Chúng ta ai cũng có những lúc đắm mình vào công việc đang làm một cách sâu xa đến nỗi chỉ có một điều duy nhất quan trọng đối với ta là làm việc. Những lúc ấy dù có những ý tưởng không liên hệ đến công việc, những sự chia trí vặt vãnh, những việc rầy rà nhỏ nhặt xảy ra, ta cũng không lưu ý. Mọi tâm trí ta để cả vào từng bước của công việc mình làm, sự tập trung của ta chỉ hướng vào quá trình hoàn tất công việc đó. Vào những lúc như vậy, quả là chúng ta ý thức rõ rệt về mục đích mình, về những gì cần phải làm để đạt mục đích ấy.

Khi hoàn tất một công việc làm theo kiểu đó, thì những kết quả công việc cũng cho thấy tính sáng sủa và chiều sâu sự dấn thân của ta vào công việc. Chúng ta nở mặt nở mày vì một cảm giác “kỳ công” khiến niềm tự tin nơi chúng ta thêm vững mạnh. Cái cảm giác thỏa mãn ấy vẫn ở lại trong ta, khuyến khích, cổ vũ ta hãy tiếp tục làm việc theo cách đó. Nó giúp cho sự phát triển những phẩm chất tích cực hiện rõ nơi công việc ta làm.

Đấy gọi là sự làm việc “hết mình”, và mỗi người trong chúng ta đều có khả năng làm việc cách đó. Muốn phát triển phẩm chất này, ta phải mở lòng ra với công việc trước mắt, chấp nhận những yêu sách đòi hỏi của công việc một cách nhiệt tình, có thể nói là một cách thú vị nữa. Tính chất nhẹ nhàng phơi phới của năng lực giúp ta hoàn tất công việc một cách dễ dàng và lại còn gợi nguồn cảm hứng cho những người đồng sự với ta. Cách làm việc như vậy thật thấy mà ham. Vậy thì cái gì ngăn cản chúng ta không luôn luôn làm được như thế?

  • Sợ hãi và tội lỗi
  • Mỗi khi khởi sự làm một điều gì mới mẻ, ta thường tiên liệu những trở ngại có thể xảy đến và những giới hạn ta nghĩ là ta sẽ gặp trong chính mình hoặc nơi người khác. Mặc dù hăng hái với công việc, ta cũng có đôi khi bị áp lực của một nỗi sợ hãi mơ hồ, sợ không thành công. Nỗi lo sợ này ngăn chận dòng tuôn chảy thoải mái của năng lực ta, khiến ta không thưởng thức được trọn vẹn cái tuyệt vời của công việc, giá trị nội tại của nó.

    Vì không dám để hết năng lực vào công việc mình làm, nên ta đã phá hỏng sức mạnh của sự dấn thân. Khi ấy ta có thể thấy mình cứ vài phút lại ngưng làm việc để ăn một cái gì, để đi lấy dụng cụ, đi uống nước, hay đi nhắc ai đó nhớ lại một điều gì. Mặc dù ta có thể nhận rõ rằng những việc này không thực sự cần thiết, ta vẫn cứ tiếp tục chia trí như vậy. Khi công việc của ta bị chậm trễ, ta sẽ cố tìm cách nhanh nhất để hoàn tất, chỉ đặt vừa đủ năng lượng vào cho xong việc.

    Khi tìm một lối thoát dễ dãi, thường ta chỉ làm những cái cốt yếu trong công việc, còn bao nhiêu năng lượng ta dùng để tìm ra những cái cớ (cho sự thiếu chu đáo của mình) hơn là để nó vào trong công việc. Vì chỉ chú ý một phần đến việc làm, nên ta luôn luôn làm lỗi, hiểu sai những chỉ dẫn, hoặc hoàn tất không đúng kỳ hạn. Khi có cảm giác mình không làm việc chu đáo thì ta khởi sự cảm thấy có tội - mặc cảm phạm tội này che án mọi việc ta làm. Bị người khác chỉ trích phê bình, vấn nạn ta về thành quả công việc, thì ta lại viện thêm nhiều cái cớ khác nữa để giải thích tại sao ta không làm việc chu đáo lắm.

    Làm việc với một cung cách như trên là ta không để ý đến thì giờ và năng lượng ta đặt vào công việc, và do đó ta không thể thấy cái giá trị của kinh nghiệm mà công việc có thể đem lại cho ta. Bởi thế với phần đông chúng ta, công việc trở thành một nghĩa vụ khó ưa, đầy chán chường bất mãn. Thời giờ đè nặng trên ta, ta liên tục xem đồng hồ với hy vọng sao cho ngày này nhanh chóng trôi qua. Sự chú ý của ta đi lang thang, công việc bị đặt sai chỗ hoặc bị triển hạn cho đến khi nó bị quên lãng.

  • Làm việc lừng khừng tạo ra bất an
  • Khi không đặt hết năng lượng mình vào công việc thì toàn thể con người của ta bị ảnh hưởng: mắt ta, giọng nói ta, cả đến cái cách ta di chuyển cũng nói lên cái điều rằng ta đang làm biếng. Động lực thúc đẩy ta làm việc bị suy thoái, và những phẩm chất quý báu nhất của công việc là hiệu năng, niềm vui … cũng bị ảnh hưởng lây. Khi không vận dụng hết sức mình thì ta sẽ thấy rất khó mà giữ vững những quyết định của mình, hoặc nhận trách nhiệm về hậu quả công việc.

    Chúng ta tưởng rằng cuộc đời sẽ thoải mái hơn nếu ta không phải làm việc quá nhiều như vậy, hoặc nếu ta có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn. Tuy nhiên nguồn gốc nỗi bất mãn của ta kỳ thực chính vì ta thiếu sự hăng say làm việc.

    Khi mà chúng ta không nỗ lực để làm việc hết mình, tức là ta làm tắt nghẽn những năng lực, lạc thú và sự tập trung làm cho đời sống trở nên sinh động. Chúng ta có thể dành cho cuộc đời mình trôi qua mà không thành tựu được việc gì đáng kể, thu thập không được bao nhiêu kỹ năng, thường xuyên thay đổi việc làm, tóm lại là chúng ta cứ trôi giạt giữa dòng đời không được một niềm thỏa thích sâu xa nào, niềm thỏa thích của sự tận dụng năng lực mình một cách tốt đẹp.

  • Bài tập: Sử dụng bất mãn
  • Mỗi khi bất chợt mình đang chán công việc, thì bạn có thể xem đấy như là một dấu hiệu chứng tỏ mình không làm việc hết sức mình. Nếu công việc có vẻ không trôi chảy, bạn hãy để ra một ít thời gian mà phân tích tình huống ấy. Bạn có thấy rõ mục đích mình không? Có rõ biết mình cần phải làm gì để đạt mục đích ấy không? Bạn có chịu trách nhiệm về những gì cần phải làm không? Bạn đang triển hạn công việc hay là đang làm cho xong càng nhanh càng tốt? Bạn có chia trí không, hay hướng năng lực mình vào công việc? Có ý thức được cái cách mình đang dùng thì giờ không?

    Khi quan sát những câu trả lời điển hình của mình cho những tình huống trên, bạn sẽ thấy rõ hơn thái độ của mình đối với công việc. Khi đã thấy một cách rõ ràng trung thực công việc của bạn và những nhu cầu của mỗi việc, bạn có thể khởi sự đem hết tâm trí và năng lực để thực hiện nó. Sự ý thức rõ mẫu mực làm việc của mình, cách tương giao với người khác, sự dùng năng lượng mình một cách chính đáng có thể đem lại chiều sâu và ý nghĩa cho đời sống. Khi đối diện với những vấn đề và sơ suất của mình bằng tất cả năng lực và quyết định làm việc cho hiệu quả, thì ta có thể tận dụng mọi cơ hội quý báu để tăng tiến. Đặt hết tâm tư vào mọi việc làm, đánh giá tiến trình làm việc ngang với kết quả công việc, thì ta sẽ thấy sự làm lụng chu đáo đem lại niềm vui ra sao.

  • Nguồn sáng tạo
  • Làm việc hết mình là tập trung toàn thể sự chú ý của ta vào công việc, đặt hết năng lực vào đấy. Chúng ta có thể tập trung tâm hồn vào bất cứ việc gì. Khi làm việc cách ấy thì kết quả sẽ rất mỹ mãn, ta sẳn sàng chờ đợi và đối phó với mọi thử thách mà mỗi công việc mang lại, vượt qua những chướng ngại cản trở bước tiến của công việc. Không có lý do gì để sợ thất bại, vì khi sẳn sàng đem hết năng lực ra thì chắc chắn ta sẽ làm việc một cách tốt đẹp. Dù không hoàn tất mọi mục tiêu thì ta cũng đã làm hết mình, và được niềm thỏa mãn là đã vận dụng trọn vẹn tiềm năng của ta.

    Chúng ta có thể vận dụng mọi tài nguyên mình có: tài nguyên vật chất cũng như tài nguyên nhân văn như năng lực, trí tuệ, thời gian, cảm thức. Đấy không chỉ là hành động năng nổ hơn, đặt trọng tâm nhiều hơn vài sự giải quyết vấn đề. Những điều này dĩ nhiên có ích. Nhưng làm việc hết mình đòi hỏi sự đặt hết tâm trí, năng lượng và sự tỉnh thức của ta vào công việc.

    Khi làm việc hết mình, thì những rắc rối gặp phải không bao giờ trở thành chướng ngại to lớn. Chúng ta yêu thích một cách sâu xa công việc và kết quả của nó nên bất cứ việc nào ta làm cũng thành hứng thú thực sự. Càng có những khả năng mới xuất hiện thì ta càng thấy công việc ta thêm ý nghĩa. Ta trở nên quan tâm đến những bước tiến, những thành tích; thử thách mà công việc mang lại sẽ làm ta thêm hứng khởi.

    Thay vì tránh công việc, bây giờ ta tự nhiên tránh những điều làm ta xao lãng công việc. Mỗi giai đoạn đều nhuốm đầy nhiệt tình khiến đời ta thấm nhuần niềm vui phơi phới. Mọi sự ta làm đều in dấu niềm yêu thương, sự tận tụy, và những thành quả đem lại thỏa mãn sâu xa. Làm việc hết mình chính là động đến suối nguồn của sáng tạo, sự trong sáng và ý nghĩa cuộc đời.

    Ni Sư Thích Nữ Trí Hải



    Có phản hồi đến “Làm Việc Hết Mình ”

    Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

    Tags

    Những bài viết nên xem:

     
     
     

    Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

    Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com