1. Phát tâm giúp đỡ người khác trợ niệm vãng sanh Tây Phương. Đây là một trọng trách thay thế đức Như Lai gánh lấy trách nhiệm hóa độ mọi loài liễu sanh thoát tử. Chúng ta khi thực hành đại sự cứu độ chúng sanh thì nhất định phải hành sự một cách nghiêm túc, không được phô diễn làm mê lầm đại sự nhân duyên liễu sanh thoát tử của người khác. Thất thận trọng !

2. Khi đến nhà người bệnh để trợ niệm, trước phải mời những người thân đến và nói rõ mối tương quan trọng yếu siêu thăng hay đọa lạc của người sắp mất: “Đây là trách nhiệm của toàn thể gia đình bạn. Nếu các bạn muốn người thân mình được siêu thăng, không đọa lạc thì nhất định phải nghe theo lời chỉ dẫn của chúng tôi, không nên trái nghịch dù chỉ là chút ít, thế mới bảo đảm được người sắp mất nhất định vãng sanh về thế giới Cực Lạc Tây Phương”.

3. Người trợ niệm đến phòng người bệnh phải có thái độ thành khẩn, lời nói phải hòa nhã; người bệnh khi nghe được, trong lòng sẽ không hoài nghi; trước phải khen ngợi những việc làm làng trong đời sống thường ngày của họ khiến cho họ sanh lòng hoan hỉ. Kế đến lại nói các pháp để họ sanh lòng an lạc và khởi niềm tin chân chánh cầu sanh về Tây phương. Người trợ niệm phải nghĩ rằng họ chính là thân thuộc của mình. Phải biết rằng ở đời này, tuy không phải là người thân thuộc chân thật, nhưng một – hai – ba đời về trước cũng từng làm thân thuộc lẫn nhau. Người trợ niệm nếu quán tưởng người bệnh là thân thuộc của mình thì tâm trợ niệm danh hiệu Phật sẽ tha thiết hơn nhiều.

4. Trong phòng bệnh, ngoài người khai thị cho người bệnh ra, còn tất cả những người khác không được tiếp chuyện với người bệnh, cũng không cho ở trong phòng bệnh rảnh rang ngồi nói chuyện tạp khiến cho người bệnh nghe được, rồi phân tâm quên mất chánh niệm. Nếu có bà con hàng xóm muốn đến thăm viếng thì người trợ niệm phải hỏi họ rằng: “Bạn đến để giúp cho người bệnh niệm Phật phải không ?” Nếu quả đúng như vậy thì phải nghe theo lời chỉ dẫn của người trợ niệm để khỏi bị trở ngại. Nếu không phải đến để trợ niệm thì phải tùy thời mà nói rõ với người thân dẫn khách đến chỗ khác để tiếp chuyện, hầu tránh cho người bệnh thấy sanh tình cảm luyến ái, làm trở ngại đến chánh niệm của họ. Đây là trách nhiệm của người trợ niệm, không nên nể tình. Nếu vì nể tình làm trở ngại cho người bệnh quên mất chánh niệm, không được vãng sanh thì đó chính là trái với bổn hoài độ sanh của chư Phật và cũng không hợp với tông chỉ trợ niệm !

5. Niệm Phật bốn chữ, sáu chữ, mau chậm, cao thấp nhất định phải hỏi qua sở thích của người bệnh. Nếu người bệnh không thể nói được thì niệm Phật không nên quá mau, nếu quá mau thì nghe không rõ. Cũng không nên quá chậm, vì quá chậm thì dễ bị hụt hơi và hôn trầm. Cũng không nên niệm với thang âm cao quá, nếu cao quá thì người trợ niệm mau mệt khó mà trì niệm lâu được. Cũng không nên quá thấp, nếu thấp quá thì nghe không rõ. Cho nên, niệm Phật tốt nhất là vừa phải, không mau, không chậm, không cao, không thấp. Mỗi câu, mỗi chữ phải rõ ràng, khiến cho mỗi câu, mỗi chữ phải vào tai và thâm nhập vào tâm thức người bệnh. Niệm Phật như thế mới đúng là trợ niệm. Tất cả không thể niệm nhanh chậm, cao thấp một cách tùy tiện theo sở thích của mình. Nếu niệm Phật như thế, tuy gọi là trợ niệm, nhưng người bệnh khó được lợi ích.

Nếu hiểu rằng việc trợ niệm là vì lúc người bệnh sắp mất, nguyên khí suy vi, tự mình không thể niệm Phật được, hoàn toàn phải nương vào người khác niệm câu hồng danh A Di Đà Phật. Niệm cho rõ ràng khiến người bệnh trở về với danh hiệu Phật. A Di Đà Phật hiện hữu mãi trong tâm họ; luôn luôn soi xét tất cả sự việc, không để cho tâm niệm của người bệnh bị dao động, khiến cho người bệnh giữ được chánh niệm. Niệm niệm nối nhau đến lúc mạng chung, tâm niệm rốt sau được bất loạn thì nhất định vãng sanh về thế giới Tây Phương. Đây là nói trợ niệm đạt đến mục đích chân thật, thay thế Như Lai gánh lấy trách nhiệm hóa độ chúng sanh liễu thoát sanh tử !

6. Có khi trợ niệm trải qua một thời gian thì tinh thần người bệnh bỗng dưng sáng suốt hơn trước, nào là nói năng, than thở, thậm chí thân thể cử động được… Nếu người trợ niệm gặp các hiện tượng như thế thì cần phải chú ý, không nên hấp tấp đến xem. Người bệnh nếu có phát sanh những trạng thái như thế thì tối đa chừng 2 giờ đồng hồ nữa sẽ tắt hơi; giống như chong đèn, khi dầu sắp hết thì ngọn đèn cũng lu dần, đến lúc dầu hoàn toàn hết thì ngọn đèn bỗng phựt sáng lên trong giây lát rồi tắt hẳn. Người bệnh lúc sắp tắt hơi cũng có nhiều hiện tượng như thế.

Từng nghe: “Trợ niệm nhiều ngày, tinh thần người bệnh bỗng dưng sáng suốt, nói năng, than thở… Người trợ niệm nếu không có kiến thức và kinh nghiệm, đang lúc người bệnh có hiện tượng như thế thì ngừng trợ niệm. Mọi người đến xem xét, nhưng chưa qua 2 giờ đồng hồ thì người bệnh tắt hơi”. Cho nên, đối với các hiện tượng như thế, người trợ niệm chúng ta cần phải có sự nhận thức rõ ràng.

7. Người trợ niệm mới đến, nếu gặp người bệnh vừa tắt hơi hoặc đã tắt hơi một – hai – ba giờ đồng hồ thì phải hiểu rằng lúc này là thời điểm rất quan trọng, tốt nhất trước phải lớn tiếng khai thị qua một lần, rồi sau mới trợ niệm. Nhân vì người bệnh sau khi tắt hơi, không luận là những người thân thuộc có gào khóc hay không, nhưng tâm của họ nhất định bị não loạn. Nếu ta lớn tiếng chỉ dẫn thì tâm của người mất vẫn còn hat biết. Do còn sự hiểu biết nên:

a. Tâm người mất có chỗ để nương về, ngay lúc não loạn thì trở về chánh niệm.

b. Cũng biết phát nguyện cầu sanh Tây phương. Người khai thị nên cao giọng, lời nói phải đơn giản rõ ràng, nói rằng: “Bạn… lúc trước có làm việc lành và việc ác. Tất cả đều không nên nhớ đến. Con cháu, tài sản trong nhà phải buông bỏ tất cả, mảy may không nên vướng bận. Tâm ý phải chuyên nhất niệm Phật A Di Đà để cầu sanh Tây phương. Chúng tôi đang giúp đỡ bạn niệm Phật, bạn phải nhất tâm lắng nghe mọi người niệm Phật, mỗi niệm nương vào câu A Di Đà Phật mà cầu sanh Tây phương. Bạn phải nhất tâm lắng nghe mọi người niệm Phật, mỗi niệm nương vào câu A Di Đà Phật mà cầu sanh về Tây phương” (Phải nói 2 lần như thế).

Khi khai thị xong thì mới bắt đầu trợ niệm. Việc trợ niệm lúc này phải cao giọng chuyên niệm bốn chữ A Di Đà Phật. Nếu người mất ngày thường có lòng tín nguyện cầu sanh về Tây phương, thì nhất định được vãng sanh về Tây phương. Nếu người thường ngày không có lòng tín nguyện cầu vãng sanh, đến lúc lâm chung, nhờ nghe danh hiệu Phật sẽ có công đức cũng không thể nghĩ bàn.

Kinh Địa Tạng chép: “Người lúc mạng chung, nghe được một danh hiệu Phật, dù có tội nặng bị đọa vào địa ngục ngũ vô gián đi nữa thì cũng liền được tiêu diệt”.

Cho nên, công đức giúp đỡ người khác niệm Phật lúc lâm chung to lớn thật không thể lường !

Tác giả: Pháp sư Thế Liễu

Dịch giả: Thích Thiện Phước



Có phản hồi đến “Vài Điểm Quan Trọng Người Trợ Niệm Cần Hiểu Rõ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com