Cách thành phố Hyderabad, miền Nam Ấn Độ hơn 100 cây số là phật tích sa.nagarjuna trên sông Krishna, nơi Long Thọ bồ tát thành đạo - một trong 4 thánh tích của Phật giáo Ấn Độ.

Nagar tiếng Phạn có nghĩa rắn hổ mang, chúa tể của loài rắn. Hầu hết các đền thờ Ấn Độ giáo, Phật giáo ở Ấn Độ, cho đến các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam... đều phổ biến những bức tượng, tranh vẽ rắn thần Nagar 7 hay 9 đầu, từ phía sau phủ trùm lên che nắng mưa cho đức Phật.

Hình tượng này xuất phát từ câu chuyện "Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật": Trong thời gian tu khổ hạnh Đức Phật ngồi tọa thiền dưới cội Bồ Đề thì mưa to gió lớn nổi lên, nước dâng cao ngập cả chỗ ngồi thiền của Đức Phật. Khi ấy, có một vị vua rắn Nagar bò ra khỏi nơi trú ẩn của mình, lấy thân cuốn lại thành bảy vòng tròn như bảo tọa cho Đức Phật ngồi nhập định khỏi bị ngập nước và vươn cao 7 chiếc đầu phình to ra tạo thành cái táng che chở cho Ngài.

Ngoài ra thần thoại Ấn Độ còn kể, lúc hoàng hậu Maya hạ sinh ngài tại vườn Lâm Tì Ni, Thái tử Tất Đạt Đa được vua rắn Nagar chín đầu phun nước tắm. Từ hai tích đó cho thấy hình tượng con rắn đi theo và bảo hộ suốt cuộc đời đức Phật.

Ở Việt Nam, đến bất cứ ngôi chùa Nam bộ nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy biểu tượng con rắn hổ mang chúa nhiều đầu được trang trí ở các góc mái, lan can, cột cờ... Theo truyền thuyết Khơ Me, thần Nagar là một nàng công chúa hóa thân rắn luôn ở trong ngôi tháp vàng hàng đêm hiện thân để bảo hộ cho đức vua. Người Khơme Nam bộ còn gọi đó là Nék Crít (vua rồng - Long vương). Do biểu tượng 9 hoặc 7 đầu được dành gần như độc tôn cho vua nên các chùa sử dụng biểu tượng 5 đầu.

Người dân miền Nam sống trên vùng đất mới khai phá, ruộng đồng ẩm thấp, rừng rậm, nước ngập quanh năm... Đây cũng chính là môi trường thích hợp với các loài bò sát: rắn, sấu... Riêng về rắn, nguy hiểm nhất là rắn hổ mang. Rắn hổ mang tuy độc nhưng người Khơme đã sớm biết đối phó, thuần hóa. Đây cũng là nơi có nhiều thầy rắn miệt vườn giàu kinh nghiệm chữa bệnh rắn cắn. Vì vậy tín ngưỡng Phật giáo và điều kiện môi trường ở Nam bộ đã có mối giao hòa hết sức tự nhiên.

Thầy V.Reddy, trụ trì chùa Sen vùng Secondrabad - Ấn Độ cho rằng, tư tưởng đạo Phật thể hiện rõ nét trong hình tượng Nagar và Đức Phật. Trong đời sống, rắn còn biểu tượng cho sự độc ác, lén lút. Thế nhưng Phật pháp vẫn đủ sức lan tỏa cảm hóa để cái ác phục thiện, trở nên có ích cho đời, cho người. Tư tưởng này trường tồn với thời gian và đồng hành với sự tiến hóa của xà hội loài người.

Đạo Phật ở Ấn Độ bị tuyệt diệt vào thế kỷ 14 và sau 4 thế kỷ lại phát triển mạnh mẽ trên khắp đất nước. Tại Việt Nam, sau hơn ngàn năm du nhập, trải qua nhiều hình thái kinh tế - xã hội, đến nay Phật giáo là tôn giáo chiếm đa số trong tín ngưỡng người dân và bền bỉ giáo hóa chúng sanh bước trên con đường phước thiện.

(Theo Lao Động)



Có phản hồi đến “Năm Tỵ, Nói Chuyện Con Rắn Trong Phật Giáo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com