Nhận được thư gì vào những ngày cuối tháng năm bận rộn với quá nhiều việc vừa lo mưu sinh, vừa lo cho gia đình và vừa lo học hành để thi lấy bằng. Đọc lá thư rất dài của dì trong con dâng lên một niềm xúc cảm níu kéo thời gian trở về với quá nhiều kỷ niệm của ngày xưa. Con chắc có lẽ giống như một bà già theo lời của em con vì toàn sống với kỷ niệm, với hoài cổ của bao ký ức nuôi lớn tâm mình.
Con đã tốt nghiệp và giờ lo chuẩn bị ôn thi để lấy bằng hành nghề đi làm. Thời gian này con phải tập trung cao độ để học tập vì nếu không có đuợc bằng thì không thể đi làm. Em gái về nhà đuợc ba tuần đã chuẩn bị trở lại học nên truớc khi em đi con phải lo nấu đồ ăn chay gởi cho em mang đi. Em trai đã kết thúc năm học đầu tiên của trường dược mới trở về nhà nghỉ được một tuần rồi tuần sau lại trở lại thực tập nên con lại càng bận rộn lo nấu đồ ăn cho em. Giờ con cứ xoay vòng vòng hết lo cơm cho gia đình thì lo cơm vừa chay vừa mặn cho hai em.
Các em học hành bận rộn lắm nên tốt nhất là con cứ nấu đồ ăn để dành vài tháng các em mang bỏ vào tủ đông đá, khi nào cần ăn thì chỉ mang ra microwave thôi nên sẽ giúp các em đỡ tốn thời gian cũng như tiền bạc. Để các em tự ăn chúng nó toàn ăn đồ fast foods của Mỹ không tốt cho sức khoẻ và còn có nguy cơ bị béo phì hay chúng bệnh sẽ càng mệt thêm. Thôi thì chúng nó ở nhà con cũng phải nấu nên giờ nó đi nấu cho nó mang đi mà ăn, ở nhà khỏi phải lo lắng.
Thật ra các em chẳng có đòi hỏi con phải lo nấu cơm cho chúng nó vì nó cũng không muốn con khổ cực. Tuy nhiên, các anh chị họ của con có bác con nấu ăn đầy đủ khi đi học xa còn em con thì không còn được má lo nữa. Ngày xưa má nấu ăn giỏi lắm và làm đầu bếp cho nhà hàng nữa nên nếu má còn tỉnh táo chắc chắn má cũng sẽ như bác suốt ngày lo nấu ăn để dành gởi cho các con của má đi học xa thôi. Từ lâu lắm rồi chuyện cơm nước trong nhà do con đảm nhiệm nên con cũng mong em mình được lo lắng đầy đủ, được có cơm ăn đủ dinh dưỡng, tiết kiệm thời gian rất nhiều. Với lại con nấu riết cũng quen và nhanh nên không phải là vấn đề lớn. Mỗi lần nấu ăn như thế các em và ba phải phụ con ít nhiều nên chỉ hai ba ngày là con có thể nấu đủ đồ ăn cho em con trong vài tháng.
Việc nấu đồ mặn dễ dàng hơn còn nấu đồ chay khó khăn mệt mỏi vô cùng. Thành phố con đang sống không có bán đồ chay hay chỉ đơn giản là đậu hủ đã được chiên sẵn để mang về nấu cũng không có. Mỗi lần phải mua và chiên một lượng lớn đậu hủ là mất cả ngày. Việc chiên đậu hủ này em trai hay em gái con thường phải làm giúp dưới sự hướng dẫn của con. Dì sẽ tức cười nếu con nói cho dì biết là em con thích ăn đậu hủ chiên hơn cá thịt nên mỗi lần chiên lâu như thế phải chiên thêm phòng hờ nếu không khi chiên xong chẳng còn bao nhiêu mà nấu ăn cả.
Hôm con sang Cali, thủ phủ của người Việt và Á Châu, đồ ăn chay ngập tràn còn đậu hủ thì khỏi nói nhưng lại khá rẻ. Con cứ ngẩn ngơ nhìn và ước ao còn ở thành phố con ở chẳng có gì cả đó là chưa nói để mua được một món chay thì tốn kém gấp nhiều lần so với một món đồ mặn thông dùng. Nghe con tâm sự ước ao bình thường được sống gần một lò đậu hủ thôi thì việc ăn chay của con và em gái sẽ sướng biết bao, ngày ngày chỉ cần mua đậu hủ ăn cũng đỡ mà anh bạn đạo thương cảm vô cùng. Nếu mà nhiều món như ở Việt Nam thì chuyện ăn chay lại càng quá dễ hơn nữa.
Ở nhà các em và ba con ăn uống cũng đơn giản, không có cầu kỳ nên con nấu gì ăn đó, đôi khi cũng theo sự góp ý và yêu cầu. Tuy nhiên, ở đây không có chuyện đi chợ mỗi ngày, sáng chiều hai thời cơm hai ba món khác nhau hoặc là không có ăn đồ thừa. Đồ ăn con nấu một món rồi cứ thế mà ăn đến hết thì thôi, có khi ăn vài ba hôm là chuyện bình thường. Còn nếu đi làm hay đi học thì mang cơm hoặc mang gì đó ăn cho nhanh gọn . Ở Mỹ không hề thiếu đồ ăn, thừa là đằng khác nhưng đa phần toàn là đồ fast foods, rất rẻ, không dinh dưỡng, toàn gây bệnh là chính nên cơm nhà vẫn là an toàn và ngon nhất. Vì vậy, con cũng khá buồn cười khi biết những món ăn fast foods rẻ tiền nhất bên Mỹ đang hô hào phải cắt giảm lại trở thành những món ăn được cho là sang trọng bán trong những khu giải trí cao cấp ở Việt Nam và nhiều nước khác.
Thật ra, việc phải nấu đồ ăn cầu kỳ, phức tạp, nhiều món luân phiên là cho gia đình chứ nếu phải cho bản thân con thì không bao giờ con khổ vì chuyện ăn cả. Con nấu gì đó một món rồi ăn cả tuần, có khi con phải động viên ráng mà ăn. Cứ nghĩ cuộc đời suốt ngày lo ăn lo mặc tốn thời gian, làm nô lệ cho cái thân con không chịu được. Gia đình các em nó không thể giống con và con không thể giống nó nên thôi con chìu theo ý nó còn nó phải tôn trọng con. Nếu nó không muốn bị con than phiền về việc ăn uống đồ fast foods thì tốt hơn nó tự ăn không để cho con biết và con cũng giả như không biết nếu nó không nói vậy.
Em trai con vẫn thường chọc và ví con là “Ôsin của Nguyễn Gia,” là “ròm già” còn nó là “Nguyễn công tử.” Ở bên Mỹ thì là con gì cũng phải biết nấu ăn, biết tự làm mọi việc và lo cho bản thân mình. Do đó, em trai con cũng phải biết dọn dẹp nhà cửa, vào bếp nấu ăn, đi chợ và phụ giúp việc trong ngoài. Ba con cười bảo đến ba còn phải tự lo làm mọi việc thì nói chi đến các em con. Vì vậy không có chuyện đàn ông ngồi xem báo còn phụ nữ hầu cả ngày. Ba con vẫn hay tự động viên ba trả quả. Ngày xưa ở Việt Nam ba nào biết làm gì, cơm nước má lo tất cả vậy mà ba còn chưa hài lòng còn giờ thì ngược lại, ba phải lo tất cả cho má, cơm nước cho má đúng bữa không khác nào chăm một em bé làm mấy chị em con tức cười và động viên ba cố gắng.
Nói là nói vậy chứ dù sao gia đình cũng là người Việt nên con cố gắng giữ gìn truyền thống gia phong, văn hóa. Nhà bây giờ má đã bệnh nhưng những người còn lại vẫn phải sống và làm việc tốt, không để một chuyện ảnh hưởng đến những việc còn lại. Con thương em con và ba con nên bất cứ điều gì con cũng có thể làm cho em cả. Ngược lại, chỉ cần biết con thích gì và muốn gì em con đều lo cho con. Có điều, con chẳng thích gì nên em con chỉ biết làm theo yêu cầu vì có khi những chuyện nó thích muốn làm cho con không đuợc khen mà còn bị la.
Những gì con sống và nói chỉ có người thân sống bên con mới có thể tin được vì có vẻ quá giả tạo, hình tượng hoá và không thật. Đến ba và các em con cũng chẳng thể nào hiểu được nhưng thấy con bình yên an vui cũng như không thể nào cãi được con đành chấp nhận vậy. Các em con cũng muốn con phải ăn mặc thật đẹp, trang điểm phấn son, đi xe sang trọng, đi chơi đủ thứ nơi biết đó biết đây, quán xá món ăn gì cũng phải nếm, có bạn trai vậy mới biết hưởng thụ cuộc đời vì con đủ khả năng có được những điều này. Gia đình con cũng chẳng thể giải thích tại sao những thứ được cho là lẻ sống của người khác, là những nhu cầu người ta đánh đổi, dành giật ngày đêm, chết sống cũng vì nó lại chẳng làm con mảy may quan tâm mà còn làm con mệt mỏi.
Từ nhỏ đến lớn giờ con chẳng biết trang điểm phấn son là gì cả dù con từng làm ở thẩm mỹ viện chuyên đi trang điểm, tư vấn cho khách hàng. Con cũng chưa bao giờ mang nữ trang dù ngày xưa con ở nhà dì con chuyên kinh doanh vàng bạc, nữ trang, những thứ ấy chẳng bao giờ làm con động tâm tí nào cả. Ngày xưa nghèo khổ ở Việt Nam thỉnh thoảng con còn mua sắm áo quần còn từ ngày sang Mỹ con rất ghét vào những khu shopping. Mỗi lần em con định mua gì đó cho con thì đã bị con ngăn hoặc nếu có mua về con cũng bắt trả lại. Nếu cần gì con nhờ chị con ở Việt Nam gởi sang theo yêu cầu khi có ai về. Vì vậy áo quần đa phần con đang mặc đều có niên đại năm năm, mười năm và hiển nhiên đều là áo quần có lẽ là lạc hậu nhất trần gian này.
Ở Mỹ, con chưa bao giờ tự bước ra nhà hàng quán xá hay mua gì đó để ăn cả, chỉ ăn đồ tự nấu là chính. Con ghét ra quán ăn vô cùng chỉ làm con ngộp thở trong khi em con rất rành và thưởng thức món ăn ở ngoài. Ngày xưa con làm cho nhà hàng nhưng con phải tự chế biến món ăn chứ không ăn món ăn của nhà hàng. Con chưa bao giờ bước ra tiệm để cắt tóc cả. Tóc bao nhiêu năm hoặc em gái cắt cho còn không con tự cắt, cứ thế một kiểu và chẳng quan tâm ai nói gì cả. Còn xe cộ ở nhà, em con đi xe gì thì đi, toàn xe mới chứ con vẫn chạy chiếc xe cũ cà tàng. Con cũng không thích xe hơi, thích đi bộ và đi xe đạp là chính. Xe của các em con chưa bao giờ leo lên lái và con là người lái xe tệ nhất ở đây. Vì vậy cần đi đâu hay tìm đường thì đều có các em và ba lo hết.
Em con lấy suy nghĩ và lối sống của người thường so với con nên chúng nó thương con lắm. Con đâu có khờ khạo nhu mì hay uỷ mị yếu đuối để chẳng biết gì nhưng đành lui về làm chị lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và chỉ dạy chúng nó khi cần lúc còn nhỏ. Giờ các em đã lớn hết rồi nên con chỉ còn lo cơm nước nhà cửa mà thôi. Nhiều khi chúng làm con cảm động và thương em mình nhiều hơn. Em gái khi thầy của nó bảo nó viết bài ai là anh hùng của nó thì nó bảo chính là chị nó. Nó nói mỗi người có những anh hùng “hero” khác nhau nhưng chị nó mới là người lo cơm ăn, dạy dỗ và lo lắng cho nó nên chị nó mới thật sự là anh hùng. Rồi khi nói chuyện với bạn bè, nó thường hay đùa về nhà đã có Ôsin lo cơm, nó sướng vô cùng và ở nhà hoài cũng được. Nó bảo tại sao người ta tổ chức quá nhiều ngày lễ kỷ niệm mà không có ngày lễ dành cho chị để nó tri ân chị nó.
Em con thuơng quý tri ân con nhưng thật ra con cũng cảm ơn các em mình. Cũng may tất cả đều ngoan , học tốt, chẳng làm điều gì sai trái, không hề biết đến bia rượu, sống rộng lượng thương người. Đôi khi con hay than phiền trách chúng cứ sống tiêu xài thoải mái, thật ra chỉ là bình thường thôi do con không có tiêu xài nhưng nghĩ lại con cũng vui. Con vui vì nó không xem trọng đồng tiền quá cao, sống rộng lượng trong gia đình thì có như vậy ra đời sẽ không trở nên khổ vì đồng tiền, biết giúp người khi cần, biết cho người khác và đó là điều mà con muốn em mình nhớ lấy để sống, biết rằng để có được chút gì đó thành công cho bản thân là nhờ ơn biết bao nhiêu người. Nó biết ở nhà chị em có thể hy sinh vì nhau, chị nó có thể hy sinh tất cả vì nó thì mai này dù không còn sống cùng mái nhà, bay khắp muôn phương nhưng nghĩa tình gia đình vẫn luôn đong đầy trong trái tim của các em để biết sống tốt và quay về.
Dạo này ra trường con phải tìm việc làm mới tốt hơn. Thành phố con đang ở quá nhỏ nên không có nhiều cơ hội còn bệnh viện đang làm của chính phủ có vấn đề về tài chính nên không tuyển dụng thêm. Nhiều nơi ở nhiều thành phố khác tuyển dụng, chấp nhận con làm việc, cơ hội thăng tiến, lương bổng nhiều hơn nhưng con không thể đi được. Chuyện di chuyển khắp nơi vì công việc ở Mỹ là điều bình thường và các em cũng khuyến khích con đi để cho biết đây biết đó. Con biết đi xa con sẽ sướng vô cùng, được thảnh thơi nhưng con không cho phép mình như vậy khi còn gia đình ở nhà, cơm nước cho hai em. Con không có nhu cầu ham muốn hay phục vụ bản thân mình nên con sẽ chấp nhận tìm việc gì đó tạm thời ở đây vài tháng đầu chờ đợi cơ hội tốt đến vậy.
Dì hỏi con chừng nào con về Việt Nam thăm họ hàng làm con vừa vui vừa buồn. Thật ra năm nay tốt nghiệp con định về từ sớm mà không thể. Ban đầu vì thương quý một người bạn đạo tưởng bạn sẽ xa con mãi mãi theo chí nguyện đi xa của người con Phật con đã dự định về gặp bạn cho bằng được nhưng đúng là duyên trời tất cả không theo sự sắp đặt. Dần dần con không còn có động lực tinh thần để về Việt Nam vì không biết về để làm gì. Động lực duy nhất để con quay về là thăm gia đình chị con cùng các cháu và về bên thầy tổ, được đi chùa. Và lại xưa kia, Ni Trưởng Thích Nữ Hạ Huệ Giác, viện chủ Quan Âm Tu Viện, thầy bổn sư của con có có cho con thời hạn bốn năm quay về để Ngài chú nguyện giúp nơi con cần tu nên giờ đã đến lúc con phải quay về.
Đa phần mọi người về Việt Nam là để đi chơi, để được gặp bạn bè, được ăn uống tiêu xài mua sắm nhưng con không có những nhu cầu này. Bạn bè giờ đa phần đã có gia đình, họ cũng chẳng hiểu sao con sống vậy còn con lại mệt mỏi khi gặp ai cũng bảo đi ăn nhậu, đi chơi những nơi thế tục đời thường. Bạn bè cũng liệt con vào hàng lập dị, có vấn đề còn con cũng không muốn giải thích. Chuyện bia rượu nhậu nhẹt như là chuyện thường ở Việt Nam và bạn bè con là con trai hay con gái đều cho đó là thông thường. Con từ nào giờ đã ghét những thứ này thì nói chi giờ đã đi vào cửa Phật liệu con còn ham muốn gì nữa đâu.
Bạn bè đa phần có học hành cũng có thể không quan trọng lắm với bề ngoài nhưng còn họ hàng của mình thì dì cũng biết rồi, thắc mắc đủ điều hết. Con về đến quê nhà, về làng quê của con cũng phải mệt khi biết trả lời làm sao đây. Đến chị Hai của con còn tức cười nhìn bộ dạng mà chị cho là chỉ cần đội thêm cái nón lá, ôm thêm cái giỏ hay con gà thì con chẳng khác nào nhà quê ra tỉnh hay ai đó đi ăn xin. Việt Kiều về quê nhất là gia đình họ hàng con biết bao nhiêu người ở Mỹ về quê đều sang trọng, ăn diện phấn son, lên xe xuống ngựa còn con nhìn thua cả người nghèo ở Việt Nam nữa. Với bà con ở quê, cái bề ngoài sang trọng, chưng diện phấn son, vàng vòng đeo đầy người mới đích thực là Việt Kiều, là người giàu có ở Mỹ.
Ngày xưa con ở Việt Nam còn mập mạp, ăn mặc còn đỡ hơn thế mà đi bao nhiêu năm về ốm gầy, lạc hậu đến vậy. Thế là vô hình chung đến chị con cũng phải mệt khi nghe hàng xóm họ bàn tán chắc có lẽ con nghèo khổ lắm, làm việc rất khổ bên Mỹ nên về mới thế. Còn khi thấy con suốt ngày chỉ có ăn rau luộc, đậu hủ, tương chao, rau muống xào cả ngày thì còn thua cả tiêu chuẩn người nghèo ở Việt Nam nên lại sợ con nghèo không có tiền mua cá thịt món ngon để ăn. Con mua áo quần cho chị và các cháu chứ có đời nào con mặc . Còn đến nhà họ hàng là cực hình, chẳng biết nói gì. Giữa bàn tiệc toàn món ngon vật lạ, mâm cao cỗ đầy thì món duy nhất con ăn là bún chan nước tương làm mọi người nhìn thấy xót xa. Tự nhiên vì chuyện con về trở thành một đề tài vui. Con hiểu và thương họ lắm nhưng bảo cứ suốt ngày đi trả lời giải thích thì chắc là không thể, họ sẽ không bao giờ hiểu còn con thì chẳng muốn nói gì cả..
Con có nói với thầy nếu lần này con về ngoài gia đình chị con thì con theo thầy dẫn con về chùa, về Tổ Đình Linh Sơn của thầy tổ hay đi chùa theo thầy chứ con không đi đâu hết. Nghe con kể việc mệt mỏi khi con bị xem như một sinh vật lạ suốt ngày bị xoi mói vì bề ngoài mà thầy cũng tức cười. Thầy chọc bảo thầy cũng nghĩ như họ thôi nên nếu về thầy có dẫn con đi đâu cũng chỉ dám giới thiệu là con từ hóc bà tó hay từ trên núi xuống chứ không dám nói con từ Mỹ về vì thầy cũng thấy mắc cỡ khi đi với con. Thế nên thầy cũng chọc con từ hành tinh nào đó đến nên những cái được cho là lẽ sống của người khác con lại cho là tầm thường. Ở Mỹ biết bao nhiêu vui thú cảnh đẹp, các nước trên thế giới càng đẹp hơn mà con còn chưa ham muốn đi thì về quê nhà liệu con còn ham gì nữa.
Con chỉ thích đi chùa, đi với bạn đạo đồng tâm vào chùa nhưng chẳng có ai cả. Những chuyện được cho là quá tầm thường của mọi người lại là điều ao ước của con. Con cũng có bạn đạo nhưng con không dám phiền bạn vì chuyện chùa chiền các bạn đã tiếp xúc đi hàng ngày còn ham thích gì mà đi với con. Vả lại, con chỉ đi với người đồng tâm thật sự cũng thích đi chùa chứ không phải đi chỉ vì để làm con vui. Thế thì tốt hơn là con đi một mình, vào đó ngồi cả ngày, chán lại về, vậy thôi. Từ nhỏ đến giờ chuyến đi để lại trong con nhiều kỷ niệm nhất và làm con thích nhất chính là hôm con sang California với anh bạn đạo của con mà thôi.
Vậy đó, con dần dần cảm thấy mình bị xa lạ, cô đơn, lạc lõng ngay chính trên quê hương của mình, chính nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Tại sao người ta chỉ biết chăm sóc miếng ăn, chăm sóc cái dạ dày và cái bề ngoài mà không chăm sóc tâm cho nhau dù tâm quyết định mọi việc. Con về chơi để chị vui, các cháu vui, ở nhà chẳng đi đâu đến chị còn thương cảm nên chuyện có được về không phải là điều gì đó con mong cầu. Người thân gia đình họ hàng đa phần chỉ biết có tiền bạc, bề ngoài, ham lợi ham danh chứ nào trọng nghĩa trọng tình. Có về cũng vì con tri ân một số người bạn đạo rất tốt, gặp được họ trong đôi lát nếu hữu duyên, cảm ơn tình nghĩa bạn đã dành cho mình, chỉ cần ngồi bên nhau thôi, ở một ngôi chùa nào đó thôi thế là đủ.
Dì vẫn ngạc nhiên sao mỗi lần con viết là viết rất dài. Thú thật bạn bè con nhiều nhưng có duyên để nói hiếm lắm. Không duyên con không bao giờ nói nhiều, chỉ vài câu là chính. Lâu nay thầy con là nguời nghe con nói là chính ngoài anh bạn đạo nhưng giờ anh bận quá nên con để anh yên tâm làm việc phụng sự đạo pháp. Thế nên con sống với nội lực của chính bản thân mình, tự làm bạn với mình, tự nói tự nhắc mình sống và tu nên khi viết con cứ viết theo dòng suy nghĩ thật tâm tuôn về. Do đó, con cũng chẳng quan tâm hay là lo sợ ai nghĩ gì về mình, nói gì về mình cả. Chỉ cần con biết con đủ thiện tâm để sống thì còn lại không có gì làm con sợ.Con có điện thoại nhưng rất ít khi dùng đến lắm và con cũng sợ nghe điện thoại nữa dù ở Mỹ điện thoại tha hồ gọi thoải mái nhưng chẳng ai muốn nghe. Cả ngày đi học, đi làm về nhà con chẳng bao giờ chat nói chuyện với ai trừ một vài bạn đạo hữu duyên mà thôi. Thời gian rãnh làm phật sự trên mạng và giúp đỡ các bạn trên mạng trong khả năng con có được.
Dì hỏi con sao lại yêu quý bà dù bà chẳng làm được gì cho con và gia đình. Con thương quý bà vì bà có thiện tâm, tình thương yêu thật sự cho con, thế là đủ. Bi tâm mạnh mẽ vô cùng và không có một sức mạnh hay thế lực nào có thể làm con té ngã trừ bi tâm cả. Vả lại lúc xưa khi má còn tỉnh táo, má con rất thương và lo cho bà. Giờ má đã không may chẳng biết gì nên con muốn thay má làm những gì có thể để giúp bà vì con tin chắc má con sẽ rất vui khi biết con làm như vậy. Với lại thật ra những gì con giúp bà chẳng đáng là bao so với việc con giúp cho biết bao nhiêu người dù con chẳng có quan hệ gì với họ cả. Con cũng như dì sống giữa gia đình họ hàng nội ngoại không hề có tình thương mà chỉ biết đối xử với nhau vì tiền. Những hình ảnh ấy quá đậm sâu trong tuổi thơ của con nên con rất thương và cảm thông cho những trẻ em kém may mắn khác. Do đó trước tiên là con phải vun bồi tình cảm thương yêu thật sự trong gia đình mình, từ bản thân mình, chỉ biết có cho chứ không muốn nhận lại gì cả.
Nếu con xem trọng đồng tiền thì chắc ngày đêm con chẳng mất thời gian cho việc làm phật sự, hoằng pháp, vừa mất thời gian vừa hao tổn sức lực. Nếu thời gian ấy con dùng để đi làm thì con sẽ kiếm được nhiều tiền lắm, dùng tiền ấy để cho các em hay người khác còn dư nhưng như thế để làm gì. Với trình độ và khả năng của con, công việc lại không bị thất nghiệp, tranh thủ đi làm thì biết bao nhiêu tiền là tiền. Thời gian lo cơm nước nhà cửa con để đi làm kiếm tiền rồi đi đặt cơm nấu sẵn sẽ rẻ hơn rất nhiều lại không cực thân mình nhưng làm vậy sẽ biến gia đình thành một cái máy kiếm tiền, tất cả đều lấy tiền ra mua hết thì cuộc sống quá héo khô.
Tình yêu thương sự chăm sóc cho nhau không thể lấy tiền mà mua được. Tuy nhiên, con chấp nhận dừng lại tất cả, sống cuộc sống thiểu dục tri túc đủ cho mình còn lại chỉ cần con có động lực tinh thần mạnh mẽ thì con sẽ làm được nhiều việc có ích cho mọi người. Đi làm tiền bạc so sánh phân chia theo thế đời nhưng cúng dường pháp bảo, giúp người an vui tiền bạc nào có thể so tính được đây?
Con không thích nhận gì của ai kể cả từ người trong nhà. Vậy nên khi nghĩ đến những mảnh đời trẻ em bất hạnh con lại nhớ đến tuổi thơ của mình dù con biết mình hơn nhiều người. Cái khổ vì bị hành hạ về tâm nhiều hơn cái khổ về vật chất bề ngoài. Thế nên con rất khổ tâm khi phải tiêu xài một cái gì đó cho bản thân không đáng hay phải sống cuộc sống nhung lụa. Nếu bảo con mặc một bộ quần áo sa hoa tốn tiền, ngồi trong nhà hàng cao sang, ăn những món ngon trong khi con không có nhu cầu lại cảm thấy khổ tâm thì thà rằng số tiền ấy con để dành làm từ thiện và con ăn gì đó cho qua bữa hoặc nhịn đói cũng chẳng phải là điều gì ghê gớm với con.
Con nghĩ giờ mình may mắn hơn thì con sẽ không bao giờ để lặp lại những hành động vô tâm tàn nhẫn như thế với bất cứ ai cả. Con chẳng biết họ là ai, họ làm gì, xuất phát từ đâu đều không quan trọng mà chỉ cần biết họ có tình thương, có thiện tâm thì nếu con có làm được gì giúp họ cũng là phước phần vinh hạnh của con.Thế nên, đừng hỏi tại sao con thương bà hay cũng như bất cứ ai đầy thiện tâm con gặp trên cuộc đời đơn giản ai cũng cần được sưởi ấm tình người. Cũng như hình ảnh bà lão xưa kia đốt tóc làm đèn cúng Phật nên ngọn đèn ấy mãi cháy ngàn năm vì tình thương yêu.
Lá thư giải thích này chắc cũng đủ dài để dì hiểu thêm đôi phần về cuộc sống của con và gia đình ở đây. Dì đừng lo cho con vì con thấy mình chẳng có gì để đang lo cả. Con mừng vì dì cuối cùng cũng đã trường chay và khuyến hoá gia đình tu hành tốt. Con không khuyến hoá nổi hết gia đình tu theo mình thì đành ráng tu hồi hướng vậy. Giờ với con không có gì quý hơn tu hành, quý hơn Phật pháp và tam bảo nên nếu có đủ duyên làm được điều gì đó tốt cũng chỉ là một phước ân mà mình có thể làm. Cầu mong tưong lai khi công việc đã ổn định, tất cả đều bình yên con sẽ có thời gian tu tập theo thời khoá đàng hoàng. Còn giờ con đành học theo thầy chỉ pháp tu của Lục Tổ là tu theo cái thấy cái biết trong mọi hoàn cảnh vậy. Hy vọng năm nay nếu có đủ duyên được về Việt Nam con sẽ gặp được dì và gia đình. Con chúc dì thân tâm luôn an lạc, bồ đề tâm luôn kiên cố, tinh tấn tu hành để sớm về với ngôi nhà nơi phương trời Tịnh Độ Tây Phương.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Ngọc Hằng