Em hỏi chị Tết này chị có gói bánh chưng, bánh tét và làm thật nhiều món ăn truyền thống như tết năm ngoái không?

Có chứ em vì đó là ngày lễ thiêng liêng trọng đại nhất của người Việt Nam chúng mình mà.

Em ngạc nhiên hỏi chị lấy đâu ra thời gian và năng lượng để làm tất cả những thứ bánh quá công phu và cầu kỳ ấy. Em dù ở quê thảnh thơi nhưng chưa bao giờ biết gói bánh và chỉ chờ đến tết ra chợ mang về.

Chị buồn buồn khi nhớ ngày xưa còn ở quê nhà chị cũng không hề biết gói bánh, làm mứt vì đã có má và bà lo.

Hơn chín năm ở Mỹ, chị hầu như chẳng biết tết là gì. Suốt ngày chị lao vào guồng máy công nghiệp hối hả lo học tập và làm việc nên bữa ăn còn bỏ dỡ thì lấy đâu ra thời gian để làm những thứ bánh “xa xỉ” nhưng đong đầy hồn quê như vậy dù gia đình chẳng ai rãnh để ăn.

Nơi chị ở không nhiều người Việt nên tết cũng chỉ là một ngày bình thường. Hầu như năm nào chị cũng đón Tết ở bệnh viện trong nổi khắc khoải, nhớ mong nhưng lòng đầy hân hoan khi lén lên mạng xem không khí Tết quê nhà vào thời khắc giao thừa.

Năm ngoái, các em đã đi học xa, nhà vắng lại càng vắng khi chỉ còn chị và ba chăm má. Chị ứa lệ thầm nghĩ nếu má còn tỉnh táo chắc má cũng sẽ rộn ràng lo Tết như thưở nào.

Nhìn ba suy tư trầm ngâm nhắc chuyện tết xưa và thủ thỉ nói chuyện một mình với má, chị muốn làm gì đó để mang không khí tết đến cho gia đình. Vì thế, chị đã xin nghỉ làm ít ngày và sắp xếp việc học để ở nhà gói tất cả các loại bánh và làm thật nhiều món chay ngày tết mà khi xưa má và bà chị đã từng làm.

Nếu chỉ cần bánh mứt để ăn chị sẽ không vất vả như vậy vì một ngày đi làm chị có thể mua được nhiều hơn như vậy. Tuy nhiên, giá trị tinh thần ngày tết và tình cảm gia đình thì lấy gì mà mua hả em?

Gần một tuần chuẩn bị và ba ngày ròng rã từ sáng đến khuya, chị và ba đã cho ra lò cả một mâm đủ các loại bánh, nhất là bánh chưng và bánh tét. Thêm vào đó là các món chay cùng hàng trăm chả giò để cúng ở nhà và mang đến chùa.

Ba hớn hở khi có một cái tết thật lớn đầy cổ truyền nhưng lại suy tư không biết làm sao gởi bánh cho các em đi học xa để cùng chia nhau huơng vị ngày xuân.

Mâm ngũ quả và hoa tươi chị phải rong rũi khắp thành phố để tìm mua cho đầy đủ. Ba tươi cười nhìn quả dưa hấu bé xíu nằm lọt thỏm trong chiếc mâm to với bao nhiêu loại trái cây đầy sắc màu.

Dâng mâm bánh lên bàn thờ tụng kinh cúng Phật và ông bà trong thời khắc giao thừa , lòng chị lâng lâng một niềm xúc cảm khó tả. Lần đầu tiên trong cuộc đời chị thật sự tận hưởng một mùa xuân nơi xứ người đầy ý nghĩa như vậy. Chị cảm nhận được tình thuơng yêu của các em, của ba má đang dâng trào trong trái tim mình. Chị tin rằng má chị sẽ rất vui khi biết được gia đình chị cũng đón mừng một cái tết cổ truyền đầm ấm như thế nơi viễn xứ.

Tết này chị sẽ tiếp tục gói bánh để lan tỏa hương sắc mùa xuân đến cho gia đình mình, để em chị hiểu rõ hơn về truyền thống tốt đẹp ngàn đời của quê hương mình, để nhắc nhở các em biết quý yêu nguồn cội, biết trân quý và lưu giữ bản sắc đầy nhân bản của người Việt không bị phôi pha nơi đất khách.

Quê huơng xa khuất tận chân trời nhưng tình yêu thương cùng quốc hồn của dân tộc mãi luôn đong đầy gói gọn trong tâm chị theo mâm bánh tết ngày xuân.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Mâm Bánh Tết Quê Xa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com