Hôm nay là ngày khoa tổ chức mừng lễ về hưu của cô giáo tôi, cô Jodi Irving. Cô là người mà tôi vô cùng quý yêu, ngưỡng mộ vì trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục lòng từ bi cũng như tình thương với bệnh nhân, tình thương giữa con người cho sinh viên các ngành nghề về chăm sóc sức khỏe ở Mỹ.

Thời gian mới đó trôi qua nhanh quá, gần bốn năm rồi kể ngày tôi tốt nghiệp ra trường với bằng cử nhân và chuẩn bị tốt nghiệp nhận bằng “doctor” cũng từ trường đại học Florida, trường đại học lớn nhất của tiểu bang. Ngày đó, dù với điểm tuyệt đối 4.0 nhưng khi chuyển từ trường đại học cộng đồng để nộp vào học ngành y tá, hội đồng tư vấn cho tôi biết dù điểm cao như vậy cũng chưa chắc tôi có một vé vào học ở đây vì khó vô cùng.

Lúc đó, tôi đã được nhận vào học ở năm trường khá nổi tiếng khác cũng trong tiểu bang. Đặc biệt, rất hiếm sinh viên từ quốc gia khác được nhận học ở trường. May mắn đã mỉm cười với tôi khi được chấp thuận thì cũng là lúc tôi và các bạn sinh viên bị vùi dập tơi tả với một chương trình học nặng nề của ngành y giờ nghĩ lại tôi còn ớn lạnh.

Thi cử bài vở liên miên làm tôi gần như gục ngã, nhất là với các lớp học mà những thầy cô không hề đối xử tốt với sinh viên càng làm tôi kinh hoảng. Học thuật ngữ chuyên ngành cứ như. học một ngôn ngữ khác nên tôi lúc nào cũng lo sợ mình sẽ không học và làm việc được tốt.

Dù cuối cùng tôi cũng được ra trường với bằng loại ưu và nhiều giải thưởng cũng như học bỗng nhưng nổi ám ảnh về một số lớp học vẫn đeo đuổi tôi. Tuy nhiên, lớp học cuối cùng trước khi ra trường với cô Irving đã thay đổi tâm tư, suy nghĩ, tình cảm và định hướng nghệ nghiệp của tôi vì tôi được cô nuôi dưỡng một tấm lòng từ bi với tất cả mọi người xung quanh.

Đặc biệt, kim chỉ nam định hướng cuộc đời của cô chính là sống theo những lời dạy của Phật Giáo. Vì thế, nhân duyên nhiệm màu nên tôi và cô rất đồng cảm, tương đồng trong suy nghĩ và cô rất thương tôi.

Tôi được thông báo về ngày lễ về hưu của cô Irving từ cô giáo Toni Ratliff của tôi. Cô Ratliff cũng từng là học trò của cô Irving vĩ đại này 30 năm về trước.

Cô Ratliff vì quá thương yêu, kính mến cô Irving nên ngay khi vừa ra trường, cô đã nói cho cô Irving biết là cô sẽ phát biểu trong ngày lễ cô Irving về hưu. May mắn làm sao hai cô vẫn còn liên hệ với nhau và cùng trở thành giảng viên dù ở hai khoa khác nhau trong trường. Còn tôi lại trở thành người thật may mắn khi được học với hai người cô vĩ đại đầy từ tâm và đều thương tôi nhất mực.

Cô Ratliff cho tôi biết cô phải liên hệ rất nhiều lần mới biết được ngày cô Irivng về hưu và cô đã yêu cầu ban tổ chức cho cô được tham dự phát biểu. Quá vui mừng nên cô thông báo cho tôi. Buổi lễ này đa phần chỉ có các giảng viên và người thân quen với cô ở khoa tham dự chứ không dành cho sinh viên. Tuy nhiên, vì quá kính yêu cô nên tôi đã đồng ý cùng cô Ratliff đến tham dự.

Cô Irving đã giảng dạy ở khoa từ khi cô 24 tuổi và đến ngày về hưu là 70 tuổi. Cô đã trải qua bốn đời trưởng khoa và là người giảng dạy ở khoa lâu nhất. Biết bao thế hệ sinh viên đã được cô giảng dạy, chăm sóc ở trường giờ đã tung cánh muôn phương nhưng tôi tin không sinh viên nào có thể quên cô một khi đã được cô giảng dạy.

Vì thế, khi thấy sự xuất hiện của tôi ở buổi lễ cùng cô Ratliff, cô Irving vui và xúc động vô cùng nên đếm ôm tôi, hỏi thăm về gia đình đầy nồng ấm như cô vẫn thường hay làm mỗi khi gặp tôi. Sau đó, tôi và cô Ratliff ngồi nói chuyện với nhau về việc giáo dục lòng từ bi cho sinh viên các ngành nghề chăm sóc sức khỏe .

Do sợ quên nên cô Ratliff phải viết ra giấy chuẩn bị cho bài phát biểu để cô có thể bày tỏ hết nổi lòng của mình dưới sự ủng hộ nhiệt thành của tôi. Còn tôi chỉ đến tham dự và mang quà tặng cô chứ không có ý định và có lẽ cũng không được phép phát biểu vì theo thời lượng của chương trình.

Sau những phần giới thiệu, chào hỏi, chúc mừng cũng như ghi nhận sự đóng góp của cô với khoa từ các giảng viên và trưởng khoa là đến phần phát biểu của cô Ratliff. Bài phát biểu của cô vừa hài hước, rất hay và xúc động cũng như mô tả chính xác thực trạng giảng dạy ở khoa, điển hình là với sinh viên y tá.

Cô nói về những giảng viên chuyên hăm dọa, đánh trược sinh viên một cách tàn nhẫn và thiếu ý thức nghề nghiệp để tôn vinh cô Irving, một người cô trong những lớp học chẳng giống bất cứ lớp học nào. Đó là lớp học của tình thương, của cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ và trân trọng. Cô bảo cô đã chờ đợi 30 năm để được bày tỏ tấm lòng đến cô Irving hôm nay. Cô làm tôi xúc động thật sự.

Cô bước xuống trong tiếng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. Người dẫn chương trình hỏi xem có còn ai muốn phát biểu không. Chẳng biết thế nào tôi đã xin được lên phát biểu trong sự bất ngờ của mọi người.

Trước tiên, tôi xin xin cảm ơn cô Ratliff đã cho tôi biết về ngày lễ về hưu của cô Irving hôm nay. Tôi biết đáng lẽ tôi không được đến tham dự nhưng vì quá quý yêu cô Irving nên tôi xin được đến đây bày tỏ tấm lòng của mình. Tôi nghĩ nhiều giảng viên trong khoa biết tôi. Ngày xưa tôi học với cô Irving trước khi nhận bằng cử nhân còn giờ tôi sắp tốt nghiệp với bằng “doctor.” Thời gian trôi qua nhanh quá.

Ngày mới vào trường, tôi rất hoang mang, lo sợ. Tôi là một sinh viên nước ngoài nên sự lo sợ ấy càng dâng lên cao độ và tôi càng phải nỗ lực gấp nhiều lần so với một sinh viên bình thường. Với chương trình học như vậy, một sinh viên giỏi người bản xứ còn chưa chắc có thể học nổi thì nói gì đến một sinh viên quốc tế như tôi.

Ngày tốt nghiệp gần kề, tôi đã vô cùng lo sợ không biết liệu tôi có đi làm được không với một môi trường mới, tiếng nói mới và văn hóa mới. Tôi đã đến hỏi cô Irving tôi sẽ làm sao đây. Cô đã hiền từ trấn an tôi sẽ không sao, tôi sẽ là một y tá giỏi, tôi rất thông minh nên cô không hề lo lắng gì về tôi. Tôi nghĩ chắc cô chỉ động viên mình nhưng lòng cũng rất vui vì cô chẳng hăm dọa đủ điều cứ như thể tôi sắp chuẩn bị ra hầu tòa vì những vấn đề kiện tụng xảy ra thường xuyên ở Mỹ.

Cô khích lệ tinh thần của tôi với nụ cười hiền từ, dành cho tôi những gì tuyệt vời nhất, giúp đỡ tôi, để dành sách vở hay bài viết về Phật giáo cho tôi mong tôi bình an, vui vẻ khi ra trường. Phật giáo chính là con đường mà cô lựa chọn để sống nên tôi và cô thình thoảng còn đàm đạo lẫn nhau rất an lạc.

Sau nửa năm rồi một năm làm y tá, tôi đã vững vàng với ngành nghề của mình. Nghĩ lại lời cô nói, tôi càng cảm ơn cô gấp bội và thấy cô nói rất đúng. Để rồi đến bây giờ sau gần bốn năm làm y tá, tôi đã hướng dẫn cho không biết bao nhiêu sinh viên tập sự.

Tôi là người có học vị cao nhất hiện nay trên tầng nơi tôi làm việc. Tuy nhiên, tôi vẫn thường hay nói với các bạn sinh viên rằng kiến thức các bạn có thể tìm học vì đó là sự nghiệp cả đời với một hệ thống mạng internet trợ giúp. Điều quan trọng là các bạn phải biết nuôi dưỡng lòng từ bi, biết thương yêu bệnh nhân của mình và kể cả biết chăm sóc bản thân mình. Đây là những điều không có trong sách vở nhưng vô cùng quan trọng.

Nếu các bạn không biết thương yêu bệnh nhân, không quý trọng nghề nghiệp của mình, suốt ngày chỉ bực bội,la mắng, than phiền thì người khổ chính là các bạn. Các bạn không có hạnh phúc với công việc cao quý mà mình đang làm. Bệnh nhân họ cần chúng ta chăm sóc cả thân lẫn tâm vì họ đang bị bệnh. Họ cần bàn tay nhân ái, cần trái tim đầy yêu thương và những lời nói ngọt ngào mang bình an đến cho họ.

Gải sử bạn bị bệnh bạn vào bệnh viện thì bạn cũng mong mình được chăm sóc tốt với lòng thuơng yêu vị tha. Vậy thì tại sao bạn được chọn với ngành nghề xã hội trân trọng lại đối xử không tốt với bệnh nhân, những người giúp bạn có một công việc tốt nuôi huệ mạng của bạn.

Hạnh phúc từ nghề nghiệp khi bạn làm một y tá tận tâm, được bệnh nhân thương mến thì sẽ là động lực cũng như sức khỏe tinh thần giúp bạn tiếp tục cống hiến và làm việc tốt. Dù buồn bực ở đâu nhưng khi bước lên bệnh viện, trước bệnh nhân của mình, tôi luôn vui cười và giúp đỡ hết mình.

Những điều này tôi học được và thấm đẫm trong tim tôi là từ những gì cô Irving đã giảng dạy và thể hiện. Cô đã dùng cả trái tim, nhiệt huyết và tấm lòng đã giảng dạy cho tôi, giúp tôi thay đổi cái nhìn của mình và biết tận tâm thật sự trong ngành nghề mình đang phục vụ.

Tôi đã cảm nhận được hạnh phúc lớn lao từ sự yêu thương mà bệnh nhân và đồng nghiệp dành cho mình. Cô chính là hình mẫu để tôi tiếp tục noi theo trên con đường tương lai phục vụ bệnh nhân trước mặt. Tôi xin cảm ơn cô đã thay đổi cuộc đời của tôi, thay đổi tâm hồn của tôi và giúp tôi biết làm việc như thế nào cho thật tốt với bệnh nhân của mình. Tôi kính trọng và thương quý cô nhiều lắm vì cô là một phần của cuộc đời tôi.

Nói xong, tôi bước xuống rớm lệ trong tiếng vỗ tay không ngớt của cô và mọi người. Cô lên phát biểu cảm ơn xong lại xuống tiếp tục ôm tôi cảm ơn vì làm cô rất xúc động.

Sau đó, bất ngờ thay, các thầy cô và rất nhiều người, kể cả những người phục vụ bữa tiệc đều đến bên tôi cảm ơn một bài phát biểu ngắn gọn nhưng rất hay, đầy tình cảm làm họ rất xúc động. Các cô bảo hạnh phúc thay khi có được những sinh viên như tôi. Từng người đến ôm hôn, bắt tay, hỏi thăm, giới thiệu và cảm ơn bài phát biểu tuyệt vời. Họ khâm phục bảo tôi có trí nhớ tốt vì không cầm giấy để phát biểu.

Họ nào có biết tôi có biết mình phát biểu hay chuẩn bị gì đâu và chưa bao giờ tôi phát biểu hoặc thuyết trình mà cầm giấy cả. Những lời tôi nói là từ trái tim, tình cảm và tấm lòng của mình thì lúc nào cũng đong đầy trong tâm trí tôi cả. Cô Irving xứng đáng với tất cả những từ ngữ thiêng liêng, cao quý và đẹp nhất trên cuộc đời này dành tặng cho cô. Tôi ước mong trường tôi và các trường giảng dạy về ngành y sẽ có thật nhiều giảng viên tuyệt vời như cô Irving vậy.

Trên đường về nhà, dư âm của buổi lễ đầy xúc động cũng hình ảnh hai người cô rất giàu lòng từ bi, thích giúp đỡ người khác dâng đầy trong trái tim và tâm hồn của tôi. Tôi thấy mình thật may mắn vì được các cô truyền trao những hương hoa nhân ái, vô ngã đầy vị tha giúp tôi nuôi dưỡng tâm mình lớn mạnh mỗi ngày. Dù ở Mỹ không có ngày nhà giáo Việt Nam tri ân các thầy cô nhưng đời đời tôi mãi khắc ghi tấm lòng mà các cô đã dành cho tôi. Con đường Bồ Tát Đạo mà các cô thực hành cả đời của mình chính là con đường tôi đang đi và và hướng đến.

Hạnh phúc chỉ đến khi mình biết làm việc giúp người, không để tâm mình chai sạn vì thù hằn hơn thua, biết gieo thật nhiều hạt mầm tích thiện giúp xoa dịu nổi đau của mọi người. Hạnh phúc là mang nhiều niềm vui và nụ cười xoa dịu những khổ đau mà bệnh nhân hay đang phải gánh chịu. Hạnh phúc chính là được cống hiến trọn vẹn tận tâm vì sự bình an , hạnh phúc và niềm vui đến cho người khác.

Tôi hy vọng mình sẽ tiếp tục tự nuôi dưỡng và được hung đúc thêm tình yêu thương đầy lòng vô ngã, vị tha nhân ái như thế từ những người xung quanh, đặc biệt là bệnh nhân của mình. Đó cũng chính là lời thỉnh cầu của tôi với thầy tôi, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác , viện trưởng Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa, Đồng Nai cho ngành nghề đầy thử thách, khó khăn nhưng cũng đầy hạnh phúc và nhiệm màu mà tôi đã, đang và sẽ tiếp tục vững bước đi về phía tương lai.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Nhiệm Màu Của Từ Tâm Trong Giáo Dục Sinh Viên Y Khoa Ở Mỹ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com