Đầu xuân Bính Thân - 2016, mùa xuân đem lại nhiều vui tươi, tràn đầy sự hân hoan, chào đón mọi sự kiện đều được hanh thông. Xuân Bính Thân, “Bính” thuộc hỏa, đốt cháy những gì không tốt lành, ngọn lửa soi sáng sự bình an và làm tỏ sáng mọi vấn đề giữa thế gian, tỏ sáng nguồn lý chơn soi rọi những vô minh chấp pháp, chấp ngã đến với mọi người. Là mùa xuân nói chuyện “khỉ”, khỉ thì thích trèo cao, chuyền nhảy và lanh lợi.

Theo giáo pháp Phật, nói chuyện “khỉ” tức là nói chuyện tâm người như “vượn chuyền cây”. Vượn thuộc họ khỉ nên gọi vượn chuyền cây dụ cho tâm chúng sanh buông lung. Ý người phóng túng như vó ngựa đường xa, ngựa không cương thì chạy mãi cho đến khi mệt mới thôi.

Trong các lọai chúng sanh, đặc biệt con người là có trí khôn hơn muôn loại, nhưng trong trí khôn đó có cái hay, cái dỡ song hành. Cái hay ở chỗ là tâm ý luôn suy nghĩ mãi đến 36.000 ngày, nếu ai sống đến đó. Trong 36.000 ngày cũng có “cái dỡ” khi các pháp bất thiện lại sanh: tâm ý khởi niệm ái dục ham thích đi vào bào thai sanh tử, vui đó rồi khổ đó, sanh đó rồi tử đó, luẩn quẩn trong vòng sanh lão bệnh tử triền miên và không thoát được với cái thế giới tài, sắc, danh, thực, thùy; cuộc đời khi thăng hoa, khi xuống cấp... như vượn chuyền cây.

Trong 36.000 ngày, sự hiện diện của con người cũng có “cái hay”, bởi vì họ biết phát huy tri thức, tạo nên những vật chất tuyệt vời, những khoa học và đời sống, kinh tế, văn hóa, đạo đức để cân đối môi trường, xen lẫn những cuộc đấu tranh cho lẽ phải... những hành vi tương tác nầy được gọi là “ý mã”. Mỗi người một tâm ý, mỗi người một ý tưởng, trải bao những bước thăng trầm, phế hưng, sanh diệt, nhưng họ không ngại những bước tiến vững chãi như ngựa không cương chạy trên đường dài vô tận.

Trong “cái hay” của con người cũng có “cái dỡ” tức là sự chật vật, lăn lộn trong cõi đời, đấu tranh cho sự sống còn không dừng nghỉ, nhưng không tránh khỏi cái chết và luân hồi. Trong “cái dỡ” cũng có “cái hay” là con người biết phát huy tri thức, sáng tạo chế biến, sáng lập những cái mới. Con người biết phát triển những thành quả đạt được để cống hiến cho nhu cầu cuộc sống làm người, bảo vệ cho cuộc sống bình yên, bảo vệ mặt đất, giang sơn, bảo vệ bầu trời, hải đảo, cân đối môi trường một cách khoa học như: con người có thể phi hành trong không gian, chế tạo vật dụng tránh nắng, mưa, gió, bão... những gian khó trong sự tương tác về thể chất lẫn tinh thần.

1/. Tâm viên trong giáo pháp Đức Phật:

Tâm viên là tâm mất chánh niệm, vọng niệm lúc nào cũng sanh khởi, các pháp bất thiện sanh sôi nẩy nở, mạ lỵ Phật pháp cũng từ tâm phát sanh. Vọng niệm là vòng dây trói buộc, có mắc xích liên hoàn, làm cho chúng sanh bối rối, không tìm được lối thoát giữa ngục tù vô minh, điên đảo mê lầm, mất phương hướng giữa biển khổ không bến bờ, bềnh bồng chốn sông mê, trôi đi về nơi xa thẳm vô biên.

Ý mã: Sự suy tư liên hoàn như ngựa chạy đường trường, không “bắt kế” để kềm chế bước “vó câu”. Ý tưởng mông lung suốt đoạn đường dài một đời từ sanh đến tử, như tử thi trôi lăn theo dòng nước xoáy thời gian cuốn trôi.

Theo duy thức học, trong thân con người có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, khẩu, ý. Đó là nơi cộng hưởng và xuất phát những ý mã, như là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức, nhìn chung tập trung vào nguồn ý thức. Ý thức duyên với vũ trụ là Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp sanh ra chấp ngã và chấp pháp, nuôi lớn các căn, từ đó sanh ra các pháp thiện hay bất thiện. Ý thức đại diện cho năm căn, năm trần xông pha theo con ngựa đường đời vào thế giới tử sanh hay đường đạo thế giới niết bàn.

Tâm viên ý mã cũng là chơn tướng dục vọng, được các tu sĩ Phật giáo phát hiện ngay từ đầu. Người lợi căn thì quán chiếu vọng niệm “tự tánh không”, nó là không tướng, phi tướng, phi ngã, phi nhân ngả. Người độn căn thì tìm diệt giúp tâm ý định tĩnh, lánh xa phiền não, cả hai đều xa rời tâm viên ý mã, tìm sống trong thế giới Niết Bàn.

Người đệ tử Phật khi đã thấy chơn tướng của vọng niệm thì “thủ khẩu như bình, phòng ý như thành”; tâm ý hằng ngày định tĩnh như “tường đồng vách sắt”, không để cho phiền não dấy sanh, chính đó là đạo lý giải thoát trong phạm trù “tâm viên ý mã”.

2/. Tâm viên ý mã đối với thế gian:

Tâm ta như con khỉ, ý ta như con ngựa. Con khỉ luôn nhảy nhót, con ngựa chạy luôn chân. Ý nói những ý nghĩ của ta nhảy lung tung như con khỉ, chạy lăng xăng như con ngựa, chạy lắt cắt cụp như ngựa phi đường xa. Tâm vừa nghĩ chuyện nầy vội vàng nghĩ sang chuyện khác, những chuyện xa cách nhau về thời gian và không gian, những chuyện không liên can gì đến nhau, tâm ý ta không lúc nào ngừng chuyển động, tâm ý ta đổi khác trong từng sát na.

Theo lời Phật dạy, sự hiện diện của con người xuất phát từ vô minh. Vô minh sanh ra vọng động và vọng tâm đối cảnh sanh ra vọng thức. Vọng tâm và vọng thức, cả hai đều thuộc về nghiệp. Vọng tâm lăng xăng nghĩ tưởng đủ thứ không ngừng, ví như con khỉ leo trèo không ngừng, không biết chán, ý thức chạy rong không bến bờ như con ngựa. Người tu sĩ phải biết cách dừng tâm, tâm khởi là vọng, dừng tâm là chân. Muốn dừng vọng tâm phải dừng cảnh, thu thúc lục căn, dừng bước trước những xa hoa tiền trần, trước những hoang vu của cuộc thế.

Xuân Bính Thân là mùa xuân tỏa sáng, tỏa sáng bằng ngọn lửa (Bính) của trí năng con người vốn có từ thuở hồng quang, thời con người còn sống bằng du canh du cư và mãi cho đến hôm nay. Cứ mỗi một thế kỷ đi qua là luôn có sự đổi thay mà mọi người gọi là mở đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cho hòa bình, thanh bình, an cư lạc nghiệp trên quê hương Việt Nam.

Kính chúc chư tôn giáo phẩm Tăng Ni, lãnh đạo Cơ quan Ban ngành, Đoàn thể, chúc các Bạn hưởng trọn một mùa xuân thanh bình và vĩnh cửu. Chúc chư liên hữu thành viên trang nhà Linhsonphatgiao.com, Tinhdononbong.com, Diễn Đàn Liên Tông Tịnh độ Non Bồng một năm mới, thành tựu mới, thành tựu các Phật sự trong năm Bính Thân 2016.

Nam mô Hoan hỷ Tạng Bồ tát ma ha tát.

HT Thích Giác Quang

Ngày 6/02/2016, Bính Thân



Có phản hồi đến “Mạn Đàm Về Tâm Viên Ý Mã - HT Thích Giác Quang”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com