Rời những rừng cây xanh mát trong rừng từ hang tổ, Ngọc Hằng cùng thầy Thích Vạn Hùng trở ra để chuẩn bị lên đường đến Tổ Đình Linh Sơn, điểm dừng chân cuối cùng của cuộc hành trình. Trước khi lên Linh Sơn, thầy dẫn Ngọc Hằng đi viếng tháp của sư bà, mẹ của thầy ở một khu nghĩa trang dành cho những bậc có chức danh đáng kính cao trọng của Liên Tông. Theo lời thầy kể, sư bà xuất gia về Quan Âm Tu Viện ở tuổi xế chiều, chỉ biết chuyên tâm niệm Phật và khi vãng sanh biết được ngày giờ ra đi cũng như có rất nhiều điềm lành xảy ra. Khi ra đi, sư bà vẫn an nhiên tự tại, tâm trí sáng suốt dù đã 93 tuổi. Điều này làm Ngọc Hằng xúc động và tín tâm hơn với những lời Phật dạy cũng như pháp môm niệm Phật nguyện sau này khi lâm chung cũng sẽ được Tây phương Tam Thánh rộng tay đón nhận mình về nơi mái nhà Tịnh Độ ở phương tây.
Sau khi viếng tháp sư bà xong, thầy dẫn Ngọc Hằng thăm viếng một số ngôi chùa của Liên Tông ở khu vực dưới chân núi, ra mắt đãnh lễ một số vị thầy khả kính cũng như tận hưởng không khí bình yên ở những ngôi chùa trong núi rừng an tịnh vắng bóng người. Nhìn hoa cỏ lá cây rợp lối đi giữa những bức tượng Phật uy nghiêm trầm lắng cùng ánh mắt mẹ hiền Bồ Tát Quán Thế Ẩm trên cao, lòng Ngọc Hằng dâng lên một niềm xúc cảm khó tả ước sao mình cứ ở mãi đây không muốn về lại chốn phố thị ồn ào hay cuộc sống nơi xứ người đầy tấp nập ngược xuôi.
Đến chân núi cũng khá trưa, thầy trò vào tịnh thất của các thầy ở chân núi thăm viếng và dùng cơm trưa. Ở Mỹ, buổi trưa Ngọc Hằng thường không ăn cơm và vì làm việc quá bận nên luôn làm qua giờ cơm trưa đến chiều về mới ăn gì qua loa cho xong còn tranh thủ tu hành, làm phật sự buổi tối trên trang nhà Linh Sơn Phật Giáo trước khi đi ngủ. Vì được thầy trực tiếp dẫn đi nên Ngọc Hằng chỉ như con trẻ líu ríu theo chân cha, cha bảo gì vâng nấy không dám nói gì trước chốn đông người, trước các vị tôn túc trừ khi được hỏi. Lần đầu tiên ngồi cạnh thầy, ăn cơm với thầy và chư tôn đức, Ngọc Hằng run vô cùng dù bình thường Ngọc Hằng vô cùng mạnh mẽ, năng động và hoạt bát. Mỗi lần về chùa vào cốc thầy hay vào cốc ông Sư, Ngọc Hằng cũng chỉ ngồi dưới đất hay quỳ dưới đất không bao giờ dám ngồi cạnh nên giờ ngồi ăn cơm cạnh cùng thầy, Ngọc Hằng vừa vui vừa sợ. Sợ hơn là không biết mình ăn cơm hành xử như thế nào cho đúng, người cứ lóng nga lóng ngóng rất buồn cười. Lúc thầy bảo xới cơm cho thầy hay mở túi lấy thuốc đưa thầy, Ngọc Hằng làm như cái máy cho đến lúc lén nhìn thầy mới nhẹ nhàng thở ra tâm bình lặng trở lại vì biết rằng bên mình luôn có bóng thầy tỏa rạng che chở yêu thương.
Sau đây xin mời các bạn xem những hình ảnh chiêm bái một số chùa của Liên Tông Non Bồng ở Chân Núi Dinh.
Ngọc Hằng