• Nội tâm cởi mở
  • Khi nội tâm thực sự cởi mở, chúng ta có thể thấy trong chính mình có một kho tàng tình yêu, niềm vui và an bình. Chúng ta thưởng thức được vẻ đẹp của đời sống, đón nhận mọi kinh nghiệm đang xảy đến, mở lòng mình ra với nó và thưởng thức nó một cách trọn vẹn. Nhận ra những đức tính ấy ở trong mình là sự tự do lớn nhất mà ta có thể có được.

    Nhưng chúng ta để cho mình hưởng được bao nhiêu về cái tự do nội tâm ấy? Chúng ta bén nhạy được đến mức nào để đón nhận những ý tưởng, cảm giác sâu xa nhất của mình, đón nhận tính tích cực của nội tâm ta? Mặc dù cũng có lúc ta cảm thấy có sự phong phú nội tâm ấy thực, chúng ta vẫn thường đóng nó lại, để cho mình cảm thấy những bất mãn vi tế.

    Lại có những lúc chúng ta còn không để cho mình cảm thấy hạnh phúc mà không bị mặc cảm phạm tội hoặc thỏa mãn về những thành quả của mình mà không đồng thời cảm thấy nghi ngờ xao xuyến.

  • Mất liên lạc với chính mình
  • Những cảm xúc thuộc loại trên tách rời chúng ta khỏi nội tâm phong phú của mình, nên ta mới đi tìm thỏa mãn ở bên ngoài. Bị cuốn hút vào những biến cố vui nhộn xung quanh, chúng ta hăm hở lao vào chúng, tưởng chúng sẽ mang lại thỏa mãn. Nhưng vì để cho năng lượng của mình phân tán cả ra bên ngoài nên chúng ta bỏ lỡ biết bao nhiêu nhắn nhủ từ các giác quan ta, tư tưởng, cảm giác, tri giác của ta. Khi thiếu sự nội tri này cùng với cảm giác tự do mà nó đem lại, thì kinh nghiệm ta về mọi sự sẽ thành nông cạn, sự tỉnh thức của ta mất hết chiều sâu và tính sáng sủa. Dù chúng ta có thành công ở đời, thì vẫn có một sự phân cách với bản chất thực thụ của mình, khiến ta không còn một nền tảng nội tâm vững chãi làm điểm tựa cho đời mình. Chính điều này khiến ta có những cảm giác bất an vi tế, và cuộc đời hóa ra trống rỗng vô vị.

  • Bất an, lệ thuộc và bất mãn
  • Khi không tìm được chất liệu tự tri để nuôi dưỡng tâm hồn, chúng ta thường xoay sang người khác để tìm thỏa mãn. Nhưng vì ta không biết rõ mình thiếu cái gì, nên không thể bày tỏ nhu cầu của mình cho kẻ khác biết, và thế là chúng ta lại phải thất vọng khổ đau. Càng rơi vào cảm giác bất mãn ta càng trở nên cáu kỉnh bất an, những tương giao nhuốm đầy chua chát khiến ta không thể làm việc cho hiệu quả. Hoàn toàn không được tự do, chúng ta bị tù túng bởi thiếu tỉnh thức, vướng vào những chu kỳ lo âu bất hạnh dường như bất tận. Chúng ta cứ xoay vần đi tìm thỏa mãn mà không bắt gặp được, và sự tìm kiếm ấy trở thành mẫu mực của đời ta.

    Chúng ta sống trong một thế giới đang di chuyển rất nhanh thúc ép chúng ta phải theo kịp bước. Phần đông chúng ta không muốn sống theo kiểu đó, nhưng chúng ta đã bị tóm vào những đòi hỏi mà xã hội đặt lên đầu mình. Bề ngoài chúng ta có vẻ tự do đấy, nhưng bên trong chúng ta lại bị căng thẳng vì sự thúc bách của nhịp bước dồn dập kia. Ta đi quá nhanh không có thì giờ để thưởng thức đời mình, mất liên lạc với những đức tính tích cực trong mình và sức mạnh mà chúng có thể mang lại cho ta.

  • Tập thích nghi
  • Những trở ngại khiến nội tâm ta không thoải mái thường thì đã thành hình từ tuổi ấu thơ. Khi còn bé chúng ta biết mình nghĩ về mọi sự như thế nào, và không ngần ngại nói ra cảm nghĩ ấy. Nhưng gia đình bạn hữu lại hướng dẫn ta theo những quan niệm và mẫu mực hẹp hòi để thích nghi với xã hội. Khi không được biểu lộ những tư tưởng cảm xúc của mình, ta đâm ra mất liên lạc với cảm thức mình, giòng thông tin giữa thân và tâm bị tắc nghẽn, ta không còn biết thực sự mình cảm nghĩ ra sao. Khi những mẫu mực đàn áp càng trở nên mạnh mẽ ổn định thì chúng ta càng ít có cơ hội để biểu lộ cảm nghĩ của mình. Chúng ta đâm ra quá quen thuộc với sự thích ứng đến độ khi lớn lên, ta để cho những mẫu mực ấy thống trị đời ta, và ta trở thành những kẻ xa lạ với chính mình.

  • Bài tập: Sự sáng sủa nội tâm
  • Làm sao chúng ta có thể trở lại liên lạc với chính mình? Ta có thể làm gì để có tự do thực thụ? Khi thấy rõ bản chất bên trong của mình, ta sẽ tìm được cách phát triển để lớn lên. Tính sáng suốt này là khởi điểm của tự tri; ta có thể phát triển tính ấy chỉ bằng cách ngắm nhìn hoạt động của thân tâm ta.

    Bạn có thể thực tập quan sát thân tâm mình bất cứ ở đâu, lúc đang làm gì, bằng cách ý thức rõ từng ý nghĩ và cảm giác đi kèm ý nghĩ ấy. Bạn có thể bén nhạy để thấy những hành động của mình ảnh hưởng đến tư tưởng, thân thể và cảm giác của mình như thế nào. Làm thế là bạn mở ra cái kênh liên lạc giữa thân và tâm, tự hiểu rõ mình hơn, và đâm ra quen thuộc với tính chất con người bên trong bạn. Thân xác và tâm hồn bạn khởi sự nâng đỡ lẫn nhau, đem lại sinh khí cho mọi nỗ lực của bạn. Bạn bước vào một tiến trình năng động học hỏi từ bản thân, và sự tự tri mà bạn có được sẽ tô điểm cho mọi việc bạn làm.

    Khi quan sát bản chất bên trong của mình một cách có ý thức, bạn sẽ thấy mình đã bị tù túng như thế nào, những cảm giác và bản chất thật của mình đã bị khóa kín như thế nào. Và khi ấy bạn có thể khởi sự mở chúng ra để giải tỏa cái năng lực mà chúng đã giữ liạ bên trong bạn. Bằng cách hết sức bình tĩnh, thành thực, bằng cách chấp nhận chính mình, bạn sẽ càng thêm tự tín và học những phương pháp mới mẻ tích cực hơn để tự nhìn mình.

  • Bài tập: Sự tập trung nhẹ nhàng
  • Một khi những tri giác bên trong đã trở nên sáng sủa và trôi chảy hơn, thì sự tập trung sẽ giúp bạn hướng năng lực mình đến nơi nào cần thiết. Sự tập trung này không phải một kỷ luật khắc khi, nó rất thoải mái gần như tự nhiên. Sự chú ý của bạn được tập trung không phải một cách cứng cỏi mà với tính nhẹ nhàng hân hoan. Bạn có thể phát triển sự tập trung này trong công việc bằng cách làm mỗi lúc một việc cho xong, đặt hết sự chú ý vào những gì đang làm, ý thức mọi chi tiết của công việc, duy trì sự tập trung vào một công việc duy nhất cho đến khi làm xong, rồi làm việc khác cũng bằng cách như vậy. Bạn sẽ thấy sự sáng suốt, tuệ giác của mình thêm sâu sắc và trở nên một phần tự nhiên của bất cứ việc gì bạn làm.

    Khi có khả năng tập trung lớn hơn thì bạn sẽ có chánh niệm, là một ý thức sáng tỏ về mỗi giai tầng cảm xúc và tư tưởng, hành động của bạn. Chánh niệm là phối hợp của tập trung, sáng suốt và tỉnh thức đối với từng chi tiết nhỏ nhất của kinh nghiệm. Không có chánh niệm thì dù tâm bạn có tập trung và sáng suốt, bạn vẫn như một đứa trẻ đang xây một lâu đài trên cát không nhận ra rằng thủy triều sẽ cuốn phăng tất cả.

  • Bài tập: Chánh niệm có hiệu quả
  • Chánh niệm bảo đãm rằng bất cứ gì ta làm sẽ được làm với tất cả khả năng ta. Bạn có thể phát triển chánh niệm bằng cách tập trung sự sáng suốt và trí thông minh của mình vào công việc. Hãy đơn giản quan sát cách bạn làm một công việc bình thường. Bạn khởi sự như thế nào? Bạn tiếp tục ra sao? Bạn có thực sự biết mình muốn làm gì không? Bạn có nhìn tới trước để xem công việc này dẫn bạn tới đâu không? Hãy xét những hậu quả của hành động mình theo một tầm nhìn rộng rãi, đồng thời quan sát mọi chi tiết của việc bạn làm. Bạn có ý thức đến những hậu quả của từng bước công việc không?

    Khi phát triển chánh niệm, bạn lại có thể quan sát cái cách mà những lúc quên tỉnh giác đã ảnh hưởng đến nhịp điệu và sắc thái công việc của bạn như thế nào. Khi làm việc có chánh niệm thì những động tác của bạn rất nhịp nhàng trôi chảy, tư tưởng bạn sáng sủa có tổ chức, những nổ lực bạn có kết quả. Vì con người bạn ăn nhịp một cách sâu xa với từng giai đoạn công việc và hậu quả của nó, nên bạn còn có thể đoán trước được cả kết quả. Bạn trở nên tỉnh thức trước cái động lực bên dưới hành động mình, và biết tóm bắt ngay bất kỳ khuynh hướng quên lãng hay lầm lỗi nào xảy ra. Khi đã thiện xảo về chánh niệm, bạn có thể đi sâu vào sự hiểu biết chính mình và những hành động của mình.

  • Sáng sủa tập trung và chánh niệm
  • Phát triển sự sáng sủa, tập trung và chánh niệm có thể giáo dục con người của ta theo một cách mà không trường học nào có thể làm, vì đối tượng học hỏi là bản tính ta. Mỗi bước trong quá trình này đưa đến sự tự tri lớn hơn, đến một tính quan sát bén nhạy giúp ta tự tri thêm nữa.

    Sức mạnh và sự tỉnh giác mà chúng ta có được theo cách đó giúp ta kiểm soát được hướng đi và mục đích của đời mình. Mọi hành động của ta đều phản ảnh một sự tươi vui tự nhiên, đời sống và công việc bỗng có một tính chất nhẹ nhàng khả ý nâng đỡ ta trong mọi việc làm. Đời sống trở thành một nghệ thuật, một biểu hiện của sự tương tác suông sẻ giữa thân, tâm, cảm giác trong mọi kinh nghiệm. Chúng ta có thể tự nương cậy mình để viên mãn mọi nhu cầu thiết yếu, và thế là ta thực sự tự do. Sự tự do bên trong giúp ta sử dụng trí tuệ mình một cách khôn khéo, và khi đã biết cách sử dụng nó thì chúng ta không bao giờ mất đi sự sáng suốt và niềm tự tin mà nó mang lại.

    Niềm tự do, nguồn sinh lực này có sẳn trong mỗi chúng ta. Khi chúng ta ý thức được những khả tính khai triển tự do nội tâm là ta khởi sự mở lòng ra đón lấy phúc lạc, sức khỏe và sự hài lòng ở cả quanh ta. Nhờ biết mình rõ hơn, ta sẽ có tuệ giác sâu hơn, có thêm hiểu biết và ý thức về bình an. Chúng ta sẽ tăng trưởng sức khỏe thân tâm, công việc, gia đình và những mối tương giao sẽ đầy ý nghĩa. Chúng ta sẽ dễ dàng đạt những mục đích mình đã đặt cho mình. Khi có được tự do nội tâm, chúng ta sẽ khám phá một niềm vui sâu xa bền bỉ trong mọi việc làm.

    Ni Sư Thích Nữ Trí Hải




    Có phản hồi đến “Tỉnh Thức”

    Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

    Tags

    Những bài viết nên xem:

     
     
     

    Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

    Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com