Mấy ngày hôm nay, thông tin và hình ảnh về đám cưới đầy sắc màu Phật Giáo của Hoàng Gia Bhutan đang ngập tràn trên các báo mạng. Có lẽ với cả thế giới, Bhutan chỉ là một quốc gia vô danh tiểu tốt, không mấy người quan tâm đến vì chỉ là một đất nước rất nhỏ nằm trên triền dãy Hy Mã Lạp Sơn, nóc nhà của thế giới và đỉnh cao nhất lên đến 7,000 mét. Diện tích của quốc gia ẩn cư trên núi đồi này là 46,500 km2 và tổng số dân là khoảng 700,000 người. Tuy nhiên, quốc gia bé nhỏ này lại làm được một điều kỳ tích mà không một quốc gia hùng cường, lớn mạnh với đủ thứ tiềm lực về kinh tế và quân sự có thể là được vì đây được xem là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo tờ tạp chí Bussiness Week bình chọn vào năm 2006.

Điều gì khiến cho Bhutan khác xa với những quốc gia khác nhưng hiện nay số lượng khách thập phương, bao nhà chính trị học, kinh tế hàng đầu trên thế giới lại quan tâm và tìm đến đất nước này? Đó là Bhutan có một chỉ số tính sản lượng quốc gia không giống với bất cứ một quốc gia nào khác trên thế giới. Trong khi tất cả mọi người dân của các nước từ lớn đến nhỏ dùng chỉ số tổng sản phẩm quốc nội, tỷ suất trao đổi thương mại, cán cân buôn bán mậu dịch, nhập siêu hay xuất siêu là tiêu điểm để phát triển nền kinh tế , tất cả chỉ là vật chất và tiền thì Bhutan lại tính sản lượng quốc gia dựa trên hạnh phúc của toàn dân. Cán cân mà đất nước này dùng để tính là tổng sản phẩm hạnh phúc quốc gia.

Tại sao quốc gia này lại có kiểu tính toán và đưa ra một mô hình tính toán ngược đời đến như vậy? Đó là vì đây là một quốc gia Phật Giáo theo truyền thừa Mật Tông Tây Tạng. Đối với Phật Giáo và với Phật tử theo truyền thừa Mật Tông, hạnh phúc cao nhất của con người chính là bình yên trong tâm hồn, môi trường được bảo vệ, truyền thống tốt đẹp hài hòa ngàn đời của dân tộc được bảo tồn và vật chất để tồn tại không cần nhiều, chỉ là thứ yếu. Hạnh phúc cao nhất chính là họ biết yêu thương nhau, bảo vệ nhau, dám hy sinh vì nhau, cùng tu tập lẫn nhau để cùng đưa nhau đến miền giải thoát miên viễn.

Có lẽ, không có Phật tử nào tu tập thuần hành như những người dân theo truyền thừa Mật Tông như Bhutan hay Tây Tạng khi đâu đâu trên khắp những đất nước này người dân họ cũng luôn tu tập, niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm với câu thần chú “Om Mani Padme Hum” và xoay vòng bánh xe chuyển pháp luân. Do đó, kiếp người mong manh họ đang hiện hữu chỉ là giả tạm thì tại sao lại tranh dành những thứ vật chất không đâu ngoài thân để đau khổ. Môi trường cuộc sống và bình an nội tâm được đưa lên hàng đầu. Do đó, tỷ lệ bao phủ rừng ở Bhutan cũng thuộc hàng cao nhất thế giới và là một quốc gia xanh sạch bình yên nhất trên hành tinh này.

Cũng theo dòng người tò mò muốn biết đám cưới Hoàng Gia Bhutan như thế nào, tôi cũng lên mạng đọc tin, xem ảnh và video. Nhìn những hình ảnh vua và hoàng hậu mới còn rất trẻ của Bhutan trong một đám cưới lễ nghi đâm chất Phật Giáo, nét đẹp bình dị, nhân từ, hiền hòa nhưng đầy tình thương và nghị lực toát ra từ khuôn mặt của họ làm tôi trào dâng một nổi xúc cảm, hạnh phúc và ngưỡng mộ. Bất chợt tôi lại so sánh với đám cưới Hoàng Gia vương quốc Anh đình đám vừa diễn ra vào hôm cuối tháng tư đầu tháng năm mà thấy nghèn nghẹn. Một đám cưới xa hoa, lộng lẫy, phô diễn toàn là tiền của, báo đài liên tục phát hình theo từng giây, ồn ào cả thế giới, đâu đâu cũng có thể xem được và là đề tài bàn tán cho tất cả mọi người về sự xa hoa, về áo váy của cô dâu, về quan khách và tất cả là tiền với tiền làm ồn ào cả quả địa cầu. Đám cưới đúng là rất xa hoa, lộng lẫy, đẹp và đầy ấn tượng với hy vọng hoàng gia nào sẽ đám cưới lại cố gắng lộng lẫy và ấn tượng hơn.

Còn ở đây, đám cưới của một quốc gia bé nhỏ đầy sắc màu Phật Giáo nhưng sâu đậm tình người hầu như chẳng ai biết gì nhiều. Ở đây không có sự xa hoa tốn kém kinh hoàng mà chỉ là những lễ nghi theo truyền thống và theo sắc màu bình dị, từ bi, bát ái của nhà Phật. Vua và hoàng hậu mới còn khá trẻ nhưng rất phúc hậu, hiền từ, gần gũi với bà con. Cả hai đều có trình độ học khá cao, đều học ở nước ngoài và vị vua trẻ học đại học ở Mỹ và trường Oxford nổi tiếng nhất của Anh Quốc và cả thế giới. Thế mới thấy quốc gia này rất chú trọng đến việc giáo dục và hiểu biết ở ngoài. Do đó, dù là hoàng thân quốc thích, là vua thì cũng phải học hành đàng hoàng thì mới có thể điều hành được đất nước trong thời đại văn mình ngày hôm nay.

Dù là hoàng gia, dù là vua và hoàng hậu, họ vẫn gần gũi với dân thường và đám cưới của họ là để tiếp đón dân thường. Ở đâu có người dân, dù là khổ đau, họ vẫn đến. Người dân ôm lấy họ, vây quanh họ, treo cờ, treo ảnh họ với một niềm tự hào và xúc động. Họ ôm lấy người dân của mình trao truyền tình yêu thương thật sự, tình đoàn kết cùng có nhau không phân biệt giai cấp chứ không phải chỉ là những nghi lễ, quy tắc xã giao thông thường. Vua và hoàng hậu mới được mọi người xem như là những người vua và hoàng hậu của dân, do dân và vì dân, cùng sát cánh bên nhau và sẵn sàng hy sinh vì nhau thật là cao đẹp. Ở đâu trên trái đất này sẽ còn có những hình ảnh bình dị và cao thượng như vậy?

Ngồi suy ngấm về hai đám cưới hoàng gia, tôi tự hỏi liệu với tư cách là người của dòng tộc, được ăn ngon, mặc đẹp, sống trong nhung lụa không phải lo toan gì họ có sung sướng không nhỉ? Chắc cũng có và không. Đám cưới Hoàng Gia Anh ngày nay người ta lại luôn nhắc về vị công nương quá cố, hoa hồng của Anh Quốc, mẹ của thái tử và là tân lang đương thời, công nương Diana. Nghĩ về công nương là nghĩ về bao nhiêu sự khổ đau bà đã trải qua nhưng cũng làm người ta nhớ về cái tâm và tấm lòng vì việc thiện, vì những điều thiện nguyện cứu giúp cho cả thế giới này. Trong chốn hoàng cung chẳng khác nào ngục tù giam giữ, bị theo dõi, bị xét nét, bị quy luật gông cùm của lễ nghi kìm kẹp, muốn làm một con người bình thường cũng không thể nào làm được thật đáng tội nghiệp làm sao.

Công nương Diana, một mẹ Teresa của nhân loại, lại không có cuộc sống gia đình hạnh phúc vì bị chính người chồng hoàng gia của mình phản bội, ruồng bỏ. Tuy nhiên, điều này không thể kìm ngăn tình yêu mà bà dành cho thế giới và nhân loại. Nhờ sự chú ý của các phương tiện truyền thông với tư cách là công nương, những việc làm thiện nguyện của bà từ những nơi tối tăm nhất của thế giới, nơi Châu Phi khi bệnh dịch HIV/AIDS đang là nổi ám ảnh của nhân loại và cả hiện nay, bà đã không ngần ngại chăm ẳm các em bị bệnh và chăm sóc các em tận tình. Bà trở thành một thông điệp mang tình yêu thương, sứ giả vì tình yêu của Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Nhờ hạnh nguyện, tâm từ bi và nguồn cảm hứng mà bà khơi gợi làm cho biết bao nhiêu con người trên thế giới này được cứu sống, bao nhiêu người khác bắt chước bà làm nhiều việc có ích hơn cho nhân loại và bao nhiêu con người làm việc ác tự suy ngẫm và nhìn lại chính mình.

Đáng buồn thay, hoa hồng đầy hương thơm ngạt ngào tình yêu con người của Vương Quốc Anh và thế giới lại đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông. Thật là bạc mệnh cho một con người tài sắc và thật là bất hạnh cho thế giới này khi mất đi những con người vĩ đại. Vậy mà đã hơn 24 mùa xuân trôi qua kể từ ngày bà ra đi, hình ảnh đẹp lung linh huyền diệu của bà vẫn không phải mờ trong tâm trí của mọi người. Kỷ niệm ngày mất hàng năm của bà, ngày 31/8/1997, mọi người từ khắp muôn nơi lại vẫn tiếp tục hành hương về viếng bà và dâng lên cho bà những hoa hồng đẹp nhất với cả một cái tâm mong cầu những điều hạnh phúc hơn sẽ đến cho thế giới này.

Một vị công nương khác làm tôi thấy tội nghiệp là công nương Masako của Nhật Bản. Là một công nương tài sắc và học rất giỏi, công nương Masako đã tốt nghiệp loại ưu từ những trường hàng đầu danh tiếng nhất của thế giới là đại học Harvard của Mỹ và Oxford của Anh Quốc. Cô cũng là một chuyên viên ngoại giao rất giỏi và đa tài. Người tài giỏi như cô không may lại bị khép mình trong quy luật đầy lễ nghi khắc nghiệt của hoàng thành cung cấm, không thể tự làm chủ mình, không được làm gì cô thích. Với tài năng như vậy, nếu là người dân thường, cô sẽ có thể làm được rất nhiều việc cô thích và giúp cho đất nước của cô.

Đáng buồn thay, công nương Masako lại trở thành một bông hoa để chưng, một con chim bị nhốt trong lòng cùng áp lực phải sinh hoàng nam kế vị làm cô liên tục bị bệnh trầm cảm phải vào bệnh viện. Những chuyện như thế này cứ ngỡ như chỉ xảy ra trong thời vương triều vua chúa ngày xưa với bao chuyện buồn đau sót ở chốn hậu cung vì bị giam cầm, vì tranh ngôi đoạt vị, vì thù ghét lẫn nhau để rồi lại làm thân chinh phụ trong lãnh cung buồn thảm. Con đâu một con người bình thường? Thế mới bảo ai nói ở trong hoàng cung thời hiện tại là sung sướng nhỉ?

Đám cưới hoàng gia Anh đình đám rồi cũng mờ đi vì có nhiều sự kiện trong thế giới điện ảnh, thời trang, giải trí với những tin giật gân khác chen chân vào. Tất cả lại trở về với sự ồn ào và tĩnh lặng thường ngày. Gia đình hoàng gia sung sướng hay khổ đau, hanh phúc hay rối loạn, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được. Có lẽ, sứ mạng của thái tử và công nương mới của nước Anh chỉ để cũng cố quyền lực của đất nước, tiếp tục làm một hình mẫu vua không ngai chỉ là để biểu tượng thu hút bá tánh thập phương tăng thêm nguồn lợi về du lịch và chuyện khổ đau của dân thường thì cũng chỉ là chuyện bên ngoài. Do đó, họ chỉ lo cuộc sống của mình và làm sao để tô vẻ lên thế giới một khuôn mặt mới của cá nhân và hoàng gia riêng lẽ của họ mà thôi.

Còn ở đây, quốc vương và hoàng hậu mới của Bhutan lại thật sự là những vị vua có quyền lực, có khả năng ảnh hưởng cả đất nước. Tuy nhiên, quyền lực mà họ dùng để điều hành cả quốc gia luôn được hạnh phúc với tiêu chí cao nhất chính là tình thương yêu con người. Ở đây không có ai thấp ai cao và họ gần gũi với người dân, xem người dân cứ như là người thân trong gia đình của họ vậy. Tình thương vô biên họ cùng chia nhau bao trùm tất cả và đám cưới này chỉ một lần nữa giúp cho thế giới thấy hơn về tình thương yêu mà họ trao truyền. Thật là đáng ngưỡng mộ và cảm động.

Tất cả hình ảnh cưới hỏi của vua và hoàng hậu Bhutan đều đậm chất truyền thống và sắc màu Phật Giáo. Sự kính trọng tam bảo được đặt lên tuyệt đối. Chưa có một quốc gia nào mà người dân lại hạnh phúc, vui mừng cùng lo tổ chức đám cưới cho gia đình hoàng tộc như đất nước Bhutan này. Họ lo cho hoàng gia cứ như người thân của họ. Họ cầm hình ảnh hoàng thân đầy tình cảm và tự hào dù họ rất nghèo về vật chất nhưng không thấy sự lo âu hiển hiện lên khuôn mặt già khổ ấy. Chỉ có nụ cười truyền trao nhau. Vua và hoàng hậu đầy từ tâm phúc hậu ôm hôn người dân, bồng ẵm từng em nhỏ, ôm các cụ già làm cho nước mắt dâng trào đôi bên. Đó là hình ảnh mà họ chuẩn bị trước, trong, và sau đám cưới của mình. Quyền lực tình thương từ bi họ dùng để lãnh đạo đất nước thật mạnh mẽ và cao đẹp.

Đóa hồng của vương quốc Anh, công nương Diana đã ra đi bao nhiêu năm nhưng tình thương bà trao gởi vẫn không phai nhạt trong tâm trí mọi người. Vua và hoàng hậu mới của Bhutan thật đẹp, thật dễ thương, hiền lành, gần gũi với dân thường nhưng cũng đầy trí thức, tài giỏi thật đúng là mẫu người lãnh đạo cho thế hệ tương lai và đất nước bé nhỏ đang phát triển của họ. Cầu mong cho những hình ảnh đẹp, sống động, đầy nhân bản về đám cưới đậm sắc màu Phật Giáo của đất nước hạnh phúc Bhutan nãy sẽ được truyền tải khắp nơi trên thế giới. Cầu chúc cho vua và hoàng hậu mới của Bhutan được hạnh phúc để cùng nắm tay nhau đi hết kiếp hồng trần và là những vị vua anh minh của đất nước. Xin nguyện cầu cho đất nước Bhutan mãi mãi đẹp xinh, mãi mãi hạnh phúc để truyền gởi thông điệp cuộc sống ấy cho tất cả muôn loài. Cầu mong tương lai mô hình hạnh phúc của đất nước Bhutan sẽ được nhân xa, nhân rộng trên toàn thế giới này trong tình yêu thương phổ độ của chư Phật mười phương.

Om Mani Padme Hum!

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Đám Cưới Hoàng Gia Bhutan Và Đám Cưới Hoàng Gia Anh – Ai Hạnh Phúc Hơn Ai?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com