Đối với việc trợ niệm, trước tiên phải xem người bệnh như thế nào ! Nếu nhẹ thì thư thả phải đọc một bài tán Liên Trì, tụng một biến kinh A Di Đà và tụng ba biến chú Vãng Sanh (tốt nhất là 21 biến), đọc bài kệ Tán Phật 8 câu (A Di Đà Phật thân kim sắc v.v…), kế tiếp niệm câu Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ bi A Di Đà Phật, kế đến niệm 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật, niệm vài mươi câu thì lại chuyển niệm 4 chữ A Di Đà Phật. Nếu bệnh trạng quá nặng, đến thời kỳ nguy ngập thì niệm 4 chữ A Di Đà Phật. Pháp khí sử dụng chỉ được dùng dẫn khánh, mõ nếu tiếng quá trầm thì không nên dùng. Người trợ niệm ban ngày thì chia làm 2 nhóm, ban đêm chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm ít nhất là 2 người trở lên, có thể hạn định một tiếng đồng hồ thay phiên.

Phương pháp niệm Phật:

Ban ngày: Nhóm thứ nhất niệm ra tiếng, nhóm thứ hai niệm thầm, niệm một tiếng đồng hồ. Nhóm thứ hai niệm ra tiếng, nhóm thứ nhất niệm thầm, cũng niệm một tiếng đồng hồ, luân lưu thay đổi như thế !

Ban đêm: Nhóm thứ nhất niệm ra tiếng, nhóm thứ hai, ba niệm thầm hoặc nghỉ ngơi, niệm một tiếng đồng hồ. Nhóm thứ hai niệm ra tiếng, nhóm thứ nhất, ba niệm thầm hoặc nghỉ ngơi, niệm một tiếng đồng hồ. Nhóm thứ ba niệm ra tiếng, nhóm thứ nhất, hai niệm thầm hoặc nghỉ ngơi, cũng niệm một tiếng đồng hồ, luân lưu thay đổi như thế.

Như thế mới có thể niệm trì lâu dài, không luận là ba ngày, năm ngày, bảy ngày, nửa tháng, một tháng… mỗi nhóm theo thứ tự thay nhau niệm. Từ nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai, nhóm thứ ba, nhóm nào niệm xong lại tiếp tục tới nhóm thứ nhất. Như thế, cuối rồi trở lại đầu, ngày đêm tiếng Phật nối nhau, mỗi ngày ba bửa ăn cơm đều do những người đổi nhóm phụ trách. Nếu ăn cơm xong mà chưa đến giờ thay phiên thì phải thay nhau nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần.

Lúc trợ niệm, nhất định phải nói với người bệnh rằng: “Nếu bạn muốn cùng với mọi người niệm Phật thì cứ niệm theo. Giả như nguyên khí của bạn suy kém, không thể niệm theo được thì phải để tâm chú ý lắng nghe mọi người niệm Phật. Tuy nhiên, từng chữ từng câu, tai của bạn phải nghe rõ ràng và tâm của bạn phải ghi nhớ rõ ràng. Bạn phải dốc hết tâm ý hướng về danh hiệu Phật A Di Đà”.

Sau khi nói như thế, liền bắt đầu trợ niệm. Nếu người bệnh có lúc bị hôn trầm giống như ngủ, mê mờ không hiểu không nghe thì người trực Ban hộ niệm phải dùng dẫn khánh để gần bên tai người bệnh, đánh lớn một hoặc nhiều tiếng, đồng thời cũng phải cao giọng niệm Phật vài câu, khiến mỗi niệm trong tâm của người bệnh không còn bị hôn mê.

Lúc người bệnh sắp tắt hơi thở cuối cùng, những người trong gia đình tốt nhất là cùng nhau đến trước đức Phật, hoặc quỳ niệm, hoặc lạy niệm; trong tâm mỗi người cùng một lúc quán tưởng có Phật A Di Đà đang phóng ra ánh đại quang minh tiếp dẫn người mất. Người mất ở trong ánh quang của Phật, chấp tay vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Đến lúc này, toàn thể người trợ niệm phải phân làm hai nhóm, mỗi nhóm thay phiên nhau niệm một tiếng đồng hồ. Từ lúc này, nhất định cất cao giọng niệm Phật, niệm cho đến ba tiếng đồng hồ, sau đó lại niệm liên tục như trước.

Người bệnh lúc sắp tắt hơi, người trợ niệm phải để tâm chú ý, nếu trên mặt người bệnh có xuất mồ hôi, hoặc trên mặt hiện ra tướng buồn lo, toàn thân (đầu, mình, chân, tay) ngọ ngoạy không an thì đây là do hiện tượng bệnh khổ bức ngặt hoặc giống như ngủ mê không hề hay biết. Nếu có những trường hợp như thế phát sinh, đó là do hàng ngày người bệnh niệm Phật chưa chuyên nhất, trong giờ phút này thật khó mà làm chủ được chánh niệm. Thế thì người trợ niệm cần phải đến gần người bệnh, lớn tiếng nhắc nhở: “Tây phương đang ở trước mặt bạn, Phật A Di Đà đang duỗi tay tiếp dẫn, nhất định bạn sẽ vãng sanh về Tây phương”. Liên tiếp nói 2 lần như thế, lại xem môi và dung mạo của người bệnh; nếu bất động như trước thì phải nói lại một lần nữa. Nếu người bệnh kiến giải quá sâu thì bảo rằng: “Tây phương ở trong danh hiệu của Phật A Di Đà”, tối đa không quá ba lần, sau đó chỉ lớn tiếng niệm Phật.

Người sau khi tắt hơi trong giai đoạn thân thể chưa lạnh hẳn thì người trực Ban hộ niệm cần phải đặc biệt chú ý, tuyệt đối không cho những người trong gia đình khóc lóc hay sờ mó vào thân thể của người mất. Mọi người chỉ phát tâm niệm lớn tiếng danh hiệu Phật, phải trải qua một ngày một đêm mới được mời người tương đối có hiểu biết và có kinh ngiệm, nhẹ nhàng chậm rãi sờ vào thân thể người mất. Cho đến khi toàn thân lạnh hẳn thì mới được dừng trợ niệm, lại đến trước bàn thờ Phật cầu nguyện cho họ được vãng sanh Tây phương. Nếu toàn thân chưa lạnh hết thì cho dù là một, hai hay ba ngày… mọi người nên phát tâm lớn tiếng niệm Phật liên tục và phải hiểu rằng trong lúc này chúng ta là những người thay thế Đức Như Lai cứu độ chúng sanh thoát khỏi biển khổ sanh tử. Nhất thiết không nên vì lao nhọc trong một thời gian ngắn ngủi mà làm cho thần thức của người mất bị mê lầm, không được vãng sanh Tây phương.

Mỗi người chúng ta đều phải phát tâm, lớn tiếng niệm Phật và trợ niệm cho đến khi toàn thân của người mất lạnh hẳn mới thôi ! Trợ niệm như thế mới thật là người chân chánh phát Bồ đề tâm và thực hành hạnh Bồ Tát !

Tác giả: Pháp sư Thế Liễu

Dịch giả: Thích Thiện Phước



Có phản hồi đến “Phương Pháp Trợ Niệm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com