Sau bữa cơm trưa thấm đượm đạo vị cùng thầy và các bậc tôn túc dưới chân núi, hai thầy trò bắt đầu leo núi lên Tổ Đình Linh Sơn, điểm dừng chân cuối cùng của cuộc hành trình thầy đưa Ngọc Hằng lên núi tu tập với các sư cô. Dưới chân núi có một số am miếu thờ thần núi địa linh, thầy vái chào rồi mới thảnh thơi dạo bước lên núi. Ngọc Hằng thắc mắc hỏi thầy tại sao mình là con nhà Phật mà phải vái chào những vị thần này. Thầy cười bảo “Con tưởng là con nhà Phật ngon lắm hả con, đến nơi đâu mình cũng nên tôn kính văn hóa, tôn trọng các tín ngưỡng của họ. Mình vái chào để bày tỏ sự kính trọng, tránh xảy ra những sự xô xát trong tâm thức hay bị phá phách, đó cũng chính là bỏ đi cái ngã mạn của mình đó con.” Lời nói hành động của thầy làm Ngọc Hằng xúc động. Thầy, một bậc chân tu gần 40 năm nương bóng cửa thiền nhưng luôn luôn bày tỏ sự cung kính lễ độ, biết người biết ta, biết thế nào là dung hòa theo dòng chảy của mạch pháp. Nhìn lại mình, Ngọc Hằng thấy xấu hổ vì tâm ngã mạn quá cao. Âu cũng là một cách thầy dạy cho Ngọc Hằng biết buông xả.

Xem thêm:

Chùm Ảnh: Chiêm Bái Quan Âm Tu Viện Biên Hòa, Đồng Nai

Chùm Ảnh: Chiêm Bái Tịnh Thất Cô Nhi Viện Long Phước Điền Và Hang Tổ

Chùm Ảnh: Chiêm Bái Một Số Ngôi Chùa Của Liên Tông Non Bồng Ở Chân Núi Dinh

Đường lên núi phải men theo rất nhiều cấp bậc nên thầy trò phải nghỉ ngơi liên tục. Cứ mỗi chặn dừng chân, thầy lại kể cho Ngọc Hằng nghe về lịch sử của Liên Tông, lịch sử của Tổ Đình Linh Sơn, quá trình hình thành xây dựng cũng như của Hòa Thượng Tôn Sư Thiện Phước Nhựt Ý, người sáng lập ra Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Mỗi câu chuyện thầy kể lồng vào đó là một bài giảng pháp dù tất cả đều hết sức bình thường. Càng nghe thầy kể Ngọc Hằng càng khâm phục người xưa gấp bội. Chỉ con đường đá xây cất để đưa đến đỉnh núi thôi là biết bao nhiêu mồ hôi công sức của bao thế hệ tạo dựng để truyền đăng tục diệm dòng mạch pháp của Thế Tôn lan tỏa khắp nơi. Giữa núi rừng bao la trùng điệp, cây cối dây leo bao phủ hòa lẫn với tiếng nước chảy róc rách từ những con suối như những tiếng nhạc pháp nơi cõi Tịnh Độ. Nhìn những tàng cây cổ thụ nhưng cành lá xum xuê, chợt nhìn bóng thầy già nua đang vịn từng thanh ngang bước từng cấp bậc, Ngọc Hằng chợt chùng lòng xúc động. Tuổi hạt đơm sương đưa thầy cũng sẽ sắp thuận theo vô thường của tuổi tác vậy mà thầy vẫn gắng gượng đưa Ngọc Hằng đến nơi cần đến, mong Ngọc Hằng tu hành cho tốt và giúp Ngọc Hằng ân triêm tất cả những gì mình mong muốn trong lần về thăm quê hương Việt Nam.

Cuối cùng, hai thầy trò cũng đến được đỉnh núi và tiến vào Tổ Đình Linh Sơn. Từ ngoài đập vào mắt Ngọc Hằng là cả một cơ ngơi khá khang trang, đồ sộ, rộng lớn, khác xa với những gì trong suy nghĩ của Ngọc Hằng. Chùa thật uy nghiêm, rất nhiều công trình, bên phải là tháp chuông, chánh điện, bên trái là trai đường dãy nhà nghỉ ngơi. Đặc biệt, có cả một tháp thờ xá lợi rất lớn, vĩ đại tọa lạc trên một hòn đá rất to. Xunh quanh, chỗ nào cũng thấy khỉ là khỉ với những điệu bộ hết sức buồn cười. Từ đó đưa mắt ra xa là biết bao công trình khác cũng trên đá, điện thờ. Ngọc Hằng thật sự choáng ngợp vì không ngờ giữa ngay núi rừng cao xa như thế này, một công trình Phật Giáo rộng lớn uy nghiêm hiện diện. Tất cả những ngôi chùa thầy dẫn Ngọc Hằng đi thăm viếng ở núi rừng đều lớn và rộng đẹp hơn cả ngay chùa chính của thầy tổ ở Quan Âm Tu Viện. Thế mới thấy thầy tổ từ bi và sống đời phạm hạnh, bộc lộ phẩm chất của những bậc chân tu như thế nào. Một công trình vĩ đại như tại Tổ Đình Linh Sơn thế này không biết mất bao nhiêu nhân lực, vật lực để xây dựng nên. Người xưa thật quá vĩ đại.

Thầy dẫn Ngọc Hằng đi đãnh lễ sư bà trụ trì và các sư cô ở Tổ Đình Linh Sơn. Sư bà đã già nhưng rất minh mẫn. Thầy chỉ giới thiệu Ngọc Hằng là một đệ tử ở Nha Trang muốn lên đây tu hành ít hôm mà thôi. Thầy dặn Ngọc Hằng không nên nói ở Mỹ về, giọng thầy nửa vui nửa chọc là nhìn tướng Ngọc Hằng quá đơn sơ, quê mùa như vậy mà bảo ở Mỹ, lại làm bác sĩ chắc chẳng ai tin nên thôi đừng nói thì hơn. Ngọc Hằng biết đằng sau những lời ấy là ẩn ý thầy không muốn người khác cảm thấy xa lạ với mình, làm mình khó hòa nhập cũng như sợ nhiều điều không hay sẽ xảy đến nếu lỡ có chuyện gì xảy ra. Thầy muốn Ngọc Hằng hãy bình thường như mọi người và tất cả đều hòa đồng không hơn không khác khi đã bước vào chốn thiền môn, chỉ nên lo tu không quan tâm vị thế từ đâu.

Thầy đưa Ngọc Hằng vào chánh điện lạy Phật, gởi Ngọc Hằng lại cho các sư cô, căn dặn một số thứ khi xuất núi và thầy đã gởi gắm người giúp đưa Ngọc Hằng về khi xuống núi rồi trở xuống. Cả buổi sáng líu ríu theo thầy nên giờ nhìn thầy đi xa, Ngọc Hằng muốn khóc ngỡ như mình sắp xa cha dấu yêu nên vội vã líu ríu chạy theo đưa tiễn cho đến lúc thầy bảo trở vô. Bóng thầy xa dần theo những bậc thang cấp rong rêu giữa núi rừng già rồi khuất hẳn. Giờ đây, chỉ một thân một mình giữa núi rừng bao la, Ngọc Hằng sẽ bắt đầu những ngày tu hành thật sự để trải nghiệm đời sống làm “sơn tăng” sẽ như thế nào. Tâm tự nhũ lòng sẽ cố gắng tu hành cho thật tốt để báo đáp công thầy đã đầu tư, dạy dỗ Ngọc Hằng mong sớm thành một đệ tử Phật chân chính của thầy tổ, của Liên Tông và đạo pháp.

Sau đây xin mời các bạn xem những hình ảnh Chiêm Bái Tổ Đình Linh Sơn

Ngọc Hằng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Có phản hồi đến “Chùm Ảnh: Chiêm Bái Tổ Đình Linh Sơn”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com