Sau khi thăm viếng hết tất cả các chùa từ Tổ Đình Linh Sơn đến Quan Âm Tu Viện, Ngọc Hằng về đến chùa lúc giữa trưa diện kiến thầy. Dù lúc ấy thầy đang bận trăm công ngàn việc lo điều hành công tác chuẩn bị đám giỗ ông Cố, HT Thượng Thiện Hạ Phước, thầy vẫn dành thời gian ngồi nghe Ngọc Hằng kể chuyện tu hành và thăm viếng chùa. Biết Ngọc Hằng trong tâm vẫn còn rạo rực muốn đi viếng chùa thay vì ăn trưa, thầy nhờ một người Phật tử tín cẩn của tu viện chở Ngọc Hằng sang chùa Cù Lao Phố nơi Ông Cố ngày xưa từng sống và tu hành.
Đường đến chùa Cù Lao Phố làm Ngọc Hằng tưởng mình đang ở quê ngoài Nha Trang vì men qua rất nhiều những con đường đất, những rặng tre trúc và những cánh đồng. Giữa mùi hương lúa đang vàng khắp cánh đồng chuẩn bị vào mùa gặt hái, bao nhiêu cánh chim trời lượn xuống bay lên làm Ngọc Hằng chỉ muốn dừng lại chạy nhảy vào thiên nhiên như thưở ngày xưa còn bé. Thấp thoáng giữa những hàng cây bụi cỏ là những ngôi nhà thấp bé với vườn cây rộng lớn. Quê hương mến yêu chỉ đơn giản là đây.
Đến chùa Cù Lao Phố vào buổi chiều tà cảnh vật khá lặng yên. Một vài Phật tử đang ở chùa phụ giúp chuẩn bị trước đám giố ông Cố. Ngọc Hằng được chú Phật tử hướng dẫn vào chùa lạy Phật và diện kiến bà Cố, thê tử ngày xưa trước khi ông Cố xuất gia. Sau này, ông Cố đã tu đắc đạo, Ngài đã “ tiếp độ được nhạc phụ, nhạc mẫu và thê tử quy y với Ngài, xuất gia làm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni. Ngài cũng độ được thân bằng quyến thuộc nội, ngoại, cháu con và chính nơi quê hương xứ sở bạn bè, bà con láng giềng tín ngưỡng Quy y làm Tăng, Ni, Phật Tử với Ngài rất đông đảo “ (Hoa Sen Trong Nắng Mới – HT Thích Giác Quang). Vì thế hiện nay, Bà Cố và sư cô, con gái của ông bà Cố hiện đang sinh sống trụ trì chùa Cù Lao Phố tiếp bước chân ông Cố hoằng dương đạo pháp. Nghĩ về ông Cố, tự nhiên Ngọc Hằng liên tưởng đến cuộc đời Đức Phật. Trước khi xuất gia đắc đạo, Đức Phật cũng đã có gia đình, vợ đẹp con ngoan. Sau khi thành đạo, Ngài đã hóa độ cho tất cả thân bằng quyến thuộc, vợ con đều xuất gia đạt được những quả vị giác ngộ rất cao.
Chùa Cù Lao Phố đơn sơ giữa những hàng cây thân thương của miền quê, những rặng tre, hàng dừa. Kế bên chùa là một dòng sông rất nhiều ghe tàu qua lại nên nhiều lúc khá ồn ào. Thêm vào đó, có nhiều gia đình làm cá, làm mắm nên nước sông nhiễm đục và mùi trần ai khá nặng khi nắng lên. Ngọc Hằng có nghe thầy kể ngày xưa chùa Cù Lao rất yên bình, trong sạch và ông Cố từng tiếp độ giúp đỡ rất nhiều người đến với con đường Phật pháp bên dòng sông Cù Lao. Giờ đây, ông Cố đi rồi, đời sống con người ngày càng chao đảo, tham sân si ngập trời ảnh hưởng cả đến chùa. Trong thâm tâm, Ngọc Hằng bùi ngùi xúc động thấm hơn lời Phật dạy là làm thân người đã khó, gặp được Phật pháp càng khá hơn nếu không đủ duyên. Biết bao nhiêu người sống gần bên ngôi chùa một thời một bậc tôn sư giác ngộ tu hành nhưng mấy người hiểu và biết đến Phật pháp, đến chùa.
Ngồi dưới bóng cây trò chuyện cùng bà cố, trông ra xa bên dòng Cù Lao khi buổi chiều đang xuống, Ngọc Hằng thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng, êm dịu. Dòng sông quê hương lưu dấu biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, chứng kiến bao thời cuộc đổi thay nhưng mãi trôi không ngừng vô tận giúp dung chứa cuốn đi tất cả những xấu xa tội lỗi nhất mà con người đưa ra một cách bình lặng, nhẫn nhịn đầy bao dung. Bài học Phật Pháp tu hành bên dòng sông thơ mộng, bên chùa Cù Lao Phố làm Ngọc Hằng giật mình. Đi xung quanh chùa lạy từng vị Phật, nghe tiếng kệ tụng kinh từ các sư Cô, Ngọc Hằng cứ muốn đứng hoài nghe mãi. Bóng chiều đang xuống khá nhiều nên Ngọc Hằng xin phép được quay gót trở về chùa chào thầy để còn về lại thành phố trước khi màn đên buông xuống.
Sau đây xin mời các bạn xem chùm ảnh Chiêm Bái Chùa Cù Lao Phố
Ngọc Hằng