Ba đi làm về phấn khởi cầm cặp bánh chưng, bánh tét được bác cho vui và cười bảo: “Tết này mình có bánh ăn rồi. Bà Bảy bảo mùng một ghé chùa bà cho một cặp bánh nữa. Mai mình cũng chuẩn bị quét dọn lau chùi nhà cửa cho sạch sẽ để ăn tết nha.”

Nhìn nét mặt hân hoan, rạng rỡ của ba suy tính kế hoạch tết sẽ làm gì và dọn dẹp nhà cửa cũng như lo cho má thế nào mà tôi muốn ứa nước mắt. Thế là nhà mình sắp chuẩn bị đón cái tết lần thứ chín ở xứ người rồi phải không ba.

Ai có tha hương đều hiểu tết xứ người buồn như thế nào. Đối với những tiểu bang có cộng đồng người Việt đông đúc thì còn có chút không khí tết chứ ở nơi tôi và gia đình sinh sống rất ít người Việt nên tết cũng như ngày thường. Bao nhiêu năm rồi tết đến lại đi theo cánh én mùa xuân ở một phương trời nào đấy và chỉ khơi gợi chút kỷ niệm ngày xưa khi còn ở Việt Nam của gia đình.

Mỗi năm, gia đình tôi cũng cố gắng làm vài loại bánh, nấu măng, làm mâm cơm cúng ông bà ngày đầu năm theo truyền thống gia đình.

Từ ngày má bệnh, ba phải giúp chúng tôi lo việc trong ngoài kể cả nấu ăn, làm việc nhà và nhất là chăm sóc má. Tết đến cha con lại quây quần bên nhau gói bánh, nghe ba kể chuyện tết xưa nhất là về những cây mai yêu quý ba nâng niu khi ở quê nhà.

Ngày mồng một ba thường xin nghỉ làm ở nhà nhưng cũng chỉ có mỗi ba ở nhà vì chúng tôi phải lo đi học, đi làm. Ba ở nhà tự cúng rồi tự dọn cơm ăn một mình, đôi khi có bác đến nhà xông đất như truyền thống ở Việt Nam.

Đến chiều tối, ba dọn cơm sẵn chờ chúng tôi về để gia đình cùng ăn bữa cơm với nhau mà đôi khi cũng không đủ mặt. Nhìn ba chạy tới chạy lui dọn món này, nấu món kia phụ chúng tôi mà tôi muốn ứa lệ vì những công việc này ba không bao giờ làm khi ở Việt Nam. Vậy mà giờ đây bất cứ chuyện gì ba cũng làm chỉ mong sao chúng tôi có thời gian lo học hành và làm việc cho tốt mà thôi.

Năm nay nhà càng vắng hơn khi các em đã đi học xa. Ba cũng nấu măng, dọn nhà rồi phụ tôi gói bánh như mọi năm. Nhìn cả mâm bánh chưng, bánh tét tự gói, ba cười bảo năm nay nhà mình ăn tết lớn vì nhiều bánh quá mà chỉ có ba người ăn. Ba lại vội vã lo rửa nhà, giặt mền chiếu cho má và lo cơm cho má ăn đúng bữa. Má giờ chẳng biết gì cả và không khác một đứa trẻ nên gánh nặng lại đè lên vai ba vì phải vừa làm mẹ và làm cha nơi xứ người khi mọi thứ xung quanh đều quá xa lạ, bỡ ngỡ với ba.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa lại phủ lớp bụi rêu phong năm tháng lên vóc dáng và sức khỏe của ba. Nét chai sạn già nua cùng bệnh tật của vô thường cũng nào có chừa ba đâu làm chúng tôi càng thương ba gấp bội.

Bất chợt nghe bài hát “Mừng tuổi mẹ” mà tôi bật khóc khi nghĩ về ba mình. Người ta hát “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần.” Đối với chị em chúng tôi còn có hình bóng của ba ở trong ấy nữa.

Chúng tôi thương má bị bệnh chẳng biết gì nhưng cũng thương ba rất nhiều khi xuân sang ba cũng già thêm một tuổi và cũng là ngày mà chúng tôi sẽ xa ba tôi càng gần. Bao nhiêu năm rồi ba chắt chiu nuôi chúng con nên người ở nơi đất khách với đủ thứ rào cản khổ lắm phải không ba?

Một mùa xuân mới lại đang gõ cửa đến cả nhà mình nữa ba à. Ba ơi, chúng con lúc nào cũng cầu chúc cho ba được vui khỏe, hạnh phúc để rồi mỗi năm chúng con lại còn có dịp được “mừng tuổi ba”. Chúng con lúc nào cũng bên ba, lo lắng, hiếu thảo, thương yêu và kính trọng ba nhiều lắm.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Mừng Tuổi Ba”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com