1. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài Ma-ha Ca-Diếp các vị đại đệ tử: “Hay thay! Hay thay! Ca-Diếp. Khéo nói được công đức chơn thật của đức Như-Lai. Đúng như lời các ông vừa nói; đức Như-Lai lại còn có vô lượng vô biên a-tăng-kỳ công đức, các ông dầu trải qua vô lượng ức kiếp nói cũng không hết được”.
Ca-Diếp nên biết! Đức Như-Lai là vua của các pháp nếu có nói ra lời chi đều không hư dối vậy. Phật ở nơi tất cả pháp dùng sức trí huệ phương tiện mà diễn nói, pháp của Phật nói thảy đều đến bậïc nhứt-thiết-trí (1) . Đức Như-Lai xem biết chỗ quy thú (2) của tất cả pháp; cũng rõ biết chỗ tâm sở hành (3) của tất cả chúng sanh không thấu không ngại. Phật lại ở nơi các pháp rốt ráo rõ biết hết, chỉ bày tất cả trí huệ cho các chúng sanh.

2. Ca-Diếp! Thí như trong cõi tam-thiên đại-thiên nơi núi, sông, khe, hang, ruộng, đất sanh ra cây cối, lùm rừng và các cỏ thuốc, bao nhiêu giống loại tên gọi màu sắc đều khác. Mây dầy bủa giăng trùm khắp cõi tam-thiên đại-thiên (4) đồng thời mưa xối xuống, khắp nơi nhuần thấm, cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc: hoặc thứ gốc nhỏ, thân nhỏ, nhánh nhỏ, lá nhỏ, hoặc thứ gốc chỉ vừa, thân vừa, nhánh vừa, lá vừa; hoặc có thứ gốc lớn, thân lớn, nhánh lớn, lá lớn.
Các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng trung hạ mà hấp thụ khác nhau. Một cụm mây tuôn mưa xuống xứng theo mỗi giống loại mà cây cỏ được sanh trưởng, đơm bông kết trái. Dầu rằng một cõi đất sanh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác.

3. Ca-Diếp nên biết! Đức Như-Lai cũng lại như thế, hiện ra nơi đời như là vừng mây lớn nổi lên, dùng giọng tiếng lớn vang khắp thế giới cả trời, người, A-tu-la, như mây lớn kia trùm khắp cõi nước tam-thiên đại-thiên. Phật ở trong đại chúng mà xướng lời nầy:
“Ta là đấng Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-Nhân-Sư, Phật Thế-Tôn. Người chưa được độ thời làm cho được độ, người chưa tỏ ngộ thời làm cho tỏ ngộ, người chưa an thời làm cho được an, người chưa chứng Niết-bàn thời làm cho chứng Niết-bàn, đời nay và đời sau Phật đều biết đúng như thật. Ta là bậc nhứt-thiết-trí, bậc nhứt-thiết-kiến, là bậc tri đạo, bậïc khai đạo, bậïc thuyết đạo. Các ngươi, hàng trời, người, A-tu-la đều nên đến đây vì để nghe pháp vậy.”
Bấy giờ có vô số nghìn muôn ức loài chúng sanh đi đến chỗ đức Như-Lai xem xét các căn lợi độn, tinh tấn hay giải đãi của chúng sanh đó, thuận vừa sức nó kham được mà vì chúng nói pháp, chủng loại nhiều vô lượng, Phật đều khiến vui mừng được nhiều lợi lành. Các chúng sanh nầy nghe pháp rồi, hiện đời an ổn, đời sau sanh về chỗ lành, do đạo được thọ hưởng vui và cũng được thọ hưởng vui và cũng được nghe pháp, đã nghe pháp rồi lìa khỏi các chướng ngại ở trong các pháp theo sức mình kham được lần lần đều được vào đạo.Như mây lớn kia mưa rưới khắp tất cả cỏ cây lùm rừng và các cỏ thuốc, theo giống của mỗi thứ đều được đượm nhuần đầy đủ, đều được sanh trưởng.
Đức Như-Lai nói pháp một tướng một vị, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốt ráo đến bậc “nhứt-thiết-chủng-trí”. Có chúng sanh nào nghe pháp của Như-Lai hoặc thọ trì đọc tụng, đúng như lời mà tu hành, được công đức tự mình không hay biết.

Vì sao? Vì chỉ có Như-Lai là biết chủng tướng thể tánh của chúng sanh đó: Nhớ việc gì? Nghĩ việc gì? Tu việc gì? Nhớ thế nào? Nghĩ thế nào? Tu thế nào?

Dùng pháp gì để nhớ? Dùng pháp gì để nghĩ? Dùng pháp gì để tu? Dùng pháp gì đặng pháp gì?

Chúng sanh ở nơi các bậïc, chỉ có đức Như-Lai thấy đó đúng như thật, rõ ràng không bị ngại. Như cây cối lùm rừng các cỏ thuốc kia không tự biết tánh thượng trung hạ của nó.

Đức Như-Lai biết pháp một tướng một vị ấy, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo Niết-bàn thường tịch diệt, trọn về nơi không, Phật biết như thế rồi xem xét tâm ưa muốn của chúng sanh mà dắt dìu nó, cho nên chẳng liền vì chúng vội nói ” nhứt-thiết-chủng-trí.”

Ca-Diếp! Các ông rất là hy hữu, có thể biết rõ đức Như-Lai tùy cơ nghi nói pháp, hay tin hay nhận. Vì sao? Vì các đức Phật Thế-Tôn tùy cơ nghi nói pháp khó hiểu khó biết.

Khi đó đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

4. Pháp Vương phá các cõi

Hiện ra trong thế gian

Theo tánh của chúng sanh

Dùng các cách nói pháp

Đức Như-Lai tôn trọng

Trí huệ rất sâu xa

Lâu giữ pháp yếu này

Chẳng vội liền nói ra

Người trí nếu được nghe

Thời có thể tin hiểu,

Kẻ không trí nghi hối

Thời bèn là mất hẳn.

Ca-Diếp! Vì cớ đó

Theo sức chúng nói pháp

Dùng các món nhân duyên

Cho chúng được chánh kiến

Ca-Diếp! ông nên biết

Thí như vừng mây lớn

Nổi lên trong thế gian

Che trùm khắp tất cả

Mây trí huệ chứa nhuần

Chớp nhoáng sáng chói lòa

Tiếng sấm xa vang động

Khiến mọi loài vui đẹp

Nhậït quang bị che khuất

Trên mặt đất mát mẻ

Mây mù sa bủa gần

Dường có thể nắm tới.

Trận mưa đó khắp cùng

Bốn phương đều xối xuống

Dòng nước tuôn vô lượng

Cõi đất đều rút đầy

Nơi núi sông hang hiểm

Chỗ rậm rợp sanh ra

Những cây cối cỏ thuốc

Các thứ cây lớn nhỏ

Trăm giống lúa mộng mạ

Các thứ mía cùng nho

Nhờ nước mưa đượm nhuần

Thảy đều tươi tốt cả.

Đất khô khắp được rưới

Thuốc cây đều sum sê

Vừng mây kia mưa xuống

Nước mưa thuần một vị

Mà cỏ cây lùm rừng

Tất cả các giống cây

Hạng thượng trung cùng hạ

Xứng theo tánh lớn nhỏ

Đều được sanh trưởng cả.

Gốc thân nhánh và lá

Trổ bông trái sắc vàng

Một trận mưa rưới đến

Cây cỏ đều thấm mướt

Theo thể tướng của nó

Tánh loại chia lớn nhỏ

Nước đượm nhuần vẫn một

Mà đều được sum sê.

5. Đức Phật cũng như thế

Hiện ra nơi trong đời

Ví như vầng mây lớn

Che trùm khắp tất cả

Đã hiện ra trong đời

Bèn vì các chúng sanh

Phân biệt diễn nói bày

Nghĩa thật của các pháp

Đấng Đại-Thánh Thế-Tôn

Ở trong hàng trời người

Nơi tất cả chúng hội

Mà tuyên nói lời nầy:

Ta là bậc Như-Lai

Là đấng Lưỡng-Túc-Tôn (5)

Hiện ra nơi trong đời

Dường như vầng mây lớn

Thấm nhuần khắp tất cả

Những chúng sanh khô khao

Đều làm cho lìa khổ

Được an ổn vui sướng

Hưởng sự vui thế gian

Cùng sự vui Niết-bàn.

Các chúng trời người nầy

Một lòng khéo lóng nghe

Đều nên đến cả đây

Ra mắt đấng vô thượng.

Ta là đấng Thế-Tôn

Không có ai bằng được

Muốn an ổn chúng sanh

Nên hiện ra trong đời

Vì các đại chúng nói

Pháp cam lồ trong sạch

Pháp đó thuần một vị

Giải thoát Niết-bàn thôi.

Dùng một giọng tiếng mầu

Diễn xướng nghĩa nhiệm nầy

Đều thường vì Đại-thừa

Mà kết làm nhân duyên.

Ta xem tất cả chúng

Khắp đều bình đẳng cả

Không có lòng bỉ thử

Cũng không có hạn ngại

Hằng vì tất cả chúng

Mà bình đẳng nói pháp

Như khi vì một người

Lúc chúng đông cũng vậy.

Thường diễn nói pháp luôn

Từng không việc gì khác

Ngồi, đứng, hoặc đến, đi

Trọn không hề nhàm mỏi

Đầy đủ cho thế gian

Như mưa khắp thấm nhuần

Sang hèn cùng thượng hạ

Giữ giới hay phá giới

Oai nghi được đầy đủ

Và chẳng được đầy đủ

Người chánh-kiến tà-kiến

Kẻ độn căn lợi căn

Khắp rưới cho mưa pháp

Mà không chút nhàm mỏi.

Tất cả hàng chúng sanh

Được nghe pháp của ta

Tùy sức mình lãnh lấy

Trụ ở các nơi các bậïc

Hoặc là ở trời, người

Làm Chuyển-luân thánh-vương

Trời Thích, Phạm, các vua

Đó là cỏ thuốc nhỏ

Hoặc rõ pháp vô lậu

Hay chứng được Niết-bàn

Khởi sáu pháp thần thông

Và được ba món minh

Ở riêng trong núi rừng

Thường hành môn thiền định

Chứng được bậc Duyên-giác

Là cỏ thuốc bậc trung.

Hoặc cầu bực Thế-Tôn

Ta sẽ được thành Phật

Tu hành tinh tấn, định

Là cỏ thuốc bậc thượng

Lại có hàng Phật tử

Chuyên tâm nơi Phật đạo

Thường thật hành từ bi

Tự biết mình làm Phật

Quyết định không còn nghi

Gọi đó là cây nhỏ.

Hoặc an trụ thần thông

Chuyển bất thối pháp luân

Độ vô lượng muôn ức

Trăm nghìn loài chúng sanh

Bồ-Tát hạng như thế

Gọi đó là cây lớn.

Phật chỉ bình đẳng nói

Như nước mưa một vị

Theo căn tánh chúng sanh

Mà hưởng thọ không đồng

Như những cỏ cây kia

Được đượm nhuần đều khác

6. Phật dùng món dụ nầy
Để phương tiện chỉ bày

Các thứ lời lẽ hay

Đều diễn nói một pháp

Ở nơi trí huệ Phật

Như một giọt trong biển.

Ta rưới trận mưa pháp

Đầy đủ khắp thế gian

Pháp mầu thuần một vị

Tùy sức riêng tu hành,

Như thể lùm rừng kia

Và cỏ thuốc những cây

Tùy giống lớn hay nhỏ

Lần lần thêm sum suê

Pháp của các đức Phật

Thường dùng thuần một vị

Khiến cho các thế gian

Đều khắp được đầy đủ

Lần lựa siêng tu hành

Rồi đều được đạo quả.

Hàng Thanh-văn, Duyên-giác,

Ở nơi chốn núi rừng,

Trụ thân hình rốt sau

Nghe Phật Pháp được quả

Nếu các vị Bồ-Tát

Trí huệ rất vững bền

Rõ suốt cả ba cõi

Cầu được thừa tối thượng

Đó gọi là cây nhỏ

Mà được thêm lớn tốt.

Lại có vị trụ thiền

Được sức thần thông lớn

Nghe nói các pháp không

Lòng rất sanh vui mừng

Phóng vô số hào quang

Độ các loài chúng sanh

Đó gọi là cây lớn

Mà được thêm lớn tốt

Như thế, Ca-Diếp này!

Đức Phật nói pháp ra

Thí như vầng mây lớn

Dùng nước mưa một vị

Đượm nhuần nơi hoa người

Đều được kết trái cả.

Ca-Diếp ông phải biết

Ta dùng các nhân duyên

Các món thí dụ thảy

Để chỉ bày đạo Phật

Đó là ta phương tiện

Các đức Phật cũng thế

Nay ta vì các ông

Nói việc rất chân thật

Các chúng thuộc Thanh-văn

Đều chẳng phải diệt độ

Chỗ các ông tu hành

Là đạo của Bồ-Tát

Lần lần tu học xong

Thảy đều sẽ thành Phật.



Có phản hồi đến “5. Phẩm “Dược Thảo Dụ””

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com