Ai trong chúng ta cũng từng có cái kinh nghiệm là cố nhớ lại một cái tên hay giải đáp cho một câu hỏi nào đó, mặc dù ta đã biết nhưng bây giờ cố hết sức cũng không thể nào nhớ lại. Khi ta bỏ cuộc không buồn tập trung trí nhớ nữa và tiếp tục làm một điều gì khác thì tự nhiên giải đáp lại trồi lên trong tâm trí ta. Khi nỗ lực quá căng, thực sự là ta đã tự ngăn cản mình tìm ra giải đáp. Nhưng khi buông xả vấn đề, nghỉ ngơi để cho năng lượng tuôn chảy, thì ta để cho câu trả lời tự tìm đến với ta.

Phẩm chất buông xả này có thể dạy ta cách sống và làm việc với thái độ thoải mái trôi chảy, cách tiếp cận nhẹ nhàng ngay cả với những tình huống phức tạp nhất. Khi buông xả những vấn đề đang làm căng thẳng thân tâm ta, là chúng ta tháo mở cho năng lượng tuôn chảy theo những chiều hướng mới tích cực hơn. Buông xả là giải phóng, mang lại năng lượng sáng tạo cho mọi hành động của ta, mở đến những khả năng suy nghĩ và hành động mới mẻ, cách sống mới.

Khuynh hướng chung trong nền văn hóa của ta (Tây phương) là bám lấy mọi sự, nên buông xả nghe qua có vẻ là một kiểu ứng xử vô hiệu đối với một vấn đề. Từ ngữ “kết thúc cay đắng” diễn tả cái cách ta đánh giá cao việc bám vào những tư tưởng và cảm xúc của mình. Chúng ta thường cố kiểm soát kinh nghiệm mình bằng cách giữ vững một lập trường. Chúng ta đã được giáo dục kiểu kiểm soát như vậy từ tấm bé, và khi thực thi điều này là ta đang thực thi cách học đàn áp, giấu kín cả ý nghĩ lẫn cảm giác của mình. Chúng ta đâm ra xem sự buông xả cũng như là nhượng bộ đầu hàng, mất quyền kiểm soát.

Đôi khi vì muốn duy trì sự kiểm soát, muốn giữ vững thể diện, hoặc muốn thuyết phục người khác là ta có lý, ta có thể lựa chọn cách bám vào quan điểm của mình ngay cả khi biết mình sai. Giữ khăng khăng một lập trường dường như là chứng tỏ mình có kiên nhẫn và sức mạnh, song kỳ thực điều này chỉ tăng cường một tính cứng cỏi, nó thu hẹp tầm nhìn của ta, ngăn cản ta thấy được sự thật của một tình huống.

· Bám lấy sợ hãi

Cái gì ở đàng sau tính cứng cỏi ấy, nhu cầu kiểm soát ấy? Khi phản ứng lại những khó khăn bằng một cách căng thẳng không nao núng chính là ta đang bám vào nỗi sợ hãi mặc dù chúng ta không ý thức điều này. Ta kiềm chế những cảm xúc vì sợ hãi phải tự phơi bày mình cùng nhữnt tin tưởng của mình trước những phản ứng của người khác. Vì thiếu tự tín trong tâm, ta khóa kín những cảm giác và niềm tin của mình.

Khi buông xả những sợ hãi cùng những cảm xúc và định kiến tuôn phát từ sợ hãi là ta thực sự làm chủ được cuộc đời mình. Sự giải quyết những vấn đề chúng ta hóa dễ dàng, công việc trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn, những tương giao của ta cũng đem lại thỏa mãn hơn.

Khi căng thẳng nột tâm đã giảm xuống, ta có thể kinh nghiệm những cảm giác của mình một cách sáng sủa. Cảm xúc không còn khống chế được ta, vì cảm xúc chỉ tồn tại được khi nào ta cung cấp năng lượng cho nó. Ta có được một hiểu biết sáng sủa về mỗi hoàn cảnh, nhờ vậy có thêm năng lực và niềm tin. Khi cảm giác và nhận thức tuôn chảy tự nhiên hơn, ta có thể đáp ứng một cách mềm dẻo cởi mở đối với những nhu cầu của mỗi tình huống mới. Khi tập trung buông xả là ta để cho toàn bản thể của ta thay hình đổi dạng.

Thực sự buông xả có nghĩa là tháo chốt năng lượng sáng tạo tự nhiên của ta tuôn chảy qua mỗi kinh nghiệm. Ta có thể dùng cái năng lượng ta thường đổ vào những cảm xúc và định kiến của mình để tìm ra lối giải quyết lành mạnh và hữu hiệu hơn cho những vấn đề của ta. Khi biết sẳn sàng đáp ứng những đòi hỏi của mỗi tình huống và những nhu cầu của những người xung quanh, ta sẽ biết thưởng thức giá trị của bản thân và người khác một cách sâu xa hơn.

· Bài tập: Nới lỏng lập trường

Khi nhận chân giá trị của buông xả, ta có thể khởi sự phát triển phẩm tính ấy trong đời sống hàng ngày của mình. Mỗi khi thấy mình bám giữ một lập trường hoặc một cảm xúc không thể buông ra, ta hãy dành vài phút thư giãn, để cho hơi thở trở nên nhẹ nhàng đều đặn. Rồi chọn một công việc nào đó mà làm một cách thoải mái, quên hết mọi sự. Hãy phát triển một phẩm tính tập trung không gượng ép, mà nhẹ nhàng. Tập trung cách đó một lúc, bạn sẽ bắt đầu làm nhẹ bớt sức nặng của những suy nghĩ theo thói quen và làm tiêu tán những năng lực đang lấp bít sự thoải mái của mình. Cố đừng nghĩ về những vấn đề mình đang có, mà chỉ đổ hết năng lực vào công việc đã chọn và ở lại với nó cho đến khi hoàn tất.

Mỗi khi cảm thấy chút lo lắng hay ân hận nào dụ dẫn bạn đi vào một tâm thái không lành mạnh, thì hãy nhẹ nhàng đưa chú ý trở lại với công việc đang làm, cố làm quân bình cảm xúc bằng những cảm giác tích cực. Chỉ cần để tâm bạn tiếp xúc cái năng lượng tích cực bạn đang đặt vào công việc, buông bỏ bất cứ khuynh hướng tiêu cực nào khởi lên, bạn sẽ thấy nguồn năng lực mới giúp bạn làm việc một cách suông sẻ không trở ngại.

· Tự để cho mình thay đổi

Mỗi giai đoạn đem lại những cơ hội mới để học hỏi và tăng tiến, ta không cần để những phản ứng tâm lý và cảm xúc quen thuộc gò bó và giới hạn chúng ta. Ta có thể sử dụng chúng như những gia vị cho đời ta thêm phong phú. Mỗi tình huống đau buồn là một cơ hội cho ta trực tiếp buông bỏ sự bám víu của ta vào tính tiêu cực.

Mỗi lần buông xả và tự cho mình thay đổi là ta có thể lợi dụng năng lượng dồi dào trong ta và sẳn sàng để tiến xa hơn. Buông xả như vậy tạo một tiềm năng sống lành mạnh, vì những phương tiện ta phát triểm để ứng phó với những khó khăn đồng lúc cũng là phương tiện qua đó ta thưởng thức cuộc đời và sống vui vẻ.

Thái độ mềm dẻo, khả năng thích ứng với những tình huống khó khăn khiến ta làm việc gì cũng có hiệu quả, chúng ta không ngừng học hỏi, không ngừng biến đổi. Thay vì gắng gượng theo đuổi mục đích mình, chúng ta làm mỗi việc một cách nhẹ nhàng trơn tru và chính điều này giúp ta thành đạt mục tiêu với tư thái thong dong, hoan hỉ.

Khi khám phá rằng ta có khả năng thành tựu bất cứ gì ta đã khởi công, thì ta bắt đầu bừng tỉnh để thấy đời mình có thêm nhiều khả tính. Ta trở thành bậc thầy của chính mình, hướng dẫn mình đi vào cuộc tiếp xúc tương dung tương tác với hoàn cảnh, với mọi người. Tiếp tục có thái độ cởi mở trước bản chất của đời sống, như vậy giúp ta tự nhiên biết san sẻ với người khác một cách trọn vẹn hơn, và những hành động của ta dễ dàng làm lợi ích cho mọi người.

Ni Sư Thích Nữ Trí Hải



Có phản hồi đến “Buông Xả”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com