Mục Lục
Cạnh tranh được tìm thấy trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đấy là nền tảng của phần lớn các môn thể thao và trò chơi của chúng ta, và nó đóng một vai trò quan trọng trong công việc thương mãi cũng như trong đời sống riêng tư. Chúng ta luôn luôn quan tâm ai là kẻ chạy nhanh nhất, thông minh nhất, giàu nhất, tốt nhất. Trong giới học giả, triết gia, lãnh tụ tôn giáo, cũng diễn ra nỗ lực không ngừng để trở thành người nói chính xác hơn, đặc biệt xuất sắc hơn, đạo hạnh hơn bất cứ người nào khác. Ngay cả những kẻ yêu đương cũng tìm cách đánh bại lẫn nhau trong tình trường.
Khi chúng ta hết tập trung vào ai thắng ai bại, mà đánh giá ngang nhau nỗ lực của tất cả mọi người, thì cạnh tranh có thể trở thành một năng lực hết sức tích cực điều động con người. Nó có thể dạy ta đánh giá những tài năng mình một cách sâu xa hơn, và còn có thể đưa đến sự thưởng thức và tôn trọng tài nghệ của người khác. Rủi thay, vì cạnh tranh là con đường đến thành công và quyền lực trong thương trường, chính trường, trong nền giáo dục và cả trong những tương tác trong xã hội, nên thường nó được sử dụng để thành đạt những mục tiêu ích kỷ. Thay vì cạnh tranh với người khác, chúng ta thường cạnh tranh chống lại họ. Khi sự cạnh tranh biến thành chiến tranh, đấu tranh, thì nó mất hết năng lực khơi nguồn cảm hứng, mà lại trở thành một hình thức áp bức tạo nên bất hòa trong tâm thức và giác quan của ta, đảo lộn thế quân bình tự nhiên của đời sống.
Khi đã cạnh tranh nhau để thành công, chúng ta càng làm xa thêm khoảng cách giữa mình và người khác. Chúng ta đâm ra quá chú mục đến việc tạo thành tích cho mình đến độ ta dễ dàng tảng lờ những cảm thức, những hy vọng của những người xung quanh. Chúng ta trở nên sẳn sàng để lèo lái người khác hòng chứng tỏ mình hơn họ, và thế là những nguyện vọng cùng nỗ lực của cả đến bằng hữu của mình cũng bị phá hỏng. Sự thù ghét nghi kỵ hậu quả của lối cạnh tranh ấy có thể tạo nên những hàng rào ngăn cách không thể nào vượt qua. Vì muốn tranh thắng nên ta chỉ tập trung chú ý những điểm xấu nơi người khác hơn là điểm tốt của họ, để cho ta có vẻ thành công hơn. Chúng ta tìm cách nêu những nhược điểm của người khác để cho mình nổi bật hơn. Nhưng cái thói ấy phải trả giá cao như thế nào? Cuối cùng ta có lợi gì không, khi đối đãi với người ta kiểu ấy? Ta có thực sự tốt hơn họ không, hay ngược lại ta đã sai lầm? Mặc dù ta có thể cười kẻ khác thực đấy, nhưng nếu đối mặt với chính mình một cách chân thật, thì ta có gì để mà cười?
Khi mất liên lạc với những giá trị con người, ta bị tách rời khỏi cảm thức dễ chịu phát sinh do biết san sẻ. Vì bị vướng kẹt vào sự say mê tranh thắng, ta đâm ra lệ thuộc vào khoái cảm giây phút ấy để được thỏa lòng, đến nỗi đôi khi ta liều mạng trong những hành động nguy hiểm chỉ cốt để đạt đến những giây phút vẻ vang ấy.
Khi ước muốn thắng cuộc càng thêm mạnh mẽ thì sự cạnh tranh trở thành một cứu cánh thay vì là phương tiện, nó chiếm chỗ của những hành động có ý nghĩa. Ta sẽ tìm những lĩnh vực đặc biệt nào mà ta nắm chắc phần thắng, và như vậy càng tạo lý do cho những đối địch ráo riết hơn. Chúng ta mất hết cơ hội để san sẻ yêu thương, và không còn quan tâm gì khác ngoài lĩnh vực tranh thắng. Cái năng lượng ta có thể sử dụng để phát triển một thái độ lành mạnh trong công việc bây giờ lại được hướng về những ganh tị nhỏ nhen, và ta càng ngày càng trở nên xa lạ với sự hợp tác cởi mở, nguồn suối đích thực của sự thỏa mãn nơi con người. Bao lâu mà ta còn bị vướng vào cái thói cạnh tranh thì cả công việc lẫn những tương giao của ta đều không thể thực sự làm cho ta toại ý.
· Áp lực
Thói cạnh tranh có thể trở nên thâm căn cố đế trong ta đến nỗi ta tưởng đấy là bản tính tự nhiên của con người. Nhưng kỳ thực ta đã học thói ấy từ gia đình, trường lớp, sở làm. Ta truyền lại thói ấy cho con cái, thúc đẩy chúng phải cạnh tranh vì ta muốn cho chúng thành công hơn ta lúc trước. Áp lực thúc đẩy phải thành công ấy tuy nhiên lại chỉ dạy cho con cái chúng ta nỗi sợ thất bại, một nỗi sợ hãi dần dần tiêu diệt niềm tự tin trong chúng nó và đã thực sự khiến chúng không thành công. Có lẽ chúng ta thúc đẩy con cái phải cạnh tranh vì ta tin sự cạnh tranh sẽ làm động cơ thúc đẩy chúng siêng học. Nhưng nếu một động cơ chỉ nhấn mạnh thành công mà thôi thì không thể giúp trẻ phát triển toàn vẹn tất cả những khả năng của chúng.
Để được thành công, chúng ta chỉ tập trung vào một vài khả năng của mình, và thế là đã giới hạn tiềm năng rộng rãi hơn trong ta. Nếu ta thành công, thì mọi sự sẽ tốt đẹp đấy, nhưng nếu ta thất bại, thì nỗi tuyệt vọng có thể đánh tan niềm tự tín trong ta, ảnh hưởng sâu sắc đến cả cuộc đời ta. Khi mà sự cạnh tranh làm cho ta khai thác quá mức những khả năng mình, thì dù có thành công ta cũng bất mãn và càng bị bế tắc nếu thất bại.
Nếu đề cao hợp tác hơn cạnh tranh, thì tự nhiên ta sẽ cảm thấy an toàn, tin tưởng hơn vào những khả năng mình, và ta cũng không còn cảm thấy cái nhu cầu mình phải thắng để người thua. Nhưng ta vẫn bám lấy những lề thói quen thuộc là cạnh tranh vì tin tưởng đấy là cách làm mà ai cũng chấp nhận, dù hậu quả có sao đi nữa.
· Bài tập: Cạnh tranh hợp tác
Khi xem xét vai trò của cạnh tranh trong công việc và những hậu quả của nó trong đời sống chúng ta, ta có thể thấy chính sợ hãi và thất vọng đã thúc đẩy ta phải cạnh tranh. Hãy bỏ ra ít thời giờ mà nhìn lại quá khứ của bạn, xem xét những hình thức cạnh tranh mà bạn đã vướng vào: Bạn bị bao nhiêu áp lực phải thắng? Bạn có sợ thất bại không? Hãy nhớ lại cái cảm giác lúc bạn thắng và lúc bạn thua. Khi thắng, bạn có nghĩ gì đến những người thua không? Khi bạn thấy cạnh tranh ảnh hưởng đến bạn như thế nào, thì bạn có thể hiểu được rằng người khác cũng có những cảm nghĩ như bạn. Bạn sẽ thấy cạnh tranh thường gây đau khổ cho mọi người trong cuộc, và bạn có thể dùng cái thấy này để phát triển tâm thương xót đối với kẻ khác và đối với chính mình.
Tuy nhiên, thực không dễ gì từ bỏ vẻ hào nhoáng của thành công và sự tự mãn dù ta biết nó thực nông cạn và phù du. Nhưng nếu thực tình quan tâm đến sự thăng tiến của bản thân và cải thiện đời sống mình thì ta phải quan tâm luôn cả đến những quan hệ của mình như những cộng sự viên, bè bạn và gia đình. Khi ta tập trung đối xử người khác với lòng thương tưởng hơn, khi ta tập thành thực với chính mình hơn, thì sự tranh thắng mất hết sức hấp dẫn đối với ta. Nó rơi rụng trước sức mạnh tâm hồn ta và bị đánh bại bởi ý thức cảm thông, san sẻ với người. Khi ta học thêm về chân tính con người, ta sẽ đến gần với suối nguồn những giá trị chân thực. Những người quanh ta cũng sẽ đáp ứng lại bằng sự cởi mở, tán thưởng, và thay vì tranh thắng, chúng ta có thể giúp nhau để tiến lên.
· Giải tỏa nỗi sợ thất bại
Chúng ta có thể hưởng thú thành công trên đời, và tìm sự thỏa mãn trong cạnh tranh lành mạnh nếu biết làm quân bình lạc thú thành công với thiện chí học hỏi từ thất bại, thấy được giá trị của thất bại. Điều này có ý nghĩa khi ta đã làm hết sức mình thì dù có thất bại ta cũng biết ơn cái kinh nghiệm ấy vì nó cho ta thấy rõ mình có thể cải tiến những khả năng của mình trong lĩnh vực nào. Thay vì tham dự một cuộc cạnh tranh với thái độ xem nó có tầm quan trọng lớn lao, thì ngược lại ta có thể nhìn nó với thái độ khiêm cung, để nó dạy cho ta biết mình rõ hơn. Khi ấy ta không còn sợ thất bại vì ta đã thấy kết quả tệ nhất không phải là thất bại mà là nỗi thất vọng trong chính tâm ta.
Khi ta đã cất đi gánh nặng của áp lực do sự thất vọng và nỗi sợ thất bại gây nên, thì công việc và cuộc đời trở nên phong phú viên mãn. Không có lý do gì để cho những áp lực ấy uốn nắn cuộc đời ta, thay vì thế ta có thể tập sống và làm việc với thái độ hợp tác. Công việc của ta lúc đó sẽ trơn tru hơn, có ý nghĩa hơn và rất bõ công. Cảm thức thỏa mãn của ta đối với sự sống sẽ sâu xa hơn và ta có thể san sẻ với người khác sự thưởng thức ấy. Khi làm cho người khác biết nâng đỡ lẫn nhau nhờ ảnh hưởng của ta, ta sẽ thấy niềm hoan hỉ trong ta thêm lớn và sự hiểu biết của ta càng thêm sâu.
Cũng như cạnh tranh lôi cuốn thêm cạnh tranh, sự hợp tác cũng khơi dậy tình yêu thương nâng đỡ nơi người nào cảm nhận được thái độ ấy. Khi ta nhìn tất cả mọi người như bằng hữu cùng nhau đi tìm sự viên mãn cho đời mình thì ta có thể san sẻ với nhau sự phong phú của kinh nghiệm con người. Khi tất cả chúng ta cùng hợp tác trong công việc, thay vì cạnh tranh theo những đường lối vô ích hẹp hòi, thì có vô hạn khả năng để nâng đỡ nhau, yêu thương nhau một cách chân thực.
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải