Mùa hè đang đến dần nên cây lá đâm chồi nẩy lộc xanh mơn mởn thay áo mùa đông tàn tạ sau những ngày dài rét mướt. Sự sống như bừng dậy từ nơi xứ người.

Sau một ngày làm việc hôm nay ở phòng khám với đủ loại bệnh nhân, tâm Ngọc Hằng chứa đầy nổi vui buồn lẫn lộn. Nhìn khắp lượt từng bệnh nhân đến đi đủ thứ bệnh mới đáng thương làm sao. Dù ở Mỹ, nơi có hệ thống y khoa bậc nhất vẫn không thể nào giúp quay chiều quy luật Sinh Già Bệnh Tử của vô thường.

Hôm nay, Ngọc Hằng tiếp một ca bệnh nhân không quá đặc biệt nhưng rất buồn. Bà bệnh nhân 86 tuổi, bị đủ thứ bệnh khổ đau hành hạ, không thể di chuyển được phải ngồi xe lăn, thở không nổi phải dùng trợ dưỡng oxy, chân tay băng bó vì thương tật, tai không nghe rõ, mắt mờ không thể đọc chữ, đến điện thoại cũng khó thấy đường nhìn số.

Cũng như rất nhiều người già khác ở Mỹ, bà bệnh nhân dù tội nghiệp như vậy vẫn phải tự lo cho bản thân mình. Ở Mỹ và có lẽ cũng nhiều nơi khác trên thế giới, người già không được trọng vọng và vô hình chung trở thành một gánh nặng cho xã hội. Mọi người đều phải đi làm, tự lo cho cuộc sống của mình, ai cũng bận rộn nên về đến nhà chỉ muốn ngủ nghỉ. Niềm vui của riêng từng người là chỉ thích kể chuyện về mình, về gia đình con cái của mình, không ai muốn nghe chuyện của người khác.

Bà bệnh nhân vì không thể nào đi đâu được, ở nhà như một ngục tù xung quanh bốn bức tường, không có người nào để có thể tâm sự trò chuyện. Do đó gặp được các y bác sĩ như những người có thể nói được nên vừa gặp Ngọc Hằng bao nhiêu sự buồn đau khổ sở chỉ chực tuôn trào. Bà cứ kể và kể còn Ngọc Hằng chỉ biết ngồi lắng nghe và trong tâm niệm Phật cho bà.

Với những bệnh nhân này, Ngọc Hằng thường ngồi lắng nghe họ nói cho hết nổi lòng những gì họ cần nói, không xen vào, không ngắt quảng, lắng nghe một cách tích cực nhưng trong tâm luôn niệm Phật hồi hướng cho họ. Thường khi họ được nói những gì họ cần nói thì họ sẽ vơi nhẹ nổi lòng cảm thấy tốt hơn lúc đó Ngọc Hằng mới bắt đầu khám chữa bệnh và khuyên giải, họ sẽ chấp nhận tốt hơn. Cũng may hôm nay không quá bận nên Ngọc Hằng đã dành khá nhiều thời gian dùng liệu pháp tâm lý lắng nghe để trị bệnh.

Ở Việt Nam, các bệnh viện đều quá tải, giờ thăm bệnh bị giới hạn, nhưng người thân vẫn liên tục kéo đến dù bị đối xử không tốt. Ở Mỹ, phòng bệnh không khác khách sạn là bao, người nhà luôn được tiếp đón nồng nhiệt nhưng rất thưa vắng. Tất cả đều trao hết cho các y bác sĩ. Do đó người già ở đây dù có bao nhiêu con cái cũng phải tự lo cho chính mình, tự lái xe, tự đi chợ lo cơm nước lau dọn nhà cửa. Nếu ở trong viện dưỡng lão dù có người chăm sóc nhưng tâm bệnh vẫn chẳng khá gì hơn khi xung quanh đều già bệnh như nhau. Do đó dù ở độ tuổi nào, họ cũng đều tìm những niềm vui riêng, tìm bạn trai bạn gái để an ủi tuổi già. Khi làm việc lại mong được nghỉ hưu nhưng khi nghỉ hưu sinh buồn lại tiếp tục kiếm việc làm.

Nhìn bao cảnh khổ đau của bệnh nhân, Ngọc Hằng rất thấm những điều Phật dạy về lẽ vô thường, về chu kỳ luân hồi Sinh Lão Bệnh Tử, về cuộc đời rất mong manh. Dù là ở địa vị hay cuộc sống ở đâu, mỗi cá nhân phải tự lo cho mình, tự làm chủ cuộc sống của mình, sống với chính những gì mình có mới hằng mong bớt khổ bớt buồn khi sống giữa kiếp người tạm bợ mong manh như Phật từng dạy "hãy tự thắp đuốc lên mà đi."

Cuộc đời rất ngắn ngủi mong manh nên hãy cố gắng trân trọng, gìn giữ, làm những điều có ích trong khả năng có thể. Nhân đây xin gởi đến các bạn câu chuyện "Đời Người Trong Một Câu" để thấm rõ hơn những điều này. Nam Mô A Di Đà Phật!

“Nhà vua ấy, ngay từ lúc lên ngôi báu đã giao cho một viên đại thần cái trọng trách sưu tầm dưới các bầu trời xa lạ những tinh hoa rải rác trong vũ trụ và những triết lý của cuộc đời. Ý cửu trùng muốn thu nhập những cái hay ở đời để dựng một nguyên tắc trị dân.

Ba mươi năm trời đã qua, vị thanh niên anh tuấn nấy, chờ đợi tóc đã điểm bạc. Lễ khánh thọ ngũ tuần đã cử hành long trọng trong Hoàng cung. Lúc ấy quan đại thần cũng về với đoàn lạc đà, bốn vó trắng bụi đàng xa, và trên lưng chất hơn nghìn sách quý mà vị đại thần đã có công kết tập.

“Trẫm đã nhiều tuổi rồi, tinh hoa của trời đất nhiều đến thế. Trẫm làm sao xem hết. Khanh mang về rút ngắn lại cho trẫm đủ thời giờ xem.”

Ðoàn lạc đà lại chở những pho sách đi và mười năm sau nữa, bộ sách rút ngắn lại còn năm trăm quyển được dâng lên ngự lãm:

Nhà vua vuốt chòm râu bạc phau ngần ngại phán:

“Hãy còn nhiều quá. Tuổi trẫm đã lớn, đọc sao cho kịp. Khanh chịu khó về gạn lọc một lần nữa những tư tưởng huyền diệu trong ấy”.

Viên đại thần tận trung không hề nghĩ đến số năm tháng đã tàn tạ trên đầu, lui về một nơi u tịch kết tinh kho tư tưởng.

Sau năm năm triền miên, với bao nhiêu tinh hoa và tư tưởng cổ kim đông tây, viên quan già nua mừng rỡ khi thấy kết quả: năm trăm cuốn dồn lại chỉ còn một pho sách dầy. Một pho sách đầy chứa tất cả triết lý của muôn cuộc đời!

Cuốc sách dầy ấy, một buổi sớm được mang vào ngự lãm. Nhưng nhà vua đã nằm yên trên giường bệnh, chung quanh ngự y chầu chực.

Vừa mở mắt nhìn vị đại thần tận tâm và cuốn sách quý giá. Một nụ cười nhàn nhạt nở trên môi vua như ánh hoàng hôn.

Vua thở ra một giọng yếu nhỏ, viên đại thần quỳ xuống lắng tai đón lấy:

“Trẫm yếu lắm, một trang sách còn chưa thể xem được huống là cả cuốn… Song trước khi nhắm mắt, trẫm háo hức muốn biết qua những tư tưởng gì, những triết lý gì, đã chi phối cả đời người, đã điều khiển cả một vân mệnh… Khanh khá rút ngay quyển sách này thành một câu hay vài chữ cho trẫm xem kịp và đủ sức hiểu…”

Nét mặt viên đại thần trở nên trầm ngâm và hai mắt già nheo lại. Tử thần đã chờn vờn đâu đó. Các ngự y cúi đầu trước số mệnh. Nhà vua nằm yên khắc khoải chờ. Thời gian như ngừng hẳn lại. Không khí trở nên nặng nề và nghiêm trọng. Vàng son nội điện tự nhiên cũng hóa rầu rĩ. Mọi người chăm chú và kính cẩn nhìn viên đại thần đang lặng lẽ đem cuộc đời thu vào một câu. Sau một hồi suy nghĩ, viên đại thần từ từ bước đến bên án. Cả bộ Văn phòng tứ bảo hình như run khi bàn tay già đưa ra.

Bàn tay kính cẩn nâng cây bút, và nhẹ nhàng vạch trên mảnh hoa tiên những nét buồn lung linh. Mọi người đều ngó theo. Thần chết lúc ấy đã chập chờn đầu long sàng. Ðã mấy lần nhắm mở. Vua mới cất được mấy tiếng cuối cùng: “SANH LÃO BỆNH TỬ”.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Câu Chuyện Phật Giáo Số 29: Đời Người Trong Một Câu”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com