Sự tập trung giống như một viên kim cương, đấy là sự quy tụ sáng chói tất cả năng lượng, trí và tình của chúng ta vào một việc. Khi chúng ta tập trung toàn triệt, thì ánh sáng của những khả năng ta sẽ chiếu tỏa ra nhiều màu sắc, tỏa khắp những gì ta làm. Năng lực của ta trở nên to lớn và sáng suốt, giúp ta thực hiện mỗi công việc một cách nhanh chóng dễ dàng, và chúng ta ứng xử một cách vui vẻ hăng hái với mọi tình huống mà công việc mang lại.

Khi phát triển khả năng tập trung, ta khám phá một phẩm chất cốt tủy làm cho sự tỉnh thức thêm bén nhạy và tăng cường niềm vui của ta về mọi kinh nghiệm. Nhưng có được sự tập trung ấy không luôn luôn là chuyện đơn giản. Tâm ta ưa theo những khuynh hướng bốc đồng của nó, và chúng ta dễ bị nó dụ cho đi xa công việc đang làm, nghĩa là năng lực ta dễ bị phân tán, tản mác, thay vì tập trung vào công việc. Chúng ta khởi sự chào đón mọi sự chia trí khởi lên trong ngày, nhất là khi ta đang làm một việc mình không thích.

Khi ta đầu hàng trước những ảnh hưởng lôi kéo tâm ra khỏi công việc, sự thiếu tập trung của ta sẽ phản ảnh trong phẩm chất của thành quả. Càng ít tập trung tâm trí vào việc làm thì ta càng làm nhiều lầm lỗi, và càng mất nhiều thời gian để làm mọi sự. Cuối cùng ta sẽ đâm chán vì mình thiếu thành tích vẻ vang, và sự bất mãn này trở thành một kiểu chia trí khác nữa. Dần dà ta thấy khó mà duy trì động năng làm việc và có thể ta bỏ cuộc từ lâu trước khi thành đạt mục đích. Khi thời gian trôi qua mà công việc chưa thành, ta lại tự hỏi sao bao nhiêu nỗ lực của mình chả đi đến đâu.

  • Tập trung sáng tạo
  • Khi học cách gom năng lực mình thành một khối là ta học tập trung tư tưởng. Chúng ta có thể làm việc này bằng cách ép tâm mình chú ý, nhưng khi cố thi thố ý chí, thường rốt cuộc ta chỉ chiến đấu với mình. Cảm thức mình cần phải tập trung làm việc khiến ta đâm ra nóng nảy; nỗi lo của ta tạo nên rối ren và thực sự là ta đang tự ngăn cản mình tập trung cho tốt.

    Mặc dù tập trung có nghĩa là dồn hết năng lực, song nó hoàn toàn không phải là khiến cho tâm thức thu hẹp lại, mà đấy là một phương tiện để mở lòng ra với công việc, với kinh nghiệm, với cuộc đời. Bởi vậy, tiến trình tập trung có thể hiệu quả hơn nhiều nếu ta khích lệ tâm mình hơn là chiến đấu với nó, nếu ta biết dẫn dắt tâm mình một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết để nó đi vào công việc. Thay vì nhìn công việc như kẻ thù phải chiến thắng, ta có thể chào đón những thử thách nó mang lại. Khi làm thế, ta có thể tập trung năng lượng mình một cách nhẹ nhàng thích thú, và dễ dàng kiên trì với công việc cho đến khi đạt mục đích. Làm việc cách đó thì ta có thể vui với cả những công việc mình không thích.

  • Bài tập: Tập trung toàn vẹn
  • Muốn phát triển cách tập trung nhẹ nhàng vào công việc, hãy khởi sự bằng cách thư giãn, làm từ từ mỗi lúc một việc. Trước khi khởi sự làm việc, hãy ngồi yên vài phút, thở chậm và nhẹ nhàng. Hãy ý thức từng hơi thở khi nó ra vào cơ thể bạn. Từ từ chìm lắng để nghe những cảm giác của mình và để chúng lan tỏa ra, khiến tâm được an tĩnh. Rồi bạn có thể bắt đầu công việc với tâm trạng tươi mát, tỉnh thức.

    Hãy để cho những ý nghĩ của bạn trở nên lắng dịu không dồn dập. Nhìn công việc của bạn với một nhãn quan rộng rãi, xét xem gì là những việc ưu tiên và những gì bạn muốn hoàn tất trong ngày. Rồi nhẹ nhàng để tâm vào một việc duy nhất. Hãy khởi đầu với một việc gì theo lề thói và lập kế hoạch để thực hành việc ấy. Đặt cho mình một mục đích nhât định và thời gian phải làm xong. Rồi làm cho xong việc, theo từng bước một, ở lại với nó cho đến khi hoàn tất. Tảng lờ những phân tâm bằng cách tập trung một cách lơi lỏng nhưng toàn vẹn vào từng chi tiết vào công việc mình làm. Khi có những tư tưởng lạc đề xen vào tâm trí, hãy buông xả chúng.

    Khi làm việc hãy để ý phẩm chất của năng lượng, xem bạn có đăm chiêu trong những gì mình đang làm không, hay chỉ chú ý một phần, còn phần khác lang thang vào những việc khác. Khi tâm lang thang, hãy nhẹ nhàng dẫn nó trở lại công việc. Khi đã làm xong công viêc, hãy kiểm tra xem mình có hoàn tất những gì dự định làm hay không, và để ý phẩm chất sự chú ý mà bạn đặt vào công việc. Làm việc cách ấy, bạn sẽ thấy rằng sự tập trung tuôn chảy một cách tự nhiên khi nó đã bắt đầu, và ngay cả những việc tầm thường nhất cũng trở nên thú vị và cần thiết.

    Khi bạn đã quen với kỹ thuật này, hãy áp dụng nó vào những hoạt động dần phức tạp hơn. Bạn sẽ nhanh chóng nhận rõ nhu cầu của công việc mình và ý thức được cách làm thế nào để sử dụng năng lượng của bạn. Tư tưởng bạn trở nên có tổ chức hơn và năng lực sẽ đều đặn hơn, bạn sẽ phát triển một trật tự hợp lý cho những hành động của mình, một trật tự có thể được tuân theo trong bất cứ công việc gì. Khi đã nắm vững khả năng lập kế hoạch cẩn thận và kiên trì để đạt mục tiêu bạn sẽ thấy mình có khả năng tập trung mạnh hơn. Trông thấy những gì mình đã thành tựu sẽ khiến bạn thêm hăng hái và càng tăng sự tỉnh thức cùng tài khéo.

  • Tập trung giúp thêm niềm tin
  • Khi biết cách tập trung, thì chúng ta đâm ra tin tưởng khả năng mình để hoàn tất mọi công việc. Chúng ta chấp nhận những thử thách và sẵn sàng dấn thân. Nhờ ta không còn tìm cách giải trí hoặc tránh né công việc cần làm, nên công việc sẽ trôi chảy hơn, được làm cho phong phú bởi năng lực chú tâm trọn vẹn của ta. Mục đích của việc ta làm trở nên sáng sủa. Khi học cách làm việc cho tốt, thì bối rối lo âu nhường chỗ cho niềm tin, và chúng ta có đầy năng lực dành cho sáng tạo, niềm vui và sự thành tựu. Ta thấy không có chướng ngại nào có thể ngăn cản ta đạt mục đích mình.

    Khi tập trung đã trở nên sâu sắc thì tư tưởng ta được tổ chức, năng lượng ta đều đặn và sự tỉnh giác gia tăng, ta biết rõ hơn những gì mình làm. Sự tập trung trở thành một phần của đời ta, mọi lúc mọi nơi. Một cuộc dạo chơi trong rừng cũng có thể trở thành một kinh nghiệm thực sự tươi mới và vui vẻ, khi ta tập trung vào những chi tiết của nó – mùi hương của đất, tia nắng mặt trời nhảy múa trên cành lá, cảm giác ngọn gió nhẹ luồn qua tóc. Tất cả sự sống đều mang vẻ sáng và chiều sâu, phạm vi kinh nghiệm trở nên sâu sắc hơn, ta biết cách thực sự thưởng thức mọi giây phút.

    Vì sự tỉnh thức, hiệu quả, và khả năng thưởng ngoạn của ta tăng trưởng, nên những người xung quanh ta cũng được lợi lạc. Khi những nỗ lực chúng ta có kết quả đem lại hạnh phúc cho người khác, khi ta san sẻ với người khác những sự chuyển hóa mình đã làm, thì đấy là mục tiêu thành công nhất mà ta có thể thực hiện. Nếu tin vào khả năng mình có thể giúp người theo cách ấy, thì những mục tiêu mà ta nhắm đến cũng có thể là mục tiêu của tất cả mọi người, tất cả cuộc đời.

    Ni Sư Thích Nữ Trí Hải




    Có phản hồi đến “Sự Tập Trung”

    Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

    Tags

    Những bài viết nên xem:

     
     
     

    Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

    Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com