Khi đã có thể nhìn mình một cách thành thực để thấy sức mạnh và nhược điểm của mình, tính cởi mở ấy sẽ giúp ta liên tục lớn lên và thay đổi. Chúng ta đón lấy những thách thức của công việc và đời sống hàng ngày, xem chúng là những cơ hội cho ta hiểu thêm chính mình và người khác. Chúng ta đối mặt với rắc rối khi chúng khởi lên, chấp nhận chúng, học hỏi từ chúng. Tính chân thực của ta sẽ gợi cảm hứng cho người khác cũng tìm thấy sự thực trong chính họ, để bành trướng những khả năng của họ và để có tương giao cởi mở với nhau. Thế là một tiến trình tích cực để tăng tiến, để tỉnh thức đã được nuôi dưỡng, nó thắt chặt dây thân ái và hợp tác.

· Chống lại sự giúp đỡ

Tuy vậy, tự quan sát mình một cách trung thực là việc không luôn luôn dễ dàng gì, vì ít ai trong chúng ta muốn giáp mặt với những sở đoản của mình nhất là khi đang gặp rắc rối và không biết làm thế nào để giải quyết êm xuôi. Một cách vô thức chúng ta cố tự vệ chống lại thất bại bằng cách đóng kín con mắt nội tâm, tránh nhìn thẳng vào chính mình. Mỗi khi cùng làm việc với người khác và để lộ những sở đoản của mình ta cũng dựng lên rào cản vi tế để tránh những lời khuyên can, bình phẩm có thể giúp ta tăng tiến.

Khi chống lại những nỗ lực giúp đỡ đến từ người khác thì ta không thấy được rằng lời chỉ trích có thể là một biểu lộ của sự nâng đỡ chân thành. Chúng ta đóng cửa lòng mình trước mọi sự cảm thông và không còn khả năng cho hay nhận sự săn sóc vốn cần yếu cho công việc và cho sự tăng trưởng nội tâm ta. Lời khuyên của kẻ khác có thể đem lại cho ta một cách nhìn mới về tình huống của mình, giúp ta biết thêm về chính mình. Nhưng khi ta hiềm ghét sự phê bình của người khác và tự chống chế bào chữa, thì những vấn đề của ta không được lưu tâm, ta bỏ lỡ cơ hội được giúp đỡ để giải quyết chúng. Vì không đối mặt với những lỗi lầm mình nên ta không thể sửa đổi chúng và những khó khăn tương tự đương nhiên sẽ còn trong tương lai. Khi điều này xảy ra, ta không còn được lợi ích của sự giúp đỡ từ người khác bởi vì những phản ứng tiêu cực của ta đối với sự phê bình chỉ trích khiến những người lo lắng cho ta đâm chán.

· Hiềm hận bén rễ như thế nào

Sự phản kháng và hiềm hận bén rễ trong ta khi ta nghĩ mình không được đối xử công bằng. Khi được yêu cầu làm việc gì mà ta không thích, thì ta không làm cho hết sức mình. Mặc dù chúng ta được giao công việc khác nếu ta thực tâm bày tỏ sự phản đối của mình, ta vẫn giữ kín những cảm xúc chân thực của ta và chỉ làm cho xong công việc. Khi sự phản kháng càng tăng, hiềm hận sinh khởi trong ta và bắt đầu tạo thành thái độ và tư duy của ta.

Sự phản kháng của ta có thể quá vi tế đến nỗi lúc đầu ta cũng không ý thức đến nó. Nhưng nó lộ ra trong nhiều lỗi ta làm, trong cái cách ta kéo dài công việc dường như vô tận không làm xong. Vì không muốn thừa nhận những gì đang xảy đến, ta tìm sẳn những cái cớ để biện minh cách ta tiến hành công việc. Sự phản kháng tinh vi làm cho việc viện cớ hóa nên dễ dàng, vì những rắc rối do ta tạo ra thường được xem như những khó khăn nội tại trong công việc. Nhưng nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy rằng những lỗi lầm ta gặp phải chính là do ta không chịu đặt kế hoạch cẩn thận từ trước. Ta cũng sẽ nhận ra rằng công việc ta hoàn tất chậm trễ là vì sự phản kháng ngấm ngầm đã ngăn ta không đặt hết năng lực vào công việc.

· Hậu quả của hiềm hận

Dù công việc của ta có vẻ trôi chảy, sự hiềm hận vẫn manh nha từ từ. Ta thấy khó mà ngồi xuống khởi sự công việc vì thiếu cái động lực nó thúc đẩy ta xem xông việc như một trò động não. Ta dành nhiều thời gian cho cảm giác hoang mang hoặc chia trí, năng lượng ta bị phân tán không tập trung. Ta khởi sự tìm những người khác cũng có cảm giác hiềm hận như ta để tăng thêm hiềm hận bằng cách thảo luận về những rắc rối của mình. Dù biết thái độ ấy không hay ho lắm, chúng ta vẫn không chịu trực tiếp chạm mặt với nỗi hiềm hận trong ta.

Khi hiềm hận gia tăng thì ta thấy bất cứ gì cũng làm cho ta bực tức. Một sự quấy rầy nhỏ cũng đủ làm cho ta điên tiết lên, ai hỏi quan điểm của ta ta cũng cho họ là người chống lại mình. Dường như mỗi giây phút trong cuộc đời đều đặt để cản trở ta. Thực dễ dàng để bị lôi cuốn bởi một cơn giận trong tâm trạng u ám, nhưng nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy chính ta đã tạo nên cái thế giới thù nghịch này, mà tâm điểm của nó là sự hiềm hận, phản kháng trong ta.

Khi đang hiềm hận thì ta rất dễ quên mất cả đến những tham vọng riêng tư tha thiết nhất. Đấy là lý do lúc giận ta nói những điều tàn nhẫn với những người ta yêu thương, có lúc ta suýt phá hỏng ngay cả những mục tiêu đáng giá nhất đời mình do những cơn bùng nổ cảm xúc rất không phải lúc. Sự hiềm hận, hơn bất cứ thói nào khác, có thể tách chúng ta ra khỏi những cảm xúc chân thực của mình và ngăn ta phát triển.

· Thẳng thắn đối mặt

Làm sao để xử với sự phản kháng và hiềm hận trong ta? Chúng ta có thể tập giáp mặt những rắc rối của mình một cách thành thực, dù chúng có vẻ làm ta đau đớn. Mỗi khi cảm thấy mình chống lại công việc, ta nên dừng lại để đối diện với tình huống ấy. Sự ngắm nhìn mình đang trải qua cơn hiềm hận và chống đối có thể dạy ta rất nhiều về cái cách ta kéo dài những rắc rối của mình, lại còn làm nó rối thêm và sự tỉnh thức này có thể giúp ta muốn thay đổi thái độ.

Cảm giác hiềm hận là dấu hiệu chứng tỏ ta không muốn đối mặt với chính mình và với những rắc rối của mình. Ta có thể thay đổi thái độ này bằng cách tìm sự thật trong lời khuyến cáo mà ta nhận được và để cho ta thừa nhận nó. Thay vì tránh việc, ta nên tìm những khả năng sáng tạo trong công việc. Ta có thể tìm ra một khía cạnh của công việc làm ta thích thú và hướng năng lực ta đến khía cạnh ấy, cho đến khi ta có cảm giác tích cực về công việc của mình thay vì cảm giác chán ghét. Khi tiếp xúc được những cảm giác tích cực ấy rồi, ta có thể duy trì, tăng trưởng nó. Thế là ta đã chuyển một tình huống tiêu cực thành một nguồn tuệ giác và sáng sủa.

· Làm việc với sự phản kháng nơi người khác

Ta cũng có thể tập ứng xử một cách cởi mở với tâm trạng phản kháng nơi người khác. Ta nhận thấy mỗi khi chống lại và đả kích sự phản kháng nơi người khác thì ta càng làm cho năng lượng tiêu cực ấy tăng thêm, bít lấp khả năng hợp tác tốt đẹp với họ. Vậy thay vì chống đối khi tình huống ấy xảy ra, ta nên tìm khía cạnh tích cực của con người đang phản kháng. Ta có thể để cho mình nhớ lại những lần đã có những tranh cãi với họ về việc này, những cảm giác của ta lúc đó như thế nào, và thấy thương cho họ.

Ai cũng có một con đường theo đó ta có thể đến gần họ, một điều gì họ thích và tha thiết đến. Nếu tìm ra con đường ấy, ta có thể khởi sự nói chuyện với nhau. Tìm ra điều gì một người nào khoái thích để san sẻ với họ, ta có thể mở ra một bầu khí cởi mở sẽ đưa đến sự tin cậy tôn trọng lẫn nhau. Một khi đã thiết lập một căn bản tương giao tốt đẹp, ta có thể khuyến khích những người khác tự phát biểu ý kiến của họ một cách thành thực hơn, đặt nhiều thiện chí hơn vào công việc và những quan hệ với nhau.

Thật tốt hơn nhiều nếu ta biết học hỏi lẫn nhau để phát triển sức mạnh, để tăng trưởng những phẩm chất tích cực như sự tận tụy, nhiệt tình và lòng trung thành. Khi phát triển những phẩm tính ấy và khuyến khích sự phát triển chúng ở nơi người khác, thì ta có rất nhiều nghị lực hơn để ứng xử với những khó khăn trong công việc mình. Khi từ bỏ sự chống kháng của mình, ta sẽ tăng thêm sự quan tâm đến người khác và có động lực tốt. Ta khởi sự xem công việc của mình làm như là một cách để tăng tiến. Với một thái độ như thế ta dễ dàng cởi mở với nhau hơn nữa. Ta tạo được một chu kỳ tích cực, bầu không khí làm việc trở nên vừa nhẹ nhàng vừa đem lại thoải mãn. Khi những khó khăn xảy đến ta sẽ không còn tìm cớ bào chữa hay đổ lỗi người khác mà nhận trách nhiệm về tình huống ấy và hành động ngay để giải quyết. Nhờ chúng ta đâm ra sẳn sàng giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, nên sự hợp tác phát triển một cách tự nhiên, và công việc tiến hành một cách suông sẻ.

· Bài tập: Thái độ hoàn toàn tích cực

Một luyện tập đơn giản bạn có thể làm mỗi buổi sáng trước khi khởi sự làm việc có thể giúp bạn tiếp cận bất cứ việc gì một cách đầy thiện chí, cởi mở. Ngồi thẳng lưng thoải mái khoảng 15 phút để thư giãn càng trọn vẹn càng hay. Hãy để cho mọi thân phần của bạn thư giãn cho đến khi bạn cảm thấy như có một luồng không gian hoàn toàn rộng mở. Trong khoảng không ấy bạn hãy tạo ra những việc ưu tiên trong ngày: Hãy có một thái độ hoàn toàn tích cực về chính bạn và công việc của bạn. Trong suốt ngày làm việc, hãy mở lòng ra với bất cứ gì có thể xảy đến và duy trì tính chất thư dãn, khoáng đạt mà bạn đã khai triển ấy, ở trong mọi việc mình làm.

Một khi đã có can đảm buông xả hiềm hận, phản kháng, và làm những nổ lực thực thụ để phát triển một thái độ cởi mở, thì chúng ta sẽ tăng tiến cũng như bạn bè và những người cộng sự với ta cũng sẽ tiến. Nếu ta có thái độ cởi mở, sáng suốt, sẳn sàng đánh giá cách hành xử của mình một cách trung thực thì công việc cùng đời sống của ta đều trôi chảy và đầy niềm vui.

Ni Sư Thích Nữ Trí Hải



Có phản hồi đến “Phản Kháng Và Niềm Hận”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com