Hôm nay, nhân duyên mới quen một bạn huynh trưởng của gia đình Phật tử và vào trang nhà bạn giới thiệu để biết thêm tin tức cũng như để biết các bạn trong gia đình làm sinh hoạt như thế nào. Vô tình mình vào đọc bài viết trong mục trà đàm:” Chọn Gì Giữa Sự Nghiệp Và Đi Sinh Hoạt Gia Đình Phật Tử?” làm mình cảm thấy buồn buồn. Câu hỏi này cứ giống như sự chọn lựa của thế gian mà một người con trước khi thành thân tự hỏi với chính mình: “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn.” Mình không phải là một thành viên của gia đình lam dù đó là ước ao nếu thời gian quay trở lại để mình quay về làm một thành viên trong gia đình và mình cũng chẳng phải là một phật tử được gần bạn bè, thầy tổ tu tập Phật pháp. Đối với mình, được làm một thành viên của gia đình áo lam, được làm bạn với những Phật tử thuần hành và được đến chùa thường xuyên là những điều mong ước xa vời. Đơn giản bởi vì mình là một người Việt sống ở hải ngoại

Nói sơ một chút về mình cho các bạn biết nha. Mình còn khá trẻ, độc thân, làm về ngành y và vẫn đang học thêm nên sự nghiệp học tập và công việc tương đối ổn định. Dưới mắt nhiều người ở Việt Nam và ngay cả ở Mỹ thì có lẽ những điều mình đang có được là niềm ao ước, là thiên đường, là mục đích để mọi người đạt được dù để đạt được nó cũng vô cùng khó khăn. Mình cũng chỉ biết đến đạo Phật cũng như tìm về ngôi nhà tâm linh cho chính mình, được quy y tam bảo, được có thầy tổ chở che, chỉ dạy và một vài người bạn đạo hữu duyên luôn bên mình chỉ mới ba năm thôi. Tuy nhiên, tất cả bạn đạo, thầy tổ của mình đều xa khuất ở tận chân trời, nhiều người mình chỉ biết và nói chuyện nhau qua điện thoại, qua màn hình internet trong thế giới vừa hữu hình vừa vô hình. Mình biết họ luôn hiện hữu bên mình nhờ những phương tiện công nghệ hiện đại nhưng khi đối diện với thế giới thực cũng chỉ có mình với mình. Đạo Phật đã thay đổi con người của mình và cho mình một cái tâm mới để sống, để vươn lên làm một con người hướng thiện ở phía trước.

Hồi còn ở Việt Nam, mình không hề biết đến Phật giáo dù rằm tháng bảy có đi chùa chỉ vì được cài hoa hồng. Gia đình bên ngoại đều theo Phật nhưng không ai hiểu Phật pháp, chỉ theo Phật vì truyền thống gia đình, chỉ biết cúng bái và nhiều người thân rất mê tín. Đối với mình, Phật giáo thường gắn liền với hình ảnh tang lễ nên đạo Phật là vô cùng yếm thế, bi quan, chán đời cũng như mê tín dị đoan. Vì thế, mình chẳng hiều gì về đạo Phật, về những lời dạy chan chứa đầy tình người, về những điều hết sức khoa học để rèn luyện chính bản thân mình trở thành một con người vững mạnh đứng giữa phong ba, giông tố của cuộc đời. Ngày còn ở Việt Nam, mình cũng rất năng động, thường xuyên đi tham gia công tác xã hội, làm việc từ thiện trong khả năng vì mình thích những công việc này. Tuy nhiên, ngày đó mình thường hay khóc và buồn khi không hiểu tại sao con người ta thay đổi nhanh quá và ngọn lửa nhiệt tình, nhiệt huyết làm công việc xã hội cũng nguội lạnh dần theo tháng năm khi bị phủ mờ lớp bụi của lợi danh. Đôi khi, chính những người bạn từng đi cùng mình làm công tác xã hội, rất thân với mình mà cũng còn đến khuyên mình nên bớt công việc lại để lo cho bản thân mình. Ngày đó còn trẻ quá, tuổi trẻ đầy năng động, đầy nhiệt huyết, thích làm từ thiện, thích được sống trong thế giới của truyện cổ tích, thích được làm những điều ông bụt bà tiên mang đến cho người khác trong khả năng của mình nên mình gần như suy sụp khi nghe và thấy những điều như vậy. Mình tự hỏi tại sao những công việc tốt như vậy lại bị lụi tàn dần theo gót hình của lợi của danh. Điều may mắn ngày đó là việc học của mình ở trường đại học khá tốt hơn bạn mình nên mình vẫn âm thầm đi làm hay giúp đỡ người khác làm những phong trào tình nguyện trong khả năng mà thôi.

Sang đến Mỹ, mọi thứ đảo lộn và phải bắt đầu làm lại từ đầu, vừa tự học tự làm và giúp đỡ gia đình. Khó khăn khổ đau với bao nhiêu thứ ngành nghề thượng vàng hạ cám mình đều nếm đủ hết nhưng điều buồn nhất là xung quanh mình không có ai làm bạn hết. Tính mình không thích ồn ào, không thích đua đòi này kia, không quan tâm đến áo quần phấn son hay những nhu cầu vật chất, công nghệ hiện đại mà người ta đang chạy theo đuổi bắt dù muốn có thể có được cho nên làm sao tìm được bạn đồng tâm. Cuộc sống của mình chắc cũng chẳng khác một bà già, một người của thế giới ngày xưa hay một thế giới nào đấy, không thuộc về thế giới ồn ào, tấp nập ở đây.Mình chỉ muốn kết bạn chứ không thích lập gia đình với bao nhiêu thứ vướng bận khổ đau mệt mỏi vô cùng. Mình cứ thắc mắc hoài tại sao xã hội phát triển bật nhất như Mỹ với bao phương tiện hiện đại, tiện nghi đầy đủ mà người ta vẫn khổ đau với biết bao nhiêu bệnh tật đang giết dần giết mòn con người mình. Hình như bất cứ chuyện kinh thiêng động địa nào đều có thể xảy ra ở đây nên mới có một câu nói vui rằng:”Muốn biết thiên đường hãy đến New York và muốn biết địa ngục cũng hãy đến New York.” Cả xã hội văn minh được điều hành bởi hệ thống pháp luật chặt chẽ, mọi thứ đều tiện nghi, ăn uống không thiếu nhưng chẳng ai rãnh để ăn, suốt ngày bận rộn với guồng máy công nghiệp hối hả, tấp nập, văn hóa khác nhau rất khó hòa nhập và cũng chẳng biết ai để mà tin. Rồi bao nhiêu chuyện giết chóc, kiện tụng, tự sát, bạo loạn diễn ra hàng ngày cứ như là chuyện thường tình không đáng quan tâm bằng những chuyện ồn ào của chính trường hay thế giới showbiz. Mình đang sống và đang đi trong thế giới đó mà tự hỏi liệu cuộc sống như vậy sẽ đi về đâu và bản thân mình sẽ như thế nào khi vẫn tiếp tục với những suy nghĩ và hành động chẳng giống ai như vậy. Thế là mình vẫn cô đơn một mình một bóng, ngày ngày chỉ biết đi học, đi làm rồi về nhà, “êm đềm trướng rũ màng che,” không biết gì với thế giới chung quanh cả.

Cho đến khi mình biết đến đạo Phật và người giới thiệu đạo Phật đến cho mình lại là các bạn cũng như thầy giáo người Mỹ. Mình đến đọc và tìm hiểu tất cả những gì về Phật giáo trên mạng phần vì tò mò muốn biết tại sao các bạn người Mỹ của mình lại thích thú đến vậy và phần để trò chuyện với họ cho đỡ xấu hổ khi mình cũng tự nhận với họ mình là một Phật tử nhưng chẳng biết gì về Phật pháp. Có bạn người Mỹ rất vui và muốn thân với mình vì mình là một Phật tử. Có bạn vui đến nổi mang cả pho tượng Phật được ba mẹ tặng nhân dịp sinh nhật của bạn đến cho mình xem dù gia đình bạn có nguồn gốc là Thiên Chúa Giáo. Ở đây khá phóng khoáng trong suy nghĩ nên đa phần ít có chuyện ép buộc tâm linh, gán ghép, cải đạo trong hôn nhân như ở Việt Nam mình, con cái được theo tôn giáo họ muốn dù có khác với gia đình miến đó là con đường hướng thiện hay chỉ vì họ thích. Càng đọc kinh sách Phật bao nhiêu, mình càng bừng tĩnh và như không tin nổi vào chính mình. Thì ra đạo Phật là vô cùng trí tuệ, từ bi, hiều biết cũng như khoa học chứ không phải mê tín dị đoan, yếm thế chán đời như mình nghĩ. Mình có hỏi các bạn người Mỹ nguyên nhân họ tìm về với Phật giáo thì câu trả lời tựu chung lại là Phật giáo cho họ sự tự do trong suy nghĩ, bình đẳng, đầy yêu thương, không ép buộc, không do một đấng quyền năng ban phước giáng họa và cái quan trọng là họ tìm được niềm an lạc, hạnh phúc cho chính mình trong đạo Phật. Những gì họ nói đều chứng tỏ họ rất hiểu về đạo Phật và hiểu nguồn gốc của tôn giáo chứ không như mình.Thế là mình hối hận tại sao ngày xưa ở Việt Nam mình lại thiếu duyên đến vậy, tại sao mình không đến với Phật pháp sớm hơn thì có lẽ cuộc đời của mình đã khác đi rất nhiều. Tại sao ngày xưa mình không được sinh hoạt trong gia đình Phật tử từ nhỏ, không được ai hướng đến con đường tu hành Phật giáo cao đẹp như các bạn trong gia đình Lam thì mình đã có nhiều bạn tốt, gần bên tam bảo sớm hơn rồi. Nếu được sinh hoạt trong gia đình Lam mình đâu phải đau khổ, cô độc vì mình có bạn tốt luôn bên mình và những việc làm thiện nguyện của mình ngày xưa ở Việt Nam sẽ luôn được nhân cao, chắp cánh. Để đến bây giờ, sau bao nhiêu năm lăn lên ngụp xuống, tranh chấp đua đòi với đời giờ mới thấy mình đã tạo nên bao nhiêu là nghiệp quả đến bao giờ mới rửa sạch đây.

Phật giáo đến với mình cứ như chính con người của mình và mình nghĩ rằng chắc có lẽ thiện căn đã gieo trồng bao đời giờ đủ duyên thì đến với mình thôi. Phật giáo giúp mình tiếp tục sống tốt, làm thiện, tin sâu vào nhân quả, sống một cuộc sống “thiểu dục tri túc,” và cho mình hướng đi ở phía trước. Ngày xưa chưa biết gì về đạo Phật, nhìn thế giới đầy tham sân si xung quanh, lòng người đen bạc đổi thay, mình cũng cảm thấy chán đời và không thiết sống nếu cuộc sống chỉ có một đời. Làm về ngành y mới cảm nhận hơn sự vô thường của cuộc sống như lời Phật dạy, một kiếp người đi đến nhanh lắm khi chứng kiến cảnh bệnh nhân từ từ chết trên tay của mình. Còn ở Mỹ này, bệnh tật nhiều vô số kể vì 2/3 dân số bị bệnh béo phì nên ngoài những bệnh về thân gây chết người nhiều nhất là tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, cao huyết áp, cao mỡ trong máu, bệnh phổi thì những bệnh về tâm như trầm cảm, mất trí, cuồng loạn, khó ngủ, khổ đau dẫn đến điên loạn, tự tử, giết người rất nhiều. Bệnh nhân đến với mình thân bệnh thì ít mà tâm bệnh thì rất nhiều, họ cũng rất khổ đau và cô đơn lắm và đôi khi họ chỉ muốn có người nghe, người san sẻ với họ thôi. Tuy nhiên, những loại thuốc tây y mắc tiền hay tiến bộ của khoa học kỹ thuật tân thời nổi tiếng cũng không thể chữa khỏi bệnh hay giúp đỡ cho họ lâu dài được, chưa nói đến bao nhiêu biến chứng và tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Người Mỹ họ rất khổ đau và đang tìm đường thoát khổ bằng đủ thứ cách nhưng vẫn luẩn quẩn trong vòng sinh tử luân hồi. Thế mới nói ai cũng có cái khổ cho riêng mình và ở đâu cũng khổ cả. Vì vậy, rất nhiều người Mỹ hiện nay đã tìm đến với Phật pháp, tu hành theo Phật pháp, thiền tập rất nhiều để có được an tịnh tâm hồn và đơn giản là Phật giáo rất khoa học, hợp với suy nghĩ của họ nên họ hành theo. Rất nhiều người Mỹ họ ủng hộ, xây dựng nhiều đạo tràng Phật giáo và các khóa tu của Làng Mai do Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh chỉ dạy thu hút rất nhiều tôn giáo và dân tộc sống ở Mỹ. Nhiều người Mỹ họ tự lập ra những nhóm tu hành theo pháp môn Làng Mai khắp cả nước vì họ biết rằng đó là những mái nhà, những gia đình tâm linh giúp họ tựa nương mà tiếp tục đi về phía trước cũng giống như các bạn trong gia đình Lam vậy. Đặc biệt, những khóa tu do Đức Dalai Latma thuyết pháp, dù ở sân vận động mấy chục ngàn người, phải mua vé trước cả tháng vẫn chưa chắc có được một vé vào nghe Ngài giảng.Đại học Harvard, đại học hàng đầu của thế giới có hẳn cả một trung tâm chuyên nghiên cứu về thiền học do Ngài sáng lập rất nổi tiếng được điều hành, nghiên cứu bởi những giáo sư, những nhà khoa học hàng đầu của thế giới và nhiều trung tâm như vậy đang được xây dựng trên khắp nước Mỹ. Những người cho là nổi tiếng, nhiều giáo sư, nhà khoa học tài ba vẫn theo gót của Ngài đến với đạo Phật, thổi vào đạo Phật những giá trị của khoa học để thuyết phục lòng người. Đức Dalai Latma luôn bảo những nhà khoa học rằng Ngài sẽ sẵn sàng từ bỏ bất cứ quan điểm nào trong Phật giáo nếu như không đúng theo khoa học nhưng đến tận bây giờ chẳng có ai có thể tìm ra luận điểm nào phản khoa học trong Phật giáo cả. Thế mới nói, đạo Phật là đạo của sự thật mà Đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước đã chỉ dạy cho chúng ta.

Trong xã hội hiện nay, những giá trị đạo đức đang bị băng hoại vô cùng nghiêm trọng và hình như người ta không còn chừa thủ đoạn gì để đối xử với nhau nhằm trục lợi hay để đạt được cái lợi trước mặt. Vì thế, chỉ có người biết tu tập, hiểu Phật pháp hay ít ra là thực hành theo những lời dạy làm thiện của các tôn giáo thì mới giữ vững mình. Những gia đình Phật tử, những đoàn sinh áo lam như các bạn đang làm được những việc như thế khi kết nối tâm linh, làm mái nhà nương tựa đầy từ bi, yêu thương mà không hề có màu sắc của lợi danh đến cho các bạn trẻ. Các bạn chính là những vị hộ pháp của Phật giáo, những Bồ Tát với hạnh nguyện đại từ đại bi đi vào đời cứu vớt chúng sinh. Mình chỉ ước sao cả thế giới này có nhiều gia đình lam như vậy và gia đình Phật tử là điểm riêng biệt của Phật giáo Việt Nam mình. Các bạn đang có trong tay hạt ngọc cho riêng mình, “trong nhà có bảo” nhưng chưa nhận ra cái bảo vật ấy và có lẽ là do duyên nên các bạn mới phải phân vân mà hỏi câu hỏi đó thôi.

Công việc học tập hay làm việc để nuôi huệ mạng cũng là điều quan trọng nhưng trong xã hội ngày nay nếu thiếu hạt ngọc tâm linh bạn sẽ mất tất cả, nhất là một nền tảng giáo dục rất khoa học và hiện đại của Phật giáo. Nếu chính bạn không tự giáo dục, không vững trên đôi chân của mình giữa dòng xoáy của cuộc đời thì liệu khi có gia đình, có con cái, bạn sẽ làm gì để nuôi dạy chúng. Điển hình như ở Mỹ họ đã quá mệt mỏi với thế giới điên loạn của kỹ thuật, của nhu cầu chỉ toàn vật chất nên họ đi tìm hạt ngọc tâm linh nuôi sống mình với các giá trị của tôn giáo Á Châu là Phật Giáo. Còn người Á Châu và Việt Nam mình đang cố vươn lên, cố đạt được những gì người Mỹ à Châu Âu có được vì đó mới là thiên đường, là điều mà họ mong mỏi kiếm tiềm. Để rồi các bạn thử nhìn xem, đất nước phát triển hơn, nhu cầu vật chất nhiều hơn thì các giá trị tâm linh, đạo đức bị mai một, xuống cấp một cách kinh hoàng trong khi luật pháp không đủ mạnh để kiểm soát, trừng phạt và răn đe.Mình không dám mang kiến thức Phật giáo ra nói với các bạn vì mình tin các bạn với thâm niêm sinh hoạt gia đình Phật tử đều hiểu và giỏi hơn mình. Nhưng bạn hãy nghĩ xem, khi bạn khổ đau, buồn chán thì tiền của thế gian nào cứu nổi và mua nổi niềm vui , an lạc cho bạn. Nếu mình không chịu tự tu tự giải thoát cho mình thì không ai có thể làm thay cho mình cả

Ngoài ra, các bạn thử nghĩ xem liệu bao nhiêu tiền của thế gian hay tiện nghi hiện đại có thể mua nổi một tâm hồn hay những giá trị cao đẹp bạn đang sở hữu. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã hiểu biết, Phật tại tâm, không cần thiết phải đi sinh hoạt, từ bỏ gia đình tâm linh của mình để chạy theo phù du của vật chất vậy bao nhiêu vật chất là vừa. Được đi sinh hoạt trong gia đình Phật tử là một phước duyên, một điều may mắn chứ không phải là một sự gò bó, bắt buộc, khó khăn như một nhiệm vụ phải làm cho có lệ. Tại sao bao nhiêu người không có nhiều vật chất và chẳng có gì cả mà họ lúc nào cũng vui, cũng khỏe trong khi mình có đầy đủ vẫn muốn hơn là hơn, đó có phải là do tham mà thành. Mình tu hành theo Phật Pháp cũng đều biết tiền tài có được là do phước bố thí, gia đình con cái chồng con cũng do duyên do nợ mà thôi. Sống ở ngoài đời duyên đến thì làm, làm việc cứ sống, mỗi người mỗi duyên nhưng nếu không tu tập, không được gần bạn gần thầy nhắc nhở, giúp mình, không có lực tu thì cái biết đến với Phật pháp chỉ là kiến thức suông chứ không có sự tu tập. Để sống và tồn tại trên thế giới này thì đâu cần nhiều thức ăn để ăn, không cần quá nhiều nhu cầu vật chất. Người hiểu được điều này thì có làm triệu phú, tỷ phú thì tiền của cũng là vật ngoài thân nên họ sẵn sàng mang tặng cho người khác hay làm những điều ích thiện nhằm cải thiện xã hội được tốt đẹp hơn và mình cũng được sống tốt hơn vì điều này. Nếu không biết cân bằng hay xem nhẹ đời sống tâm linh thì rất buồn chưa nói đến nhân quả theo Phật giáo. Như thế thật là uổng phí vô cùng để rồi cả cuộc đời chạy nhảy bao nhiêu năm, vô thường đến lúc nào không biết

Nhìn các bạn được có gia đình, được có anh chị, thầy tổ hướng dẫn, khuyến khích, sách tấn nhưng lại không mặn nồng với gia đình của mình hơn những ngũ dục của đời thường bên ngoài mà mình vừa ghen tỵ lại vừa buồn. Mình bên này chỉ muốn có một ngôi chùa bình thường để đến, để tới cũng không có, muốn có bạn đạo gần bên mình để tu cũng không. Từ khi đến với Phật giáo mình chỉ ao ước khi về Việt Nam được đi chùa thật nhiều, được kết bạn với nhiều đồng tu tốt cùng nhau sách tấn, khuyến khích, chia sẽ với nhau cả chuyện đạo và đời để tu, sống một cuộc sống đơn giản, bình thường nhất nhưng tâm hồn được thăng hoa, phát triển là điều hạnh phúc nhất cũng không có. Vậy mà khi về Việt Nam, bước vào ngôi chùa, mình thoáng buồn khi chẳng thấy ai đến chùa cả, chùa rất vắng trong ngày thường dù là chùa nổi tiếng và người trong chùa còn tưởng mình là người nước ngoài hay đến để cầu tài cầu lộc, xin săm, bói quẻ. Ngược lại, các quán nhậu, các quán ăn, quán bia trước chùa hay gần chùa thì người người tấp nập từ sáng cho đến khuya. Tại sao họ lại vô minh, rãnh rỗi, lại hành xử như vậy trước những nơi tâm linh thờ tự? Nhìn cảnh trái ngang như vậy, mình rớm lệ khi hình như người ta đang thần thánh hóa Phật giáo và không thèm quan tâm gì đến việc tu hành rèn tâm rèn người, cứ như là những việc lỗi thời vậy. Mình biết là hạnh phúc hay không, khổ đau hay không cũng là do tâm mình nhưng với người mới chập chững bước vào đạo như mình thì rất cần có bạn đi trước hướng dẫn cũng không có. Đến ngày lễ Phật Đản, Vu Lan, nhìn hình ảnh các bạn đến chùa, lễ tổ chức đông vui, mình ước ao cũng được về tham dự. Vậy mà cuối cùng chỉ là thưởng thức qua màng hình online hay đọc dịch tin tức Phật sự khắp nơi cúng dường. Hỏi bạn bè ở Việt Nam thì hình như họ cũng chẳng biết gì và không quan tâm nhiều nên mình thấy buồn và nghĩ họ cũng vô minh và thiếu duyên như ngày xưa mình từng ở Việt Nam cũng thế. Tự nhiên mình thấy cuộc đời bao nhiêu là duyên ngang trái phơi bày ra trước mặt như các vở tuồng người ta diễn trên sân khấu mà thôi.

Khi đến với Phật giáo thì lại là một giai đoạn khó khăn để mình khuyến hóa gia đình, mệt mỏi vô cùng. Vậy mà khi em mình giác ngộ, biết đến Phật pháp, chị em mình cũng chỉ biết qua băng đĩa, bài giảng online thôi, em mình cũng có suy nghĩ như mình. Nó cũng bảo tại sao ngày xưa ở Việt Nam nó không được đến chùa, không được sinh hoạt gia đình Phật tử. Khi về Việt Nam nó chỉ thích đi chùa, đến chùa, không thích đi đâu cho thỏa lòng ao ước của nó, quy y rồi sang đây nó ăn trường chay luôn hơn bốn năm rồi. Nó thắc mắc với mình là bao nhiêu người Việt Nam đang được gần chùa, gần bạn mà họ không có biết quý, biết tu, không thích đến chùa tham quan ngắm cảnh mà chỉ thích ăn xài, đến quán cà phê, ăn uống nhậu nhẹt mang vào người bao nhiêu chất độc giết người còn nó cũng như mình muốn đi chùa là một điều không hề dễ dàng gì. Đến cả những người cho là tu hành bao nhiêu năm, đến chùa thường xuyên nhưng oai nghi tế hạnh cũng không có, lại làm những chuyện buôn thánh bán thần, cúng vái cầu tài cầu lộc là chính, không biết tôn trọng và hành xử cho đúng mực ở chốn thiền môn. Thế mới biết khi mình có gì trong tay cái gì thì mình không hề biết quý đến khi mất nó rồi mới biết quý trọng, đi tìm

Em trai mình vừa về Việt Nam và mình cũng muốn em được gieo duyên nhiều hơn với tam bảo, được gần bạn đạo có tâm tu ngoài những thú tiêu khiển, vui chơi đời thường. Mình muốn gieo duyên cho em mình hiểu hơn về Phật pháp, gần tam bảo, có niềm tin tâm linh vững chắc và biết con đường mình đi. Có ai biết rằng trên cuộc đời này thành công đó nhưng sẽ không có thất bại, không có khổ đau, không đơn độc không bị vấp ngã đâu vì khi quả đến làm sao mà tránh được cho nên mình chỉ hy vọng những phút khổ đau, vấp ngã ấy thì em sẽ tiếp tục đứng dậy mà đi, mà tìm ra con đường tốt cho riêng mình với tâm hồn hướng thiện, sống theo chánh pháp, tin sâu vào nhân quả để bớt tạo nghiệp. Hãy khoan bàn đến chuyện tu hành giải thoát cao xa vì nó vượt qua ngoài sự hiểu biết của em mình mà chỉ muốn em thân cận những người tốt, biết tu thì em mới thấy được lợi ích của người tu hành theo đạo Phật mà tu theo. Đến cháu của mình, mình cũng khuyên chị Hai cho cháu sớm đi sinh hoạt gia đình Phật tử để cháu gần tam bảo, biết tu từ nhỏ mong sớm trở thành con hiền hiếu thảo, làm một Phật tử thuần hành, không bị thiếu duyên và vô duyên như mình. Có như vậy thì sau này em và cháu mình mới biết hạnh phúc và bằng lòng với cuộc sống của mình, biết sống thiện, làm thiện, ít ra làm một con người lương thiện bình thường trong xã hội ngày nay

Đây chỉ là những suy nghĩ và nhận định của riêng mình, của một Phật tử xa xứ nhưng thiếu duyên thân cận bạn hiền, thân cận tam bảo nhưng có lẽ đó là cái duyên để mình nổ lực tinh tấn tu hành. Mình rất ngưỡng mộ và tri ân những người bạn áo lam, nhất là những bạn huynh trưởng cả cuộc đời dấn thân vì đạo pháp, vì dân tộc, vì lợi ích của các thế hệ đàn em sau này. Mình cũng biết được nhiều bạn Phật tử ở ngoài, dù không sinh hoạt trong gia đình Lam, vẫn ngày ngày làm những hộ pháp của Phật giáo, xả thân cầu pháp, bố thí tất cả những gì họ đang có được từ tiền của, tâm lực và trí lực, sống một cuộc sống buông xả hoàn toàn chỉ mong muốn đem đạo pháp đến cho mọi người, mong muốn mọi người tinh tấn tu hành để giải thoát cho chính mình và mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp đầy hương vị pháp lạc. Tất cả đều là những vị Đại Bồ Tát với tâm đại từ đại bi mà mình có phước duyên được biết. Mỗi người có một hạnh nguyện, một pháp tu và cách tu theo duyên của mình. Việc chọn lựa giữa tâm linh và vật chất cũng tùy duyên của mỗi người , biết cân bằng và sống tốt, chỉ cần mình có tâm lực vững mạnh thì phong ba giông tốt của cuộc đời có kéo đến, dù sống trong một cuộc sống bình thường vẫn hạnh phúc như thường và còn đỡ sinh nghiệp hơn. Tuy nhiên, biết đâu chừng có thể do nhân duyên mà các bạn cần những duyên lành thù thắng hay duyên nghịch trái ngang, cần phải được cọ xát ở trường đời nhiều hơn thì bạn mới đủ duyên hiểu và quay về hành trì lời Phật dạy tinh tấn, vững mạnh hơn. Chỉ sợ khi bóng xế chiều tà, nợ duyên chồng chất, nhân quả trả vay bao phủ, lưới nghiệp bủa vây làm tâm không còn thảnh thơi mà buông xả bước ra

Mình biết mình đang may mắn có được những nhu cầu vật chất cơ bản và bây giờ đã tìm về được với ngôi nhà tâm linh xây dựng cuộc đời mình. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh, mình xin chọn cuộc sống giàu có về tâm linh và một cuộc sống “thiểu dục tri túc,” không chạy theo cái ảo, cái không thật, cái bên ngoài thân mà làm mất cái tâm thanh tịnh của mình. Mình đang cố gắng sống như vậy, càng bớt những nhu cầu vật chất chừng nào, mình càng thấy thoải mái, nhẹ nhàng, ngày ăn hai bữa cơm chay đạm bạc, bình thường, không đòi hỏi thêm điều gì, có chăng là có nhiều duyên thân cận bạn hiền làm việc phước thiện nhưng thấy vui, thấy khỏe, tâm từ bi ngày mỗi tăng trưởng. Vì đã tin sâu vào nhân quả nên mình chẳng còn sợ gì cả, cứ làm việc phước lành trong khả năng, sẵn sàng chịu thua thiệt mà tâm mình mạnh, tâm xả bỏ được nhiều hơn. Mình biết mình cũng chỉ là một chúng sinh bình thường đang lặn ngụp trong dòng sinh tử luân hồi với bao nhiêu nghiệp chướng do tham, sân, si gây nên nhưng nguyện tu và chịu tu để giảm bớt.Mình đang cố tu hành theo hạnh thập thiện của Bồ Tát Phổ Hiền, không dám khinh chê ai theo lời dạy của Thường Bất Khinh Bồ Tát khi Ngài dạy trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa rằng:”Ta không dám khinh xuất các người vì nhân duyên trước sau các người cũng sẽ thành Phật.” Làm những công việc tốt giúp người thì mình tin rằng chư đại Bồ Tát, chư hiền thánh tăng luôn bên mình và ủng hộ mình. Tất cả đều do duyên nghiệp nên sống chết lúc nào mình cũng chấp nhận cả, không hối tiếc bất cứ điều gì. Chỉ mong sao khi xả bỏ hết báo thân này mình sẽ được an lành vãng sanh về thế giới cực lạc nơi mái nhà Tịnh Độ Tây Phương mà thôi.

“Sen búp xin tặng người

Một vị Phật tương lai.”

Nam Mô A Di Đà Phật!

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Chọn Gì Giữa Gia Đình Tâm Linh Và Thế Giới Vật Chất ?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com