Ông Seyama Kính Mến!
Thế là cuối cùng Moon của ông cũng đã được về California, về thăm người thân và nhất là thăm ông sau bảy năm xa vắng. Ông bà thức gần như cả đêm để đợi chờ con và mừng cảm động ôm con khi thấy con xuất hiện trước hiên nhà. Con trở lại thành một đứa trẻ nhỏ bé khi đi bên ông, ngồi với ông và được ông che chở trọn vẹn.

Thời gian con sang California cũng là lúc mà đất nước Nhật Bản của ông và cả thế giới kỷ niệm một năm ngày siêu động đất và sóng thần tràn vào tàn phá kinh hoàng. Một năm trôi qua người Nhật Bản đã xây dựng gần như trọn vẹn những gì bị phá hủy đầy ngưỡng mộ và khâm phục. Đất nước Nhật Bản được ôm trọn trong con người của ông.

Năm trước cũng trong thời khắc này con đã đau buồn khôn siết khi nghe tin tai ương ở Nhật Bản và nhớ về ông. Con đã thức cả đêm ngôi viết bày tỏ tấm lòng của con đến với người ông kính yêu của con. Quá khứ đã qua, đau thương cũng dần dần được hàn gắn. Con xin dành tặng ông bài viết ấy như một lời tri ân cảm ơn của con đến với người ông đến từ Nhật Bản của con. Trọn đời trọn kiếp con sẽ mãi tôn kính và thương yêu ông nhiều lắm.

************************************************************************************************************

Mấy ngày nay xem tình hình siêu động đất và đại sóng thần tàn phá Nhật Bản, đất nước của mặt trời mọc, đất nước của hoa anh đào và đất nước của những con người vĩ đại làm con nhớ ông khủng khiếp. Ông, người ông vĩ đại, người ông đáng kính, người ông mà con kính trọng, yêu thương vô vàng và người lo lắng cho con nhiều nhất từ ngày con sang đây lại là một người Nhật Bản. Cứ mỗi lần nhớ nghĩ đến ông là con cảm thấy hạnh phúc cũng như xúc động nghẹn ngào. Dù cố kìm nén nhưng con không thể nào ngăn được dòng nước mắt mình tuôn chảy thành hàng khi nhớ về ký ức ngày xưa ông đã lo lắng cho con những ngày bơ vơ đầu tiên nơi đất khách.

Ngày đó khi vừa đặt chân đến Mỹ, sau hai tháng, con lại tiếp tục bị kéo khỏi gia đình về sống tại California với gia đình dì dượng con với hy vọng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Con có ngờ đâu, đó lại là những ngày đen tối khủng khiếp nhất đời con, những ngày con bị vùi dập khủng khiếp, nhất là về tinh thần. Cứ ngỡ được sống giữa sự giàu sang, giữa ngôi nhà thuộc hàng triệu phú của Mỹ, giữa họ hàng đông đúc con sẽ có một tương lai khả quan, được đến trường đi học như mọi người. Ước muốn bé nhỏ đó của con nhanh chóng bị vùi dập tan biến đi với những lời hứa hảo huyền và sự thật phủ phàng khi con hiểu ra lý do tại sao họ muốn con về nơi đó sinh sống. Con bơ vơ, vô định, chẳng biết mình sẽ làm gì, không được đi học còn đi làm thì không thể vì chẳng nơi nào nhận với trình độ tiếng Anh khiêm tốn và xa lạ với mọi ứng xử ở đây. Con buồn khóc suốt ngày nhưng không bao giờ dám nói cho ba má và gia đình con biết sự thật con đang đối diện như thế nào vì gia đình lúc đó quá khổ sở.

May mắn làm sao, bà cho con đi làm ở thẩm mỹ viện của bà những ngày cuối tuần còn trong tuần con đi học thêm tiếng anh miễn phí dành cho người lớn tuổi vì con không có tiền vào trường đại học do chưa là công dân của tiểu bang dù mức học phí không hề đắt. Cuối tuần, ông lại lên nhà dì dượng đón con xuống nhà ông bà để con đi làm rồi đến tối chủ nhật lại chở con về nhà dì dượng trở lại vì con đâu có được học lái xe, không có gì cả nên xe bus làm bạn với con suốt hai năm liền. Mỗi lần gặp ông là con vui vẻ khác lạ, con không bao giờ sợ hãi bất cứ điều gì, không sợ bị ghét bỏ, không sợ bị khủng bố tinh thần và luôn biết rằng con được bảo bọc, chở che tuyệt đối. Ông rất ít nói, điềm đạm, lúc nào cũng vui vẻ nên con có thể chuyện trò suốt ngày với ông.

Bà bảo con nói chuyện với ông còn hơn ông nói chuyện với bà. Lúc nào ông cũng lo cho con, nghĩ đến con, sợ con bị bất trắc xảy ra. Tâm từ bi phóng khoáng của ông đối với con đó là hàng Bồ Tát. Xung quanh con, họ hàng con là người Việt với nhau nhưng tính toán hơn thua và không bao giờ cho không con cái gì trừ ông bà. Đến nổi con đã tập thói quen không muốn nhận gì của ai cả, cố gắng làm việc để dành dụm tiền vào đại học lo cho thân mình để khỏi mắc nợ, khỏi bị đau khổ và khỏi bị đau khổ về tinh thần. Con quá sợ hãi với cách tính toán nhỏ nhặt chi ly, xem đồng tiền quá lớn mà chẳng nghĩ gì đến tình nghĩa gia đình. Thế mới biết ai bảo nhiều tiền là sung sướng đâu.

Có hôm cần người làm gấp nên ông lên tận trường đón con. Ông bảo ông muốn đến trường đón vì như thế sẽ an toàn cho con và làm con đỡ mệt khi phải di chuyển liên tục hai chuyến xe bus về nhà. Nhìn đường từ trường học ra bến xe bus khá vắng vẻ, ông sợ bất trắc xảy ra với con nên dặn dò con phải cẩn thận. Con bảo ông là ông phải dạy võ cho con như thế con mới đối phó với bất trắc được vì ông là một võ sĩ đạo. Ông cười bảo không nên con bảo nếu có chuyện gì xảy ra với con là tại vì ông. Đôi khi con cố tình chọc và nói đủ thứ chuyện để xem ông giận dữ thế nào nhưng ông bảo dù con có làm gì, nói gì, ông sẽ luôn luôn vui vẻ, không bao giờ phiền trách con, luôn yêu thương và lo lắng cho con. Vì thế, đôi khi những ngôn ngữ con nói chuyện với ông chỉ có hai ông cháu hiểu và người xung quanh không biết gì cả.

Có những hôm đến nhà ông sớm, con đi bộ vòng vòng và con muốn ông đi cùng con. Ông bảo trời tối đừng đi nguy hiểm nhưng con mặc kệ cứ đi thế là ông phải đi theo vì sợ con có chuyện. Đôi khi ông không đi được thì đứng bên ngoài quan sát xem con thế nào. Có hôm sợ con lạnh ông chạy theo đưa áo lạnh cho con. Rồi lúc con phải đi khám bệnh ở những nơi rất xa và rất nhiều lần, chính ông cũng là người phải chở con đi khám bệnh, chờ đợi kiên nhẫn dù rất lâu mà đôi khi con không thể nào kiên nhẫn được. Ông còn nhớ lịch khám bệnh của con nên gọi điện dặn con rồi lên chở con đi. Đường xa vời vợi nhưng bên ông con vui lắm. Họ hàng người Việt của con thì con không bao giờ dám nhờ vả và chẳng ai muốn mang việc vào mình, vừa tốn công sức, tốn tiền, mất thời gian, chẳng được lợi ích gì cả. Chỉ còn ông bà lo cho con, cho con những lo lắng về vật chất và tinh thần tối thiểu để con sống tốt hơn ở tương lai.

Mỗi lần bên ông, con được tự do nói những gì mình thích, mình nghĩ, về bất cứ thứ gì con muốn mà không phải rào trước đón sau. Có hôm con hỏi ông là tại sao ông lại lo cho con, thương con nhiều đến vậy trong khi họ hàng người Việt của con có ai đối xử tốt với con như vậy đâu. Ông bảo vì giờ đây con chỉ có một mình, sống xa gia đình nên ông thay ba má con lo cho con, làm những gì có thể để giúp con vì ông thương con, muốn con được sống hạnh phúc.

Có hôm con buồn buồn ngồi bên ngoài nhìn máy bay bay lượn trên bầu trời, con nhớ gia đình và chẳng biết khi nào con mới có dịp về thăm gia đình con. Ông đến bên con, nghe con nói rồi chọc con cười. Biết con thích ăn rau trái nên ở nhà ông đều ráng trồng chăm sóc rau trái rồi hái để dành cho con. Ông ăn uống rất dễ chịu, không bao giờ than phiền khen chê gì, kêu gì cũng làm, nấu gì cũng nấu. Còn về lòng thương người, tính khiêm cung, bình tĩnh, tôn trọng pháp luật, sống vị tha, chân thành với tinh thần của một võ sĩ đạo thì ông chẳng thua kém ai.

Cuối cùng, sau một năm, con cũng kiếm đủ tiền vào đại học và xa rời ông bà, không còn đi làm nữa để tập trung học tập và cũng có nghĩa là con không còn gặp mặt ông thường xuyên. Đôi khi con gặp được ông trong những ngày lễ của họ hàng và đôi khi ông còn mang rau trái lên cho con. Mỗi lần gặp được ông là con vui lắm. Ông vẫn vậy, ngồi ở một góc sau khi ăn xong, không nói gì cả trừ khi bị hỏi còn lại toàn người Việt với nhau nói đủ thứ chuyện trên trời.

Những lúc đó con thích được bên ông, thích ôm ông, choàng tay qua cổ ông nói chuyện với ông, người duy nhất từ nhỏ đến lớn con cảm thấy thoải mái, thân thiết, ngay cả với ba con cũng không có cảm giác gần gũi như vậy. Thế là ông lại hỏi chuyện học hành của con và vui khi biết con học hành khá tốt. Rồi khi biết con phải đi bộ đi học vào buổi tối về nhà trễ, băng qua hai ngọn đồi vì nhà dì con trên đồi và trường cũng trên đồi, ông lo cho con lắm.

Ông bảo như thế thật là nguy hiểm và ông muốn con phải cẩn thận. Con bảo ông dưới chân đồi là nhà thờ nổi tiếng ở đây, con biết rất nhiều sơ và cha cố mỗi ngày con đi ngang đó nên nếu có chuyện gì xảy ra với con thì đó là trách nhiệm của nhà thờ vì đã không hoàn thành được việc cầu nguyện bình an cho con. Nghe con nói vậy ông bật cười và lắc đầu với con. Thế là lâu lâu con gọi điện hỏi thăm ông và lại được ông nhắc nhở phải cẩn thận.

Bà cứ hay than phiền ông không lãng mạn như người ta, lúc nào cũng nguyên tắc và tôn trọng pháp luật, không bao giờ làm điều sai trái đến mức mà bà cho là cực đoan. Con không chịu bảo người như ông rất hiếm có vì người ta làm chuyện gian dối rất dễ nhưng người sống thiện làm thiện như ông rất hiếm trong xã hội này. Con bảo bà thật là sung sướng và may mắn khi sống bên người như ông vì lúc nào cũng toàn tâm toàn ý cho gia đình, không cờ bạc rượu chè, hút thuốc, tiêu xài phung phí gì, sống rất mẫu mực chứ lỡ lấy mấy ông Việt Nam ở thế hệ bà vô cùng gia trưởng hay chỉ biết nhậu nhẹt, hút sách, về chửi vợ mắng con còn mệt mỏi hơn.

Đôi khi bà giận dỗi vì con toàn bênh ông, khen ông không tiếc lời mỗi khi bà nói xấu ông nhưng sau đó bà lại cười bảo chỉ có ông mới chịu đựng nổi bà mấy chục năm nay, bà làm gì ông cũng cho làm cả và chẳng bao giờ đòi hỏi than phiền bất cứ điều gì. Ông cũng là tiến sĩ, trình độ bằng cấp đâu thua kém ai nhưng phong thái và cách hành xử của một người Nhật, một võ sĩ đạo khiêm cung, nhẫn nhịn, đàng hoàng đúng nghĩa thật hiếm thấy trong xã hội ngày nay.

Ngày rời Cali về lại Florida sống với gia đình, con vừa vui mà cũng vừa buồn. Tạm biệt họ hàng nhưng không mấy người làm con lưu tâm và có nhiều tình cảm trừ ông và hai người bà lúc nào cũng thương lo cho con. Gọi điện chào mọi người cho đủ lễ nghĩa chẳng làm con động tâm nhiều. Đến khi cầm máy gọi điện cho ông, con bật khóc không nói được gì cả. Con cảm ơn ông, cảm ơn ông với tất cả tấm chân tình cao quý ông dành cho con và kể lại những gì ông đã làm cho con.

Con biết đối với ông đó chỉ là những điều bình thường, hết sức bình thường, không có gì vĩ đại cao siêu nhưng đối với con đó là cả một phép nhiệm màu vực cuộc đời con dậy, cho con được sống thật sự trong tình yêu thương nồng ấm mà không có sự toan tính hơn thua. Ông là cha, là mẹ, là thầy của con, là người bạn vĩ đại của con khi xung quanh con không có một người bạn để trò chuyện. Ông cũng là người tài xế tốt bụng đưa con đi khắp nhiều nơi ở California chứ chẳng ai chở con đi đâu dù con sống hai năm ở đó. Ông là ông tiên nhân từ đức độ ban cho con những tình thương cao đẹp, nuôi dưỡng trái tim con và làm tan biến những khổ đau, giận hờn, cũng như oán hờn mà họ hàng đã gây ra cho con.

Dù cho tới bây giờ, ông cũng chưa bao giờ có thể đọc và biết tên con là gì mà ông chỉ gọi con là “Moon” vì như thế dễ dàng cho ông còn con gọi ông một cách trìu mến là “great uncle”. Ông ơi, Moon ngày xưa của ông đã trưởng thành hơn rất nhiều rồi, đã học tập và có chút ít thành công với nghề nghiệp lương thiện mà con lựa chọn. Con biết ông mừng cho con lắm nhưng ông nói bằng tâm chứ không bằng lời. Biết ông không thích gọi điện hỏi và nói chuyện lung tung, con cũng không có gọi điện thường xuyên cho ông nhưng lúc nào hình bóng về ông cũng in đậm trong tim con. Từ ngày ra đi con hứa sẽ về thăm lại ông bà nhưng đến giờ hơn sáu năm rồi con vẫn chưa làm được điều này, ông tha lỗi cho con nghe ông. Con nói vậy chứ có bao giờ ông hờn trách gì con, thương con, lo cho con rất nhiều chứ làm gì buồn con phải không ông?

Mấy ngày nay, thiên tai động đất rồi sóng thần tàn phá đất nước Nhật Bản, đất nước xinh đẹp của ông con buồn lắm và nhớ ông nhiều hơn. Con biết chắc ông sẽ buồn nhưng sẽ không bao giờ nói ra mà chỉ âm thầm nhẫn nhịn để trong lòng. Con khâm phục người Nhật thật đoàn kết, trật tự, lo lắng cho nhau, bình tĩnh nắm lấy tay nhau khắc phục hậu quả. Trong đại thảm họa như thế mà họ vẫn trật tự sắp hàng, vẫn nêu cao tinh thần và ý thức của quốc gia dân tộc, lo lắng cho nhau, giúp đỡ mọi người, kiên nhẫn đợi chờ mà không hề có sự chen lấn, xô đẩy, giành dựt, cướp bóc, trục lợi, đục nước béo cò như người Việt Nam con làm con khâm phục và ngưỡng mộ vô cùng.

Những điều này con đã được chứng kiến và thấy từ ông nên đối với ông đó là những điều bình thường, hết sức bình thường nên mới có một xã hội vừa văn minh và vừa nhân văn như vậy. Còn đối với những người Việt Nam của con chỉ biết nghĩ đến lợi trước mắt, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, dù trong hòa bình mà dân tình còn tranh giành, chửi bới, dẫm đạp nhau, thiếu ý thức rất nhiều thì nói chi đến thiên tai loạn lạc. Con ước ao người Việt của con và cả thế giới này nhìn tấm gương của người Nhật mà học hỏi, mà tự giáo dục mình, trong đó có cả con thì thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nhiều lắm.

Ngồi viết những dòng chữ này mà con không thể nào bình tĩnh nổi, chỉ biết khóc khi nhớ về ông và thương đất nước Nhật Bản, xứ sở của hoa anh đào lãng mạn mà bà nâng niu trân quý của một thời tuổi trẻ và là quê hương hung đúc tinh thần võ sĩ đạo của ông. Ông ơi, mấy ngày nay ngày nào con cũng nguyện cầu chư Phật gia hộ, độ trì cho người Nhật Bản sớm khắc phục và vượt qua thiên tai. Cảm ơn ông, một người Nhât Bản đã dạy cho con rất nhiều bài học, đã cho con thấy tình thương không biên giới cội nguồn, đã nuôi dưỡng con bằng một trái tim của Bồ Tát Quán Thế Âm để con có được ngày hôm nay.

Nếu không có tình thương yêu và sự giúp đỡ vô bờ bến ngày xưa của ông thì con sẽ không có được một tương lai tốt đẹp như vậy. Nguyện cầu chư Phật, chư đại Bồ Tát, chư hiền thánh tăng sẽ luôn gia hộ, độ trì cho người dân Nhật Bản. Dù sau này con có như thế nào đi chăng nữa, lúc nào con cũng kính trọng ông, thương yêu ông và người dân đất Nhật. Mong một ngày gần đây, hoa anh đào lại tiếp tục khoe sắc rạng ngời dưới ánh nắng mặt trời của xứ sở Phù Tang nha ông.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Hoa Anh Đào Phủ Trắng Nước Phù Tang”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com