Sáng chủ nhật, đang ngồi nhìn bầu trời xanh trong tận hưởng một ngày nghỉ bình yên sau cả tuần làm việc căng thẳng, con bất ngờ nhận được điện thoại từ dì ở California báo tin Dượng vừa mất. Lúc dì bảo dì muốn báo một tin buồn, con tưởng là một người ông hay bà nào đó của mình vừa qua đời vì ông bà thường hay bị bệnh và cũng khá già. Trái lại, dượng đang vui vẻ, khỏe mạnh, đang là CEO của cả một công ty lớn cả trong và ngoài nước với rất nhiều kế hoạch, dự định vĩ đại giờ đột ngột ra đi không một lời từ tạ làm con khá sửng sốt, bàng hoàng không tin vào chính mình. Dì chỉ báo Dượng ra đi vì tai biến mạch máu não, khi đưa vào bệnh viện thì bị hôn mê và vô phương cứu chữa, giờ chuẩn bị rút dây và lo hậu sự, tất cả chỉ diễn ra chưa được một ngày.

Không muốn làm dì phải buồn thêm và biết dì sẽ rất bận rộn nên con chỉ an ủi dì đôi câu, xin tên, pháp danh, ngày tháng năm sinh của Dượng để nguyện cầu hồi hướng cho Dượng sớm được siêu thoát và sẽ thu xếp công việc bay sang với dì. Thế là chỉ trong vòng hai tiếng sau đó, con phải lo thông báo cho bệnh viện để xin nghỉ làm một tuần, mua vé máy bay đi gấp. Thứ hai con vẫn đến bệnh viện làm việc để thu xếp công việc, sắp lịch bệnh nhân chờ khi trở về sẽ khám cũng như lo cơm nước gia đình trong một tuần đi vắng. Từ tối chủ nhật cho đến tối thứ hai con thường xuyên niệm Phật và tụng kinh hồi hướng cho dượng. Con cũng gọi điện thoại thỉnh xin thầy tổ tụng kinh cầu siêu để dượng được ra đi nhẹ nhàng và thông báo việc con sẽ sang California. Rạng sáng thứ ba, con ra phi trường bay về California. Một chuyến bay định mệnh vì cũng giờ này, ngày này năm ngoái, con bay về California thăm viếng họ hàng, dì dượng sau tám năm trời xa vắng. Cũng vì thương con nên dượng đã tặng vé máy bay cho con về Cali nhưng có ngờ đâu đó là lần cuối cùng con gặp được dượng. Giờ đây, chuyến bay trở về lại là lúc con đưa tiễn Dượng về thế giới bên kia.

Vì mua vé giờ chót nên chuyến bay không được như ý do con phải di chuyển, chờ đợi ở hai phi trường và tổng thời gian cho cả chuyến bay hơn 12h, gần bằng nửa thời gian bay về Việt Nam. Trong khi chờ đợi gần 4 tiếng ở sân bay Dallas Fort Worth, con gọi điện về trò chuyện với thầy, nghe thầy chỉ dạy, động viên cũng như thỉnh xin thầy giúp con ân triêm một việc. Con nguyện mong chuyến về Cali lần này ngoài bên dì, đưa tiễn dượng thì nguyện thầy và chư Phật giúp để con chuyển hóa Phật tâm và gieo một chút duyên nhỏ để họ hàng con được tu hành theo Phật pháp đúng đắn nhất. Hành trang con mang theo là những pháp bảo thầy tặng con, áo tràng, dây chuỗi, kinh kệ để con cảm thấy thầy vẫn bên con, minh chứng và gia trì cho những việc con đang làm. Thầy cười bảo con hãy mang tâm không sang gặp họ hàng còn mọi chuyện tùy duyên sẽ đến.

Đón con tại phi trường San Francisco lần này là ông Seyama, người ông Nhật Bản đầy kính yêu. Năm ngoái khi con trở về Cali, vừa đặt chân đến phi trường San Jose, người ra đón con chính là Dượng và đưa con trở về cũng chính là dượng. Giờ bên ông, con chỉ cười vui kể chuyện vì đến giờ ông cũng không biết Dượng mất như thế nào, mọi người đang rất bận rộn để lo tang lễ, nhà quàng và an tang. Ở Mỹ, tang lễ không có diễn ra ở nhà mà tất cả đều phải diễn ra ở nhà quàng theo thời gian, tránh sự ồn ào phiền toái láng giềng cũng như để giữ sức khỏe cho những người thân trong gia đình.

Ông đưa con về nhà dì, ngôi nhà vĩ đại rộng lớn trên đồi giờ càng lạnh lẽo hơn. Nghe tiếng chuông, dì ra mở cửa ôm lấy con rớm lệ cảm ơn vì đã sang với dì. Con vào nhà chào các anh họ, ôm chia buồn và cùng trò chuyện với cả nhà. Tất cả đều bình yên. Dì lo sợ con đói cứ bảo con ăn cơm. Thú thật, con vô cùng ngưỡng mộ sự bình tĩnh, vững tâm của dì vì dì vẫn đang lo trả lời email ở công ty, lo hậu sự và lo trả lời rất nhiều cú điện thoại rất nhiều người gọi điện thoại đến hỏi thăm, chia buồn. Vì làm một thầy thuốc nên con đã chứng kiến việc ra đi của rất nhiều bệnh nhân nên chuyện sống chết không phải là một cái gì làm con run sợ, đau buồn nhưng dù sao đây cũng là người thân của mình nên cũng có một chút động tâm. Tuy nhiên, con thật không ngờ dì lại bình tĩnh, định tâm đến vậy nên con cũng vui trong lòng có lẽ giờ đang nhiều việc dì không có thời gian để buồn và có thể dì đã hiểu chút gì đó về Phật Pháp nên hiểu đó cũng chỉ là sự vô thường. Dù là vậy nhưng con bảo dì con sang đây không lo cho dì thì thôi chứ sao lại để dì lo cho con trong giờ phút tang thương như thế này.

Ăn cơm xong, con và dì đến đón bà để cùng đến chùa tụng kinh và bàn chuyện hậu sự với một vị thầy. Chùa không lớn nhưng khá nhiều Phật tử cùng đến chùa tụng kinh Tịnh Độ, trong đó có nhiều gia đình có người thân qua đời đang mang khăn tang đến tụng kinh rất hay. Đây là lần đầu tiên ở Mỹ con được cùng tụng kinh với đại chúng khá đông và thầy ở trên tụng kinh rất hay, giọng rất khỏe và truyền cảm. Sau thời kinh Tịnh Độ, con, dì và bà cùng vào nghe thầy chỉ dạy chuyện tang lễ cúng như thầy giảng một chút Pháp phật. Thầy còn khá trẻ nhưng thuyết giảng khá hay và điều làm con rất thích ở thầy là sự đơn giản, không mê tín theo ngày tốt xấu, đúng nghi lễ Phật giáo để có ích cho cả người sống cũng như chết. Con chỉ ngồi lắng nghe không nói gì cả.

Vì quá nhiều người cùng mất trong tuần nên nhà quàng nơi diễn ra tang lễ của dượng quá tải, không có đủ phòng cho tất cả đám tang. Vì vậy, tang lễ của dượng phải chờ đến thứ sáu mới diễn ra và chủ nhật mới an tang. Thứ tư và thứ năm con ở nhà giúp dì tụng kinh cúng dượng, dọn dẹp nhà cửa và chiều tối đến chùa tụng kinh cũng như nghe thầy chỉ dạy. Dù họ hàng con ở Cali đều tự cho mình là Phật tử nhưng hầu như chẳng ai biết gì nhiều về Phật pháp, rất mê tín, chỉ thực hành theo truyền thống và chẳng ai biết tụng kinh. Thế nên lần này trở về, nhìn con trong áo tràng và tụng kinh nhuần nhuyễn dù xưa kia ở Cali con không biết gì về Phật pháp làm họ hàng khá bất ngờ dù mọi người đều có nghe biết con đã tu tập theo Phật Giáo được hơn bốn năm.

Từ ngày thứ hai đến chùa, con đã bắt đầu không ngồi yên nữa mà đã nói chuyện theo khẩu khí hài hước vốn có. Thầy và mọi người ở chùa cứ tưởng con còn trẻ lắm nhưng khi dì giới thiệu về con, thầy mới ngỡ ngàng. Thầy bảo con “đối lắm” nên phải cẩn thận với con do hay đùa với thầy những điều về Phật pháp với khả năng hiểu biết cũng như tu hành quá kém của con. Nghe thầy giảng làm con nhớ đến những lời dạy của HT Thích Nhất Hạnh hơn, sống để tăng thêm tình thương, giúp hóa giải hận thù và tạo sự truyền thông giữa mọi người.

Thay vì tổ chức tang lễ như thông thường, thầy muốn dùng tang lễ để khuyến hóa, chỉ dạy mọi người sống đúng chánh pháp và có một thời gian để ôn lại những kỷ niệm đẹp với người quá cố từ thân nhân, bạn bè trước khi lễ di quan bắt đầu. Chương trình tang lễ diễn ra rất bài bản chú trọng đến tâm linh nên thầy muốn gia đình phải thực hành, làm theo như vậy để buổi lễ thêm phần long trọng nhưng tránh những nghi lễ lê thê, dài dòng hay làm tăng thêm sự bi lụy, đau thương. Do đó, gia đình phải cùng thu xếp với thầy. Vì con theo dì xuống chùa hằng ngày nên cuối cùng vô tình con phải nhận lãnh nhiều phần, đặc biệt là lo trang hoàng bàn thờ và là người phải cầm tượng Phật đi đầu trong lễ di quan, một điều ngoài sự tưởng tượng của con.

Đến ngày thứ sáu, cả nhà phải đến nhà quàng thật sớm để lo lễ phát tang và đón tiếp khách. Nhà quàng đông đúc vì rất nhiều tang lễ cùng diễn ra ở nhiều chapel nối tiếp nhau nhìn vừa vui vừa buồn. Dù tang lễ dì xin miễn phúng điếu hoa và tiền nhưng vì dượng là một CEO của cả một công ty trong và ngoài nước nên bạn bè, đối tác gởi đến khá nhiều vòng hoa. Nhiều họ hàng cũng như nhân viên của dượng đến từ sớm giúp chuẩn bị trang hoàng, sắp xếp bàn thờ, con lo dâng trái cây. Đến giờ người của nhà quàng mang quan tài của dượng mở nắp ra. Dượng nằm đó, bất động, con nhìn dượng thương cảm nhưng không khởi tâm niệm vui buồn gì, tất cả đều quán theo lẽ vô thường.

9h thầy đến và bắt đầu nghi lễ tụng kinh, chú nguyện, sái tịnh và lễ phát tang. Sau đó thầy giảng cho mọi người một chút về lẽ vô thường. Lần lượt người thân, bạn hữu đến thắp nhang viếng dượng. Các con của dì dượng đều sinh ra ở Mỹ, không rành tiếng Việt nhưng đều mặc áo tràng thay cho áo tang và chỉ đeo khăn tang cùng thắp nhang đưa khách và xá chào theo đúng sự hướng dẫn, tất cả đều nhẹ nhàng, bình an. Mọi người đều bảo ngày còn sống dượng rất thích vui nên đừng làm gì tạo sự thương cảm sầu bi. Bạn bè đến viếng thương khóc đau buồn còn hơn cả người thân nên con nói vui với dì là người của gia quyến còn phải lo động viên, an ủi người đến viếng thăm làm dì và mọi người đều cười. Họ hàng, các dì ở Việt Nam gọi điện thoại sang chia buồn, động viên, sợ dì buồn nhưng dì bảo dì không có buồn, lặp lại câu nói của con và bảo muốn buồn cũng không được khi có con bên cạnh.

Đang trong dòng người thắp nhang viếng dượng đầu tiên, con được kêu ra ngoài gặp thầy gấp. Vừa nhìn thấy con, thầy hỏi tại sao con lại sắp xếp bàn thờ rối quá vậy dù hôm trước đó ở chùa con đã chụp ảnh theo mẫu thầy chỉ dạy. Con bảo không phải lỗi của con mà vì nhiều họ hàng mỗi người một kiểu nên con tùy duyên để mọi người vui. Vả lại hôm trước con có nói thầy đến sớm xem qua giúp con nên lỗi là tại thầy. Nghe thế thầy cũng lắc đầu nhìn con rồi theo sự thỉnh cầu của con vào sắp xếp lại. Sau đó thầy dặn con đến 2:30 chiều nhớ tụng một thời kinh Địa Tạng và luân phiên tụng khi không có thầy ở đó. Con vâng lời.

Thế là từ đó con chỉ ở trong phòng đối diện với bàn thờ và quan tài của dượng phía sau, lo nhang đèn, tụng kinh, không bước ra ngoài. Ở Mỹ tang lễ ở nhà quàng và diễn ra từ sáng đến tối. Vì thế, họ hàng đã chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống, nước, cà phê cho cả người thân và người đến viếng ở ngoài. Tuy nhiên, vì quá lạnh nên con không bước ra ngòai mà chỉ ở trong. Vả lại đã phát tâm ở bên dượng niệm Phật tụng kinh hồi hướng nên con không đi ra ngoài. Khá nhiều đám tang diễn ra cùng một lúc nên rất nhộn nhịp, đám này vừa tụng kinh xong đến đám khác tụng kinh, hết tụng kinh bằng tiếng Việt đến tụng kinh bằng tiếng Hoa. Người ra vào nườm nượp. Sau khi con tụng quyển thượng kinh Địa Tạng xong thì đến giờ một sư cô ở đạo tràng khác lại đến tụng kinh nên con hòa vào tụng niệm. Đến tối ngày thứ nhất con tụng quyển hạ trước khi ra về.

Năm ngoái con về thăm họ hàng không gặp được đầy đủ nhưng ở tang lễ con gặp được tất cả, nghĩ thật buồn cười chỉ ở giờ phút tang thương mới gặp được nhau. Nhiều cậu mợ không nhận ra con và có một thắc mắc tại sao vẫn chưa lập gia đình dù khen con tụng kinh khá hay, có lẽ vì mọi người không biết chứ con tụng kinh rất tệ. Con cũng chỉ biết cười. Vui hơn nữa ngay ở tang lễ họ hàng còn lo dạm hỏi tuổi tác của con vì muốn làm mai mối cho con làm con càng buồn cười hơn nữa lo giải thích và từ chối. Con bảo chỉ muốn tự tại và không muốn bắt đầu vào một vòng luân hồi duyên nghiệp khổ đau tiếp theo.Vì vậy, lúc nào có thuận duyên con đều cố gắng thuyết giảng cho họ hàng hiểu hơn về Phật pháp trong khả năng bé nhỏ của mình và nguyện cầu chư Phật trợ giúp con trong vấn đề gieo duyên đạo pháp đầy khó khăn như vậy.

Đến ngày thứ hai, buổi sáng có hai thầy từ Tích Lan tới tụng bằng tiếng Pali. Buổi trưa con tiếp tục tụng kinh Địa Tạng cúng cơm. Vừa xong thì một nhóm phật tử từ ban hộ niệm đến xin tụng kinh Địa Tạng. Các cô chú Phật tử đến nói với dì về phước đức của kinh Địa Tạng vì tưởng không ai tụng đọc. Một cô bất ngờ khi nhìn năm quyển kinh Địa Tạng con thỉnh từ chùa để trên bàn thờ và khi biết người tụng đọc là con càng ngạc nhiên gấp bội. Cô đến bảo dì là thật phước đức vì có người thân đọc tụng kinh Địa Tạng cho người thân vừa qua đời. Sau đó, con vào cùng các cô chú tụng hết quyển kinh Địa Tạng trong ba giờ thì cũng đến giờ thầy và đại chúng đến tụng kinh cầu siêu.

Sau buổi lễ tụng kinh cầu siêu, thầy dặn dò gia đình trong việc chuyển sang chapel mới cho lễ di quan ngày mai. Vì quá nhiều đám tang nên trong các ngày viếng phải ở chapel nhỏ chỉ có ngày di quan mới sang chapel lớn đủ sức chứa mọi người. Thầy lại gọi con ra dặn dò lần cuối. Hôm trước khi ở chùa, lúc biết con sẽ là người cầm tượng Phật, thầy cho con được chọn việc cầm ảnh hay tượng nhỏ và lớn vì sợ con cầm tượng lớn không nổi. Thầy có căn dặn từ trước con là người quan trọng nhất do đi đầu, con dẫn đi đâu mọi người đi thế đó. Khi cầm tượng Phật phải trang nghiêm, không cười vì lúc nào thầy cũng thấy con cười và phải chú tâm kẻo vấp té rớt tượng Phật lại bảo Phật không linh thiêng. Thầy làm con tức cười và cũng đâm lo vì từ nào đến giờ con chưa bao giờ làm những việc này, kể cả cầm tượng Phật cho bất cứ buổi lễ gì, chưa bao giờ tham gia buổi lễ gì ở chùa bên Mỹ thì nói chi đến việc cầm tượng Phật trong tang lễ đầy trang trọng. Tuy nhiên, dì bảo con ăn chay trường, lại tu hành nên người cầm tượng Phật phải là con. Thôi thì có lẽ duyên con ôm tượng Phật là an tâm nhất vậy dù trong tâm cũng lo vô cùng.

Lần này thầy dặn dò là phải biết đường di quan ngày mai để cẩm tượng Phật, đội hình thế nào và con phải làm sao nên phải lo tìm hiểu trước đường ở chapel mới. Thầy làm con lo nên cuối cùng theo anh họ và một dì khác đến chapel mới xem đường và quyết định hướng đi. Sau đó mọi người trở về chapel cũ lo thu xếp đồ đạc để chuẩn bị mang tất cả sang chapel mới rồi trở về nhà. Tối đó con phải giúp xem lại chương trình cho dì, nhắc dì những điều cần làm dù chương trình hôm trước con đã giúp viết, chỉnh sửa sau khi thầy gởi mẫu đến. Vì hôm đó là sẽ chuyển giờ tới một tiếng ở Mỹ vào đầu mùa hè nên mọi người quá mệt nhắc nhau ngủ sớm vì phải dậy sớm.

Từ mờ sáng, cả nhà đã đến Chapel mới nơi diễn ra lễ an táng của dượng. Trời vẫn còn quá sớm và chưa ai đến nên tất cả vào lo chuẩn bị. Chapel mới khá lớn và đẹp. Người của nhà quàng làm việc rất chuyên nghiệp vì họ đã mang quan tài, hoa, bàn thờ từ chapel cũ sang chapel mới đúng y như hiện trạng không thay đổi. Họ hàng cùng phụ giúp mang cơm nước cúng Phật và cúng dượng. Mọi người lần lượt đến, hoa được sắp xếp xung quanh theo lối đi rất đẹp, ai cũng ăn mặc rất đẹp và chỉnh tề như đi dự hội nghị, một màu đen nhưng giống như trang phục công sở đầy thành tâm. Đến 9h thầy đến nhưng buổi lễ chưa diễn ra vì mọi người cứ liên tục đến thắp nhang viếng dượng. Thầy gọi con và họ hàng đến dặn đôi điều lần cuối. Con như là người truyền đạt ý giữa họ hàng và thầy. Do ở chapel mới đã quy định thời lượng chỉ được tổ chức trong hai tiếng để đến đám tang khác nên ông quản lý người Mỹ hơi hồi hộp đến hỏi con thầy đã đến chưa vì quá 9h. Đến khi con bảo thầy đã đến và chỉ chỗ thầy ngồi, ông vui vô cùng, có lẽ là biết chương trình sẽ diễn ra đúng giờ.

Rồi cũng phải đến lúc buổi lễ diễn ra lúc 9h15 phút. Cậu làm MC lên bắt đầu buổi lễ, cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Đầu buổi lễ là chương trình tưởng nhớ của họ hàng vợ con về dượng, tiểu sử của dượng, những kỷ niệm nhớ nhất về dượng và lời phát nguyện của các con. Đến lúc này con mới thấy dì và các anh họ khóc thật sự càng làm cho nhiều người khóc theo. Hình như mấy ngày qua, dù con là người ở bên dượng nhiều nhất, suốt ngày tụng kinh niệm Phật, con chưa có một cảm giác gì gọi là quá xúc động đến rơi lệ, tất cả đều bình thường, thậm chí còn làm trò cho mọi người cùng vui. Những ngày qua dì và các anh họ đều bình thường nhưng hôm nay tất cả đều xúc động thương khóc, tự nhiên con cũng nao lòng nên chỉ ngước nhìn dượng từ trong quan tài, không biết dượng sẽ nghĩ gì nhỉ?

Cậu mời thầy lên thuyết giảng một chút về lẽ vô thường của cuộc sống. Thầy thật hay khi biết lồng ghép chương trình thuyết giảng khuyến hóa tu hành biến tang lễ thành một đạo tràng tu học Phật Giáo cho đại chúng. Thầy giảng cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh với lời lẽ dành cho tất cả các tôn giáo niềm tin, không phải chỉ cho riêng Phật tử. Sau đó là bắt đầu tụng kinh cầu nguyện trước khi làm lễ di quan. Con gia nhập cùng thầy và ban tụng niệm đứng xung quanh bàn thờ Phật tụng niệm. Mỗi lần đọc chú con vẫn thường hay liếc nhìn dượng mong hương linh dượng sớm được nghe kinh siêu thoát và được sanh về cảnh giới an lành.

Giờ di quan đã đến. Khi thầy bảo đội bưng hương đèn tượng Phật vào vị trí thì ngay lập tức con phải di chuyển để đến cầm tượng Phật dẫn đội hình đi đầu tiên trong tiếng kinh kệ để thầy làm lễ đóng nắp quan tài. Cả đoàn người tiến về phía trước và người dẫn đầu không ai khác chính là con với tượng Phật trên tay. Nơi an tang cũng nằm trong khu nhà quàng cách đó hơn một cây số nên chỉ làm lễ đưa lên xe chở ra khu huyệt mộ. Con cầm tượng Phật miệng niệm Phật đi chầm chậm, giờ mới thấm hơn lời thầy bảo về sức nặng của tượng Phật, đường đi không xa nhưng vì nhiều nghi lễ và phải đi chậm nên sức nặng càng tăng lên. Người của nhà quàng đã dọn đường để hướng đi đến xe chở quan tài rồi chúng con theo xe mà đi. Lên được xe con mừng vô cùng vì đã hoàn thành được nữa chặng đượng không có vấn đề gì xảy ra, không bị vấp té hay đi lạc đường như thầy cảnh báo.

Đến nơi an táng, cả đội hình lại phải vào vị trí. Người đến viếng đa phần đi bộ đến còn người của nhà quàng họ đã mang bàn thờ, vòng hoa đến nơi sắp xếp đâu ra đó và còn trải nhiều tấm lót chân đi kẻo trợt vì phải đi từ trên dốc trên cỏ xuống. Lúc này thầy mới đến bảo con là giờ con phải đi theo thầy, thầy dẫn đầu, con đi theo kéo cả đội hình trang nghiêm cùng theo. Trước khi hạ huyệt là tiếp tục niệm Phật, tụng kinh, trì chú. Ban đầu con cùng tụng kinh, trì chú với mọi người nhưng khi trì đến chú đại bi lần hai, con không còn đủ sức trì niệm vì phải lo cầm tượng Phật theo đúng tư thế quá nặng. Do đó con phải lo giữ thân giữ sức cầm tượng Phật trang nghiêm để không xảy ra cớ sự gì.

Cuối cùng nghi lễ cũng xong, quan tài cũng hạ huyệt và con mới được đặt tượng Phật lên bàn thờ, mừng vô cùng vì tất cả đều diễn ra tốt đẹp. Lần lượt mọi người lại đến thắp nhang, cầm hoa đi vòng bỏ vào quan tài. Người của nhà quàng mang xe cần cẩu, xe tải nhỏ đến xúc đất, lấp đất, đầm đất cho phẳng, cho cứng rất chuyên nghiệp, nhanh chóng. Ở Mỹ chỉ làm huyệt bằng không xây lên cao to như Việt Nam, chỉ có tấm bia ở trước mà thôi. Mọi người cùng chờ đến lúc huyệt đã lấp xong mới cùng về chùa làm lễ nhập linh. Bản đồ hướng dẫn đường về chùa được phân phát cho những ai muốn cùng đến làm lễ nhập linh.

Về đến chùa hơn 1h chiều nên mọi người cùng ăn cơm ở chùa. Cơm rất ngon và vì quá mệt nên ai ăn cũng ngon. Thầy hỏi con cầm tượng Phật có nặng lắm không? Con cười bảo nếu thầy tụng thêm vài thời kinh chắc con sẽ xỉu nên thầy chọc bảo biết thế thầy sẽ tụng thêm một lúc nữa làm hai thầy trò đều cười. Vào cùng gia đình dì tụng kinh nhập linh, cúng cơm cho dượng xong cả nhà đến tạ ơn thầy, nghe thầy thuyết giảng, chủ yếu là cho các con của dì con và khuyên dì ráng giữ gìn sức khỏe rồi thầy bảo mang thức ăn ở chùa về cúng dượng đồng thời cũng tặng con một ít món tráng miệng vừa cúng xong ở chùa. Thầy còn cười chọc bảo mừng quá vì con chỉ còn ở Cali một ngày không ai phá phiền thầy nữa cả.

Ngày cuối cùng ở Cali, trời khá u ám. Bao nhiêu ngày chỉ toàn ở nhà, chùa và nhà tang lễ, con không có thời gian gọi điện cho ai, kể cả gia đình. Đến hôm cuối mới thảnh thơi, con nghỉ ngơi ở nhà chơi với dì, tụng kinh cúng dượng. Đến chiều con tranh thủ gọi điện thoại về cho thầy tổ, kể tình hình tang lễ diễn ra bình yên theo sắc màu Phật giáo và con được tu hành một tuần hơn là dự tang lễ. Đến tối con theo dì và anh họ đến chùa tụng kinh lần cuối trước khi rời Cali. Không ngờ hôm ấy là ngày lễ sám hối nên Phật tử đến chùa khá đông, ngồi chật cả chánh điện. Một thầy ở chùa, rất ít nói và trong mấy ngày diễn ra tang lễ con thấy thầy ít nói vô cùng, kể cả lúc con ở chùa vậy mà vừa thấy con đến đã cười hỏi con việc chuẩn bị về lại Florida làm con khá cảm động. Vì là lễ lạy sám hối 108 danh hiệu Phật nên chỉ một lúc ai cũng nóng người dù bên ngoài trời khá lạnh.

Xong lễ sám hối con tranh thủ chạy ra ngoài sớm để đón thầy xin thầy giúp con một chuyện. Thầy hứa khả và sau đó bảo con cùng mọi người ăn cháo ở chùa cho vui. Ở chùa có một cây bơ rất sai quả nên con bảo thầy khi nào bơ đầy trái chín con sẽ sang hái nấu cháo bơ làm thầy bật cười giới thiệu với Phật tử người Nha Trang con là “đầu gấu” ở Nha Trang. Thầy sau buổi lễ còn phải lo đi trợ niệm cho một người sắp qua đời làm con nể phục thầy thật sự, còn rất trẻ nhưng rất giỏi. Con mua một ít thức ăn chay ở chùa về làm quà và vì quá khuya nên xin phép thầy về để sáng sớm ra phi trường. Thầy cười chào tiễn biệt con trong lời nhắc thỉnh nguyện mong thầy nhớ giúp khi trời về khuya lạnh buốc đang về.

Bốn giờ sáng hôm sau, con trở dậy lo chuẩn bị ra phi trường San Francisco cho sớm cùng người anh họ cũng bay về lại Ohio làm việc. Lên thắp nén nhang tạm biệt dượng, ôm dì nhắc dì niệm Phật giữ gìn sức khỏe, con lên xe ra phi trường khi cả thành phố còn ngái ngủ. Người đưa con ra phi trường lần này là anh họ, không phải dượng và không phải là ông. Tự nhiên con có cảm giác mình đang dần dần rời xa những người thân thương của mình và mỗi chuyến trở về mình lại chia tay một người khác đi về nơi xa vắng. Trong con tự nhiên nhớ đến một câu chuyện Đức Phật dạy về kiếp người. “Một hôm, Đức Phật kêu các thầy Tỳ-kheo lại hỏi: - Mạng người sống trong bao lâu? Có thầy nói năm năm, mười năm. Có thầy nói một ngày, nửa ngày… Đức Phật đều bảo: - Ông chưa hiểu đạo. Cuối cùng có vị ra đảnh lễ thưa: - Bạch Thế Tôn, mạng người sống trong hơi thở. Phật bảo: - Ông mới thật là người hiểu đạo.”

Sự ra đi của dượng chính là minh chứng hơn nữa cho lời dạy của Đức Phật – mạng người sống trong hơi thở. Cả đời Dượng chỉ thích làm việc, làm quanh năm với đủ thứ kế hoạch, dự định, làm CEO cho cả một công ty trong và ngoài nước, dù được nhắc nhở nên điều độ thân tâm làm việc nhưng dượng luôn tin dượng vẫn còn khỏe, vẫn sống đến 88 tuổi và còn rất nhiều kế hoạch cần dượng làm. Những kế hoạch của dượng vì công ty, vì chính sách hoạch định đủ cả cứ ngỡ như dượng sống hòai sống mãi, sức khỏe và mọi điều kiện đều tốt không biến động gì. Dù là một Phật tử, hiểu rằng mạng sống mong manh nhưng dượng chưa bao giờ nghĩ quỷ vô thường đến kế bên mình. Thế nên, nghiệp duyên vô thường đến, đang khỏe vui lo chuyện hội họp giúp bạn bè bỗng nhiên dượng té xuống, bất tỉnh, đưa vào bệnh viện thế là một kiếp người lại trôi qua. Nhà cửa, công ty, tiền của, tài sản, xe cộ vĩ đại, khổng lồ để lại giờ cũng đều vô nghĩa cả vì chẳng gì có thể cứu giúp được dượng ngoài những điều phước lành, những câu niệm Phật, tụng kinh.

Giờ dượng đã đi xa về một miền quê khác. Ngày còn sống dượng và con vẫn thường hay cười đùa hài hước với nhau. Con giờ đã về với cửa Phật, làm việc trong ngành y nên càng hiểu rõ hơn lẽ vô thường, con vẫn cười vui an lạc nguyện chúc dượng ra đi vui vẻ. Con sẽ tụng kinh, niệm Phật, làm những việc lành để hồi hướng nguyện mong dượng sẽ sớm siêu sinh về cảnh giới an lành. Hy vọng kiếp sau dượng sẽ hiểu hơn lời Phật dạy mà tu tập tốt hơn dượng nhé. Con cũng nguyện mong dì và họ hàng của mình, những người vẫn còn phước duyên làm người còn tồn tại trên cõi đời này nên nhìn vào sự ra đi dượng mà biết giảm những ham muốn, tham sân si ngã mạn của mình, biết buông bỏ để tu tập hầu giải thoát cho chính bản thân của mình khi vô thường kề cạnh.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Ngọc Hằng



Có 1 phản hồi đến “Mạng Sống Trong Hơi Thở - Hành Trình Một Tang Lễ Theo Nghi Thức Phật Giáo Ở Mỹ”

  1. Mạng Sống Trong Hơi Thở - Hành Trình Một Tang Lễ Theo Nghi Thức Phật Giáo Ở Mỹ

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com