Chiều chầm chậm buông rơi theo những cơn gió chuyển mùa se lạnh. Những hạt nắng hắt hiu cuối ngày bắt đầu chìm dần về cuối chân trời. Xa xa, trên nền trời tím thẩm, ánh hoàng hôn đang lướt dần lên những chòm lá vàng rơi lả tả đẩy những chòm sao lấp lánh dần dần hiện lên không trung. Ánh trăng lưỡi liềm đầu tháng cũng bắt đầu ló dạng.Hai bên vệ đường, cây cối đung đưa theo tiếng gió chao nghiêng như ru điệu à ơi đưa vạn vật chìm vào giấc ngủ tĩnh lặng. Thi thoảng đâu đó là tiếng chim kêu líp chíp ngái ngủ hoặc theo đàn bay về tổ ấm. Bầu trời lúc này như chiếc chăn êm khổng lồ bao phủ sưởi ấm vạn vật khắp không gian. Trời thanh, gió lạnh, ánh mùa xuân đã thật sự đến rồi.

Mới đó mà tết đã trôi qua gần hết một tuần. Mới tuần trước thôi, cả nhà còn tính toán đếm ngày đếm giờ trông đến giao thừa. Từ ngày sang đây đến nay, tôi hầu như chẳng biết tết là gì. Tết năm nào cũng đi học, đi làm cả ngày rồi tranh thủ lên mạng xem tin tức đón tết ở Việt Nam mà lòng buồn man mác. Năm nay cũng vậy, lịch làm việc đã được đưa lên và tôi đành ngậm ngùi đón những ngày tết ở bệnh viện. Cũng may trước tết được nghỉ hai hôm nên có thời gian chuẩn bị tết cho có không khí. Em gái năn nỉ bảo tết ráng gói bánh chưng bánh tét và làm thêm mấy loại bánh cho giống tết cổ truyền ở quê nhà.

Em còn bảo ráng gói cho thật nhiều để tặng họ hàng, Phật tử và nấu bánh trong nồi to bằng củi như người ta nấu bánh đêm giao thừa ở Việt Nam. Nghe em nói mà tôi thấy nhói lòng. Nhớ những ngày ở quê nhà, tết đến toàn được bà ngoại gói bánh cho mang về. Giờ sang Mỹ không có thời gian, bận rộn suốt ngày mà em bảo gói những loại bánh này chứ không chịu ra chợ mua mang về. Em bảo bao năm rồi mình không có tết thật sự nên năm nay phải được ăn tết cổ truyền cho đúng nghĩa. Ừa, thôi thì ráng giúp em ăn tết đúng nghĩa và giữ nét cổ truyền văn hóa của dân tộc không bị mai một trong em nơi xứ người này.

Buổi sáng, tôi ra chợ Tàu mua sắm đồ tết và vật liệu gói bánh. Ở đó, không khí tết được bao phủ bởi bánh mức, thức ăn của Việt Nam và Trung Hoa. Tiếng người chào nhau chúc tụng ý ới mà cứ ngỡ như mình đang ở quê nhà. Ở thành phố tôi sống không có nhiều người Việt Nam nên không có chợ của người Việt. Vì vậy, muốn mua một ít thức ăn của người Việt phải ra chợ Tàu mà mua. Về nhà, tôi lại tất bật nấu nướng, dọn dẹp, ngâm nếp, chuẩn bị lá, vật liệu để hôm sau gói bánh.

Sáng hôm sau, các em đi học, tôi bắt đầu gói bánh. Từ nhỏ tói lớn tôi chưa bao giờ gói bánh mà giờ này lại phải bắt đầu suy nghĩ gói sao cho giống, cho đẹp. Ba tôi lo lặt măng khô được gởi từ Việt Nam sang để chuẩn bị nấu măng. Tội nhất là má tôi vì má tôi chẳng biết Tết là gì. Từ ngày bị bệnh mất trí đến nay, má tôi gần như quên hết mọi thứ và chẳng biết làm gì.

Ngày xưa ở Việt Nam, má tôi nấu ăn rất ngon và giỏi nên đến tết mọi việc đều do má tôi lo liệu, chúng tôi chỉ phụ với má còn ba thì chẳng bao giờ phải nấu ăn. Từ khi sang Mỹ và từ khi má bắt đầu bị bệnh, ba tôi phải đóng vai trò vừa làm cha, vừa làm mẹ. Ba tôi cũng thay đổi rất nhiều. Ba nấu ăn rất ngon và dọn dẹp, lau chùi, rửa bát hay bất cứ thứ gì ba tôi cũng đều làm được để phụ giúp chúng tôi có thời gian đi học, đi làm. Chúng tôi rất hãnh diện và tự hào vì ba tôi về việc này.

Vừa ngồi gói bánh, tôi lại nhớ đến ngoại tôi và thầm thán phục bà vì không biết làm sao bà có thể gói được rất nhiều bánh tết cho tất cả tám người con mỗi khi tết về. Khi sinh thời, bà tôi công dung ngôn hạnh đều đầy đủ và hiền lành như một bà tiên. Ba tôi vẫn thường nói với chúng tôi bà là người phụ nữ đầy đủ đức hạnh bậc nhất hiếm thấy và các dì tôi, kể cả má tôi không ai sánh bằng bà. Bà gói bánh hay làm gi cũng nhanh, gọn, đẹp còn tôi ngồi gói cả tiếng mà chưa xong ba cái bánh chưng nhỏ.

Lúc đó, nhìn ba thau nếp to mà tôi bắt đầu lo sợ không biết đến tối có xong không vì ngày mai còn phải đi làm. Cũng may ba tôi lặt măng xong nên tôi nhờ ba tôi cột bánh giúp. Nhờ đó, tốc độ gói bánh cũng được tăng lên nhanh chóng. Vừa gói bánh, tôi vừa nghe ba tôi kể chuyện tết ngày xưa, phong tục ngày xưa, về gia đình họ hàng hai bên nội ngoại nên tôi cũng được ôn lại lịch sử dòng tộc ít nhiều.

Đến chiều, hai em tôi về. Chúng xum xoe những chiếc bánh chưng mới gói xong rồi hớn hở xông vô phụ giúp. Em trai bảo gói thêm bánh tét nữa nên ba tôi xung phong gói bánh tét và hai đứa em xung phong làm thợ phụ lau lá, cắt dây cho ba tôi còn tôi vẫn tiếp tục gói bánh chưng một mình. Cây bánh tét đầu tiên ra lò một đầu to một đầu nhỏ làm cả nhà cười ngất. Gói được bánh tét xong, em gái bảo muốn gói thêm bánh ú nữa làm tôi than trời nhưng cũng ráng gói chìu em.

Ban đầu em tôi làm thợ phụ gói bánh tét cho ba tôi nhưng đến khi thấy tôi gói bánh ú chúng nhào tới học hỏi, tập làm. Em gái cũng làm được một cái nho nhỏ như bánh ít. Em trai thấy vậy tưởng dễ cũng tập gói nhưng em không biết xoắn lá, bỏ nếp, xếp bánh thành ra cái bánh không có hình thù gì cả. Đã vậy lá chuối bị vỡ nên em cứ lo lấy lá cuộn lại rồi lấy dây cột rất nhiều trông rất buồn cười. Ba tôi chọc bảo đó là sáng chế bánh đùm chứ bánh ú gì. Cuối cùng, chúng tôi cũng gói được hai mươi bốn cái bánh chưng, ba cây bánh tét và năm cái bánh ú, một số lượng bánh khổng lồ lần đầu tiên trong cuộc đời tôi và gia đình làm được.

Trước đó mấy hôm, tôi giúp em tôi chuẩn bị vài thứ cho chương trình đón tết của hội Phật tử ở đây. Từ ngày quy y Tam Bảo, em gái tôi đã quyết định ăn chay trường còn gia đình cũng thay đổi, tu tập ít nhiều theo pháp Phật. Từ ngày kết duyên cùng một số Phật tử ở đây, em tôi thường xuyên đến niệm Phật đường Đại Bi của cô Lan, một nha sĩ, một phật tử tín tâm tạo dựng một phần nhà cô thành niệm Phật đường cho Phật tử đến tu tập và thỉnh thoảng có thỉnh thầy đến truyền bát quang trai hay thuyết giảng vì ở thành phố tôi không có chùa. Vì vậy, em bảo năm nay phải tổ chức đón tết thật vui và sống động, đầy ý nghĩa, đạo vị của Phật Pháp.

Tôi mừng cho em tôi tìm được bạn đạo tu tập và nương nhờ tam bảo để sống và tu tập đúng chánh pháp. Tôi giúp em tìm những câu chúc tết hay, ý nghĩa gởi tặng Phật tử. Ngoài ra, tôi giúp em xếp thật nhiều tiền lì xì hình trái tim bỏ vào phong bao đỏ. Em bảo tôi nhớ niệm phật và chú nguyện vào đó để bất cứ ai nhận được phong bao lì xì cũng sẽ chuyển tâm niệm Phật, tu hành theo phật pháp và trong trái tim luôn tràn đầy tình yêu thương.

Vừa ngồi xếp tiền lì xì, tôi vừa trả lời những câu hỏi về Phật Pháp cho em tôi và động viên em tôi gắng tâm tu học, niệm Phật, làm việc phúc thiện hồi hướng cho má tôi. Tôi cũng như em tôi đều là những Phật tử mới bước chân vào con đường học đạo, kiến thức hay hành trì đều rất bỡ ngỡ, non kém nên biết thêm được gì chúng tôi thường chia sẻ với nhau, vừa là chị em nhưng cũng vừa là bạn đạo tu học, mong cuối đời cũng được vãng sanh về cõi Tây Phương của Đức Phật A Di Đà.

Trong lúc xếp tiền lì xì và trao đổi Phật Pháp, chúng tôi vừa nghe nhạc xuân. Nhìn hai em vừa xếp vừa bỏ vào phong bao đỏ, vừa niệm Phật mà tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi chỉ mong sao các em tôi và cả nhà tôi cũng đều tu học theo pháp Phật để tâm linh mỗi ngày mỗi phát triễn. Tôi cũng nguyện cầu cho khắp chúng sinh trên thế gian này cũng đều nương theo oai lực của chư Phật mà xa rời đường dữ, tu học làm lành để tất cả đều được về cõi tịnh độ Tây Phương.

Ngày ba mươi tết, tối đi làm từ bệnh viện về, tôi tranh thủ cúng đón giao thừa. Trên bàn thờ, hương án nghi ngút, hoa tươi, bánh mứt, mâm ngũ quả đã được ba và các em tôi chuẩn bị sẵn sàng. Vừa chuẩn bị cúng giao thừa, các em đi đón xuân ở đạo tràng trở về. Ngồi nghe em hồ hởi kể chuyện đón tết vui như thế nào mà tôi cũng thấy xao xuyến, bùi ngùi, vui lây với em.

Em bảo đây là lần đầu tiên ở Mỹ mà em đón tết vui, ý nghĩa, hạnh phúc như vậy. Em bảo rất đông người đến tham dự và tất cả đều rất vui, cảm động với chương trình tết năm nay, nhất là lần đầu tiên có nhiều Phật tử trẻ tuổi tham dự. Em bảo đến tết Thượng Nguyên rằm tháng giêng em sẽ cùng Phật tử ở đạo tràng tổ chức lễ và em hy vọng tôi sẽ không đi làm ngày đó để cùng tham gia với em.

Thắp nén hương dâng lên bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà chuẩn bị cúng rước giao thừa, lòng tôi bổng cảm thấy an nhiên, tĩnh lặng khác lạ. Lời kinh thâm sâu ý nghĩa thấm sâu vào tâm tôi càng làm tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc vì được là con Phật, được đứng trước Ngài sám hối, lễ lạy, nguyện cầu trong thời khắc giao thừa. Mỗi câu niệm Phật như vạn lạy sám hối tôi xin thành tâm đối chứng mong chư Phật mười phương thương xót những chúng sinh vô minh, u trược như chúng tôi mà giúp chúng tôi đi đúng chánh Pháp để tiến lên bờ giác. Mong sao khắp thế gian này đâu đâu cũng vang rền câu niệm Phật để tất cả đều được trở về mái nhà thanh bình nơi Tịnh Độ Phương Tây.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Xuân Viễn Xứ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com