Một Thầy tu hỏi Lục Tổ Huệ Năng: “Rời xa thế gian có thể giác ngộ ?”. Lục Tổ đáp: “ Tìm giác ngộ mà lìa thế gian chẳng khác nào tìm sừng thỏ, lông tê giác! ”Đó là giai thoại nổi tiếng trong nhà Phật, và hiện nay có những bước chân hành thiền được ví như một buổi tuần tra để giữ mãi màu xanh của núi rừng theo tinh thần đó. Chúng tôi đã đến và thấy

TRẠM KIỂM LÂM” ĐẶC BIỆT

Đường vào núi Dinh trên địa phận xã Hội Bài, Huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngang qua một cảnh lạ. Lạ là vì dọc theo con đường nhựa quanh co, những ngôi chùa, Tịnh Xá,Tự Viện nằm gần nhau, mật độ dày hơn nhà dân, đôi khi trong khoảng 500 mét đã thấy 3 cơ sở tôn giáo của Đạo Phât. mái cong, ngói đỏ, tượng Phật, dường như là gam màu chính trong bức tranh Đại Tùng Lâm mà người địa phương ở đây gọi là làng Chùa. Vào buổi chiều, khi nắng tắt ngúm như đống tro tàn đã lâu, tiếng chuông vang vọng ngân xa giữa cảnh núi rừng thoát tục.

Hết đường nhựa là chân núi. Bắt đầu từ đây khách thập phương đi bộ, thỉnh thoảng lắm mới cho một chiếc xe hơi loại nhỏ hì hục trên đường đất gập ghềnh. Xung quanh là rừng cây lớp lớp, những cây tràm hơn 10 tuổi vươn mình thẳng tắp, gió lay xào xạc. Phía dưới đầy lá khô, chất lên từng lớp được quét dọn tươm tất vào sát bên trong. Đường lên đỉnh núi cũng có nhiều Chùa, Tịnh Xá, Điện, Am, Cốc nhưng khác với ở ngoài là đa số xây dựng lắm kiên cố, có chỗ đơn sơ một mái tranh có thờ Phật. Trời nắng gắt với cái nắng tháng ba, ai nấy nhuể nhãi mồ hôi. Có ai đó nghĩ là chỉ cần một đóm lửa nhỏ, chẳng hạn như mẫu tàn thuốc vứt xuống sẽ bừng cháy cả khu rừng. Ấy vạy mà nhiều năm qua, khu rừng 80 ha, bạt ngàn cây tràm, cây sao, cây xà cừ vẫn được bảo tồn một cách an toàn, để cho ngày hôm nay trở thành một khu rừng sinh thái tự nhiên, phủ màu xanh tươi mát cho núi Dinh.

Quản lý được khu rừng đầy hiệu quả như thế không phải là trạm kiểm lâm nào mà là một ngôi Chùa chính gọi là Tổ Đình Linh Sơn Tự, được xây dựng từ năm 1967, do cố Hòa thượng Thích Thiện Phước Trụ trì, nay là Ni Sư Thích Nữ Diệu Hòa. Ni Sư Diệu Hòa cho biết, khu rừng là một đại tùng lâm với gần 100 Chùa, Tịnh Xá, Am, Cốc, hơn 150 Tăng Ni, Tịnh Nhơn tu tập và bên cạnh đó là bảo vệ rừng theo tinh thần đạo pháp bất ly thế gian pháp (đạo không tách rời thế gian). Ban đầu, các Tăng Ni trồng rừng để có củi nấu cơm, dựng Am, cất bếp, hiên nay đã có những loại cây được dùng để làm nguyên liệu chế biến giấy, làm giường, đóng tủ, vừa có lợi ích cho Nhà Nước vừa tự túc được kinh tế cho Chùa. Ngừng một lát, Ni Sư Diệu Hòa hướng dẫn chúng tôi tham quan thắng cảnh, giới thiệu từng loại cây quanh khu vực Chùa, thỉnh thoảng chúng tôi phải phì cười vì vài chú khỉ trèo trên cây cao nghiến răng trèo trẹo, như muốn trêu chọc mọi người. Ni Sư bảo: “Ở đây không một ai đụng đến chúng nên con cháu Tôn Ngộ Không phá phách dữ lắm. Có khi chúng chạy vào chổ Đại hồng chung cầm chày đánh chuông thay tu-sĩ”.

MỘT THỜI THIỀN LÀ MỘT BUỔI TUẦN TRA.

“Chúng ta bảo quản rừng như thế nào?”, tôi hỏi. Ni Sư không trả lời ngay mà mời chúng tôi đi xuống lưng chừng núi, chỉ vào Điện Kim Cang, nơi có một sư áo vàng bước ra, khoan thai đi giữa rừng tràm. “Đó là một thời công phu gọi là hành thiền, các sư vừa đi vừa nương theo nhịp thở, vừa tĩnh giấc xem động tịnh chung quanh. Mỗi sư tùy theo ý thích của mình hành thiền theo giờ khác nhau. Nhờ vậy, từ chân núi lên đến đây lúc nào cũng có bóng dáng nhà Sư xuất hiện, kẻ gian muốn phá rừng, chặt cây cũng khó có cơ hội hành động tùy tiện”. Nghe Ni Sư giải thích chúng tôi hiểu đó cũng là một cách tuần tra. Với 12 Ban Nông Thiền, mỗi Ban gồm 12 người, phân công nhau chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng để cho mỗi Am Cốc, Chùa, Tịnh Xá là một chồi giữ gìn màu xanh cho rừng núi, thật không khác gì một trạm kiểm lâm thực sự, khác ở màu áo mà thôi.

Từ giã khu rừng Tràm núi Dinh, theo lời giới thiệu của Ni Sư Diệu Hòa, chúng tôi đến Quan Âm Tu Viện, Phường Bửu Hòa, Thành Phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nơi quản lý trực tiếp quản lý mọi hoạt động của Tổ Đình Linh Sơn về công tác trồng và bảo vệ rừng. Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác, Viện chủ Quan Âm Tu Viện là một Nữ Tu Già, khoảng 65 tuổi nhưng tinh thần minh mẫn lạ thường, đạo phong của người toát ra nét thanh tịnh thuần khiết. Bằng chất giọng trầm trầm mà vang xa. Ni Trưởng Huệ Giác cho biết Hệ thống Tự Viện gồm hơn 100 ngôi Chùa, Tịnh xá ở khắp Miền Tây Đông Nam Bộ: Từ năm 1982 bổn viện nhận 150 Ha đất hoang của rừng, tự trồng, tự hưởng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai (cũ). Hòa Thượng Tôn Sư Thích Thiện Phước phát động toàn thể Tăng Ni trong Tông Môn trồng cây gây rừng, phủ màu xanh cho rừng núi, mỗi người trồng ít nhất là 100 cây tràm, điều, bạch đàn, sao…) Sau 2 năm mầm xanh đã nhú lên trên mặt rừng khô cằn, hạt ươm ngày nào trở thành những cây con lố nhố khắp nơi. Nhận thấy hiệu quả ấy Cục Kiểm Lâm tỉnh Đồng Nai giao thêm đất rừng cho Quan Âm Tu Viện quản lý.

Đến năm 1984, nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ. Ni Sư Huệ Giác lần đầu tiên trong tỉnh nhà phát động phong trào trồng cây gây rừng. Tham gia vào buổi kể có ông Phạm Văn Hy Bí Thư Tỉnh Ủy, ông Lê Hữu Sanh Giám đốc Sở Nông Lâm Nghiệp thời bấy giờ. Bắt đầu từ khu rừng ở ấp 5 xã Long Phước, huyện Long Thành, trãi dài cho đến núi Dinh, xã Hội Bài, huyện Tân Thành – NV). Quan âm Tu Viện đã quản lý được khu rừng đóng trên địa bàn 2 tỉnh với diện tích 350 Ha. Duy trì được đến hôm nay. Ni Trưởng nói, đã được tỉnh nhà công nhận là khu rừng điểm. Nhiều Bằng khen, Giấy khen của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh, cục Kiểm Lâm Tỉnh…đã xác nhận hiệu quả công tác bảo vệ rừng của hệ thống Tự Viện Quan Âm Tu Viện, các đoàn khách tham quan nước ngoài như Thụy Điển, Uc, Nhật đã đến lúc học phương thức nêu trên.

Hiện nay mới bước vào đầu năm mới 2003 trong toàn quốc đã xảy ra 2 vụ cháy rừng trong 5 ngày vào ngày mùng 2 và mùng 6 Tết tại rừng U Minh, tỉnh Cà Mau, các tỉnh Tây Nguyên. Đông Nam Bộ đang đối đầu với hạn hán kéo dài thì nguy cơ cháy rừng càng thêm báo động. Trong bối cảnh đó, với công tác bảo quản rừng hiệu quả trong 20 năm qua của Quan Âm tu Viện cũng là một trong những kinh nghiệm đáng quý để tham khảo và học tập. Từ giã Ni Trưởng Huệ Giác tôi còn ghi nhớ câu nói của người: “Bổ củi là thần thông, trồng cây là diệu dụng, xách nước là công đức…Tất cả đều có thể tu trong mọi hoàn cảnh thực tế”. Đến đâu tôi nhớ lại hình ảnh Nhà Sư áo vàng chậm rãi đếm bước chân trên lá khô xào xạc mà xa hẳn “mộng tưởng điên đảo đạt tới cứu cánh Niết bàn”.

NGUYỄN XUÂN THIỀN LÂM

 

 



Có phản hồi đến “Những Người Giữ Rừng Mặc Áo Nâu Sòng Tại Tổ Đình Linh Sơn”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com