Thế là gia đình mình đã bước sang tuổi lên chín ở xứ người. Chín năm với bao nhiêu nổi buồn vui đau khổ để có được chút ít thành công cùng bao nhiêu niềm đau khổ khóc thương vô tận cũng không kém là bao. Chín năm đủ để nếm trải hương vị cuộc sống mới ngoài Việt Nam, không còn quá lạ lẫm nhưng cũng không dám nói là quen thân như ở quê nhà. Tuy nhiên, chín năm đủ để mình và gia đình nhận ở đây một quê hương thứ hai với bao dư vị ngọt bùi khổ nhọc của cuộc sống.
Cứ mỗi lần nói chuyện với bạn ở Việt Nam thì câu đầu tiên đa phần đều luôn hỏi là chừng nào mình sẽ về Việt Nam và chừng nào mình sẽ về ở hẳn. Ngày ra đi mình luôn mong muốn sẽ có cơ hội quay về quê hương yêu dấu để sống. Tuy nhiên, sau chín năm nhìn lại, giờ câu trả lời ấy mình cũng không còn dám hứa và giờ cũng chẳng có câu trả lời nào được cho là chắc chắn cả.
Biết trả lời cho bạn như thế nào vì với bạn hình ảnh ở nước ngoài là luôn thừa vật chất và thiếu tình người, mọi người chỉ biết có bản thân mình, chỉ biết lo cho mình, tình cảm không sâu đậm như người Việt. Đặc biệt, bạn lại càng thất vọng khi tưởng mình sống Tây hóa khi chỉ thích sống một mình. Với bạn mà nói có vợ có chồng có con mới là mái ấm, là hạnh phúc còn sống độc thân như mình là ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ và Tây hóa.
Ngày xưa khi ở quê nhà, mình cũng từng có suy nghĩ như bạn vậy nên mình cũng không thấy làm lạ. Những điều bạn và cả mình nghĩ về người nước ngoài có phần đúng nhưng cũng có phần sai. Lẽ dễ hiểu là ở đâu cũng có người tốt và cũng có người xấu cả. Ngay cả rất nhiều người Việt ở Mỹ nhưng việc tìm hiểu, tiếp xúc với người nước ngoài, hiểu về văn hóa , cách sống của họ không nhiều. Vô hình chung, cái gì có lợi thì chúng ta khen còn cái gì trái với mình thì chúng ta cứ chê và lên án không cần tìm hiểu ngọn nguồn.
Với mình mà nói, chín năm qua ở Mỹ, tất cả những gì mình có được và may mắn được thừa hưởng được, ngoài gia đình và nỗ lực của bản thân thì còn lại đều do các bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp người Mỹ giúp đỡ. Bạn sẽ nghĩ gì khi mình cho bạn biết rằng ở đây mình sợ nhất là gặp người Việt và chính người Việt của chúng ta, những người Việt mà chúng ta thường tự hào lại đa phần là người mang lại cho mình bao sự khổ đau, trái ngang theo thói xấu của mình là chà đạp người khác để thấy mình được cao hơn.
Mình không có nói là ai cũng vậy hay vơ đũa cả nắm nhưng số mình không may mắn nên đa phần người Việt mình gặp đều để lại cho mình nổi ác mộng. Mình sợ phải trò chuyện, phải giải thích, phải theo cái nghĩ của họ, sợ theo sự a dua, kéo bè, sợ phải nói theo đúng ý, sợ nói sai sẽ bị trù dập, sợ bị cưỡng bức về tâm hồn. Đó là chưa nói nếu đi làm cho chủ người Việt thì bị hành hạ thê thảm nhưng lương bỗng thì không bao nhiêu và chẳng có bảo hiểm, lợi tức gì cả. Gia đình mình, bản thân mình và tội nhất là má mình chính là nạn nhân của chủ người Việt ở nước ngoài để đến giờ bị bệnh thê thảm như vậy đó.
Từ bảy năm nay về Florida sống, nơi rất ít cộng đồng người Việt nên mình cuộc sống của mình rất thanh thản. Dù cũng có người Việt là đồng nghiệp của ba má hay bạn bè của các em nhưng mình hầu như không tiếp xúc với ai hết. Ngày ngày chỉ biết có đi học, đi làm, lo cơm nước cho gia đình và toàn tiếp xúc với người Mỹ ở ngoài đường mà thôi.
Mình đã thoát được tất cả khổ về tâm. Mình được nói quan điểm của mình, tôn trọng quan điểm của người khác. Mình không phải theo ý của ai, không lo chìu ý của mọi người và các bạn người Mỹ cũng vậy. Mọi người có sự tự do cho riêng mình và người khác phải tôn trọng dù có khác với mình.
Điều đặc biệt là bạn bè của mình đa phần toàn các giáo sư ở trường, đồng nghiệp lớn tuổi và bệnh nhân. Mình chỉ tiếp xúc ở ngoài chứ không có xen vào chuyện riêng tư, chuyện quyết định nội bộ của họ. Mình chỉ có duyên nói chuyện với người lớn tuổi vì có như thế mình mới thấy được sự gần gũi, họ thương yêu và hiểu mình hơn người trẻ tuổi bằng trang lứa của mình. Tuy nhiên, cách chọn lựa cuộc sống của mình thì với họ là quá lập dị nhưng họ luôn tôn trọng và giúp đỡ mình những việc làm tốt cần thiết.
Nếu bạn suy nghĩ rằng người nước ngoài là không có tình người, chỉ biết phóng túng, tự do cá nhân là sai lầm. Ở đây bao nhiêu năm mà đôi khi mình rất cảm động với cách hành xử và tình cảm nhân văn họ dành cho nhau, cách họ đưa ra vấn đề mà mình rất ngưỡng mộ. Chính họ đã dạy cho mình rất nhiều bài học và mình cũng học hỏi từ họ để hài hòa với truyền thống, niềm tin và con đường của mình.
Chỉ cần mình chịu cố gắng, chỉ cần mình có niềm tin họ luôn luôn cố gắng động viên mình dù được hay không. Họ không muốn mình mất đi hy vọng chứ không có chuyện ích kỷ cá nhân nổi lên mình đưa ra con đường và chê trách để rồi chẳng ai dám nói lên suy nghĩ của họ vì khác mình, khác cách nhìn chung thì đều là điên rồ, vớ vẫn.
Trong những lớp học ở trường đại học, thầy cô người Mỹ rất thương yêu mình, tạo mọi điều kiện cho mình học thật tốt, giới thiệu việc làm, viết thư giới thiệu và kể cả giúp tìm học bỗng. Hầu như sau các lớp học, các thầy cô đều nhớ mình và luôn nhắc mình nếu cần họ giúp đỡ gì, cần họ viết thư giới thiệu thì nhớ liên hệ với họ. Thư giới thiệu là vô cùng quan trọng ở Mỹ khi đi xin việc hay làm nhiều chuyện khác và có thầy cô tình nguyện gợi ý sẽ viết thư cho mình là một phước huệ.
Mỗi khi cần hỏi gì, các thầy cô đều bỏ rất nhiều thời gian giảng bài, tận tình chỉnh sửa lỗi chính tả, cách phát âm cho tốt hơn và luôn xin lỗi mình khi họ chỉnh sửa. Đó là phép lịch sự trong giao tiếp không để người khác phiền lòng. Đặc biệt, khi biết về hoàn cảnh của gia đình mình ở xứ người, thầy cô nào cũng tận tình tìm đủ mọi cách giúp đỡ và luôn động viên mình mọi lúc mọi nơi.
Ở trường y tá mình học từ khi chưa tốt nghiệp cho đến bây giờ sắp tốt nghiệp với bằng “doctor” thì gần như thầy cô nào cũng biết mình. Bao nhiêu là giải thưởng và học bỗng ở trường các thầy cô đều cố gắng giúp mình đạt được, giúp mình được vinh danh và đề cử giải thưởng cho mình dù mình không phải là sinh viên xuất sắc nhất.
Còn đi làm việc thì bệnh nhân rất thương quý, giúp đỡ, đồng nghiệp và các sếp của mình đều rất thương mình, hiếm khi nào mình thấy việc bị kỳ thị gì xảy ra với mình như nhiều người từng nói với mình. Họ lại rất hãnh diện, tự hào, khuyến khích, tạo mọi điều kiện khi mình quay lại trường học . Các sếp cho mình được tự do lựa chọn ngày làm việc mình thích và vô cùng hài lòng khi mình chọn đi làm cuối tuần vì trong tuần phải đi học.
Đó là về mình còn với các em của mình và gia đình mình thì đã nhận được sự giúp đỡ của các bạn người Mỹ không biết bao nhiêu mà kể. Làm việc với họ rất sòng phẳng, đúng giờ, bảo hiểm và lợi tức đầy đủ, không lo sợ chèn ép đủ thứ chuyện nhức đầu. Luật lệ quy định đã có và cứ thế mà làm không cần phải lo sợ đủ điều hay sợ bị đè ép không thương tiếc như làm với người Việt.
Dù ở đâu cũng có người tốt người xấu, cũng có người không thích mình, nói xấu mình, ghét mình nhưng đa phần mình rất hài lòng và thoải mái khi làm việc với người Mỹ. Mặc dù mình không có độ thân thiết cao như với một số bạn người Việt mình có nhưng mình rất biết ơn và kính trọng vô cùng.
Mình không phân tích hay đi so sánh cân đo thói xấu hay đời sống cá nhân của họ dù cái xấu ở đây đầy rẫy nhưng đó là chuyện riêng tư và chuyện xấu thì có ở đâu mà thoát. Tuy nhiên, họ là chủ thể của cá nhân họ, nhân nào quả đó thì ai làm nấy chịu mà thôi.
Mấy tháng nay gia đình mình phải mướn luật sư lo giấy tờ để mình có thể trở thành người bảo chứng chịu trách nhiệm thay cho má mình trước mọi vấn đề ở đây vì má đã mất trí. Thủ tục rất nhiêu khê, phiền phức và tốn kém vô cùng. Thế mà như một sự màu nhiệm, bao nhiêu bác sĩ y tá đến khám bệnh xác nhận cho má đều cuối cùng cho gia đình mình được miễn phí và giúp đỡ thêm nhiều thứ khác. Một luật sư làm miễn phí và hai nhân viên của luật sư chính làm việc rất nhiều.
Ngày ra tòa, theo lời thỉnh cầu của luật sư do cần giấy tờ rất gấp, chánh án tối cao của thành phố thương cảm và đồng ý bỏ thời gian làm việc tuyên thệ dù ngay hôm lễ của thành phố. Luật sư chính của mình đã làm mình bất ngờ xúc động khóc ở tòa khi cho biết sẽ chỉ lấy chưa được một nữa số tiền như ban đầu và miễn tất cả mọi thứ cho gia đình mình.
Ông còn lo giúp động viên, viết thư cho mình rất cảm động. Còn mình, ,mình chỉ có biết khóc khi cảm nhận tấm lòng đầy tình cảm thương yêu vì gần 20 người đã giúp má mình trong việc lo giấy tờ này. Tất cả đều làm với tâm từ bi sâu nặng miễn phí và còn viết thư động viên, mong được giúp đỡ thêm nếu mình cần. Mình lại cảm thấy nợ họ, nhất là nợ tình cảm của họ quá nhiều.
Mình thích nhất cách suy nghĩ về việc làm mang tính cộng đồng và vì những lợi ích cao đẹp khác họ dành cho thế giới. Đó là cách họ không nghĩ rằng chỉ có con cái, gia đình mình mới là trên hết, chỉ lo thu vén cho gia đình mà quên đi người khác. Những người nổi tiếng và giàu có thường tạo ra các quỹ cấp phát học bỗng dành tặng cho người khác, hiến tặng cho các trường đại học hay các trung tâm nghiên cứu để có thể tạo ra nhiều nhân tài và sản phẩm tốt hơn phục vụ cho nhân loại.
Nhiều người Mỹ nếu con cái của họ không tốt, họ sẵn sàng truất quyền để lại di sản mà dành tặng cho những trung tâm từ thiện vì cồng đồng. Hãy xem gương các tỷ phú như Bill Gates hay Waren Buffet , họ đã làm gì? Họ cam kết hiến thặng gần như tất cả tài sản cho những mục đích từ thiện, cải thiện giáo dục và y tế. Số tiền họ dành tặng cho con cái không nhiều và quan điểm của họ là con cái cũng phải biết tự lập và có nhiều tiền chỉ làm hư con.
Cách họ tặng không chỉ là tiền mà họ nghĩ nên dùng như thế nào. Bill Gates tạo ra quỹ học bỗng giúp những sinh viên ưu tú của các cộng đồng người dân di cư đến Mỹ để họ tăng cường những nhân tố tài giỏi lãnh đạo chính cộng đồng của mình và để họ có thể cải tạo thế giới hay chính đất nước mà họ sinh ra. Em gái mình may mắn cũng đạt được học bỗng này, được lên báo Mỹ và cả Việt rất tự hào cũng chính là nhờ những người như ông Bill Gates.
Bạn sẽ nói tại họ giàu quá nên họ mới phải làm vậy? Có thể đúng mà chưa đủ. Họ biết tiền của họ có được cũng từ thế giới và họ muốn cam kết hiến tặng lại theo phương cách có lợi cho thế giới nhất. Nếu những người này chỉ thích tiền, ham cuộc sống hưởng thụ, họ không mệt mỏi vậy đâu. Ông Bill Gates sẽ không mệt đến nổi phải từ chức để quay về tập trung vào quỹ từ thiện, suốt ngày đi khắp thế giới xem nên tạo ra các loại vaccine, thuôc men nào tốt nhất cứu bao nhiêu con người. Với mình ông chẳng khác nào Bồ Tát tái sanh cả.
Bạn hãy xem cách sống và xem họ có lo lắng quá nhiều cho cài vẻ bề ngoài không? Ông Waren Buffet đi cái xe gì, ở cái nhà như thế nào? Ông Steve Jobs, vị CEO quá cố của công ty Apple trong nhà còn chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài cái giường ngủ và cái bàn. Họ có lo ăn, lo măc, lo tiêu sắm mua xài, chưng diện không? Vậy mà cái tâm và suy nghĩ của họ về thế giới, về người khác thì mình xin bái lạy.
Mình thích cách cùng trao đổi, làm việc tập thể, cùng tôn trọng và đưa ra luận điểm với nhau và tìm hướng làm việc. Bất cứ ở đâu, dù họ làm ngành nghề gì thì đều có thể học hỏi từ họ. Dù là giám đốc, bác sĩ hay là một người nhặt rác thì gặp nhau vẫn có thể chào nhau, nói chuyện cùng nhau vui vẻ và chỉ dạy cho nhau. Ở nơi mình làm, dù ai làm ngành nghề gì thì đều đáng được hoan nghênh, tôn trọng và cao quý cả, không có sự hơn thua.
Những người lau dọn hay bưng cơm nước cho bệnh nhân lại là những người bạn mình hay trò chuyện nhất. Khi nói chuyện hầu như họ đều có kiến thức xã hội và thế giới cơ bản, có sự suy luận riêng, không bao giờ cảm thấy sự thua kém và tự học lẫn nhau. Chính họ đã chỉ dạy cho mình rất nhiều và họ cũng hay thu lượm tài liệu đưa ra cho mình đọc để hiểm thêm về một vấn đề gì đó.
Mình còn rất thích và ngưỡng mộ cách đa số người Mỹ họ đối xử với thiên nhiên, với môi trường, với các loài động vật hoang dã. Luật lệ nghiêm khắc cấm việc săn bắn, phá hoại cây xanh, xả rác bừa bãi nếu không muốn bị phạt và đi tù.
Tổ chức PETA, tổ chức ủng hộ việc ăn chay cấm sát sinh động vật sẽ tổ chức biểu tình, lên án nếu họ phát hiện ở đâu có việc giết hại động vật tàn nhẫn như vậy. Bao nhiêu là những người nổi tiếng, các siêu người mẫu, hoa hậu đã bị lên án và phải công khai xin lỗi khi mặc những loại áo quần làm từ động vật.
Tuy nhiên, như một ý thức hệ, người ta dần dần làm những việc này vì họ tôn trọng thiên nhiên, muốn bảo vệ thiên nhiên và duy trì sự sống ổn định, phát triển bền vững của các loài động vật , tôn trọng sự sống của chúng như chính bản thân mình chứ không còn vị sợ bị phạm luật. Vì thế đôi khi đi giữa thiên nhiên toàn cây xanh, hoa nở, chim chóc, hưu nai chạy xung quanh nhà mà mình thầm nghĩ rằng các loài động vật ấy chúng cũng thật có phước khi được sinh ra ở Mỹ.
Mình còn vô cùng tri ân các bạn người Mỹ vì chính họ là người đã gieo mầm Phật pháp đầu tiên cho mình tu hành theo đúng với lời dạy của Đức Phật. Họ bỏ ra hàng giờ cùng đàm đạo, trò chuyện, cùng nói về thiền và những chướng mắc khi tu tập. Họ không vì niềm tin tôn giáo riêng của mình mà đi chê trách tôn giáo khác.
Ngược lại, họ tự tìm hiểu và học hỏi những điều hay, bổ ích từ các tôn giáo khác, nhất là Phật giáo. Họ rất thích đọc sách, cùng bàn bạc, trao đổi lẫn nhau, cùng học hỏi lẫn nhau. Do đó, rất nhiều bạn và thầy cô khi đọc được tài liệu hay nghiên cứu gì hay về Phật giáo, người đầu tiên họ nghĩ là mình và họ lưu giữ bài viết hay gởi link cho mình cùng đọc và thảo luận
Mình chẳng dám nói và so sánh ở đâu tốt hơn ở đâu, ai tốt hơn ai nhưng với mình mà nói đây là quê hương thứ hai nuôi dưỡng mình lớn mạnh. Mình đã nợ đất nước, nợ con người, nơ thiện nhiên, nợ bao nhiêu tình cảm của những người không hề quen biết đã tận tâm giúp đỡ. Mình cũng chẳng biết là trong vô lượng kiếp mình đã gieo được thiện nghiệp gì với họ để kiếp này, ở đây, mình lại nhận được quá nhiều sự hồng ân từ họ như vậy.
Ngày xưa khi mới sang Mỹ, những câu ca trong bài hát “Trên Mảnh Đất Tình Người” mà đêm đêm mình vẫn thường hay nghe để thấm thía, để tự an ủi mình vươn lên đứng dậy.
“Vượt ngàn dặm xa người đến đây với mảnh đất này
Đâu biết con đường ngày mai ra sao
Như tin số phận chẳng lẽ nào.”
Giờ mình không còn phải ôm gối ngồi khóc than chẳng biết tương lai vô định sẽ đi về đâu. Mình xin cảm ơn và lạy tạ tất cả những ân nhân, những bạn bè người Mỹ đã giúp đỡ cho mình và gia đình có một cuộc sống tương đối khi lưu lạc ở xứ người. Cảm ơn họ đã đón nhận, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để mình được đường hoàn là một công dân thực thụ của đất nước mà họ mong muốn.
Dù những ân nhân và bạn hữu chẳng ai mong cầu sự trả ơn ngoài sự thành công của mình và được làm những gì mình thích có lợi cho người khác, mình xin cố gắng tu học, noi theo chút ít hạnh nguyện vĩ đại của họ để có thể sống an lạc cho mình và đem niềm hạnh phúc cho người khác.
Bao cánh bướm lượn lờ nhảy múa dưới vầng thái dương trên những vườn hoa vàng. Nước từ trong khe suối róc rách sẽ phá tan băng mùa đông chào đón mùa xuân về. Cây vươn mình đứng dậy nảy lộc đơm hoa sau một mùa đông ngái ngủ vì lạnh. Nguyện mong những điều tốt đẹp sẽ theo hương hoa yêu thương để lan tỏa hơi ấm tình người cho khắp muôn loài trên toàn thế giới.
Ngọc Hằng