LỜI GIỚI THIỆU

“Người xưa khi có việc phải đi xa, lúc sắp chia tay họ không mong cầu châu báu, chỉ xin một lời khuyên, xem đó là ân huệ”. Nếu như ai thấu hiểu lời nói này, sẽ có khả năng chuyển hóa tất cả, lập thân dương danh ngay hiện đời.

Lúc nắng lo khi mưa; lúc no lo khi đói. Cuộc sống chúng ta tất cả đều ở trong tư thế dự phòng, lo cho tương lai. Tương lai hạnh phúc tuy là chuyện mai sau nhưng tất cả đều tùy thuộc vào hiện tại. Thế nên, lúc sống lo cho ngày chết ấy là lẽ đương nhiên. Đời người sẽ là một hành trình bất tận, nhưng bất tận với những ai không biết nẻo để quay về. Con người ta sinh ra ai ai rồi cũng phải chết, đó là qui luật của tạo hóa, là chuyện thường tình ở thế gian, nhưng đức Phật dạy: “Sanh tử là việc lớn”, vì có sự cách biệt giữa hai nẻo siêu thăng và đọa lạc.

“Nghĩa tử là nghĩa tận” cho dù trong cuộc sống có bận rộn thế nào đi nữa, nhưng khi hay tin người thân qua đời, phải tạm ngưng mọi việc, đến để chia buồn thắp lên một nén hương cầu nguyện cho người mất tạm coi là lời tiễn biệt.

Đấy là nghĩa cử cao đẹp của một con người. Nhưng ta phải làm thế nào để “Mất còn đều lợi” đó là vấn đề cần nên xét lại và cũng là những gì được trình bày đầy đủ ở tập sách “Hành Trang Cho Ngày Cuối” nầy.

Xin trân trọng giới thiệu bản dịch cùng bạn đọc.

Mùa Vu Lan 2005

Tỳ Kheo Thích Lệ Trang

LỜI TỰA

Như Lai vì một nhân duyên lớn mà hiện ra đời nhằm mở bày cho chúng sinh ngộ vào tri kiến Phật. Tuy nhiên, muốn mở bày để ngộ vào tri kiến hẳn phải có phương tiện. Thế nên mới có ba tạng giáo điển và mười hai bộ kinh, gồm thâu tám vạn bốn ngàn pháp môn.

Lẽ cùng cực ấy đều vì mở bày ngộ vào tri kiến Phật và đều vì một đại sự nhân duyên này vậy !

Kinh Pháp Hoa chép : “Ta dùng sức trí huệ vì biết được tánh tham dục của chúng sanh, nên dùng phương tiện diễn nói các pháp, đều khiến cho được hoan hỉ”. Lại nói : “ a ưa dùng pháp vô úy ở trong các bồ tát, liền bỏ hẳn phương tiện chỉ nói đạo vô thượng”. Phương tiện nói các pháp là phương tiện bỏ hẳn các phương tiện, tức là chân thật : Mở ra cửa phương tiện, khơi bày tướng chân thật, cho nên một bộ kinh Pháp Hoa này là vua trong ba tạng vậy !

Pháp môn Tịnh Độ gọi là phương tiện thứ nhất trong các phương tiện, là vô thượng liễu nghĩa trong các pháp liễu nghĩa, viên đốn đến cùng cực trong các pháp viên đốn.

Đại sư Ngẫu Ích nói : “Chư Phật vì thương xót chúng sanh mê mờ nên theo căn cơ mà giáo hóa, tuy nẻo về không hai nhưng phương tiện có nhiều môn. Song trong tất cả các phương tiện, nếu tìm pháp môn rất vắn tắt, rất viên đốn thì chẳng gì bằng niệm Phật để cầu sanh Tịnh Độ”. Thế mới có pháp môn Tịnh Độ, thật cùng với Pháp Hoa là một vị, tức là phương tiện và cũng là chân thật.

Tổ sư Ấn Quang đã từng dạy : “Nếu chúng sanh trong chín cõi lìa bỏ pháp này thì trên không lấy đâu mà thành Phật đạo, còn mười phương chư Phật nếu bỏ pháp này thì dưới không thể độ khắp chúng sanh”. Vì pháp môn Tịnh Độ có công dụng như thế, nên mười phương chư Phật đều khen ngợi, chín cõi đồng về, ngàn kinh đều xiển bày và muôn luận thảy thảy tuyên vậy !

Đến như người tu pháp môn Tịnh Độ phải tin sâu nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Phật để được lâm chung nhất niệm là việc càng quan trọng hơn. Thuở xưa, Tổ Ấn Quang đã từng in quyển “Sức chung Tân Lương” lưu thông khắp gần xa, người đọc nếu nương vào đấy thực hành thì được rất nhiều lợi ích. Nay hai thầy Tây Chấn và Thế Liễu vì muốn lưu thông pháp bảo nên soạn ra bộ “Sức chung tu tri”. Lời văn tuy đơn giản, nhưng ý chỉ thật cặn kẽ. Nếu ai hay ở ngay quyển sách này mà tha thiết coi trọng, y như pháp mà thực hành thì người mất nhất định sẽ được vãng sanh Tây phương. Sự lợi ích ấy nào có thể lường được ư ?

Nói đến ý nghĩa thâm áo của pháp môn Tịnh Độ, cho dù ngàn kinh muôn luận mở bày không sót, nhưng vẫn có một số người còn mê lầm, không thể không giải thích cho tường tận. Có người bảo niệm Phật phải niệm thật tướng Phật, không nên niệm sáu chữ hồng danh. Đây là sai lầm vậy ! Nói đến thật tướng tức là lìa tất cả các sự tướng, tất cả các pháp lặng soi không hai, sắc thân cõi nước không hai, tánh tu không hai, chơn ứng không hai. Vậy đây đều là thật tướng ! Thế thì nào có thể lìa sáu chữ hồng danh mà riêng cầu thật tướng đấy ư ? Thế nên hồng danh vừa niệm thì pháp giới rỗng rang, sáu chữ kiên trì thì thể mầu toàn hiện. Nếu có tri kiến chia rẽ giữa thật tướng và hồng danh thì chẳng có thể biết được thật tướng vậy! Có người bảo nên niệm Tỳ Lô Giá Na, không nên niệm A Di Đà vì Tỳ Lô Giá Na là pháp thân của Phật; còn A Di Đà là ứng thân của Phật. Đây cũng là tri kiến sai lầm vậy ! Ba thân pháp – báo – ứng, một tức là ba, ba tức là một, Di Đà tức là Tỳ Lô. Nếu lại chia ra làm hai thì vừa chẳng thể biết được Tỳ Lô vậy ! Có người lại bảo nên cầu sanh về cõi Thường Tịch Quang, không nên cầu sanh về thế giới Cực Lạc Tây Phương. Đây cũng là sai lầm vậy ! Nói đến Tịch Quang, Thật Báo, Phương Tiện và Đồng Cư, “ danh ” tuy có bốn, nhưng “ thể” vẫn là một. Chưa đoạn kiến tư thì sanh vào cõi Đồng Cư, đã đoạn kiến tư thì sanh vào cõi Phương Tiện, đoạn sạch vô minh thì sanh vào cõi Thật Báo. Phần chứng được Tịch Quang, vô minh đã đoạn hết thì rốt ráo Tịch Quang. Vả lại, cõi Thường Tịch Quang không chỗ nào không sanh. Thế thì há có thể cầu sanh ư ? Cõi ấy trọn không xét về công hạnh đoạn chứng, thứ bậc tiến tu vọng cho là Tịch Quang. Phá cõi Cực Lạc này, lại không biết Cực Lạc Đồng Cư ngay nơi Tịch Quang vọng cho là Tịch Quang. Đặc biệt ở nơi Cực Lạc, hể vừa có tri kiến ấy thì chẳng thể biết được Tịch Quang vậy !

Có người bảo ngay nơi tâm là Tịnh Độ. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, chỉ nên cầu sanh về Cực Lạc ở ngay nơi tự tâm, hà tất phải cầu sanh về Cực Lạc ở phương khác ! Đây cũng là mê lầm vậy ! Nói đến tâm tức là pháp giới, Cực Lạc tuy cách xa đến ngoài muôn ức cõi nước, nhưng vốn chưa lìa khỏi pháp giới tức là không lìa ở nơi tự tâm vậy ! Nay gượng lấy sáu trần duyên theo ảnh để làm tự tâm, vậy mà muốn thu thế giới Cực Lạc vào trong vọng tâm duyên ảnh sáu trần, rồi lại vọng chấp cầu sanh, há không sai lầm sao ? Những điều sai lầm này đều chỉ nghe danh từ mà không rõ tột được nghĩa lý sâu xa, luống bày cái ngu dối nghe lầm chứng thì không sao tránh khỏi sự chê cười khi thấy chuột mà cho là chim ! Người có trí thì không nên có những điều mê lầm như vậy ! Những tệ đoan này đều là căn bệnh dễ mắc phải của người thời nay. Cứ đeo đuổi theo mục đích xa vời, chạy theo danh mà quên thật. Thế nên, tôi không từ văn chương rườm rà mà xếp loại lại, trông mong người học xét cho !

Đến như phương pháp và ý nghĩa trợ niệm khi lâm chung, trong văn đã kể rất rõ, cho nên ở đây không bàn lại nữa.

Pháp sư Diệu Chơn viết lời tựa này vào tháng 10 Âm lịch năm Giáp Ngọ tại Hoằng Hóa Xã – Thượng Hải.

LỜI TỰ TỰA

Sự đau buồn nhất ở trên thế gian này thật chẳng gì hơn cái chết. Đối với việc tử vong, chắc có lẽ mọi chúng ta không ai không biết đến và cũng không ai tránh khỏi.

Nếu chỉ biết chết là buồn thương đau khổ mà không biết tìm cầu tu học theo pháp Phật để lìa khỏi ba cõi, mãi mãi tránh khỏi được cái chết thì sự buồn đau ấy há chẳng phải là luống nhọc vô ích ư ? Cho dù có tìm được pháp môn đi nữa, nhưng không khế hợp với căn cơ. Nếu tu tập mà không chứng ngộ thì vẫn ở mãi trong sáu nẻo luân hồi. Sự đau buồn ấy cũng há chẳng phải là luống nhọc vô ích ư ?

Do đó, ba ngàn năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói rõ trong kinh Đại Tập: “Vào thời mạt pháp, ức ức người tu, nếu người tự lực nương vào giới định huệ để tu hành thì ít ai trừ sạch được phiền não nghiệp hoặc chứng được thánh quả. Chỉ có người nương theo pháp môn niệm Phật và nương vào sức thị nguyên của Phật A Di Đà, cầu sanh về cõi Tây phương thì có thể vượt thoát sanh tử ”.

Lại nữa, Tổ thứ 13 tông Tịnh Độ, tức đại sư Ấn Quang ở Linh Nham – Tô Châu cũng từng nói : “ Chín cõi chúng sanh nếu lìa pháp môn niệm Phật thì ở trên không do đâu để trọn thành Phật đạo, còn mười phương chư Phật mà bỏ pháp môn niệm Phật thì ở dưới nương vào đâu để độ khắp chúng sanh ?”. Nên biết tâm đại bi của Phật Tổ vô cùng thương xót chúng sanh bởi lẽ trong thời mạt pháp, căn lành cạn mỏng, trí huệ hèn kém, không biết thời cơ, chọn lầm pháp môn. Tuy có tu nhưng không đắc đạo, luống hao phí tâm lực, sống một đời nhầm lẫn, cho nên mới nói như thế ! Phải biết pháp môn tín nguyện niệm Phật độ khắp mọi căn cơ, không luận là tăng tục, nam nữ, già trẻ, thông minh hay ngu đần; cho đến kẻ phát tâm sớm muộn, kẻ có tội nghiệp nặng nhẹ …, những hạng người như thế nếu có đầy đủ lòng tin tha thiết, hạnh nguyện kiên trì, chân thật niệm Phật, cầu sanh Tây phương thì cho đến trọn đời không thoái chuyển. Người ấy đến khi mạng chung, nhất định sẽ nương nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực Lạc ở Tây phương. Ngay cả người lúc thường ngày chưa biết tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương, nhưng khi lâm chung, nếu gặp được thiện hữu khai thị dẫn dắt khiến họ sanh lòng tin nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương, những người trong gia đình đều không đau buồn khóc lóc và không than vắn thở dài, lại như pháp mà giúp đỡ họ niệm Phật thì người này nhất định sẽ được vãng sanh Tây phương. Nên biết rằng lẽ cốt yếu để vãng sanh Tây phương tuy ở nơi tâm niệm rốt sau của mình làm chủ, nhưng cũng rất chú trọng pháp trợ niệm.

Buồn thay ! Ngặt nỗi pháp lâm chung trợ niệm này ở người thế tục vẫn chưa được phổ biến, nên khi gặp người sắp mất, những người trong gia đình thường lúng túng mê mờ không biết phép trợ niệm danh hiệu Phật để đưa thần thức của người quá cố vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, mãi mãi hưởng thọ quả vui. Chẳng những thế, họ lại còn buồn thương, khóc lóc, kêu réo … khiến cho thần thức người mất bị đọa lạc trong ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh) và chịu khổ mãi. Vì thế, pháp sư Tây Chấn có lòng từ bi chí thiết, thương xót những người thế tục phần nhiều chưa nghiên cứu Phật học. Họ không biết rằng : “ Cách trợ niệm cho người sắp mất có công năng mầu nhiệm như điểm sắt thành vàng ”. Cho nên, pháp sư ở khắp nơi, tuyên truyền mở tỏ những việc lợi hại lúc lâm chung và tổ chức Ban trợ niệm học tập phương pháp trợ niệm cho người sắp mất. Vì người tu tịnh nghiệp khi sắp mất giúp thành một đại sự nhân duyên vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, lại nhân vì có hai quyển “ Sức Chung Tân Lương ” và “ Nhân Sanh Chi Tối Hậu ” có văn nghĩa quá sâu, không tiện để người sơ cơ học tập; cho nên pháp sư Tây Chấn dặn đi dặn lại, bảo Liễu tôi phải chọn những yếu ngữ lâm chung của các bậc cổ đức, dùng văn chữ Bạch thoại thông thường sao chép lại để làm tài liệu học tập. Liễu tôi thật khổ não, lúng túng vì vô học (không có học). Tuy gom nhặt được vài bản thảo, nhưng việc làm này cũng rất ư là miễn cưỡng. Lại e rằng văn nghĩa sai lệch, làm lầm loạn Phật pháp và để lại sự sai sót đáng tiếc cho chúng sanh. Cho dù là xuất phát từ tâm lành, nhưng lại tạo ra đại tội ! Nhân thế, trước đem bản thảo kính thỉnh các bậc cao tăng đại đức nổi tiếng trong nước hiệu đính, rồi sau mới dám in ấn lưu hành. Nguyện cầu khắp nơi cùng làm liên hữu ! Ngưỡng mong người đọc sách này chớ chê văn chữ nông cạn sơ sài. Nếu có ai hay y cứ theo thật nghĩa mà thực hành thì người người đến lúc mạng chung, liền cùng nhau vượt qua khỏi chốn Ta Bà, tạ từ bể khổ sanh tử, đồng sanh về nước an dưỡng, mãi mãi hưởng thú vui mầu nhiệm Niết Bàn.

Ngày Phật hoan hỉ, mùa thu Phật lịch 2981 năm. Tịnh nghiệp hậu học Thế Liễu kính cẩn viết lời tựa ở tịnh xá Hương Lâm Nhất Hành.

( Thiện Phước dịch – từ nguyên bản tiếng Hán : Sức Chung Tu Tri )



Có 1 phản hồi đến “Hành Trang Cho Ngày Cuối - Lời Giới Thiệu”

  1. Lê thị lý đã nói

    Con muốn mua sách này ah. Số lượng 20 quyển có được k ah

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com