Vì có trường bắn Thiết Giáp nên Chư Tăng các Ban Nông-Thiền rất là vất vả trong việc lao động canh tác, hôm nào không có tập bắn thì vào núi chăm sóc rẩy trồng rừng. Trên núi chỉ có Ni Sư Diệu Hòa (Nguyễn Thị Tám, tức Cô Tám) ở lại giữa chùa Tây-Phương (tức Tổ đình Linh Sơn I), Điện Bồ Đề có Ni Sư Diệu Thọ trông coi hang, điện, tất cả các am, cốc, hang, điện từ Hang Mai qua Hang Tổ mấy di tích, mỗi nơi đều có một Tu sĩ giữ gìn chăm sóc.

Trải qua mấy năm dài, trường bắn hoạt động được tốt đẹp. Giũa trường bắn và nhà Chùa kết hợp giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ sinh mạng con người rất hoài hòa như răng môi, nên không xảy ra một sự cố nào. Tổ Đình làm tròn bổn phận, luôn hỗ trợ tạo thuận lợi cho Ban Chỉ Huy trường bắn hoàn thành trách nhiệm.

Trong giai đoạn huấn luyện khóa sinh binh chủng Thiết Giáp, nên cấp chỉ huy nhà trường có làm giấy khen xác nhận Tổ Đình Linh Sơn (Chùa Tây Phương) là ngôi Chùa có thành tích tốt, ủng hộ cách mạng trong quá khứ và hiện giờ ủng hộ trường bắn. Vì Chùa nằm trong vùng khoanh của trường, nên sự đi lại rất là hạn chế, mà tọa độ bắn thì ngay chùa và tại chân núi rất là nguy hiểm.

Duyên may, quý cấp lãnh đạo Trung ương vào tham quan thị sát trường bắn, có đến thăm Tổ Đình, thấy sự cố có thể nguy hiểm này và nghiên cứu thấy Tổ đình Linh Sơn là ngôi di tích Phật Sử, mà quý chư tôn đức cố cựu là những người đã từng có công đóng góp với cách mạng trong hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, là ngôi Tổ Đình thành tích có tầm cở của cả nước, nên cần được giữ gìn và bảo vệ. Nên sau đó, tọa độ bắn được lệnh điều chỉnh về hướng Suối Tiên (Suối Đá).

Năm 1990, Thượng Tọa Giác Hải có làm tờ trình với quý cấp lãnh đạo địa phương Huyện và Tỉnh xin phép được tái thiết trùng tu quần thể thánh tịch Tổ Đình Linh Sơn trên các nền cũ, đã được các cấp lãnh đạo lưu tâm giúp đỡ. Nhưng vì thánh địaTổ đình nằm trong khu quản lý của trường Bắn, nên nhà Chùa chỉ đến thương lượng với Ban Chỉ Huy xin được phép di chuyển vật liệu để tu sửa Chùa mà không có giấy phép của Huyện và Tỉnh. Hiện nay Tổ đình đã trùng tu được 70%, còn lại Chùa Hang Tổ, Chùa Giữa, Chùa Hang Mai, Đỉnh Bao Quang, Chùa Tây Thiên Tiền Môn (cầu Rạch Ván) chưa đủ nhân duyên xây dựng lại cho trang nghiêm.

Chùa cũng có hợp tác với trường bắn trồng 27 hecta Bạch Đàn trên đất của Tổ Đình trong vòng khoanh bãi bắn, công của tập thể Tổ đình, cây và bảo vệ của phần của Bộ Đội, cho đến nay việc khai thác cũng được ba đợt. Tổ đình Linh Sơn còn hợp đồng bảo vệ rừng khoanh nuôi từ Hang Mai qua Hang Tổ trên 50 hecta rừng 372, Triền Suối Tiên hecta, phủ xanh đồi trọc dãy Bao Quan 25 hecta, trồng rừng duy trì cây xanh bóng mát làm đẹp tòng lâm thắng cảnh thánh địa Tổ đình Linh Sơn 20 hecta, dưới chân núi trên 20 hecta tràm, sao, dầu, bạch đàn, xa cừ, bằng lăng, muồng..v..v.. Ngoài Phước Hòa, ngay ấp văn hóa bây giờ và vùng , Suối Bàu-Rong, Thượng Tọa Giác Hải dưới sự hướng dẫn của Ni Sư Huệ Giác hưởng ứng theo phong trào “Trồng cây gây rừng” theo nghị quyết của Bộ, quyết định của Tỉnh đã trồng từ năm 1984 được 40 hecta “Trồng cây Nhớ Ơn Bác”, nay cây đã đơm tán xanh mát tốt tươi. Tổng số cây trồng từ việc phủ xanh đồi trọc trên quần thể núi đồi Linh Sơn xuống đến chân núi ra xã Hội Bài theo các thể loại chương trình và nhiều loại cây, tập thể các Ban Nông Thiền của Tổ Đình Linh Sơn đạ trồng tất cả là 238 hecta với công đức và thành tích đóng góp như thế Thượng Tọa Thích giác Hải đã được:

- 01 Bằng khen của Tỉnh.

- 01 Giấy khen của Huyện v/v Trồng cây nhớ Bác năm 1984

- 01 Giấy khen của MTTQ huyện năm 1985 V/v đóng góp trong các phong trào quần chúng.

- 01 Giấy khen của MTTQ xã có thành tích ủng hộ đóng góp trong các phong trào quần chúng.

- 01 Giấy khen của UBND xã Hội Bài từ 1987 – 1990. V/v tích cực đóng góp các phong trào xây dựng xã hội mới.

- 01 Giấy khen của MTTQ huyện V/v tích cực công tác xã hội từ thiện nhân đạo 1990.

- 01 Giấy khen của Hội Chữ Thập Đỏ huyện Long Thành

- 01 Giấy khen của MTTQ huyện v/v tích cực công tác xã hội từ thiện cứu trợ thiên tai lũ lụt.

- 1989 có thư khen của Trường Sĩ Quan Lục Quân II v/v giúp Trường Bắn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian huần luyện cho Bộ Đội khóa sinh.

- 01 Giấy xác nhận của bà Mai Thị Nga, Chủ tịch UBND Quận 8, TP Hồ Chi Minh, tham gia hoạt động, ủng hộ nuôi giấu cách mạnh thời kỳ chống Mỹ.

Thượng Tọa Giác Hải là một Tăng Đức gương mẫu, có hạnh lành tốt, có công đức lớn với tông môn, nuôi dưỡng chư Tăng Ni, bảo quản cô nhi, noi gương Thầy Tổ giúp đỡ nuôi dưỡng con cháu và người hoạt động Cách Mạng. Thượng tọa có lòng từ bi thương người nghèo kẻ khó trong khi hoạn nạn, là một thành viên tốt tham gia làm việc cho Mặt trận Tổ Quốc, một Ủy viên có lòng nhân ái, nhân đạo, tích cực làm việc thiện trong hội Chữ Thập Đỏ. Thượng tọa được Giáo hội tín nhiệm cử vào Ban đại diện Phật giáo xã, là một vị Thầy thường giúp đỡ Chư Tăng Ni khi gặp khó khăn về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần để được an ổn tu hành, hầu hết Chư Tăng Ni, Phật tử đều tôn kính và thương quý Thượng Tọa.

Thượng tọa cũng là Ủy viên Ban Đại Diện Phật Giáo huyện có công đóng góp xây dựng làm tốt Giáo hội Phật giáo Việt nam, hướng dẫn Tăng Ni Tông môn tu học hành đạo đúng theo hiến chương Giáo hội, sinh hoạt tín ngưỡng đúng với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để trở nên Tăng Ni tài đức có lợi ích cho Giáo hội mai sau.

Thượng tọa tuy đã lớn tuổi, lại thêm gánh vác nhiều Phật sự, đã chịu nhiều vất vả khỗ cực trong việc tái thiết xây dựng trang nghiêm thánh tích Tổ đình, nhất là trong việc lao động tăng gia sản xuất kinh tế nhà chùa, bảo trì vườn rừng, tiếp phụ con cháu khắp nơi, làm việc từ thiện thương kẻ đói nghèo khắp chốn. Thật đúng là một đại thọ bóng mát cho tông môn con cháu, cho tất cả muôn ngừơi. Đáng thương, đáng kính, đáng quý thay! Nhưng vì tuổi già sức yếu, lâm bệnh nặng. Ni sư Huệ Giác và Tăng Ni đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy, rồi bệnh viện Nguyễn Trãi. Nhưng vì bệnh thuộc nan-y nên Thượng tọa xin về ở cốc tịnh dưỡng niệm Phật.

Khi đau nặng, Thượng tọa nói những lời mà ai cũng xúc động và thương tiếc:”…nếu như Phật và Tổ Thầy nhận thấy con còn có năng lực, ích lợi cho Đạo Pháp và Tăng Ni thì hộ cho con mau lành bệnh để tiếp tục lo Phật sự, nếu nhận thấy con không còn làm lợi ích cho Đạo pháp nữa thì xin cho con ra đi một cách êm thắm nhẹ nhàng, đừng để vì tấm thân tứ dại vô thường của con làm khổ nhọc chư Tăng Ni huynh đệ…”. Đây là câu nói cuối cùng của Thượng Tọa Giác Hải trong những ngày cuối của cuộc đời. Từ đó, Thượng tọa đóng cửa cốc niệm Phật. Một hôm, Thượng tọa mời đại chúng đến vây quanh và nói:”…quý vị hãy niệm Phật tiếp tôi, tôi đã mệt lắm rồi…”. Đúng 11 giờ, ngày 26/03 năm Nhâm Thân (1992) Thượng tọa yên lặng trầm tĩnh ra đi về với Phật Tổ trong tiếng niệm Phật của đại chúng Tăng Ni, Phật tử.

Thế là một bóng mát tòng lâm của Tổ đình đã khô héo, một trụ phướng pháp của Giáo hội đã vắng bóng, một mất mát to lớn cho hàng hậu tấn con cháu.

Với niềm xúc cảm vô biên, thương tiếc vô cùng! Một thạch trụ của Tổ đình đã gãy đổ, thâm tình Linh Sơn mãi còn ghi nhớ:

Gió thoảng nhẹ đưa cành lá đổ

Róc rách suối ngâm nhạc buồn mơ

Mây hồng giăng lơ thơ triền đồi

Lặng yên bầu trời nắng huyền mơ

Buồn nhớ, nhớ nhung chiều lâm sơn

Tình người vạn kỹ với núi sông

Bồng lai sáng đẹp người hữu công

Thạch bàn ghi dấu ơn nghĩa nồng

Líu lo chim hót như nhắc lòng

Cây xanh màu tươi thắm non sông

Tòng lâm, ruộng rẫy trái quằng cây

Tình sâu nghĩa thẵm công đức dầy

“Nhớ nhớ, thương thương, ôi quá thương!”

Bữa củi nấu cơm tình chan chứa

Nấng nuôi hiếu thảo kể sao vừa

Tình thương lai láng ôi cao cả!

Tốt Đạo đẹp Đời nhọc sớm trưa

Người theo hạnh nguyện của ngàn xưa

Duyên trần mãn nhẹ nấc thang mây

Trên non dưới thế bao người nhớ

Bóng dáng thân thương mãi còn đây!

Ni Sư Trưởng Tông Môn

Lưu niệm ngày Đại tường

Đại tang lễ của Thượng tọa được tổ chức tại Tổ đình Linh Sơn II ( cơ sở Tăng), chư Tôn Đức Tăng Ni Phật tử trong tông môn về dự rất đông. Các hàng Giáo phẩm đại diện Giáo hội, chính quyền các cấp địa phương cũng đến truy điệu và tiễn đưa kim quan nhập Bảo tháp tại xã Hội Bài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đễ tưởng nhớ công đức bậc chân tu đức hạnh của Tông môn Non Bồng.

Sau khi Thượng tọa Giác Hải viên tịch, dưới sự chỉ đạo hướng dẫn, ủng hộ tinh thần và chi phí vật tư của Ni Sư Huệ Giác và các chùa trong tông môn, năm 1995 đại đức Thích Thiện Nghĩa đã khởi công trùng tu lại ngôi Tam Bảo, Nhà Tổ và Tăng Xá, Ni Xá của Tổ đình Linh Sơn cơ sở II được khang trang tốt đẹp. Hiện nay cơ sở này do Đại Đức chủ trì, bảo quản chăm lo đời sống cho Tăng Ni tu hành tốt. Đại Đức Thiện Nghĩa tham gia đóng góp Phật sự cùng Giáo hội với chức vụ Phó ban Đại Diện Phật Giáo xã Hội Bài, Đại Biễu Hội Đồng Nhân Dân xã Đại Đức cũng là một Tăng-Lữ, hiếu tôn của Tông Môn Non Bồng Tổ đình Linh Sơn (cơ sở II) tiếp nối truyền thống hoằng dương chánh pháp, giềng mối Tông Môn, phổ độ quần sanh, báo Phật ân đức và làm tốt Đạo đẹp Đời.

Còn trên núi Dinh Tổ đình Linh Sơn (cơ sở I, thường gọi là chùa Tây Phương) của Ni giới, Ni trưởng Huệ Giác,viện chủ kiêm trưởng Tông-Phong vì đảm nhiệm quá nhiều Phật sự nên phó chúc cho Ni sư Diệu Hòa (Nguyễn Thị Tám) làm Trụ Trì họp cùng đại chúng trong tông môn, các Ban nông thiền bảo quản vườn rừng lo việc trùng tu tái thiết quần thể Thánh địa Tổ đình, từ chân núi đến xuống chân núi.

Ni sư Diệu Hòa cũng là bậc chân tu đức hạnh hiền lương, sinh trưởng tại xã Đăng Hưng Phước, huyện chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, tronh một gia đình có chị em là những người đã từng tham gia Cách Mạng, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Ni sư xuất gia năm 1960, tu học Phật pháp với Bổn sư là Ni trưởng Huệ Giác. Được sự giáo hóa, đào tạo tốt, Ni sư vâng lệnh Bổn sư phục vụ nuôi dưỡng cô nhi, người già yếu, nuôi dấu con em gia đình Cách Mạng cho đến ngày hòa bình trở về núi. Phát tâm dũng mãnh giữ gìn bảo vệ Thánh tích Tổ đình Linh Sơn, giữ núi, giữ rừng, trồng rừng phủ đồi trọc, lập vườn rẫy, góp phần công đức nhọc nhằn trong việc xây dựng trùng tu quần thể Thánh tích Tổ đình.

Với tấm lòng nhân từ hiếu kính thầy Bổn sư, quý trọng chư Tăng, Ni chúng, nuôi dưỡng thương yêu cực nhọc trong các công tác Phật sự, nên được Ni Sư Trưởng tặng cho hai câu thơ để tán thán công đức :

                                      “Hiếu tử Non Bồng

                                        Hữu công Đạo Pháp”

          Thật là:

                             Với công cực nhọc không nài

                             Chịu cực chịu khổ ai tài so hơn

                             Một lòng tu đạo không sờn

                             Quyết tâm gìn giữ Linh Sơn Tổ Đình

                             Nhớ ơn Thầy Tổ quên mình

                             Hy sinh cao cả ân tình biết bao

                             Nay núi đã phủ xanh màu

                             Chùa xưa, Am Cốc ai nào nhớ không?

                             Rẫy vườn tươi thắm mênh mông

                             Rẫy vườn tô điểm hữu công đời đời.

          Trên đây là bản tường trình mà tôi lược thuật theo sử yếu của Tổ đình Linh Sơn “Tây-Phương Bồng-Đảo, Bàn Cổ Sơn Phật, Tông-Môn Non-Bồng”do Ni trưởng Huệ Giác, trưởng Tông phong đã ghi chép từ năm 1986 để lưu lại cho con cháu Tông phong sau này.

                                     BAN SỬ LIỆU QUAN ÂM TU VIỆN

 HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Công Tác Trồng Rừng Ở Tổ Đình Linh Sơn Núi Dinh”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com