Ngày ngày, ngoài thời gian làm việc ở phòng khám với vai trò là một bác sĩ, buổi tối Ngọc Hằng lại trở thành "bác sĩ tâm lý" bất đắc dĩ cho rất nhiều bạn độc của trang nhà Linh Sơn Phật Giáo và kể cả những người không hề quen biết trên mạng. Như một chữ duyên, các bạn thường hay đến khẩn xin có người chia sẻ, hỏi đáp cuộc sống hoặc tư vấn chuyện tình cảm, tu hành vì đôi khi các bạn tưởng Ngọc Hằng là người xuất gia.

Trong những nổi khổ niềm đau các bạn thường đến chất vấn, rất ít vấn đề liên quan đến việc nghèo đói, thiếu ăn thiếu mặc mà đa phần là thiếu tình cảm, thiếu người chia sẻ cảm thông, thiếu niềm tin trong cuộc sống vì thường xuyên bị lừa lọc để rồi vì sân hận, oán thù, lợi mình đặt lên hàng đầu nên cũng đi lừa người khác miễn không ai biết thì thôi. Để rồi khi quả báo bắt đầu đến, gia đình ly tán có vấn đề cũng là lúc lo sợ mới biết ăn năn hối hận.

Cũng có nhiều bạn hận cuộc sống, cho rằng ông trời không công bằng vì tại sao có người được quá nhiều thứ nhưng có người lại chẳng có gì. Có người sống rất hiền lành, nhân đức, toàn làm chuyện phước thiện thì tai ương ập đến không ngừng. Ngược lại, những kẻ lừa thầy phản bạn, chỉ toàn làm chuyện ác vẫn sống đầy đủ nhởn nhơ ngoài pháp luật. Nhiều bạn là Phật tử, biết và được dạy về quy luật nhân quả nhưng lại đâm ra nghi ngờ cả lời Phật dạy, nghi ngờ nhân quả không tồn tại trên thế gian này.

Các bạn à, cuộc sống hiện đại ngày nay quá nhanh và quá vội nên ai cũng đều chạy đua với thời gian không ngừng và không có thời gian quan tâm lẫn nhau. Nhân quả luôn hiện hữu và luôn đúng dù bạn có muốn hay không vì "lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó thoát". Quả nhân có hiển bày cũng phải tùy theo duyên nghiệp, có khi là tức thì và có khi cần nhiều năm hoặc nhiều kiếp, nhiều đời sẽ hiển hiện ra.

Trong phần đầu kinh Nhân Quả Ba Đời có trích dẫn câu chuyện nói rằng " Thuở xưa, có người đến hỏi một vị Thiền sư: "Bậc tu hành đã ngộ lý Chân Không, có lạc vào vòng Nhân Qủa đặng?". Thiền sư đáp: "Bậc đại tu hành chẳng lạc vào vòng nhân qủa". Vì câu trả lời này mà khiến cho Thiền Sư phải đọa làm kiếp chồn năm trăm năm, sau gặp ngài Bá Trượng mới được giải thoát. "

Nhà Phật thường có câu "Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả" vì chúng ta chỉ biết hối cải lỗi của mình khi quả đến còn khi gieo nhân không ai đoái hoài. Nhân quả luôn song hành như bóng với hình và bất cứ ai, dù là bậc phàm phu hay những bậc thánh tăng đắc đạo nếu đi vào đời hóa duyên vẫn phải chịu quy luật nhân quả chi phối như thường. Nhân đây xin gởi đến các bạn câu chuyện "Nhân Quả Báo Ứng – Phật Thích Ca Trả Nợ Nghiệp Vì Phỉ Báng Người Tu Hành." "Phàm làm việc gì trước hãy suy nghĩ đến hậu quả của nó" Mong các bạn cố gắng sống và  hành theo nhân quả để giúp mình và giúp người, các bạn nhé.

"Có nợ nghiệp đều phải hoàn trả, đây là quy luật bất biến của vũ trụ, ngay cả bậc tu thành chính giác như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng không tránh khỏi.

Rất lâu rất lâu về trước, tại Vương Thành, có một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, tên là Thiện Huyễn…

Một ngày nọ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang giảng pháp cho các đệ tử tại Tinh Xá, bỗng nhiên một thiếu nữ mang thai từ ngoài bước vào, chỉ thẳng vào mặt Phật Đà mà nói rằng:

“Sa môn! Ông hại ta thật là khổ sở, ông đã làm ta mang thai, lại nhẫn tâm ruồng bỏ ta, tiêu diêu tự tại trốn ở nơi này. Bây giờ, coi như ta đã tìm được ông rồi, ông nói đi, ông sẽ sắp xếp cho ta như thế nào đây?”.

Thì ra, người thiếu nữ này là một tín đồ của một tôn giáo thờ ma đạo, kì thực cô ấy chẳng hề mang thai, chỉ là lấy một cái chậu gỗ bỏ vào trong áo, nhận bậy là mình mang thai để vu khống hãm hại Phật Đà. Đương nhiên, thủ đoạn của ả vẫn bị chúng đệ tử vạch trần.

Rất nhiều đệ tử hoài nghi trong lòng: Tại sao đã đạt được giải thoát tự tại như Phật Đà mà vẫn gặp phải quả báo như thế?

Xá Lợi Phất thay mặt chúng đệ tử, đem chuyện này thỉnh giáo Phật Đà.

Phật giảng:

“Cách đây rất lâu, tại Vương Thành có một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp tên là Thiện Huyễn, đối với người tu hành vô cùng tôn kính. Người thường xuyên nhận sự cúng dường của cô là hai vị Pháp sư Vô Thắng và Thường Quán. Pháp sư Vô Thắng tu hành vô cùng tinh tấn, đức hạnh cũng cao thâm, do vậy rất được đại chúng kính trọng; còn Pháp sư Thường Quán, tuy là một người tu hành nhưng còn nhiều thói đời vẫn không buông bỏ được. Thiện Huyễn do đó đối với Pháp sư Vô Thắng, càng kính trọng hơn, cho nên cúng dường cũng rất hậu hĩnh. Thời gian lâu dần, Pháp sư Thường Quán càng ngày càng không chịu được sự đối đãi theo kiểu bên trọng bên khinh như vậy, ngọn lửa đố kị liền theo đó mà bùng phát, ông cứ tung tin đồn khắp thành, nói rằng Thiện Huyễn và Pháp sư Vô Thắng tư thông với nhau“.

Phật Đà nói đến đây, dừng lại giây lát, rồi nói tiếp với chúng đệ tử rằng:

“Các con có biết vị Pháp sư Thường Quán đó là ai hay không? Chính là kiếp trước của ta đó. Bởi vì đã từng ác tâm phỉ báng người tu hành có đức hạnh, nên ta đã bị đọa vào địa ngục vô số kiếp, chịu cái khổ bị lửa thiêu thân. Ta bây giờ tuy đã thành tựu công đức nhưng nghiệp chướng vẫn chưa hết sạch, cho nên vẫn còn phải chịu sự phỉ báng đồng dạng như thế“.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Câu Chuyện Phật Giáo Số 26: Nhân Quả Báo Ứng – Phật Thích Ca Trả Nợ Nghiệp Vì Phỉ Báng Người Tu Hành”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com