An cư theo tiếng Phạn là Varsa hay Vassa. Tàu dịch : ở nguyên một nơi,

An: thân tâm an tịnh, Cư: đến kỳ quy định phải ở yên một nơi.

Như vậy An Cư là đến kỳ quy định, mọi người quy tụ về ở yên một nơi, để cho thân tâm đươc an tịnh.

Vào thời Đức Phật còn tại thế, Tăng đoàn dưới sự hướng dẫn của Ngài, sau nhiều tháng mùa nắng đi HOÁ DUYÊN khắp nơi, đến 3 tháng mùa mưa ( mùa hạ )ở Ấn Độ, Đức Phật quy tụ tăng đoàn lại một trụ xứ để THÚC LIỄM THÂN TÂM , TRAO DỒI GIỚI ĐỊNH TUỆ gọi là AN CƯ KIẾT HẠ, . Vừa thể hiện lòng Từ Bi, vì sợ mùa mưa là mùa côn trùng sanh sôi nẩy nở, nếu Tăng đoàn đi ra ở ngoài nhiều sẽ giẫm đạp lên gây tổn mạng chúng, vừa thực hiện tinh thần Trí Tuệ vì có thời gian vân tập lại với nhau, để quán chiếu lại tự thân, soi sáng, nạp và truyền năng lượng cho nhau. Từ đó việc “ phản quan tự kỷ” quay lại soi sáng với chính mình được xem là nhiệm vụ chính, để biết rõ được mình. Chỉ khi nào biết rõ được mình, thì chúng ta mới làm chủ được bản thân, làm chủ được vận mệnh, thấy rõ được tâm mình, mà theo Đức Phật đã dạy: “ tất cả đều do tâm tạo” nên khi đã làm chủ được tâm mình thì “ tâm tịnh quốc độ tịnh” “tâm bình thế giới bình” chứ không tìm kiếm và cầu nguyện ở đâu xa, cụ thể Văn hào Nguyễn Du đã nói: “ người vui cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” tâm an tịnh không chạy theo dục lạc, vật chất thế gian, những vọng động, sinh diệt ở bên ngoài thì trí tuệ sẽ phát sanh, thấy rõ và sống đúng với chân lý, lợi lạc được quần sanh.

Với lòng từ bi thấy chúng sanh ở cõi Ta bà sống chạy theo ngũ dục, để phải luôn chịu trầm luân đau khổ trong sinh tử luân hồi, từ đó Đức Phật đã phải thị hiện để chỉ rõ cho con đường thoát khổ, nhưng nghiệp chướng của chúng sanh quá sâu dầy, nên Đức Phật cũng chỉ độ được cho những người hữu duyên, và chư vị Bồ tát phải tiếp tục hạnh nguyện của Ngài, “hoà quang đồng trần’ để phổ độ chúng sanh.

Ngày nay với một thế giới điên đảo quay cuồng, đang phải vội vã tranh thủ từng giây, phút, để lo toan cho cuộc sống và chữa lửa, chỉ lo cắt tỉa ngọn ngành, nhưng rồi cũng phải bị suy thoái kinh tế toàn cầu, để phải kích cầu tạo ra những nhiêu khê và đang trên đà huỷ diệt vì đang khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, với hiệu ứng nhà kính, khiến quả địạ cầu đang nóng lên, hệ sinh thái và môi trường bị ô nhiễm, sức khoẻ và tuổi thọ con người đang bị báo động, cũng do chính lòng Tham- Sân- Si của con người tạo ra, nên chư vị Bồ tát phải nhọc lòng hoá thân thành nhiều hạnh nguyện để cùng khổ, đồng sự với chúng sanh hầu tuỳ duyên hoá độ.

Khi Phật còn tại thế với đệ tử toàn là thánh tăng nhưng một năm phải an cư một lần, bây giờ thời mạt pháp hầu hết là phàm tăng mà phải phụng sự chúng sanh với nhiều ma chướng, cho nên việc quan trọng nhất là phải thường xuyên tổ chức an cư trong hằng năm, hằng tháng hoặc hằng ngày, để duy trì được giới luật, nạp lại năng lượng đã bị sử dụng tiêu hao trong hằng ngày.

An cư và tám ngọn gió là thước đo, là tuổi đạo của người xuất gia, cho nên an cư không chỉ là trách nhiệm, bổn phận mà còn là nhu cầu thiết yếu là con đường để thăng hoa đời sống tâm linh, vun bồi trí tuệ, thực hiện lý tưởng cao đẹp, có thể hiểu an cư là thời gian mà chúng ta dừng nghỉ để bổ sung cho mình những tiêu hao trong quá trình phụng sự chúng sanh nhằm đưa vào tâm thức những nguồn năng lượng mới của yêu thương và hiểu biết, giúp đời sống của ta và tha nhân giảm dần những đau khổ và tăng thêm những an lạc, từ đó thiết lập được những môi trường an ổn, hài hoà với tất cả và thuận với thiên nhiên.

Đối với thế gian thì người đời thường nói “ Có an cư mới lạc nghiệp”, cho nên an cư cũng là điều kiện tiên quyết để ổn định cuộc sống thường tình của người đời, đối với Phật tử tại gia mùa an cư không chỉ thể hiện sự quan tâm phụng cúng đến các đạo tràng an cư của chư Tăng, để cầu phước báu mà còn thể hiện niềm tin, sự kính ngưỡng, với mong mỏi những vị Thầy, Cô của mình được thăng tiến trên con đường tâm linh để xác quyết, giữ vững niềm tin đối với Tam bảo. Từ đó thấy rõ được ích lợi và hăng hái áp dụng tinh thần an cư vào chính trong cuộc sống hàng ngày của mình cho tâm luôn được bình an, để không còn phải nhiều lo toan bận rộn, ganh đua, phân biệt, hơn thua, mà dành thời gian nuôi dưỡng trái tim, đầy yêu thương và nhiều hiểu biết sẵn có của mình.

Suốt thời gian an cư chư Tăng Ni và Phật Tử đã được soi sáng và truyền năng lượng, chuyển hoá thân tâm cho nhau, vào cuối mùa an cư là những giờ phút Tự tứ, để Chư Tôn Đức có cơ hội đánh bóng cho nhau, mà mỗi vị khi được chỉ lỗi sửa sai đều phải chân thành đảnh lễ cảm ơn đại chúng đã làm đẹp cho mình. Cho nên an cư là thời gian để chúng ta tạo ra năng lượng, hoàn hảo bản thân, bảo toàn được vận mệnh của mình, và cũng là góp phần vào việc ổn định trong xã hội, vì vậy chúng ta rất hoan hỷ với những quy điều, những hàng rào giới luật đã bảo vệ cho ta được bình yên và thăng hoa trong cuốc sống, mọi người đều được an cư và bình yên trong cuộc sống thì xã hội nầy thanh bình và hạnh phúc biết bao ! vì Đức Phật đã dạy: “ Tâm bình thế giới bình, Tâm tịnh quốc độ tịnh”,.

An cư có nhiều ích lợi thiết thực như vậy, cho nên Tăng, Ni và mỗi người con Phật đều nên phấn khởi tổ chức và nghiêm thủ tuân hành, để tuổi đạo được nâng cao và đạo lực được vững vàng, hầu trên cầu Phật đạo, dưới hoá độ chúng sanh được viên thành, có như vậy mới đúng bản hoài của chư Phật, không phụ lòng của Thầy, Tổ và Đàn na tín thí.

Thích Viên Thành



Có phản hồi đến “Ý Nghĩa Và Lợi Ích Của An Cư Kiết Hạ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com