Hôm nay, con bất ngờ nhận được thư của dì. Dù là dì cháu với nhau nhưng thật ra con chưa bao giờ gặp mặt dì và dì cũng vậy. Dì là con của bà Năm con, là em của ông Ngoại. Nhân duyên mà dì viết thư cho con là bởi vì dì nghe bà Năm kể về con rất nhiều và nhất là việc con đến với con đường tu hành của nhà Phật. Dì muốn làm quen với con, muốn có bạn đạo cùng tu tập và cũng muốn biết nguyên nhân gì mà con đến với con đường tu tập khi tuổi đời còn khá trẻ lại tu tập rất thuần hành làm dì rất ngưỡng mộ. Vì dì chưa biết con có nhận được thư của dì không nên dì không dám viết nhiều và dì hy vọng con sẽ hồi âm phúc đáp cho dì.
Đọc mấy dòng thư ngắn ngủi có vậy thôi mà con đã rơi lệ, vừa tủi vừa mừng khi nhớ về bà Năm, má của dì, bà của con, người bà kính yêu và biết tu tập duy nhất trong họ hàng của mình. Cuộc đời của bà thật là tội nghiệp đầy éo le trái ngang. Con không biết nhiều về bà, chỉ nghe được từ ba má con. Ngày xưa ở Việt Nam, gia đình bên ngoại rất giàu. Bà cố rất giàu có, buôn bán rất giỏi rồi đến ông ngoại cũng như vậy nên gia đình nổi tiếng cả một vùng. Bà là em của ông ngoại nhưng lại trái ngược hoàn toàn. Bà nghèo đến tội nghiệp. Cho đến tận bây giờ, con cũng không hiểu nổi tại sao bà cố và ông ngoại lại không thương bà nhiều, không hề giúp đỡ bà, không giúp bà tiền của để cho bà có một cuộc sống khấm khá.
Bà rất hiền từ, nhẫn nhịn, công dung ngôn hạnh đầy đủ không thua kém gì bà ngoại của con. Bà đỡ hơn bà ngoại là còn có nghề nghiệp và bà là y tá nên cũng có thể tự lo chút ít cho chính mình. Nhưng với đồng lương y tá làm cho bệnh viện nhà nước khi phải nuôi chồng nuôi con, bà sống rất khổ. Ngày còn nhỏ, mỗi lần con thấy bà về thăm bà cố nhưng con không cảm nhận được tình cảm mà bà cố dành cho bà. Con cũng không hiểu nhưng bà chưa bao giờ có một lời oán trách hay có ý bất kính với bà cố. Thỉnh thoảng, người hay giúp bà một ít gạo hay nhu yếu phẩm là bà ngoại của con trong hoàn cảnh nhận đưa rất tội nghiệp.
Nhớ hai lần con bị bệnh phải vào bệnh viện, ngoài má thì lúc nào con cũng thấy bà. Giọng bà hiền từ, nhỏ nhẹ, ấm áp và đầy tình thương yêu bên cháu bên con. Khi má vào bệnh viện cũng bà cạnh bên lo lắng, giúp đỡ. Khi bà còn có điều kiện và các dì chưa quá giàu có như bây giờ, các dì còn kính trọng bà và thường xuyên đến nhờ bà giúp đỡ. Tuy nhiên, đến tuổi bà về hưu, cuộc sống lại khó khăn gấp bội nhưng bà chẳng than thở bao giờ. Ngày còn ở Việt Nam, má con là người thương bà nhất và thường xuyên giúp đỡ bà. Mỗi lần đám giỗ trên ngoại hay nhà con, bà thường hay đi chiếc xe đạp tồi tàng rất xa lên rất tội nên về sau ba hay má con thường thay nhau chở bà lên. Mỗi lần bà về má thường chuẩn bị đồ ăn cho bà, xem những gì ngon nhất gởi để bà mang về, nhìn bà lúc đó thật tội nghiệp.
Bà cố rồi ông bà ngoại lần lượt qua đời thì việc bà xuất hiện ở nhà ngoại cũng vắng hơn trừ những đám giỗ lớn. Má vấn vậy, vẫn lo cho bà và ba vẫn thường xuyên chở bà lên vì bà đã già không đi xa được. Các dì lần lượt làm ăn khấm khá, giàu có lên thì cũng là lúc tình nghĩa gia đình ngày càng rạng nứt, những cái gì xấu xa nhất bắt đầu xuất hiện, chia bè xẻ cánh và quyền lực đồng tiền xuất hiện. Ngày đó má thật là tội nghiệp khi phải gánh tất cả mọi thứ ở nhà ngoại và bị chính chị em của má chửi bới, khinh miệt, đau khổ vô cùng. Bà vẫn vậy, vẫn nhẫn nhịn, hiền từ, không giận con hờn cháu bất cứ điều gì dù họ không hề kính trọng bà, không nhìn nhận bà thì đúng hơn. Ngày đó con nào biết gì về tu hành, về Phật pháp dù bà là một phật tử thuần hành. Con chỉ thương bà quá nghèo khó, tội nghiệp, bị con cháu khinh rẽ. Nhìn cảnh má con và bà như vậy, lòng căm hận trong con bùng thổi và con quyết tâm sẽ cố gắng kiếm thật nhiều tiền, học thật thành tài, trước là để cho má con vui và sau là dằn mặt họ.
Bước ngoặc có lẽ thay đổi cả cuộc đời của con, của cả gia đình con là khi được xuất ngoại sang Mỹ. Ngày gần đi, nhà con có tổ chức tiệc mời họ hàng và hiển nhiên là có cả bà. Ở nhà má thương con lắm vì con làm được những gì má mong muốn cả về học tập và ứng xử với cuộc sống, nhất là con rất thương bà. Vì thế, trước khi đi, má dẫn con đến nói chuyện với bà ở nhà. Má bảo khi nào sang Mỹ học hành thành tài có tiền thì nhớ mà giúp cho bà. Con bảo với bà là khi nào con có tiền thì người đầu tiên con giúp đỡ chính là bà làm bà rất cảm động. Bà rất dễ xúc động nên chỉ cần nghe những lời yêu thương là bà sẽ khóc ngay lập tức.
Sang Mỹ được hai năm, chị Hai đám cưới nên chỉ có ba má về. Lúc đó con ở California nên trước khi về Việt Nam ba má ghé thăm con. Con đã thấy má không còn được bình thường nhưng trí nhớ vẫn còn tốt. Con có nhờ má gởi chút ít về cho bà và đám cưới ba má cũng mời bà lên dự rất trang trọng. Rồi sang Mỹ trở lại, không may cho gia đình con khi má con ngã bệnh nặng hơn , một chứng bệnh có thể gọi là nan y của Mỹ và thế giới. Má mất trí không còn biết gì và khi con về đoàn tụ với gia đình thì má không còn là người má vĩ đại của chúng con nữa. Dần dần, má không còn biết đến ai, đến chúng con là con cái của má thì má cũng không biết. Má dần dần như một đứa trẻ với bao nhiêu là biểu hiện kỳ quặc không thể nào hiểu nổi. Rồi chúng con phải chấp nhận dần dần với chuyện này để sống mà học tập và lo cho má.
Con vừa đi học và đi làm nên cũng có thể tự lo chút ít cho mình. Con nhớ lời má hứa là khi sang Mỹ có điều kiện là sẽ giúp cho bà và con cũng nhớ ngày xưa đã hứa với bà thì con sẽ không bao giờ quên. Lần lượt từng người trong gia đình có cơ hội về Việt Nam thăm bà, con đều gởi bà chút ít dù không đáng là bao nhưng chỉ để bà vui rằng con không quên bà. Mỗi lần người thân tới gặp bà, nghe chuyện má là bà khóc rất tội nghiệp. Đối với bà, má là đứa cháu hiếu thảo nhất vì lo cho bà và thương cho bà nhất mà giờ nghiệp cảnh còn ngang trái hơn nên bà rất đau lòng. Mái tóc nâu khóc thương mái tóc đen là đây.
Rồi con đến với con đường tu tập của Phật pháp, chiêm nghiệm những gì đã xảy ra với dòng họ và gia đình, con càng thương bà rất nhiều. Xét hết về dòng họ nội ngoại chỉ có bà là người tu tập Phật pháp đúng nhất và thuần hành nhất. Bà đã mang Phập pháp áp dụng vào cuộc sống, mang tình thương yêu, từ bi, hỉ xả, nhẫn nhịn vào cuộc sống và thực hiện cả cuộc đời của mình. Bà làm con rất vui khi nghĩ rằng mình có một người bà thật tuyệt vời, dù nghèo về tiền bạc ngoài thân nhưng có một nội lực tu tập thật đáng khâm phục.
Cuối cùng, con cũng được về Việt Nam dù là người cuối cùng trong gia đình đặt chân trở về. Đến thăm bà, bao tình thương trong con trỗi dậy. Bà vẫn vậy, vẫn hiền lành thương cháu thương con. Con cố tránh không nhắc chuyện má vì biết sẽ làm bà khóc khi nhớ thương má mà chỉ nói chuyện đạo chuyện tu là chính. Vậy mà cuối cùng cũng phải đụng đến chuyện má và con ráng giữ tâm mình thật bình tĩnh, bình lặng để bà không thể thấy con khóc được vì như thế bà sẽ càng đau lòng hơn. Con nói với bà gia đình đã chấp nhận với nghịch cảnh, tu hành theo nhân quả nên bà đừng lo nữa. Nếu bà biết con đã từng khổ đau, từng khóc hàng đêm liền chắc bà sẽ còn lo và đau hơn nữa.
Con bình tĩnh trò chuyện với bà, nói chuyện tu chuyện đạo và khuyên bà tinh tấn tu hành. Bà bảo bà đã sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào, bà không tiếc gì thân mình cả. Nghe bà nói con cũng mừng lắm. Con gởi quà cho bà thì bà cứ từ chối khóc bảo con đã giúp bà nhiều rồi, bà nhận tấm lòng của con thôi còn con hãy giữ mà lo cho má, bà có đủ sống rồi. Bà thật là tội nghiệp, nghèo khó vô cùng nhưng lúc nào cũng nghĩ về cháu về con. Cuối cùng theo lời thỉnh nguyện của con bà cũng phải nhận để cho con vui và để con thực hiện lời hứa đạo lý của con với bà.
Bà là người họ hàng duy nhất ở Nha Trang mà con thật sự muốn đến thăm. Họ hàng còn lại, ai cũng nhà lầu xe hơi, cuộc sống trong nhung trong lụa nhưng con rất sợ khi đến thăm và chỉ đến thăm cho có lệ, ngột ngạt vô cùng, không thích hợp với con. Nghe chị kể về việc họ đối xử với bà mà con thấy xót xa. Đám giỗ trên nhà ngoại bà lên viếng rồi khi về, họ cho bà đi ké xe hơi cùng đoạn đường bà về rồi để bà ở ngoài đầu đường cho bà tự đi bộ vào nhà bà cách vài cây số rất tội. Đám tiệc cưới hỏi của các anh chị em họ thì bà không bao giờ được mời tham dự trong khi khách khứa thì lên cả ngàn toàn là người làm ăn và sinh lợi với họ. Nhìn và nghe thấy những cảnh như vậy, con không còn thấy giận và buồn với họ nữa mà thấy thương họ hơn. Đồng tiền đã làm mờ mắt họ hết rồi. Nhân quả nghiệp duyên trước mắt con thấy kinh khủng quá. Vậy nên, con chỉ thấy bình yên nhất khi được về thăm bà bên mái nhà thanh bần ở một miền quê mà thôi.
Dì à, dì bảo khâm phục và ngưỡng mộ con với con đường tu hành, muốn học hỏi từ con càng làm cho con xấu hổ. Bà vì thương con, lo cho con nên bà mới nói vậy chứ người mà dì nên học tập, noi gương chính là bà. Bà chính là một tấm gương và bằng chứng thực sống động về con đường tu tập của Phật pháp, biết áp dụng lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống để mang lại lợi lạc cho mình và người khác. Bà đã truyền trao cho con cả một gia tài về đạo đức vô giá, một điều rất hiếm thấy trong xã hội đầy vật chất và thủ đoạn như hiện nay. Xunh quanh con và họ hàng của mình, người ta đang điên lên từng ngày từng giờ chỉ vì tiền bạc và cốt nhục tình thâm sát phạt thủ đoạn nhau đau lòng lắm dì ơi.
Nhìn về bản thân con, tham sân si ngập đầu, hạnh nhẫn nhịn, từ bi không được một phần của bà, đụng chuyện không vừa ý là sân giận trong con đã bùng lên như ngọn lửa. So sánh với bà, con thấy mình rất là tồi tệ, chỉ biết có lý luận sách vở chứ không có sự thực hành. Tu hành theo đúng con đường của Phật pháp là phải thực hành, thực chứng chứ nói những lời sáo rỗng, văn hoa thì ai mà không nói được. Bên bà, con thấy bình an, vui vẻ, hạnh phúc lắm vì cảm nhận được tình thương chân thật, bình dị, nhẹ nhàng, bao la nhất không có một gợn sóng xáo động của đồng tiền, của ghen ghét, đố kỵ, ích kỷ, thủ đoạn xấu xa nào. Nó ngược hoàn toàn với thế giới mà con phải chống chọi và sống từng ngày. Nên đối với con, bà không khác nào một Bồ Tát Quán Thế Âm có thực ở ngoài đời. Vì thế, nếu có làm được gì giúp bà thì đó là một phước duyên của con, một ân huệ của con cho tròn đạo lý. Má con không may đã lâm trọng bệnh không còn có khả năng thì giờ con có khả năng có lo được gì đó cho bà thì đó là điều hiển nhiên nên làm. Bà chính là ruộng phước phì nhiêu cho con gieo trồng và con sẽ cố gắng gieo những hạt mầm tích thiện tốt nhất trên ruộng phước ấy.
Dì à, con không biết con có thể giúp gì được cho dì cả về đạo và đời không nhưng biết được dì chịu tu hành là con vui lắm. Con vui vì họ hàng của mình còn có người chịu quay đầu về bến làm lại cuộc đời và cùng tu tập với con. Nhìn dì mà con ước mong họ hàng và các dì khác của con cũng được hồi tâm chuyển ý làm lại cuộc đời để cùng tu hành thì phước duyên biết nhường nào. Nhưng ngập trong bạc tiền, vật chất thì mấy ai chịu tu hành đàng hoàng. Họ hàng của mình ai cũng bảo tu hành, theo Phật pháp nhưng có ai tu đâu hay chỉ toàn là tu danh tu lợi, tu bạc tu tiền. Vì vậy, thấy dì tinh tấn tu hành, chịu tu và khuyến hóa gia đình tu con mừng vô cùng. Con sẽ là bạn đạo với dì. Dù con chưa bao giờ gặp được dì, chưa biết dì là ai và dì cũng vậy nhưng con thấy dì gần bên con lắm.
Con phước duyên được bao nhiêu bạn đạo, thầy tổ rất giỏi chỉ dạy nên mới có được như ngày hôm nay thì con nguyện sẽ cố gắng mà tu tập, hồi hướng cho gia đình và cữu huyền của mình để sớm biết được đường tu. Giờ có thêm dì và bà con như được chắp thêm sức mạnh. Thế giới vật chất xung quanh không bao giờ làm con rung động mảy may dù con từng sống trong những nơi giàu sang, hào nhoáng bậc nhất như vậy nhưng tình người lạnh nhạt chỉ giết dần giết mòn tâm hồn của con mà thôi. Vì vậy, cảm nhận được tấm lòng và tình thương của dì và bà chính là động lực tinh thần cho con rất lớn. Con không còn lưu luyến bất cứ điều gì ở cõi ta bà này, tiền tài, học vấn, địa vị, hơn thua lợi danh với đời con cũng có thể bỏ được. Con chỉ nguyện được vãng sanh hết kiếp về tịnh độ tu hành mà thôi.
Thế giới vật chất hay cuộc sống hào hoáng, tiêu tiền như nước, sống vì cái vẻ bề ngoài, trục lợi lẫn nhau, toan tính mưu mô vượt qua đạo lý con người không bao giờ có bóng dáng của con nên dì đừng bao giờ e ngại khi nói chuyện với con nha dì. Con không bao giờ thích nhận gì của ai, kể cả gia đình và không bao giờ mong được nhận phước về tài thí quá nhiều, chỉ cần đủ cho một cuộc sống bình thường, đạm bạc, ngày hai bữa cơm chay, có thêm chút ít giúp được người hữu duyên là con mãn nguyện. Con đang sống một cuộc sống tầm thường, tầm thường hơn cả những người mà cho là nghèo khó đó nhưng con luôn thấy mình hạnh phúc và đủ đầy. Vậy mà nghĩ về bà, con lại thấy tội lỗi là mình sống vẫn còn quá phung phí. Con ước mong mình được sống trong ngôi nhà với bà. Con thích người già thích tu tập để như thế khi bước về nhà, con biết rằng vẫn có người thật sự thương con và đợi chờ con trở về, khuyến tấn con tu hành, mong những điều tốt nhất đến cho con, dù nghèo khó về vật chất nhưng tình thương luôn rộng mở, bao la, không tiền bạc vật chất nào có thể mua nổi được những tình cảm này. Thiêng liêng, cao quý, màu nhiệm và vô giá lắm, tiền bạc nào có thể đánh đổi được đây.
Dì à, từ nay về sau, những lá thư trao đổi tu tập giữ dì cháu mình, dì cho phép con được mang lên đây chia sẻ với mọi người nha vì biết đâu chừng đó có thể là những điều người khác quan tâm, tạo duyên cho người khác cùng tu tập và để dì cháu mình nghe được thêm lời chỉ dạy của người khác để mình cùng tinh tấn tu hành nha dì. Con lúc nào cũng thương kính bà và dì. Con nguyện cầu cho đường tu hành của dì được đơm hoa trổ nụ, tinh tấn hành trì để hết báo thân này dì cháu mình cùng được đồng vãng sanh về Cực Lạc Quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Ngọc Hằng