khi ổn định công ăn việc làm, đời sống kinh tế tương đối khá thì họ mới tính đến chuyện trăm năm, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái. Khi đã có tài sản tích lũy, họ lại biết chia sẻ nguồn tài bảo đó để giúp đỡ những người xung quanh. Vì vậy, họ đã giàu lại càng giàu.

Bố thí và cúng dường là pháp tu để phát triển lòng từ bi và gieo trồng phước báo trong hiện tại và mai sau. Đặc biệt là ai cũng thực hiện được pháp tu này. Nếu chúng ta nghèo khó, không có tài sản để bố thí và cúng dường thì bố thí bằng lời nói an ủi động viên giúp đỡ người khác, thấy người bệnh thì mình thăm hỏi hoặc chăm sóc, nếu có thời gian thì đến chùa làm công quả, như vậy giàu nghèo gì ai cũng có thể bố thí được. Chúng ta có thể bố thí lời nói, bố thí tấm lòng hoặc tùy hỷ với việc làm tốt của người khác để tích lũy phúc báo về sau.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Câu Chuyện Phật Giáo Số 36: Nghiệp Nhân Của Giàu Và Nghèo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com