"Nhiều phật tử không có ý thức, các thầy đang làm lễ tạ đã vào xin lộc thì không nên. Đó là hành động thiếu văn mình, lịch sự", thượng tọa Thích Thọ Lạc chia sẻ với Zing.vn.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ với Zing.vn sau những hình ảnh tranh giành đồ lễ diễn ra ở chùa Quán sứ tối 15/8 (13/7 âm lịch):
Vu lan là dịp để mỗi người con bày tỏ lòng hiếu thảo với đấng sinh thành, tổ tiên. Từ đó, họ hồi hướng công đức để cầu nguyện cho chư Phật, tiếp độ cho những chân linh thân nhân được siêu sinh tịnh độ. Vì vậy, các phật tử thập phương thường góp những lễ vật về để cúng dường vào lễ đàn.
Theo quan niệm của đạo Phật, người chết đi nếu chưa được vãng sinh về thế giới Tây phương an lạc thì sẽ thác sinh vào sáu con đường: chư thiên, loài người, atula, súc sinh, ma quỷ và địa ngục. Người khéo tu, khéo hóa thì được thác sinh về thế giới an lành. Người vụng tu thì sẽ bị sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Trên nguyên tắc, phải sau khi phổ thí cho các oan hồn xong thì phật tử mới được thụ lộc. Tuy nhiên nhiều phật tử không có ý thức, các thầy đang làm lễ tạ đã vào xin lộc thì không nên. Đó là hành động thiếu văn mình, lịch sự. Vô hình trung họ đã phá vỡ nét văn hóa tôn nghiêm nơi cửa Phật.
Hành động của những người này làm cho nghi thức cúng tiến cho các vị âm giới chưa được hoàn thành.
Trong việc tổ chức cúng dường, ý nghĩa quan trọng ở đây là nhờ phương pháp nhiệm màu của đạo Phật, những chú lực của nhà Phật khiến cho các vong hồn được siêu thoát, đó mới là nghi lễ quan trọng. Hơn thế nữa, hành động của một số người dân còn gây ảnh hưởng đến những linh hồn người đã khuất.
Bởi vì, bên cạnh việc làm lễ để phổ thí cho chúng sinh được ăn thực vị, các thầy còn niệm phật, tụng kinh cho những vong cần nhờ pháp lực của đức phật để siêu thoát về thế giới an lành.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Khi các thầy chưa hoàn thiện khóa lễ các con nhang đã vào tranh giành lộc khiến việc chú niệm của quý thầy với chúng sinh bị ảnh hưởng. Đây là một hành động thiếu sự tôn nghiêm và cần phải chấn chỉnh.
Những người đến tranh giành lộc như vậy, tôi nghĩ họ nên có văn hóa, văn minh của mình. Khi phổ thí rồi, chúng ta xin lộc thì không có vấn đề gì. Sau khi quý thầy thực hiện xong chương trình nghi lễ thì chúng ta hãy xếp hàng, lần lượt vào xin lộc.
Về phía nhà chùa, trước khi thực hiện những nghi lễ này, các thầy nên quán triệt và giáo huấn đến người dân, phật tử để họ nắm được tinh thần đó cho buổi lễ được trang nghiêm, cả người âm và người dương đều được lợi lạc.
Người xưa có câu: “Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”. Lộc phật, lộc thánh bao giờ cũng có ý nghĩa. Vì vậy, người ta luôn trân trọng lộc này. nhưng không thể thay thế cho luật nhân quả trong giáo lý của đạo Phật.
Phật dạy, con người muốn chuyển được nghiệp thì phải chuyển cả tâm lẫn thân. Nhưng nếu suy nghĩ và hành động của chúng ta không đúng thì chưa chắc đã chuyển được nghiệp của bản thân.
Vì vậy, hành động tranh giành lộc khi buổi lễ chưa tiến hành xong thì vô tình chúng sinh đã tạo thêm nghiệp cho mình. Xin lộc là quý, nhưng mọi người nên tôn trọng những nghi lễ.
Tối 15/8, hàng trăm người dân, phật tử về chùa Quán Sứ (Hà Nội) dự lễ cúng Mông Sơn thí thực nhân dịp Vu lan. Khi các nhà sư ở trên vẫn đang lễ tạ thì phía dưới nhiều người dân, phật tử đã đứng dậy tranh nhau đồ cúng. Sự việc này khiến cho buổi lễ trở nên rối loạn, lộn xộn.
Trao đổi với Zing.vn, nhiều người dân tham gia cuộc tranh giành đồ lễ cho rằng vì quá nhiều người đến lễ, nếu không tranh nhau thì lấy đâu ra lộc. Người khác lại cho rằng, đi lễ là phải có lộc về cho con cháu, vì lộc này sẽ giúp con cháu họ hay ăn chóng lớn.
(Theo Zing.vn)