Đã lâu rồi, mỗi năm một lần, dân Việt ta có tục cúng Rằm tháng Bảy. Một câu tục ngữ đã nói :
Rằm tháng giêng ai siêng thì quảy;
Rằm tháng Bảy người quảy khắp nơi...
"Quảy" là một tiếng Việt cổ, một động từ để chỉ việc cúng vái mà bây giờ ta ít nghe nói. Trong ngôn ngữ Việt lại có động từ "cúng quảy", "đơm quảy"... "Quảy" thì không phải chỉ cúng với hoa quả, trầm trà, hương đèn, mà "quảy" còn bao hàm ý nghĩa là có sắm sửa đồ ăn quý hơn đồ ăn nhật dụng để cúng ông bà tổ tiên nữa. Vì sao người Việt ta lại soạn đồ ăn để dâng cúng ông bà tổ tiên vào dịp Rằm tháng Bảy hằng năm ? Trong một bài ca dao cổ nói về công việc trong mười hai tháng của một năm, ta lại đọc được một câu :
"... Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân..."
Ngày "xá tội vong nhân" phải là một hội lễ lớn và quan trọng, người dân mới ghi vào lịch sử sinh hoạt 12 tháng của mình như thế. Có lẽ ta cũng nên lưu ý là mỗi tháng người dân chỉ ghi vào lịch sử sinh hoạt một việc chính nhất, và như thế ngày Rằm mới có hội "xá tội vong nhân", nhưng suốt tháng Bảy nhất là nửa tháng đầu, người ta phải chuẩn bị tâm tưởng, chuẩn bị vật chất, nói chung là tất cả hoạt động trong tháng đó, để hướng về ngày Rằm có trăng tròn, có hội lễ "xá tội vong nhân". Nhớ, luôn luôn nhớ để cúng ông bà, tổ tiên và gần là cha mẹ.
Nhớ mà cúng, trong quan niệm của nhân gian những người bỏ "cúng quảy" là những kẻ "bất hiếu chi cực" tức là không có gì bất hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên hơn nữa.
Ngày Rằm tháng Bảy "xá tội vong nhân" là ngày quan trọng. Quan niệm "xá tội vong nhân" trong tư duy người dân rất đơn giản. Người dân thường giải thích với nhau : "Nghe mấy cụ đời xưa kể lại thì vào ngày Rằm tháng Bảy, dưới âm phủ người ta mở hết các cửa địa ngục để thả tù ra một ngày. Mình làm đồ ăn cúng để ông bà mình cả năm bị giam đói, có được thì ăn với con cháu một bữa cho no kẻo tội nghiệp". Tuy cách suy nghĩ đơn giản nhưng trong cách suy nghĩ đó có mang nội dung "hiếu đạo" luôn luôn nhớ đến người quá vãng, sợ họ bị đói khổ.
Tưởng chúng ta cũng nên nhìn sang một nước Á Đông có quan niệm gần giống dân ta về ngày Rằm tháng Bảy âm lịch như thế. Đó là dân tộc Nhật Bản.
Người Nhật cũng có một lễ hội vào dịp tháng Bảy. Họ cũng nghĩ là từ vong linh dưới các cửa địa ngục được thả ra một ngày vào Rằm tháng Bảy, trong đó có cha mẹ, ông bà, tổ tiên của họ. Cho nên mỗi nhà đều sắm sửa của cúng và làm rất nhiều đèn lồng đẹp treo trước nhà. Họ nghĩ là cửa ngục mở ra, vong linh tổ tiên họ đi về nhà với con cháu, sau một cuộc hành trình xa thì chắc đói bụng nên bày sẵn thức ăn để cúng tổ tiên hưởng dụng. Treo đèn để giúp tổ tiên tìm ra đường đi. Rất sớm vào sáng 16 tháng Bảy, đồ ăn ấy sẽ được đưa tống xuống sông hoặc xuống biển và đèn cũng được đem thả xuống nước để dẫn đường đưa ông bà tổ tiên trở về thế giới bên kia. Hội thả đèn này gây được niềm xúc động trong lòng người, vì từng đám đông, những người sau khi thả những cây đèn của mình, cứ đứng nhìn những cây đèn trôi xa đi mãi như theo dõi, lưu luyến tiễn đưa tổ tiên, cho đến khi không nhìn thấy đèn nữa mới thôi. Trong quan niệm người Nhật Bản cũng có bao hàm một nội dung "hiếu đạo" như dân tộc Việt ta.
Nhưng, nguồn gốc lễ này ở đâu ? Ai cũng biết Việt Nam hay Nhật Bản - cũng có thể kể luôn cả Trung Hoa, Tây Tạng, Cao Ly,... là những nước ở cõi Á Đông theo Phật giáo đã từ lâu đời. Trong Phật giáo có một đại lễ cử hành vào ngày trăng tròn tháng Bảy âm lịch hằng năm. Đó là lễ Vu Lan Bồn (Sanskrit : Ullambana). Sở dĩ có lễ này là vì trong thời Phật còn tại thế, có Tôn giả Mục Kiền Liên (Sanskrit : Maudgalyàyana; Pali : Moggallàna) muốn cứu mẹ ra khỏi ngục lửa, nhưng một mình Ngài không đủ lực. Tôn giả bèn kêu cầu Đức Phật cứu độ mẹ mình ra khỏi ác đọa. Chính Đức Phật cũng không độ bà Thanh Đề này được, vì nghiệp ác của bà quá dữ.
Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên phải soạn lễ trai Tăng cúng dường "Đức Phật và chúng Thánh Tăng cả mười phương" sau lễ Tự Tứ ra hạ vào ngày 14 tháng Bảy, để Đức Phật và Thánh Tăng mười phương cùng hợp lực chú nguyện thì mới cứu mẹ của Tôn giả ra khỏi ngục lửa được. Là một Đại đệ tử của Đức Phật, đã đắc ngộ quả vị A La Hán, Ngài Mục Kiền Liên còn là một người con rất có hiếu với mẹ và rất trọng ân thâm của thầy tức là Đưc Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài đã vâng lời thầy sắm đèn hương hoa trầm và thức ăn để làm lễ trai Tăng. Sau đó, Đức Phật và chư Thánh Tăng mười phương và chính cả Ngài Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát với hạnh bố thí bao la của mình đã hợp lực chú nguyện, bà Thanh Đề đã nương theo đó mà thoát khỏi ngục lửa để lên cõi siêu thăng. Sau lễ này, Đức Phật đã dạy Ngài Mục Kiền Liên mỗi năm làm lễ Vu Lan Bồn vào ngày Rằm tháng Bảy như Ngài đã làm để báo ân cha mẹ. Lời Phật thuyết trong dịp này được gọi là Vu Lan Bồn kinh; người ta thường gọi nôm na là kinh Báo Hiếu.
Từ đó, lễ Vu Lan Bồn đã đi vào dân gian các nước phương Đông theo Phật giáo, và trở thành ngày gọi là "ngày Rằm xá tội vong nhân". Riêng dân Việt Nam ta có câu: "Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt" thì cũng đủ để minh họa ảnh hưởng Phật giáo trong dân gian như thế nào. Dân Nhật Bản thì ông Renodeau trong bài "Phật giáo Nhật Bản" đã đưa nhận xét : "Không những lễ Vu Lan Bồn là một biến cố hệ trọng trong năm theo Phật giáo, mà đại lễ này còn chiếm một tầm quan trọng đáng kể trong toàn dân Nhật; do đó mà dân Nhậ? đã tổ chức và sửa soạn lễ này trong ba ngày từ chiều 13 đến sáng 16 tháng Bảy mỗi năm; người Việt ta thì chỉ hai ngày 14 đến ngày 15 tháng Bảy hằng năm.. Nhưng trong quan niệm về hiếu đạo thì dân ta sâu sắc hơn, vì dân Việt ta nghĩ đến "tổ tiên bị giam đói trong ngục", nhờ ngày lễ xá tội vong nhân mới về được, nên con cháu phải dâng cúng để tổ tiên hưởng một bữa đặc biệt. Rõ ràng quan niệm "bị giam đói trong ngục" là gần với câu chuyện của Phật giáo hơn là quan niệm "tổ tiên đi đường xa đói bụng" của dân Nhật Bản".
Ta cũng cần phân biệt ý nghĩa "cúng quảy" trong ngày "xá tội vong nhân" tức là ngày lễ Vu Lan Bồn của Phật giáo với lễ Trung Nguyên của Nho giáo Trung Hoa mà người Việt ta cũng có bị ảnh hưởng. Trong ý thức hệ Nho giáo thì có đến ba lễ trong năm có chữ "Nguyên"; đó là lễ Thượng Nguyên vào ngày Rằm tháng Giêng; lễ Trung Nguyên vào ngày Rằm tháng Bảy và lễ Hạ Nguyên vào ngày Rằm tháng Mười và dân gian thường gọi là "các ngày Rằm lớn" vì đều có cùng quảy. Để hiểu cho tận căn nguyên các lễ này thì không phải là chuyện bàn ở đây. Cho nên chúng tôi chỉ xin phác sơ để phân biệt lễ Trung Nguyên với lễ Vu Lan Bồn là hai ngày lễ của hai tín ngưỡng khác nhau, có ý nghĩa khác nhau, nhưng đều được cử hành vào ngày Rằm tháng Bảy thôi. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, trong tập Bản Kỷ, Kỷ nhà Lý, có ghi rất rõ như sau :
1. "Mùa Thu tháng Bảy, tiết Trung Nguyên bãi cỗ bàn, vì là ngày lễ Vu Lan Bồn của Linh Nhân Hoàng Thái Hậu". (Sđd, tr. 249)
2. "Mùa Thu tháng Bảy, tiết Trung Nguyên, vua Thần Tông (1128-1138) ngự điện
Thiên An, các quan dân biểu mừng" . Vì là ngày lễ Vu Lan Bồn củaNhân Tông (1027-1127), nên không đặt lễ yến (Sđd, tr. 263)
Linh Nhân Hoàng Thái Hậu tức là Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu, mẹ Vua Lý Nhân Tông (1072-1172), bà chính là Ỷ Lan Thái Phi, là một Phật tử thuần thành, bà đã cho trùng tu và xây dựng hơn trăm ngôi chùa. Bà mất vào ngày 25 tháng Bảy năm Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), và được hỏa táng vào tháng 8 năm ấy. Tháng Bảy năm sau, Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118) Vua Lý Nhân Tông bãi cổ bàn yến tiệc của Lễ Trung Nguyên để làm lễ Vu Lan Bồn cho mẹ. Mười năm sau, vào niên hiệu Thiên Thuận năm đầu, Mậu Thân (1928) Vua Lý Thần Tông bãi cỗ bàn yến tiệc của Lễ Trung Nguyên để làm lễ Vu Lan Bồn cho cha.
Như thế, không cần đi sâu hơn, ta cũng thấy được qua những dữ kiện mà chính sử có ghi, ý nghĩa lễ Trung Nguyên với lễ Vu Lan Bồn báo hiếu khác nhau rất xa. Trong lễ Trung Nguyên có cỗ bàn yến tiệc vui chơi ca hát và chúc tụng, trong lễ Vu Lan Bồn có cỗ bàn, hương hoa trầm trà để cầu quy lực của Phật cứu khổ cha mẹ ở địa ngục.
Tiếp nối truyền thống của triều Lý, năm Thiệu Bình nguyên niên (1434) triều Lê, Vua Lê Thái Tông đã thiết lễ Vu Lan Bồn của Vua Lê Thái Tổ rất lớn. Đến triều Nguyễn (1802-1945) thì các Vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883) đều có thiết lễ Vu Lan Bồn rất trọng thể ở chùa Thiên Mụ - Huế.
Năm Minh Mạng thứ 16, Ất T?(1835), thiết đại trai đàn vào dịp lễ Vu Lan ở chùa Thiên Mụ. Vua giao cho Hà Tôn Quyền, Hoàng Quýnh chịu trách nhiệm tổ chức, Bùi Công Huyên là "Đổng Lý trai đàn", vua có ngự lên Thiên Mụ để dự lễ và làm nhiều thơ sai đem dán ở điện Phật và các nơi đàn thủy lục.
Hai năm sau, vào năm Minh Mệnh thứ 18, Đinh Mùi (1837) thiết trai đàn 21 ngày đêm và tiết Trung Nguyên tức Rằm tháng Bảy để làm lễ Vu Lan. Năm này trong đại lễ Vu Lan có đốt pháo và có đến 146 biền binh phục vụ vẫn không đủ.
Đến thời Thiệu Trị, tháng Bảy năm thứ 5, Ất T? (1845) vào ngày Rằm Vu Lan vua lập đàn chay 21 ngày đêm liên tục ở chùa Thiên Mụ. Đàn được lập cả trên sân chùa lẫn dưới bờ sông. Trong bia Thiên Mụ Tự Phước Duyên Bảo Tháp Bi, chính l?#7901;i nhà vua đã nói : "Tế thử Vu Lan chi hội, Khai tam thất thủy lục đạo tràng, liệu tha đảm bặc chi hương, phổ đại thiên u minh thuyết pháp".
Trên bia "Ngự thế chi" ở chùa Diệu Đế khắc vào tháng Bảy năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) vua có làm bài thơ thứ hai nói về lễ Vu Lan trong đó có câu :
"Nguyệt minh như họa chính kim tiêu
Hà xứ Vu Lan thiết tiệc yêu..."
Toàn bài thơ vua Thiệu Trị không nói đến Vu Lan, song câu thứ hai trên đây, cho biết rằng trong dân gian người ta có làm lễ Vu Lan Bồn vào tiết Trung Nguyên.
Đến đời Vua Tự Đức, năm thứ 31 (1878) vào Rằm tháng Bảy có thiết lễ Vu Lan Bồn rất lớn ở chùa Thiên Mụ : Vào năm đó Mậu Dần, bộ Lễ Nghi tâu vua theo lệ đã đến kỳ mở đại trai đàn để chúc hỗ nhàvua. Vua Tự Đức bảo : "Chúc một người sống lâu không bằng cứu vớt muôn người chết oan... ". Sau đó vua ra lệnh triệu tập chư Tăng từ trong Nam ra tới Quảng Bình về kinh, lên chùa Thiên Mụ mở hội Vu Lan bạt độ và vua ra lệnh cho các chùa Quan ở Thừa Thiên - có 7 chùa là : Thiên Mụ, Long Quang, Từ Ân, Diệu Đế, Ngọc Sơn, Linh Quang và Thánh Duyên - lấy ngày Trung Nguyên, tức ngày Rằm tháng Bảy năm đó, khai kinh phổ tế các tướng sĩ trận vong khắp cả Nam-Trung-Bắc kể từ năm Tự Đức nguyên niên đến lúc đó (1848-1878).
Một lần nữa, ngay trong câu nói của vua Tự Đức người ta lại thấy ý nghĩa của lễ Trung Nguyên khác với ý nghĩa lễ Vu Lan Bồn rất nhiều. Nhưng có điều đặc biệt là vào buổi đầu, các vua triều Lý đã tổ chức lễ Vu Lan Bồn với ý nghĩa báo hiếu cha mẹ rất rõ. Nhưng càng về sau, nhất là trong triều Nguyễn ý nghĩa này đã mở rộng trong quan niệm dân gian không những cứu độ cha mẹ, tổ tiên màcòn lan ra tất cả mọi người. Như trong lễ Vu Lan Bồn năm Ất T?(1835) triều Minh Mệnh, tất cả tướng sĩ trận vong ở Phiên An thành đều được bạt độ khi tin thắng trận báo về kinh gặp lúc vua đang hành lễ Vu Lan Bồn ở chùa Thiên Mụ; và như lễ Vu Lan vào năm Tự Đức thứ 31 (1878) vừa nói ở trên, trong kỳ này lễ Vu Lan đã trở thành một đại lễ cầu siêu rộng lớn có cả chư Tăng đông đảo, có cả triều đình và cả vua Tự Đức đều hợp lực chú nguyện.
Trong truyền thống dân gian cũng vậy, lễ Vu Lan đã trở thành lễ bạt độ cầu siêu cho cả "thập loại cô hồn chúng sinh". Cho nên vào ngày Rằm tháng Bảy, ngoài việc mỗi nhà đều thiết bày hương, đèn, hoa, quả, trầm trà và đồ ăn chay đơn giản - thường là "xôi" một thức ăn quý mà dân ta thường dùng trong các dịp tế lễ, và "chè" nấu bằng nếp hoặc các thứ đậu vơí đường - để cúng tổ tiên; thì ở các chợ người ta cũng mua sắm cỗ bàn hoa quả và thỉnh các Thầy tụng kinh cúng đàn chẩn tế. Ông Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương đã ghi : "Theo Phật giáo thì những cô hồn ấy phải giam ở địa ngục, cứ mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy vong nhân xá tội thì các cô hồn được thoát ngục. Ngày ấy tại các chùa, các chợ người ta làm chay để cung cấp đồ ăn và quần áo cho cô hồn". (Sđd, tr 204)
Bài văn tế cô hồn thập loại chúng sinh của Nguyễn Du đã mở đầu bằng câu :
"Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Gió heo may lạnh buốt xương khô... "
là đã gợi nên cái cảnh đói, lạnh, khổ của cô hồn ở địa ngục và gợi mở lòng từ bi ở mọi người còn sống. Trong nhân gian từ đầu triều Nguyễn về sau thường dùng bài này đọc trong lúc làm lễ chẩn tế vào dịp đại lễ Vu Lan Bồn hằng năm.
Tại các chùa thì sau ngày Tự Tứ của chư Tăng để ra hạ , chùa nào cũng có cúng lễ Vu Lan. Lễ này là của chính các Tăng sĩ trong chùa đó làm lễ báo hiếu cho cha mẹ mình, đúng ý nghĩa với lời kinh Phật dạy; nhưng đồng thời cũng cúng chư linh được thờ trong chùa và rộng hơn nữa là thập loại cô hồn chúng sinh, đến chùa để "văn kinh thính pháp" và nương theo ánh sáng Phật pháp để giải thoát.
Cũng trong buổi sáng ngày Rằm tháng Bảy đó, những gia đình Phật tử quy y ở chùa nào thì vân tập về chùa ấy để cúng tổ tiên mình. Có tiếng chuông trống Bát Nhã, có tiếng mõ gia trì và chư Tăng tụng kinh; để tử quỳ lạy để cầu chư Phật phóng quang tiếp độ và hợp lực chú nguyện cầu vong linh của gia đình họ nương theo lời kinh tiếng kệ, âm thanh chuông trống của nhà chùa, nói chung là nương theo âm thanh và ánh sáng Phật pháp để giải bớt nghiệp chướng.
Nói chung, ngày đại lễ Vu Lan Bồn đã trở thành một ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam, theo đạo Phật hay không theo đạo Phật để báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên của mỗi người sống đã đành; mà còn mang một ý nghĩa đại thừa, là nhân ngày Vu Lan Bồn mà có việc "xá tội vong nhân", thì mọi người đều nghĩ đến và cầu cho tất cả mọi chúng sinh ở bên kia thế giới được thấy ánh sáng của chư Phật và được nghe mọi âm thanh của Phật pháp, cố gắng chuyển nghiệp để thoát khỏi cảnh đọa đày của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà sanh cõi Thiên, Nhân là hạng có thiện duyên dễ cận kề với Phật pháp hơn.
Nguyên Anh