Phật Thích Ca Mâu Ni nói kinh A Di Đà ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Ngài khen ngợi y chánh trang nghiêm nơi thế giới Tây Phương Cực Lạc, khuyên chúng sanh nên phát nguyện vãng sanh.

Kinh chép: “Như ta nay khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà thì tại phương Đông có Phật A Súc Bệ … phương Tây có Phật Vô Lượng Thọ … phương Bắc có Phật Diệm Kiên … phương hạ có Phật Sư Tử … phương thượng có Phật Phạm Âm… cùng hiện ra tướng lưỡi rộng dài, nói lời thành thật. Chúng sanh các ngươi phải tin kinh này có công đức không thể nghĩ bàn và được tất cả chư Phật hộ niệm.”

Vãng sanh về nước Tây Phương Cực Lạc là một nhân duyên lớn, chư Phật ở sáu phương cùng khen ngợi. Hễ người có lòng tin, phát nguyện niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc thì nhất định được vãng sanh. Lý thật, sự thật, nên tin chắc.

HỎI: Nói rằng người niệm Phật, ai ai cũng được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, nhưng tôi thấy rất nhiều người xuất gia, tại gia thường ngày ăn chay niệm Phật cầu sanh Tây phương, vậy mà đến lúc lâm chung thì mê muội tán loạn, rất ít người thật sự vãng sanh. Tại sao lại như thế?

ĐÁP: Những người ấy do lúc lâm chung không đầy đủ nhân duyên. Nếu lúc lâm chung được đầy đủ nhân duyên thì mười người tu vãng sanh được mười, người, trăm người tu được vãng sanh trăm người, ngàn vạn người tu được vãng sanh ngàn vạn người.

HỎI: Thế nào là nhân duyên?

ĐÁP: Người tu hành lúc bình sanh phát lòng tín nguyện chân thật niệm Phật cầu sanh Tây phương, đến lúc lâm chung cũng tín nguyện niệm Phật giống như thường ngày. Tâm niệm đó chính là nhân tự lực. Nếu như thường ngày chưa biết tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương, đến lúc lâm chung được bạn bè thân thích hướng dẫn khiến sanh lòng tín nguyện cầu sanh Tây phương, đây là tâm tín nguyện cầu sanh và cũng là nhân tự lực. Giáo chủ A Di Đà Phật muôn đức hồng danh tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh về thế giới Cực Lạc và khi lâm chung được bạn lành trợ niệm. Đây đều là duyên tha lực.

HỎI: Người tu lúc lâm chung nều đầy đủ nhân duyên, liền được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế nào?

ĐÁP: Người tu lúc sắp mạng chung tín thành tha thiết niệm Phật. Đức Phật sở niệm là duyên tha lực, còn tâm năng niệm là nhân tự lực. Ngay trong lúc tin sâu, nguyện thiết, chí thành niệm Phật là dùng tâm năng niệm, niệm Phật sở niệm. Phật sở niệm nhân vì tâm năng niệm mà hiển hiện, tâm năng niệm nhân vì Phật sở niệm mà được thanh tịnh. Thời điểm này chính là tự lực và tha lực cảm ứng đạo giao, nhân và duyên hòa hợp, cho nên được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Đây là lẽ tất nhiên !

HỎI: Người tu lúc lâm chung, nhân và duyên không đủ thì không được vãng sanh. Tại sao?

ĐÁP: Người thường ngày có tín nguyện tu lập pháp môn niệm Phật mà chưa thành thạo, đến lúc lâm chung, tuy có lòng tín nguyện cầu sanh về Tây phương (có nhân), nhưng vì bị khổ đau bệnh hoạn bức ngặt, tâm không khởi niệm danh hiệu Phật được, không có bạn lành an ủi, chỉ dẫn và trợ niệm (không duyên); lại vì những người trong gia đình không biết, buồn khóc khổ đau, tạo ra các thứ trở ngại. Trong tâm người bệnh khởi lên rất nhiều khổ não, những người trong gia đình không nên khóc lóc làm trở ngại mà hãy giúp đỡ họ niệm Phật cầu vãng sanh về Tịnh Độ. Tuy họ không nói ra, nhưng lúc ấy vô cùng đau khổ, đến khi mạng chung lẽ ra thần thức người ấy được thác sanh về cõi nước thanh tịnh trang nghiêm của Phật A Di Đà, mãi mãi hưởng thọ an lạc thành tựu Phật đạo độ khắp chúng sanh, nhưng vì gia đình, bà con… buồn khóc, gây ra các thứ trở ngại, một tâm niệm rốt sau ấy liền rong ruỗi theo phiền não mà bị đọa lạc. Đây là mối tương quan giữa sự có nhân mà không duyên, cho nên không thể vãng sanh.

Lại có người thường ngày tha thiết tín nguyện niệm Phật, đến lúc lâm chung, trợ duyên cũng rất tốt, cũng có bạn lành đến giúp đỡ niệm Phật và những người trong gia đình đều không khóc lóc làm chướng ngại (có duyên). Nhưng người ấy trong lòng sanh điên đảo, tham đắm vào dục tình thế gian và luyến ái vợ con, tài sản… không phát tâm niệm Phật để sanh về Tây Phương Cực Lạc (không nhân), đến một tâm niệm sau cùng cũng bị tình ái dục nhiễm lôi dắt, đọa vào ác đạo. Đây là mối tương quan có duyên mà không nhân, cho nên cũng không được vãng sanh.

Lại có người ngày thường tuy niệm Phật, chỉ cầu nguyện cho gia đình được bình an che chở và thọ mạng lâu dài, đến lúc lâm chung, trong tâm luôn sợ chết. Ví như căn bệnh khi mới phát sanh, tuy cũng khởi tâm niệm Phật, nhưng họ chỉ cầu cho bệnh tật được mau lành, không phát tâm cầu mong sanh về Tây Phương Cực Lạc (không nhân). Bệnh tình mỗi lúc một trầm trọng. Hơn nữa, khi bệnh khổ đã hiện bày thì họ không thể an lòng niệm Phật, chỉ rên la, kêu réo trời đất, cha mẹ… Nếu như những người trong gia đình không tin Phật pháp, hoặc có tin nhưng chưa hiểu rõ nghĩa lý trong kinh đức Phật dạy thì họ chẳng những không trợ niệm dẫn dắt (không duyên), lại còn khóc lóc, kêu réo, gây ra các thứ trở ngại làm cho nỗi đau khổ và phiền não trong tâm người bệnh trỗi dậy, thất rối rắm không thể nói. Đây cũng giống như người rơi xuống giếng, lại còn ném đá theo. Thật là khổ não đau xót khôn cùng ! Đối với hạng người này, một niệm sau khi mạng chung nhất định sẽ bị phiền não ác nghiệp lôi dắt và đọa ngay vào trong ba đường ác. Đây là mối tương quan không nhân và cũng không duyên, cho nên không thể vãng sanh tây phương.

Ba hạng người nêu trên lúc lâm chung có nhân tự lực, nhưng không có duyên tha lực. Có duyên tha lực, nhưng không có nhân tự lực vì không được hai lực tự và tha cảm ứng đạo giao, nhân duyên hòa hợp, nên không được vãng sanh Tây phương.

HỎI: Người lúc lâm chung, nhân duyên thế nào thì mới đầy đủ và được vãng sanh Tây phương?

ĐÁP: Nếu người có đại căn cơ, thường ngày có tín nguyện niệm Phật; tín nguyện đã tha thiết, niệm Phật công phu lại rất thuần thục; lúc lâm chung không cần ai ở bên cạnh trợ niệm, người ấy tự nhiên sẽ tín nguyện niệm Phật như thường ngày, trong lòng không có các tướng: động, tĩnh, khổ vui, thuận nghịch… niệm niệm nối nhau, an trụ trong câu A Di Đà Phật.

Kinh A Di Đà chép: “Nhất tâm bất loạn thì liền được vãng sanh”. Niệm tâm là nhân tự lực năng cảm; Phật cảnh là duyên tha lực sở cảm. Đây là được đầyđủ nhân và duyên.

Lại có người thường ngày có tín nguyện niệm Phật nhưng công phu chưa thuần thục, đến lúc lâm chung, khởi lòng tín nguyện cầu sanh Tây phương, tha thiết hơn thường ngày, không luận là bệnh khổ hay các thứ phiền não dấy hiện, người ấy chỉ một lòng cầu nguyện vãng sanh trước sau không dời đổi, gia đình người ấy có tri thức, hiểu rõ việc lợi hại lúc lâm chung, không buồn đau hay làm các thứ trở ngại; lại có thiện hữu đến trợ niệm dẫn dắt. Trong tâm người bệnh, ỗi niệm đều nương tựa vào hồng danh A Di Đà Phật. Đến lúc mạng chung, tâm niệm rốt sau niệm Phật và theo Phật vãng sanh về Tây phương. Đây là người có đầy đủ nhân và duyên.

Lại có người ngày thường không biết tín nguyện niệm Phật cầu sanh về Tây phương, đến khi lâm chung được thiện hữu dẫn dắt hoặc nói về sự an vui, thanh tịnh và trang nghiêm ở thế giới Cực Lạc, khiến cho người bệnh sanh lòng hoan hỉ mong cầu. Lại nói Phật A Di Đà có phát ra 48 lời thệ nguyện tiếp dẫn chúng sanh, khiến cho người bệnh sanh lòng chánh tín niệm Phật cầu sanh Tây phương. Người bệnh ấy khi nghe được, liền hoan hỷ tín nhận niệm Phật và quyết định cầu nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Quyến thuộc đều nghe theo lời chỉ dẫn của thiện hữu mà không làm các thứ chướng ngại, niệm niệm nối nhau, nương vào từ lực của chư Phật tiếp dẫn vãng sanh về Tây phương. Đây là nói nhân và duyên đều đầy đủ.

Trên đây đã lược nêu ra ba hạng người lúc sắp mạng chung, hai lực Tự Tha đầy đủ thì cảm ứng đạo giao, nhân duyên hòa hợp, cho nên được vãng sanh tây phương.

HỎI: Người thường ngày hoàn toàn chưa biết tín nguyện niệm Phật, đến lúc lâm chung, gặp thiện hữu dẫn dắt, sau khi nghe liền sanh lòng hoan hỷ, tin nhận và phát nguyện cầu sanh về Tây phương. Những người trong gia đình đều không khóc lóc buồn thương, lại còn giúp đỡ họ niệm Phật, khi mạng chung cũng được vãng sanh về Tịnh Độ. Tại sao lại có chuyện dễ dàng như thế ?

ĐÁP: Trên đây đã nói rõ sáu điều kiện về người lâm chung được vãng sanh Tây phương, còn chuyện dễ hay không thì cũng được trình bày rất minh bạch. Sao bạn lại hoài nghi ? Nếu hiểu được hạng người này bình thường chưa từng tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương, đây là vì không biết nguyên do. Đến lúc lâm chung, vì được bạn lành dẫn dắt, người này nghe được, trong lòng sanh hoan hỷ, đây là biểu hiện họ có gieo trồng căn lành ở đời trước. Tâm thức người này thật không giống với lúc bình thường, lại tin nhận niệm Phật, phát lòng cầu sanh Tây phương, đây là nhân thù thắng. Bạn lành dẫn dắt và quyến thuộc giúp đỡ niệm Phật. Trợ duyên này thật mạnh mẽ, lại nhờ vào nguyện lực từ bi của Phật A Di Đà tiếp dẫn, quả là nhân và duyên in hợp nhau. Vậy người tu lúc mạng chung nhất định được vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ, lại có gì ngăn ngại được ?

HỎI: Mỗi người chúng ta phải vì cha mẹ, bà con của mình, đến lúc mạng chung giúp đỡ họ niệm Phật và đưa họ về Cực Lạc tây Phương; giá như mời mà các thiện hữu không thể đến được; mọi người trong gia đình chưa hiểu về giáo lý nhà Phật, cho dù có mở bày hướng dẫn phương pháp trợ niệm thì cũng không thể hiểu. Xin hỏi có kinh sách gì giảng giải phương pháp trợ niệm mà văn tự tương đối dễ xem, dễ hiểu và dễ học tập để mọi người tìm hiểu, đây không phải là việc tốt hơn sao?

ĐÁP: Các bạn nếu thật lòng muốn thực hành đạo từ bi, hiếu thuận, thương yêu thân bằng quyến thuộc của mình, khiến trừ sạch những nỗi sanh tử khổ đau, trợ niệm cho họ vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc mãi mãi được an lạc cho đến thành tựu Phật đạo, độ khắp chúng sanh; chỉ cần nương theo nội dung và ý nghĩa các đề mục trong sách này thực hành, đến lúc mạng chung nhất định được vãng sanh sang thế giới Tây Phương Cực lạc.

Tác giả: Pháp sư Thế Liễu

Dịch giả: Thích Thiện Phước




Có phản hồi đến “Người Tu Niệm Phật Khi Lâm Chung Có Được Vãng Sanh Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com