Hôm nay đọc một câu chuyện được gọi là “Chuyện tình thanh tao nhất thế giới” mà tự nhiên con nhớ bà vô cùng. Chuyện kể về một đôi nam nữ yêu nhau rất tha thiết nhưng không thể đến với nhau mà phải chờ đến 54 năm sau mới đơm hoa kết trái. Cô gái là một cô giáo dạy tiếng Pháp tại trường y ở Triết Giang, Hàng Châu, Trung Hoa còn chàng trai là sinh viên xuất sắc của lớp học. Chàng đem lòng yêu cô giáo và cô cũng dần dần yêu chàng trai này dù lúc đó cô không hề biết anh đã có vợ. Dằn xé giữa tội lỗi và hạnh phúc nên cuối cùng anh đã nói cho cô biết anh đã lập gia đình. Để không làm tổn thương đến gia đình nhỏ của anh nên họ đã chia tay nhưng vẫn còn liên hệ với nhau như bạn bè. Khi cô ra nước ngoài họ vẫn giữa liên lạc với nhau và cô còn thường xuyên gởi nhu yếu phẩm, quần áo, sữa, bột để giúp anh nuôi con vì những mặc hàng này vô cùng hiếm ở Trung Hoa. Rồi vì chiến tranh loạn ly, thư từ bị lạc mất nên họ mất liên lạc nhau. Mãi đến 54 năm sau nhờ người thân giúp đỡ nên chàng trai trẻ ngày nào giờ đã là một ông cụ viết thư tìm lại người yêu ngày xưa giờ vẫn sống độc thân ở Pháp. Cuối cùng, họ đã đến được với nhau và con trai của ông cụ đã đứng ra tổ chức hôn lễ cho cha mình và người phụ nữ thủy chung, nhân hậu ấy.

Câu chuyện này làm con nhớ đến những gì bà vẫn hay kể cho con nghe thời tuổi trẻ mộng mơ, yêu thương, tươi đẹp của bà. Ngày đó, khi mới chân ướt chân ráo sang Mỹ làm việc ở thẩm mỹ viện của bà và làm bạn với bà nên suốt ngày con toàn nghe những hoài niệm về quá khứ ấy. Thời tuổi trẻ, bà rất đẹp và giỏi, lại sinh ra trong gia đình danh giá nên rất nhiều người thương bà. Sau khi giành giải nhất kỳ thi toán quốc tế, bà được sang Nhật du học và đó có thể là bước ngoặc thay đổi cuộc đời bà và có lẽ đó là quảng đời tươi đẹp nhất của bà. Với tính tình vui vẻ và nghịch ngợm nhưng rất dễ thương nên có lẽ rất nhiều người đã điêu đứng, si tình vì bà. Những năm ở Nhật Bản thơ mộng bên bạn bè, bên những mối tình đầy ngọt ngào, thi vị hay những ngày xuân tươi đẹp cùng nhau rảo bước dưới những rừng hoa anh đào đầy màu sắc trải đầy trên lối đi chắc đẹp và lãng mạn lắm. Nhật Bản nổi tiếng với hoa anh đào và thời tuổi trẻ mộng mơ ươm mầm cho những tình yêu trong sáng, ngọt ngào bên những vườn hoa anh đào, bên những dòng sông đầy nhạc và thơ thì còn gì bằng. Vì thế, những mối tình của bà hay tình cảm bạn bè vô cùng trong sáng, mộng mơ chứ không hề nhuốm chút toan tính của bụi trần.

Từ thời tuổi trẻ và sự nổi tiếng của bà nên bà không muốn đứa cháu bà thương yêu vô vàn là con lại cứ dững dưng với những tình cảm xung quanh và chẳng hề quan tâm đến những tình yêu nam nữ như bà mong muốn. Bà muốn con cũng phải biết ăn mặc, biết thương biết yêu, biết giận biết hờn để biết thưởng thức cuộc đời. Đứa cháu bà lại không quan tâm gì đến thời trang, mỹ phẩm, chẳng bao giờ đụng đến bất cứ loại mỹ phẩm gì dù suốt ngày quảng cáo, thuyết phục và chỉ dẫn cho khách chọn lựa loại mỹ phẩm thích hợp cho họ. Mỗi khi rãnh rỗi là bà lại bắt đầu giảng giải, thuyết giảng và khuyên con nên chấp nhận tình yêu của người đến với mình mà khổ nổi cháu bà nó cứng đầu không kém nên bà nói gì nó cũng trả lời lại cho bà được hết làm bà vừa thương mà cũng vừa bực mình. Bà nói:

“Con à, tao không có điểm gì có thể chê trách mày được. Mày thì học hành giỏi giang, thông minh lanh lợi, ăn nói đàng hoàng, nữ công gia chánh cũng giỏi hơn tao, buôn bán ngoại giao, trò chuyện chẳng ai chê mày được, khách nó thương mày lắm, đối nhân xử thế mày hiểu sự và biết việc lắm nhưng mà thôi con à, mày giỏi vừa vừa thôi, mày giỏi quá không ai lấy mày đâu con.”

“Thôi, bà ơi, con có ham yêu đương lấy chồng đâu mà bà lo, vui vẻ gì chứ, toàn là cải lộn nhẫn nhịn nhau sống thì có. Bà bảy thấy đó, mấy bà tại sao cứ suốt ngày đến thẩm mỹ viện của mình chỉnh sửa sắc đẹp đủ thứ mà họ có vui đâu, suốt ngày sợ xấu, sợ chồng chê chồng bỏ và suốt ngày sợ nhan sắc tàn phai. Mắc mớ gì mà phải khổ như vậy, tại sao con lại không được sống với chính bản thân của mình, tại sao suốt ngày cứ phải lo sợ, phải lo hầu người này người kia là sao? Chẳng lẽ bà cũng muốn con giống mấy người đó sao? Con không ham đâu.”

“Mà mày còn trẻ thì cũng ăn diện, sửa soạn một chút con chứ đâu mà bình dân vậy con?”

“Trời, con có bị thương tật gì đâu mà đòi chỉnh sửa. Con hài lòng với con người của con và không muốn thay đổi gì hết. Bà thấy mấy bà tới đây chỉnh sửa cho đã có bao giờ họ hài lòng với với những gì họ có đâu và hài lòng với vẻ bề ngoài của họ đâu. Thấy họ mà con mệt mỏi. Nếu như con làm gì sai, ăn nói không đàng hoàng, sống không tốt, làm gì ai buồn bà nói con sửa chứ còn những cái bề ngoài thì con không chỉnh sửa gì đâu”

“Nhưng đời mà con à. Sống phải biết tận hưởng hương vị của cuộc đời chứ con. Tao sợ mày lắm vì cái đầu của mày mạnh lắm, mày nói gì là mày làm vậy à. Yêu cho biết mùi vị cuộc đời con, yêu để có người nũng nịu, nhõng nhẽo, buồn tựa vào vai mà có người sẽ chia chứ mai mốt sống một mình cô độc lắm con.”

“Trời, chứ bà bảy thấy mấy người lấy chồng sinh con tất bật đó có vui vẻ gì nhiều không? Con thấy nó mệt mỏi khủng khiếp. Còn ở bên này bà bảy thấy con cái có sống với cha mẹ không và nuôi dạy con cái có dễ dàng không hay chỉ toàn là bốc đồng văn hóa, điển hình như gia đình họ hàng của mình ở đây bà thấy có vui vẻ gì đâu. Con không thể giống bà được. Con không muốn nợ nần ai hết và ngoài gia đình ba má con ra thì con không muốn hầu ai hết. Tự nhiên sống một mình không sướng cái thân con lại đi mang nợ đi hầu đi hạ, đi lo đi lắng chi cho nó mệt. Con muốn sống một mình không muốn nợ ai hết.”

Biết nói con hoài cũng vậy nên bà bực quá bảo “Mày thì nhìn giống như con nít 16 tuổi mà nói chuyện y như bà già 61 tuổi vậy con. Cái đầu mày già trước tuổi. Tao cũng mệt với mày luôn.”

Noel,bà lại nhìn ra ngoài trời buồn. Thấy bà buồn chẳng biết chuyện gì nên con kiếm chuyện chọc bà rồi rủ bà đi vòng vòng xem lễ hay đi shopping xem hàng vì bà thích. Tuy nhiên, bà lại bảo là bà không hứng thú. Bà buồn buồn kể rằng cứ mỗi mùa Noel là bà buồn vì nhớ tới một người. Bà nói :

“Mày biết không, hồi xưa có người kia yêu tao lắm từ hồi tao còn bên Nhật. Rồi tao sang đây,người đó cũng đã lấy vợ. Tuy nhiên, người đó vẫn không bao giờ quên được tao và cứ mỗi mùa Noel lại viết cho tao một lá thư với những lời lẽ yêu thương say đắm cho đến khi mất. Người đó nói với tao rằng trong tim người đó chỉ có tao và tao mới là lẽ sống, là cuộc đời, là niềm vui của người đó, giúp người đó sau những khó khăn, buồn đau mà đứng dậy. Bởi vậy cứ Noel là tao lại buồn và chẳng muốn làm gì.”

“Vậy giờ bà Bảy muốn nghe con nói không thì con nói, nhưng đừng buồn nha.”

“Mày muốn nói gì thì mày nói, mày mà lạ gì tao mà mày không dám nói.”

“Con nói thiệt á, cái người yêu của bà Bảy không tốt, chỉ toàn hô khẩu hiệu và cả bà cũng như người đó đều sống không thực tế. Bà bảy thử nghĩ coi, suốt ngày trong trái tim và hình bóng của cả hai người chỉ là những hình ảnh đẹp, dễ thương, hoàn hảo nhất của một thời tuổi trẻ. Đó là những hình ảnh mộng mơ, tung tăng đi dạo dưới vườn hoa anh đào, vui vẻ, nghịch ngợm, dễ thương với những gì đẹp nhất sau cả buổi chỉnh sửa, chải chuốt, ngắm nghía trong gương để gặp nhau trao cho nhau những hình ảnh đẹp nhất chứ chưa dính đến bụi trần thực tế. Bà bảy nghĩ coi ông đó ổng có vợ có con mà không toàn tâm toàn ý với vợ con của mình. Vợ ổng phải lo cho ổng ăn uống, lo cho gia đình ổng và con cái của ổng nên từ cuộc sống trên mây phải đụng đến thực tế. Ổng vẫn tính gia trưởng của người Việt Nam, không biết thương biết phụ vợ mình chu toàn gia đình mà chỉ ngao ngán, chán chường, nhìn hình ảnh vợ tất tả vì cuộc sống, nhan sắc tàn phai vì gia đình với hình ảnh cô người yêu bé nhỏ, xinh xắn là bà bảy rồi ổng buồn, ngao ngán. Hai hình ảnh đó hoàn toàn tương phản nhau và không thật. Rồi mỗi khi vợ chồng gây gỗ lẫn nhau và gia đình nào thì chẳng có chuyện, trong đầu ổng lại nhớ về hình ảnh dễ thương của bà như một sự cứu rỗi tâm hồn mà không biết rằng nó phải thay đổi theo thời gian. Còn bà Bảy, bà thử nghĩ coi giả sử bà với ổng lấy nhau liệu có sống hạnh phúc không? Liệu bà có chu toàn nổi bổn phận làm dâu làm con cho gia đình ổng không hay lúc đó sự thật phô bày còn tồi tệ hơn nữa? Khi bà bảy về làm vợ ổng biết đâu lúc đó ổng lại hối hận và cứ Noel là viết thư cho người vợ hiện tại của ổng nói những điều mà ổng nói với bà cho người đó á. Ổng đúng là đứng núi này trông núi nọ, không toàn tâm toàn ý cho gia đình của mình. Ổng nói yêu bà như vậy giả sử ổng còn sống mà thấy hình ảnh bà già nua, tiều tụy, ổng có còn thương bà như ổng tưởng hay sẽ tỉnh mộng ngay lập tức.”

Bà buồn buồn:

“Mày nói đúng con ạ. Tao nghĩ tao mà có lấy ổng chắc sống cũng không nổi đâu. Nhà ổng đến cả chục người mà nghĩ tới bữa cơm bới cơm hết cho người này đến người khác ăn chắc tao chết. Chỉ có ông Bảy mày chịu nổi tao thôi vì tao nấu gì ổng cũng ăn mà không hề khen chê gì. Mà cái ông đó gia trưởng lắm mà tao có tài giỏi gì về nội trợ đâu làm dâu nhà ổng chắc tao chết. Nghĩ tới là tao thấy tội nghiệp ông mày vì mấy chục năm nay ông mày chịu đựng tao, lúc nào cũng lo cho tao cả. Giờ ông đó mà thấy tao thê thảm vậy chắc ổng có mà bỏ của chạy lấy người. Đúng là tình chỉ đẹp khi tình tan vỡ.”

“Ừa, phải rồi, “cưới nhau về tắt thở càng nhanh.”

“Cái đầu mày già quá con ạ, già còn hơn tao, mày làm phá đi hết những lãng mạn của tao mà đưa tao về thực tế. Thôi, tao với mày đi shopping xem bà con buôn bán.”

Vô khu mua sắm, cứ mỗi khi bà muốn mua cái này là con lại gạt đi bảo thừa, tốn tiền, không hợp với bà còn con thì chẳng cần những thứ đó làm bà la làng bảo chẳng ai đi mua sắm giống mày. Đến tiệm bánh, mùi bánh thơm bà cũng muốn mua ăn thì bị con giải thích là bánh đó không tốt cho bệnh của bà và con sẽ làm bánh cho bà ăn tốt hơn. Bà than thở: “Mày cho tao ăn cái này nha con” nên hai bà cháu sắp hàng. Nhưng hàng dài quá bà cũng chán nên bảo thôi tao với mày về. Về tiệm bà than với khách hàng rằng “Cháu em nó quản lý em hết rồi nên đi mua sắm với nó sướng lắm tại toàn ngắm chứ không có được mua.”

Sau đó con phải xin nghĩ việc ở tiệm của bà vì phải vào trường học. Ngày cuối cùng làm việc, bà buồn nên đưa con lá thư nói “Ráng học nha con, ráng mà học cho được u đầu. Con đi rồi bà như mất cánh tay mặt, mất một người bạn. Từ đây không con gọi lột bưởi cho bà ăn, không còn ai nói chuyện với bà nhưng việc học là trên hết. Thương con.”

Thấm thoát mà gần 6 năm rồi từ ngày con rời Cali mà đến giờ con cũng chưa có dịp quay về thăm bà và mọi người. Bà ơi, con đã học hành có chút thành công và có việc làm như mong đợi rồi, bà cũng mừng cho con. Ngày xưa bà thường khuyên con và khuyến hóa con đến với Phật pháp thì con đã đến rồi, con đã bước vào cửa Phật quyết lòng tu hành hơn những gì bà mong đợi rồi đó. Con giờ lại mong muốn bà buông bỏ bớt để lo niệm Phật tu hành, cuối đời vãng sanh về với Phật. Giờ bà không còn nhắc nhở hay lo lắng việc lập thân của con vì con vẫn như ngày xưa, vẫn chỉ thích sống một mình làm những điều phước thiện lợi mình lợi người. Mỗi lần nói chuyện với bà thì con toàn là khuyến hóa bà lo tu làm bà mừng và hứa sẽ cố gắng tu.

Bà ơi, bóng xế chiều tà vô thường đến không biết lúc nào đâu nên con kính mong và nguyện cầu cho bà sớm buông bỏ bớt lo tu hành, niệm Phật cầu vãng sanh, đừng ham tiếc những vật chất còn lại của trần gian. Bà phải có lòng tin tưởng vào hạnh nguyện của Đức Phật mà vững tâm tin sâu vào tín hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà để quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh nha bà. Những gì bà dặn và nói con đều nhớ hết và con sẽ cố gắng làm trong khả năng của con nhưng tất cả cũng là do duyên thôi. Giờ không còn bên bà phụ bà làm cơm, nấu ăn, phát quà cho những người không nhà, những trẻ em mồ côi mà bà cháu mình hằng tháng vẫn hay làm như ngày xưa nhưng con sẽ vẫn tiếp tục đi trên con đường thiện nguyện đã chọn và con đường từ bi của Phật pháp nên bà yên tâm đi nha bà.Trời trở lạnh rồi, bệnh của bà sẽ trầm trọng hơn, bà ráng giữ ấm cơ thể để chống bệnh nha bà. Mỗi khi trời lạnh mặc chiếc áo khoác bà cho con mà con thấy ấm áp và hạnh phúc lắm. Một ngày gần đây con sẽ trở về Cali thăm bà và mọi người, bà chờ con nha.

Bà ơi, con thương bà nhiều lắm!

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Hoa Đào Năm Ấy”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com