Tôi quen anh cũng tình cờ như rất nhiều người bạn thân thiết khác từ thế giới ảo. Cứ mỗi lần tôi bớt duyên với một người nào đó trong thế giới ảo thì chư Phật lại gieo duyên cho tôi gặp một người khác và anh cũng không ngoại lệ. Anh là ai tôi cũng không biết, anh làm gì hay sống ra sao tôi cũng đều không hay. Điều đọng lại trong tôi và có lẽ là duyên đưa đẩy chính là vì chúng tôi có một vài điểm chung về Phật giáo và thích đọc sách.
Anh có trong friendlist của tôi từ khá lâu nhưng chưa bao giờ tôi đến trang nhà anh chào hỏi cả. Một hôm, vô tình đọc được vài dòng anh viết có liên quan đến Phật giáo, tôi đánh liều hỏi anh có phải là một Phật tử không. Anh bảo anh chưa phải là một phật tử nhưng rất thích tìm hiểu về Phật giáo cũng như các tôn giáo khác. Tôi bắt đầu quen anh từ dạo ấy dù tôi và anh hiếm khi nào trò chuyện gì nhiều cả.
Thình thoảng, tôi có đến “nhà anh” bình luận mấy câu, nhất là về sách dù tôi rất hiếm khi đến nhà ai trò chuyện cả. Cho đến một hôm, anh đăng một vài tấm ảnh chiêm bái Ngân Sơn, nóc nhà linh thiêng nhất của thế giới và Phật giáo mà anh có dịp thăm viếng một năm trước đó, tôi mới chú ý hơn và bất ngờ. Tiếp theo đó, anh tag cho tôi thông tin về quyển sách “Đường Xa Nắng Mới” của tiến sĩ Nguyễn Tường Bách và có ý định mua thật nhiều để biếu tặng cho mọi người thì sự bất ngờ trong tôi trở nên gấp bội. Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách là một người viết sách về Phật giáo rất nổi tiếng trên thế giới và tôi cũng đã đọc được một số sách của ông. Những quyển sách nổi tiếng ấy bao gồm Mùi Trầm Hương, Lưới Trời Ai Dệt, Đạo Của Vật Lý hay Con Đường Mây Trắng.
Tôi rất ngưỡng mộ sách của tiến sĩ và cũng ao ước được một lần gặp ông. Thế mà không ngờ, chẳng biết anh có duyên lớn gì lại được gặp tiến sĩ , được cùng với 21 thành viên của đoàn Việt Nam đãnh lễ Ngân Sơn với tiến sĩ. Thế nên, cũng như bao bạn bè khác thích tìm hiểu về Phật giáo và đọc sách, tôi cũng mong sớm được đọc quyển sách “Đường Xa Nắng Mới” của tiến sĩ để biết Ngân Sơn như thế nào và cuộc hành trình tìm về tâm linh thú vị ra sao.
Anh là người rất ngưỡng mộ tiến sĩ nên hầu như sách nào của tiến sĩ anh đều đọc cả. Thấy tôi ham thích đọc sách của tiến sĩ, anh hứa sẽ để dành cho tôi một quyển khi tôi về Việt Nam. Nhưng sau đó có lẽ sợ tôi chờ đợi, anh gởi cho tôi xem phần 2 quyển sách online trước, bảo nếu có dịp sang Mỹ sẽ mang sang cho tôi rồi anh bảo tôi cho anh địa chỉ nhà để anh gởi chuyển phát nhanh sang cho tôi. Nghe anh nói vậy, tôi thật sự rất xúc động.
Tôi cho anh biết tôi vô cùng tri ân vì anh muốn tặng sách quý cho tôi dù chẳng biết tôi là ai và lâu lắm rồi tôi mới được một ai đó tặng sách. Có lẽ sách bây giờ trở nên lỗi thời với mọi người, nhất là sách Phật giáo lại càng chẳng ai muốn xem nên họ coi thường. Thêm vào đó, trong cuộc sống chỉ có biết tiền bạc lợi danh, người ta có tặng nhau phải tìm kiếm xem món quà nào đó đắt tiền, ăn món ăn nào thật ngon, tô vẻ những cái bề ngoài, cái ngã mạn, tôn vinh sự giàu sang đẳng cấp của mình. Thế nên, khi ai đó muốn tặng gì cho tôi họ đều mang những thứ ấy đưa trước dù tôi chẳng bao giờ động tâm hay cần những thứ ấy cả.
Tôi quý anh không phải vì quyển sách anh tặng mà ở đó còn có cả sự thành tâm và tấm lòng, những điều vô giá khó gặp trong thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, tôi không muốn anh tốn tiền gởi sách sang cho tôi và tôi hứa sẽ về Việt Nam nhận từ tay anh như thêm một động lực tinh thần giúp tôi trở về thăm quê nhà. Vì vậy, tôi đọc phần hai hành trình Ngân Sơn do anh gởi sang tạm. Tôi muốn anh dùng số tiền ấy, dù không đáng là bao dành tặng cho những người kém may mắn hơn thì tôi sẽ rất vui và hạnh phúc.
Tôi bỏ ra ba đêm để đọc phần hai quyển sách, vừa xem vừa xúc động cũng như ngạc nhiên với quá nhiều bất ngờ, linh thiêng trong chuyến hành hương của phái đoàn. Những con người ấy có lẽ nhân duyên trong vô lượng kiếp đã từng tu hành, từng phát nguyện hay tiền kiếp từng sống ở gần khu vực này nên giờ trở về hội ngộ với nhau. Tư nhiên, trong lòng tôi cũng dấy lên một ước ao sẽ có ngày mình được về đây đãnh lễ Ngân Sơn.Cứ mỗi lần đọc đến đâu, thường là đọc lúc khuya cho đến gần sáng, tâm tôi thanh tịnh nên tôi thường cho anh biết cảm nhận của tôi khi đọc quyển sách ấy.
Quá nhiều điều được học hỏi, được mở rộng tầm mắt với thế giới xung quanh và nhất là được mở rộng lòng mình đón nhận nhiều khác biệt, phân chia.Như có thêm một chút động lực tinh thần được tiếp sức từ quyển sách, anh cũng bắt đầu kể chuyện về hành trình đến Ngân Sơn theo hình ảnh là chính trên một diễn đàn dành cho những người thường xuyên đi du lịch, khám phá, tìm hiểu. Do đó tôi cũng bắt đầu chú ý đến những câu chuyện và hình ảnh anh mô tả theo thứ tự thời gian .
Cũng như quyển sách, đọc hành trình của anh đến đâu, tôi cho anh biết cảm nhận của tôi. Anh viết khá hay và ấn tượng nên tôi thích đọc và nhìn ảnh anh đưa lên. Chẳng biết suy nghĩ thế nào, anh nhờ tôi “giám sát” dùm hành trình của anh, xem anh có để cái ngã của mình ra quá nhiều, một việc làm tưởng như trong mơ vì chẳng bao giờ tôi nghĩ mình đủ khả năng để giám sát hành trình của ai cả. Sau này anh nhờ tôi dịch dùm một vài đoạn giới thiệu về hành trình của anh cho bạn bè quốc tế vì các bạn cũng rất thích thú với những tấm ảnh về Ngân Sơn của anh. Tuy nhiên, tôi nói cho anh biết và vẫn thường nói mãi là anh viết rất hay, rất sống động, lôi cuốn người đọc nên tôi chỉ đi theo làm vướng chân anh thôi. Thêm vào đó, với tôi, anh viết gì hay thế nào cũng được miễn sao anh viết từ tâm, thật lòng với chính mình thì tất cả đều hay và hấp dẫn với tôi.
Quả thật như vậy, anh kể chuyện dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác với rất nhiều thể loại, nào bi kịch, chính kịch và hài kịch, cùng anh đi du lịch vườn tâm, du lịch tâm linh, du lịch thiên nhiên, du lịch mạo hiểm và kể cả du lịch tự thân. Gần như thể loại nào anh cũng hoàn thành rất tốt khi bạn đọc vừa cười ngã nghiêng ở trên thì xuống dưới sẽ bị rưng rưng ngấn lệ với những phút giây nhớ về kỷ niệm xa xưa thiếu thời. Thế nên, hành trình của anh thu hút rất nhiều bạn đọc cũng như gieo thêm chút duyên lành trợ lực giúp các bạn thêm vững tâm lên đường đi chiêm bái Ngân Sơn.
Những dòng chữ anh viết, những bức tranh đầy sống động được anh mô tả gợi lên cho tôi quá nhiều kỷ niệm, nhất là những kỷ niệm khi còn ở quê nhà bên con kênh, dòng sông và cánh đồng trong những ngày hè êm đềm. Ở nơi ấy tôi cũng có một tuổi thơ đẹp lắm ,nhiều hình ảnh, sắc màu, không bị khuấy động chao nghiêng bởi tham sân si, bởi lợi và danh của thế giới người lớn đầy phức tạp.
Có lẽ tuổi thơ của anh cũng như tôi, cũng nghịch ngợm phá phách để rồi giờ ở quê xa từ một phương trời vô định, ký ức tuổi thơ ấy lại quay về nuôi lớn tâm mình. Ký ức tuổi thơ ấy sẽ mãi hiện hữu trong tôi không có gì thay thế được. Thế mới biết nghèo có cái vui của nghèo và hạnh phúc không phải là một cái gì đó quá khó khăn khó tìm. Mỗi khi mệt mỏi với cuộc sống đua chen, tôi lại quay về tự thân mình, ước ao được ngồi lặng im trên một cánh đồng lúa nào đó hay trong vườn cây trái của gia đình thưở xưa. Quê xa ai không khỏi xúc động bồi hồi khi nghĩ đến.
“Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẫng đầu nhìn trăng sáng
Cuối đầu nhớ cố hương.”
Tôi là một phật tử rất kính tin tam bảo dù chỉ bước vào con đường tu hành tịnh nghiệp của Phật pháp chỉ được bốn năm. Vì thế, chuyến hành trình tâm linh của anh càng cho tôi nhiều cảm nhận và hiểu hơn về giáo lý Phật Đà. Theo lời anh kể rất nhiều chuyện linh thiêng, trung hợp, nhiệm màu đã xảy ra, dù không phải là lần đầu tiên nghe thấy hay chứng kiến nhưng tôi vẫn cảm nhận hơn sự vi diệu của Phật pháp. Các vị chân sư, những bậc giác ngộ đều ẩn danh tu hành theo hình tướng nhưng tâm họ mãi luôn toả sáng, gia trì, chỉ có chúng ta với con mắt thịt tầm thường mang lòng mình ra hơn thua đố kỵ, mang tri kiến cá nhân mà phán xét theo cái ngã thường tình chứ các bậc giác ngộ ấy đâu bao giờ từ bỏ chúng ta.
Có lẽ những chuyện linh thiêng nhiệm màu trong chuyến hành hương Ngân Sơn kỳ này đã làm cho anh hiểu hơn một chút về Phật Giáo, làm anh chấn động tâm linh khi chứng kiến quá nhiều điều lạ lùng xảy ra. Cũng phải thôi vì với tri kiến bình thường, những nơi tâm linh thường bị nghịch duyên rất khó đến thế mà anh, một người chưa hiểu nhiều về Phật Giáo, chưa tu hành được tịnh chuyên, chưa viếng thăm nhiều thánh tích Phật giáo lại có đủ duyên là một trong năm người của phái đoạn chiêm bái hết vòng ngoài của Ngân Sơn trong 52 cây số. Những thành viên khác của đoàn anh, kể cả vợ chồng tiến sĩ Bách, những người tổ chức chuyến đi và ao ước được đến Ngân Sơn đãnh lễ cũng phải dừng lại. Thế mới thấy “núi chọn người chứ không phải người chọn núi” chính là đây.
Theo thời gian với những tấm ảnh thực tế do anh chụp về Ngân Sơn càng làm tôi ngưỡng mộ, khâm phục những ai dám liều mình đến đây thăm viếng. Ba ngày đi xung quanh Kora làm tôi liên tưởng đến con đường tu hành của nhà Phật. Ngày thứ nhất còn được thong thả, còn được có bạn đạo dẫn dắt, chưa quá nguy hiểm thì cũng như khi mới bước chân vào cửa đạo cũng cần có thầy tổ, có bạn tu, có sách vở trợ duyên thêm để đi vào. Đến ngày thứ hai, con đường vô cùng hiểm trở, không ai có thể giúp được ai, chỉ có thể dựa được vào thực lực của chính mình, nếu vượt qua ngày thứ hai xem như đã gần đến đích trọn vẹn. Tương tự như vậy, khi đã bước chân vào cửa đạo, người tu hành cần phải tự tu tự chứng, không ai có thể gánh nghiệp hay tu thay ai, kể cả Đức Phật, phải “tự mình thắp đuốc lên mà đi” Đến ngày thứ ba lên Ngân Sơn, ngày cuối đỡ mệt hơn và đã hoàn tất xong hành trình, lúc này muốn trở lại cũng dễ dàng hơn. Cũng như vậy, khi đã tự tu tự chứng, vượt khỏi sanh tử luân hồi đầy khó khăn để về đất Phật thì tuỳ theo hạnh nguyện có thể tu tiếp hay quay trở lại giúp đỡ mọi người. Ba ngày nhiễu bái Kora cũng như một lần nữa chư Phật đã tạo nên giúp hành giả hiểu hơn về phật pháp mà biết tu hành cho tốt hơn.
Tôi rất yêu thiên nhiên nên vô cùng xúc động bàng hoàng khi thấy những tấm ảnh quá đẹp, quá rực rỡ không từ ngữ nào có thể mô tả được. Đó là thành Thiên Đế, đường vào Kora, những dòng suối trong vắt róc rách giữa lưng trời, hồ Mặt Nhật và hồ Mặt Nguyệt đẹp lạ lùng, cứ như cảnh tiên khi mây trời Tây Tạng chuyển sắc màu liên tục. Đứng giữa màu trời huyền ảo toả rạng trên hồ Mặt Nhật và Mặt Nguyệt với từng đàn chim Hải Âu lượn bay ngang trời chỉ có một không hai trên quả đất này làm tôi ước ao nếu không đủ duyên chiêm bái Ngân Sơn thì cũng hãy cho tôi được đến đây đi dạo thiền hành.
Tôi ước mình là cánh Hải Âu tung bay giữa đất trời diệu kỳ ấy. Màu nước xanh trong vắt lấp lánh như pha lê nếu ai được một lần tắm ở đây sẽ thanh tẩy đi rất nhiều nghiệp chướng đời thường trong vô lượng kiếp. Bất giác, tôi nhớ đến bộ phim Tây Du Ký, thầy Đường Tam Tạng phải xuống tắm gội ở hồ nước thiêng trước khi vào lạy Phật nhân kinh sách. Có lẽ những hồ nước linh thiêng này chỉ để ngắm nhìn và chiêm bái, thanh tẩy bớt chút xác trần trước khi đi vào miền tịnh thổ Ngân Sơn. Thế mà lạ lùng làm sao, anh cũng liều mình gan dạ “trần mình” giữa những hồ nước thiêng ấy.
Tôi cũng thương cảm xúc động cho những con người phục vụ đi theo đoàn ở các nước nghèo lo cơm ăn, chăm sóc sức khoẻ và tận tuỵ hết mình vì công việc, nhìn họ lam lũ chấp nhận. Thế mới thấy anh và phái đoàn được đến Ngân Sơn là biết bao nhiêu sự giúp đỡ trợ lực của rất nhiều người. Trên con đường đến Tây Tạng, đời sống của những người dân nơi miền đất Phật linh thiêng sao quá lam lũ, khổ sở. Thế mà nhìn nét mặt ai cũng vui vẻ, chậm rãi, bình an và hạnh phúc. Họ như chấp nhận nghiệt ngã cuộc sống của chính mình miễn mong sao có đủ cơm ăn một ngày, chẳng nghĩ ngợi đâu xa và mặc định cho số phận. Trong khi chúng ta, những con người sống trong sự văn minh hiện đại, có đầy đủ tất cả vẫn muốn hơn là hơn, không bao giờ biết đủ, kể cả đến lúc vô thường ập đến vẫn lo bám vào lợi danh vật chất thay vì giữ cho tâm mình được lặng bình. Nhìn cảnh kẻ ăn không hết người lần chẳng ra mới thấy địa ngục trần gian ngay trước mặt.
Thầy Đường Huyền Trang xưa kia vì lòng kính tin Tam Bảo, muốn truyền bá giáo pháp nên đã đi bộ đến Ân Độ, vượt qua hơn 100 nước trong mười bảy năm để mang kinh sách về cho Đại Đường.. Sự vĩ đại của người xưa thật đáng khâm phục. Thế hệ chúng ta bây giờ, như lời tiến sĩ Bách, có xe để đưa đi, có máy bay chở đến chiêm bái thánh tích quá dễ dàng nên mấy ai biết quý yêu, trân trọng và thành tâm tìm hiểu trước khi bước vào thánh địa tâm linh đa sắc màu. Tôi ước mong sao bàn tay con người đừng chạm vào những nơi linh thiêng này, đừng khai quật thánh tích, đừng biến những nơi này chỉ làm trò giải trí thoả mãn dục vọng thấp hèn của con người để rồi thánh tích lại bị tàn phá vô lý như những kim Tự Tháp Ai Cập và hàng ngàn thánh tích khác trên thế giới. Chúng ta mang danh con người tri thức nên tất cả đều muốn đập phá ra hết tìm hiểu, đi ngược lại với thiên nhiên nên gần như những nơi nào có bàn tay con người chạm vào đều trở nên hư hỏng, tan nát.Dù biết tất cả đều thuận theo lẽ vô thường, có sinh ắc có diệt và bất cứ cái gì có hình tướng đều là không thật nhưng thật đau lòng khi thấy thánh tích không được chăm sóc cẩn thận mà chỉ bị phá hoại, để mang lại tiền của vì khai thác du lịch, cho những thú vui tiêu khiển trong một trống canh rồi tất cả lại chìm lặng xuống.
Ngân Sơn của anh, của tôi và của hàng tỷ những con người khác trên thế giới sẽ mãi vẫn còn nguyên sơ tươi đẹp. Tôi nguyện mong hãy để nơi ấy với nét đẹp bình dị, sâu lắng, giàu thành tâm để bất cứ ai được một lần đến đây sẽ cảm nhận được sự vi diệu ấy , để khi ra về biết mình nên sống như thế nào cho hợp lý với bản thân, xã hội và gia đình. Tôi xin cảm ơn anh rất nhiều vì đã cho tôi được theo chân anh đi thăm một miền thánh tích Phật Giáo mà hàng tỷ con người trên trái đất cũng muốn đến. Xin tri ân anh với cả tấm lòng đã dành tặng cho tôi một quyển sách vô giá cũng như nhiều bài học đáng nhớ, đáng suy ngẫm trên con đường tu hành vượt thoát luân hồi.
Nguyện mong anh sẽ mãi luôn giữ được ý chí, nghị lực, niềm tin, sự thành tâm, sống trọn đạo với tình người và tiếp tục hoàn tất hành trình tâm linh đến Ngân Sơn còn giang dỡ. Nguyện chúc anh mãi luôn bình an, gặp được nhiều bạn đạo, thầy tâm linh, các bậc thiện tri thức để gieo đủ duyên lành anh sẽ hiểu sâu hơn lời Phật dạy mà tinh tấn tu hành. Mong có một ngày tôi cũng sẽ như anh, được đãnh lễ hành hương đến Ngân Sơn và những miền thánh địa linh thiêng khác của Phật Giáo trên thế giới này, để hoà mình vào vũ trụ bao la trong tình thương yêu toả rạng của chư Phật mười phương.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát!
Ngọc Hằng